012-THẦY SABAS THÂN, ÔNG THẦY CHẾT NGHẸN
Tác giả: Lm Mai Thiện
1. Giới thiệu
Nhân dịp giỗ thầy Thầy Xáp-Ba (Sabas ) Nguyễn Công Thân 25 năm,
qua đời ngày 15 tháng 7 năm 1997 , ghi lại đôi nét về một Đan sĩ Phước Sơn , thầy là một tu sĩ khá đặc biệt ở trong cộng đoàn.
Thầy mang tên Nguyễn Công Thân, có người khôi hài gọi là Nguyễn “cong” Thân, vì thầy có cái lưng vặn vẹo, cong cong. Dầu sao dáng thầy cao lớn, thời trẻ rất bô trai, về già vẫn đẹp lão , da dẻ hồng hào.
2. Bi giam tù
Thầy thuộc về các bậc tiền bối, vào thời những năm 1940 tức là sau khi cha tổ phụ qua đời.
Năm 1953 thầy bị bắt giam mấy tháng ở trại tù Ba Lồng thuộc tỉnh Quảng Trị. Thầy bị giam vì bị nghi ngờ, chứ thầy không dính dáng gì đến chính trị. Mà thời buổi đó tình hình xã hội rất phức tạp.
3. Dòng Phước Sơn ăn canh ổi
Trong thời gian ở Phước Sơn Quảng Trị, thầy được bề trên giao cho công tác chăm nom vườn cây ăn trái. Có lần thầy đưa vào nhà bếp mấy trái ổi. Đầu bếp thấy hay hay thì bằm ra bỏ mấy trái ổi đó vào nồi canh, làm “món canh ổi”. Có lẽ chỉ một lần duy nhất thôi, nhưng sau này cái tiếng “dòng Phước Sơn ăn canh ổi” cứ còn mãi như một sự khôi hài . Mang tiếng “ăn canh ổi “ nghĩa là ăn uống kham khổ , chả có cái gì nấu nữa nên nhà bếp phải nấu mấy trái ổi. ..
4. Ông thầy dễ thương
Thầy là người dễ thương, một đời âm thầm lặng lẽ cùng cộng đoàn qua bao biến cố vui buồn. Năm 1978 sau khi nhà dòng ở Gò Công Thủ Đức giải tán, thầy được bề trên cử về Bình Triệu, sống một nhóm năm anh em tại đó khoảng mười lăm năm, vài năm cuối đời thầy được chuyển về dòng Phước Sơn Phước lộc để tiện việc chăm sóc tuổi già.
5. Tính tình đơn sơ …
Trên lý thuyết, tuổi già không còn sức lao động, là tuổi nghỉ ngơi. Lý tưởng mà nói thì các cụ già sẽ như “ngọn đền chầu Thánh Thể” thay cho biết bao anh em khác tuổi trẻ lăng xăng chuyện đời!
Tuy nhiên thầy già không hẳn đã thoát tục, người của “cõi trên”, vì thế thỉnh thoảng thầy già cũng đi đây đó ra bên ngoài “chúc lành” cho thế gian một chút. Nhưng ra giữa đời thì không thích nghi được với đời, nơi mà người ta thường gọi là “thế gian”, đầy lọc lừa. Có lần thầy mang cái túi hành trang đi xe buýt, lúc xuống có một bé gái “cháu cháu ông ông” thật ngọt ngào, “để cháu xách đồ dùm cho ông”. Thầy già giao túi đồ cho nó, xuống xe là nó nhanh chóng biến mất. Cũng may, trong túi đồ chẳng có gì đáng giá, còn giấy tờ tiền bạc đi đường thì thầy bỏ trong túi áo! (Thầy cũng còn khôn chán!).
6. Ông thầy thích “giảng”
Ông thầy thích viết lại những suy tư đạo đức trong một cuốn sổ riêng, lâu lâu đem ra hâm lại. Ông cũng thích chia sẻ, có phần “giảng”.
Đôi khi đám trẻ nghịch tặc trêu chọc. Có lần một thầy trẻ thưa: “con chán Chúa lắm rồi thầy ơi, bây giờ làm sao hả thầy? Thầy bị “sập bẫy”, nhưng hồn nhiên vội vàng khuyên bảo. Thầy mới mở miệng chưa kịp “giảng” thì thầy trẻ đã phá lên cười và chuồn lẹ.
Xem ra thầy thích chia sẻ đời sống thiêng liêng, nói thầy ham “giảng” thì tội nghiệp thầy quá. Nhưng những lời khuyên bảo của thầy cũng có lúc hiệu quả ngoạn mục, như chuyện kể có ông thầy bạn là Athanatio Triệu , ông thầy này gặp lúc “tối tăm” ơn gọi, tính xin hoàn tục, nhờ thầy Xáp-ba khuyên bảo kịp thời mà thầy ở lại, được ơn bền đỗ đến cùng.
7. Ông thầy sợ gió
Thầy có tiếng là người sợ gió, mặc dù cao lớn, có phần vạm vỡ. Không biết có bị in trí, thành kiến không nhưng thầy có một chỗ riêng biệt ở trong nhà nguyện. Thầy cũng chấp nhận như vậy chứ không mặc cảm gì. Thầy bằng lòng với cái “thế giới riêng”, cái chỗ của mình, còn mấy cái quạt quay quay, cửa đóng hay cửa mở thì thầy bất cần!
8. Sợ chết phải hỏa thiêu
Thầy rất sợ khi chết thì phải hỏa thiêu. Thầy chỉ mong ước khi chết thì được an táng. Có người trêu chọc: “coi chừng chết thì sẽ hỏa thiêu đó”, thầy mới phán rằng: “ông mà đốt tôi, tôi về tôi đốt ông! “.
Thầy nói vậy thôi, khi chết thì thầy cũng được an táng như lòng nguyện ước chứ không ai đem đi hỏa thiêu!
Dù sao đi nữa chết rồi thì thiêu hay chôn, thân xác cũng trở về cát bụi lặng câm mà thôi!
Có lần tôi hỏi thầy: “thầy có sợ chết không thầy? “. Thầy bảo “sống là sống cho Chúa , chết là chết cho Chúa! “. Có lẽ câu trả lời có hơi tránh né với câu hỏi, nhưng dùng một câu Lời Chúa để trả lời câu hỏi là thầy khôn lắm, chẳng phải tay mơ…
10. Chết nghẹn
Cái chết của thầy xảy ra bất ngờ không giống ai. Thầy đau nặng khá lâu, nhưng vẫn ăn uống dầu nhiều khó khăn. Không rõ ông thầy trẻ đến phiên chăm sóc thế nào, đút cho thầy ăn mà thầy bị nghẹn, thầy ú ớ mấy lời rồi nghẹt thở, mau chóng ra đi!
Ông thầy trẻ hoảng sợ cuống cuồng mà chẳng biết làm sao.
Con người ta sống mỗi người mỗi tính và chết mỗi người mỗi cách!
Sau này có người biết về y tế nói rằng nếu gặp người mắc nghẹn, giơ hai cánh tay của bệnh nhân lên xuống có thể giúp họ thở lại được!
Nhưng đối với thầy Xáp-ba thì trễ rồi, thầy ra đi trong thánh ý Chúa nhiệm mầu…