Trích bài giảng tĩnh tâm tháng 7 năm 2020, cha NĐT (Nguyễn Đức Thông dòng CCT)
Lm Mai Thiện lược ghi.
Gr 1,4-10 20,7-18
THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG – CHƯA BÀ XÃ, ĐÃ LO CHO QUÝ TỬ
1.Sách Giê rê mi a : “Trước khi ngươi hình thành trong dạ mẹ ngươi, Ta đã biết ngươi. Trước khi ngươi lọt lòng mẹ ngươi , Ta đã thánh hiến ngươi. Ta sai ngươi đi, ngươi cứ đi. Ta bảo ngươi làm gì, ngươi cứ làm….”.
Chúa bảo Chúa biết ta, Chúa thánh hóa ta, đừng sợ ai trên trần gian này. Từ thuở đời đời, ngài đã có kế hoạch cứu độ ta, làm cho ta được nên như ngài. Những cha mẹ trần gian nào mà có lòng một chút, có lương tâm một chút thì bao giờ cũng quan tâm đến con cái.
Thiên Chúa còn hơn cha mẹ ta ngàn vạn lần.
2.CÂU CHUYỆN MINH HỌA.
Người bạn mới 15 tuổi đã nghĩ đến đứa con tương lai
Tôi nhớ là khi còn nhỏ, tôi có một anh bạn. Năm 12 tuổi khi tôi đi tu thì anh bảo “tao không đi tu đâu. Mày đi tu thì đi chứ tao không đi!”. Rồi cứ kỳ hè ở chủng viện về, tôi lại đến thăm bạn và tôi nhớ có một lần, ở giáo xứ chúng tôi năm 1960 cha sở đã chọn nguyên một quả đồi, rộng khoảng một cây số vuông, lập giáo xứ, trên đỉnh là nhà thờ. Gần đó là quốc lộ một.
Nhà tôi ở bên kia thung lũng, hôm ấy hai anh em đi chơi với nhau, khi băng qua đường thì gặp một ngôi trường, 300 mét nữa mới tới một con suối. Hai anh em đang đi như thế thì trời mưa, không đi được nữa, thế là tôi với anh bạn đi vào trong trường, cái trường ấy bẩn thỉu, mùi xú uế xộc vào mũi, chẳng có ai quan tâm săn sóc, bàn học thì cái nằm cái đứng. Tường thì nó viết đủ mọi thứ lên trên, rồi phân heo, phân chó, chó chết mèo chết người ta cứ quăng bừa vào trong sân trường. Không đi vào trong lớp được thì đứng ngoài hành lang, anh bạn tôi nói :”không, mai mốt mình có con mình không cho con học ở cái trường như thế này!”. Lúc đó anh bạn tôi mới mười lăm tuổi, chưa có bồ mà đã nghĩ tới có con. Quyết không để cho con học ở cái trường như thế!
3. Anh bạn chưa vợ, nhưng đã dành dụm, chuẩn bị tiền bạc cho đứa con tương lai.
Rồi lớn lên một chút, chúng tôi cùng học đại học với nhau. Đại học sư phạm, anh ấy học môn toán tôi theo môn văn. Vào kỳ nghỉ hè chúng tôi đi chấm thi, thường là gặp nhau. Có một lần, gặp nhau ở trường Ngô Quyền Biên Hòa. Buổi trưa ăn cơm, anh ta nói rằng:”tớ đã để dành cho con tớ được mấy triệu. cứ mỗi tháng, khi lãnh lương xong là trích một ít gửi vào tài khoản ngân hàng. Anh ấy bảo, cứ đà này thì khi con mình được 15,16 tuổi, nếu mình có chết đi thì nó cũng đã có một gia tài để nó đủ xoay sở cho tương lai của nó. Lúc ấy anh ta vẫn chưa có vợ.
4. Anh bạn lấy vợ, xây nhà, làm rào chắn cho đứa con tương lai.
Rồi đến lúc lấy vợ, anh đã xây được một cái nhà xinh lắm, đẹp lắm. Cũng ở lưng chừng đồi, cách nhà khoảng 50m có một con suối. Bên suối có mấy cây tre… Anh ta bảo: “ê cậu, đến làm phép nhà cho tớ!”. Bạn bè có bốn đứa hay đi với nhau. Tôi tới nhà anh ta trước.Tôi tới sớm, anh ấy bảo sao tôi tới sớm thế? Anh ta dẫn tôi ra sau nhà uống cà phê. Công nhận rằng phía sau nhà khung cảnh đẹp thật! Có suối, có chim đậu trên cành tre, thơ mộng lắm! Nhưng có mấy chấn song hơi chướng. Tôi bảo:”cảnh đẹp vậy mà cậu làm mấy chấn song này làm gì?Làm cho tôi ngồi uống cà phê mà có cảm giác như đang ở trong tù, đang ngồi trong chuồng heo…”. Anh ta cười cười, bảo: “lúc đầu, tôi không nghĩ là tôi sẽ làm mấy cái chấn song này, nhưng mà tôi nghĩ đi nghĩ lại, nếu mình không làm mấy cái chấn song, mai mốt con mình nó đi, nó trượt chân rớt xuống thì chết! Thôi thì thà xấu nhà, còn hơn chết con!
5. Anh bạn chưa có con mà cứ nghĩ, cứ lo cho con tương lai.
Đến khi anh ta có vợ, chưa có con, nhân dịp đi họp lớp, trời vừa mưa xong thì chúng tôi đi, bên ngã tư đường, có một khoảng đất rộng, mấy đứa nhỏ ra đá banh. Nước tung tóe, tôi nghe rõ anh ấy nói với chị vợ: “Em, coi kìa! Mai mốt có con, không được để cho chúng nó chơi như thế! Để cho con chơi như thế, vừa bẩn, vừa nguy hiểm!”.
6. KẾT: Chưa có con, mà đã nghĩ tới chúng nó, cha mẹ mình là như thế. Thiên Chúa hơn cha mẹ ta ngàn vạn lần.
Ngay từ thuở đời đời, khi ta chưa có, ngài đã nghĩ tới ta, và có cả một chương trình rất lớn dành cho ta, để cho ta được nên như ngài. Đó là kinh nghiệm của Giê rê mi a.