ANH EM HÃY SÁM HỐI VÀ ANH EM SẼ SỐNG

ANH EM HÃY SÁM HỐI VÀ ANH EM SẼ SỐNG

Lá thư Mùa Chay năm 2021 của Tổng Phụ, Dòng Xitô

Anh Chị Em thân mến!

Khoảng thời gian khác thường mà chúng ta đã sống trong hơn một năm qua có thể đã trở nên thời gian bình thường. Không phải vì chúng ta đã quen với những bất tiện hay những khó khăn do đại dịch gây ra, hay là ít đau buồn hơn đối với những người trở nên nạn nhân của nó, mà bởi vì chúng ta nhận ra rằng thời gian này là một thực tại mà chúng ta phải trải qua, chứ không phải là “bỏ qua”, và không có gì bình thường hơn là sự thực tại. Chúng ta cũng có thể nói rằng chính sự khác thường của thời gian này đã làm cho nó trở nên bình thường; bởi vì nếu chúng ta chú ý và ý thức, chúng ta sẽ nhận ra rằng thực tại luôn khác thường, thực tại luôn khác lạ hơn sự bình thường mà chúng ta mơ ước.

Nếu chúng ta sống sự thực tại của cuộc sống với ý thức rằng trong mọi khoảnh khắc, mọi thứ đều do Thiên Chúa tạo ra và ban tặng, chúng ta sẽ nhận ra rằng thực tại luôn là một điều kỳ diệu, và chúng ta cũng sẽ sống những thời kỳ khủng hoảng trong sự kinh ngạc, và qua tất cả mọi sự, chúng ta được mời gọi tỏ lòng kính tôn Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa và là Cha. Đây là cách mà Chúa Giêsu đã sống từng giây phút trong cuộc đời của Ngài trên thế gian.

Thực tại đòi hỏi chúng ta điều gì?

Giống như bây giờ, khi mà thực tại đang ở trong sự khủng hoảng và bộc lộ bộ mặt đầy bi kịch của nó, chúng ta nhận ra rằng nó đòi hỏi chúng ta nhiều hơn, nó khiến chúng ta cảm thấy một cách mạnh mẽ hơn đối với vấn nạn của nó, đối với sự đòi hỏi về ý nghĩa của nó. Nó không chỉ là thực tế của cơn đại dịch vốn đòi hỏi chúng ta phải đưa ra một câu trả lời. Thực tại của con người luôn đầy kịch tính, đó luôn là một vấn nạn không có hồi kết. Thậm chí tình trạng của Toàn Dòng chúng ta, tình hình của mỗi cộng đoàn và từng cá nhân, luôn rất bi đát, luôn trong tình trạng “khủng hoảng”, và vì lý do này, nó đòi hỏi nơi chúng ta một điều gì đó. Chúng ta bị tra vấn bởi sự mong manh nơi các cộng đoàn của chúng ta, bởi sự thiếu hụt ơn gọi hay ít bền đỗ trong ơn gọi, bởi chủ nghĩa cá nhân hay thiếu sự nhiệt thành, bởi sự thiếu hụt niềm vui nơi nhiều người chúng ta khi sống đức tin và ơn gọi. Nhưng chúng ta cũng bị tra vấn nhiều hơn bởi một thực tại có nhiều thành viên của Dòng, cũng như của toàn thể Giáo Hội đang âm thầm sống một đời sống rất thánh thiện, đầy trung tín, luôn sẵn sàng hy sinh và phục vụ. Khi tôi nhận thấy một lòng trung tín anh dũng và, dĩ nhiên với trọn niềm hân hoan của biết bao anh chị em đan sĩ, của rất nhiều giáo dân hay mục tử trong Giáo hội, hoặc có thể là của cả những 1

người ngoại đạo nữa, tôi không khỏi cảm thấy bị tra vấn, được mời gọi đưa ra câu trả lời mà Chúa cũng đòi hỏi ở nơi tôi.

Nhưng đâu là câu trả lời thỏa đáng cho tất cả vấn nạn của thực tại hiện nay?

Trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng thực tại đòi hỏi chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta có thể cho hoặc là. Thực sự chúng ta không có khả năng để trả lời cho vấn nạn quá lớn và không hồi kết của thực tại này. Vậy phải làm gì đây? Chúng ta làm ra vẻ như không có vấn đề hay sao? Nhưng trên thực tế, tấn bi kịch của tình hình hiện nay khiến người ta ngày càng khó thoát khỏi vấn nạn dai dẳng của thực tại. Chúng ta cần có khả năng để đưa ra một câu trả lời, mặc dù không đến từ chúng ta, mà nó thực tiễn với thực tại đang đòi hỏi nhiều ở chúng ta.

Thời gian của Mùa Chay, cũng như những lời nhắc nhở không ngừng của Đức Thánh Cha và những chứng tá của các Thánh, nhắc nhở chúng ta về một câu trả lời mà chúng ta có thể biểu lộ, ngay cả khi chúng ta chưa có được. Câu trả lời đó là sự hoán cải.

Ân sủng của các ân sủng

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc Tông thư cao quý Patris Corde, dâng kính Thánh Giuse, với một câu đáng kinh ngạc: “Không có gì còn lại khác hơn là cầu xin với Thánh Giuse ban cho chúng ta ơn của các ơn: đó là ơn hoán cải. (§ 7)

Quả thật, sự hoán cải của chúng ta là một ân sủng, hay đúng hơn là: ân sủng của các ân sủng, vì nó mở ra cho chúng ta tất cả những hồng ân mà Thiên Chúa muốn thực hiện nơi chúng ta, và đỉnh điểm là hồng ân được kết hợp vĩnh viễn với Người trong sự sống đời đời. “Anh em hãy hoán cải và anh em sẽ được sống”, là lời hứa mà Chúa đã hứa với con người qua ngôn sứ Ezekiel (18,32). Nhưng sự hoán cải của chúng ta không chỉ là ân sủng mà chúng ta phải cầu xin: đó còn là điều Chúa đòi hỏi đối với sự tự do của chúng ta. Thật vậy, khi bắt đầu cuộc đời công khai của mình, Chúa Giêsu đã đưa ra sự đòi hỏi mà thực tại đặt ra cho chúng ta, và mạc khải cho chúng ta câu trả lời mà chúng ta được mời gọi đáp trả: “Anh em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15); “Anh em hãy hoán cải, vì nước trời đã gần đến” (Mt 4,17).

Nếu chúng ta không muốn bỏ qua thực tại này mà không đưa ra bất cứ lời giải đáp nào như là nó đòi hỏi nơi chúng ta, và nếu chúng ta không muốn trở nên thụ động và vô dụng khi đối diện với cuộc khủng hoảng toàn cầu trong thời điểm hiện tại, thì điều quan trọng là chúng ta phải đón nhận hồng ân hoán cải như là một lời đáp trả đối với Đức Kitô, Đấng cho chúng ta đưa ra lời giải đáp cho toàn bộ thực tại.

Thực thi sự hoán cải của chúng ta một cách nghiêm túc là một trách nhiệm lớn lao, bởi vì Thiên Chúa, một cách huyền nhiệm, đã đặt để lời giải đáp trong sự hoán cải của chúng ta đối với vấn nạn đầy kịch tính của toàn thế giới. Toàn bộ lịch sử của truyền thống đan tu Kitô giáo, từ Thánh viện phụ Anton cho đến anh chị em đan sĩ thánh thiện ngày nay, chẳng hạn như các Huynh Đệ chân phước ở Tibhirine, luôn được tác động bởi ước muốn đón nhận sự hoán cải như là một lời đáp trả mà Chúa Kitô cho chúng ta được đón nhận và chuyển tải ý nghĩa đến cho vấn nạn của toàn thể nhân loại. Đến nỗi Thánh Biển Đức đã biến nó thành một trong ba lời khấn thiết yếu khi sống trong đan viện: lời khấn conversatio morum, có thể được dịch một cách thoáng như sau “cuộc hành trình hoán cải chung trong cuộc sống”, nghĩa là một cuộc sống được hướng dẫn bởi sự vâng phục trong sự vĩnh cư nơi cộng đoàn, cho phép chúng ta không ngừng canh tân theo Tin Mừng, bước theo Chúa Kitô (xem TL 58,17).

Nỗi sợ hoán cải

Bởi vì dùng dụ ngôn để nói, nên khi giải thích, Chúa Giêsu đã trích một đoạn trong sách Isaia, trong đó sự kết luận về những người chống đối sự mạc khải của Thiên Chúa nơi Đức Kitô được giải thích là “nỗi sợ hoán cải” (x. Mt 13,15; Mc 4,12; Is 6,10). Ngay cả Thánh Phaolo, đối mặt với sự phản kháng của người Do Thái ở Roma, cũng đã trích dẫn những lời này của Isaia và quyết định ưu tiên việc loan báo Tin Mừng cho dân ngoại (xem Cv 28,25-28).

Sự hoán cải, theo nghĩa mặt chữ, là “trở về” với Chúa là Đấng cứu chuộc và chữa lành chúng ta. Vậy nỗi sợ hoán cải đến từ đâu? Chúng ta phải nhận ra rằng nỗi sợ hãi này thường hiện hữu trong mỗi chúng ta, và đôi khi nó ngăn chặn cuộc hành trình và sự tự do của cả cộng đoàn.

Tại sao chúng ta lại sợ hoán cải? Có lẽ bởi vì chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân và sống mọi thứ trong chân trời khép kín và biệt lập của “cái tôi” của chúng ta. Sự hoán cải muốn phá vỡ sự khép kín này. Thực sự, hoán cải có nghĩa là trở về với Đấng mà chúng ta thuộc về. Trong dụ ngôn người cha nhân hậu trong Luca 15, cuộc hoán cải bắt đầu khi người con thất lạc, cho đến khi bị giam hãm trong cuộc tìm kiếm chính mình, đã đẩy xa anh ta ra khỏi người cha và người anh, anh ta hiểu rằng cuộc đời mình chỉ có thể được tái sinh bằng cách trở về nhà: “Tôi sẽ trở về nhà cha tôi” (Lc 15,18). Thánh Phero cũng mô tả việc hoán cải là việc trở về của những con chiên lạc với Vị Mục Tử nhân lành của các linh hồn: “Trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em.” (1 Pr 2,25).

Tại sao phải sợ điều này? Chắc chắn có một lý do, đó là thiếu ý thức và kinh nghiệm về sự hiền dịu của Chúa. Nhưng chỉ khi trở về với Ngài, con người mới có thể cảm nghiệm được sự nhân từ thương xót, giống như đứa con hoang đàng, trở về nhà chỉ như là một người công nhân đón nhận lương thực cần thiết, thay vào đó, họ khám phá ra rằng sự hoán cải của mình đã đưa mình đến với cái ôm đầy tình phụ tử thấm đượm sự dịu hiền và lòng thứ tha giúp họ có khả năng trở nên người con và người anh em trọn vẹn (x. Lc 15,20-24). Con chiên lạc trở về với bầy, khám phá ra niềm vui vô bờ bến mà người mục tử cảm thấy khi tìm được nó (x. Lc 15,4-7).

Nhưng không chỉ thiếu ý thức về sự tốt lành của Thiên Chúa khiến chúng ta sợ hãi sự hoán cải, chúng ta thường không trở về vì chúng ta sợ từ bỏ quyền tự chủ mà chúng ta quan niệm là cứu cánh của cuộc đời mình. Chúng ta sợ phó thác bản thân (cho Chúa), bởi vì chúng ta nghĩ rằng sự tham vọng tự cứu mình là một không gian của tự do và của sự tự thực hiện cho chính chúng ta. Tạ ơn Chúa, sự không thỏa lòng và sự trống rỗng mà chúng ta cảm thấy khi sống theo cách này đã thúc đẩy chúng ta thoát ra khỏi sự khép kín để bắt đầu phó thác bản thân cho một Đấng Khác mà sau đó chúng ta khám phá ra đó chính là Vị Mục Tử và là người Cha tốt lành. Tóm lại, chúng ta bắt đầu hiểu rằng để được tự do, chúng ta cần một sự Cứu Chuộc mà chúng ta không phải là người thực hiện. Sự sợ hãi về sự hoán cải chỉ bị loại bỏ bởi sự cần thiết thẳm sâu của chúng ta về ơn Cứu Chuộc.

Biến đổi bởi cái nhìn của Ngài

Khi sự cần thiết về sự Cứu Chuộc khiến chúng ta quay trở về, dù chỉ về mặt bề ngoài, với một Đấng Cứu Chuộc khác không phải là chính mình, và chúng ta trải qua một cuộc gặp gỡ mới với Ngài, thì một hành trình hoán cải thẳm sâu hơn bắt đầu nơi chúng ta. Vấn đề không chỉ là trở về với Chúa, mà còn là để chúng ta được biến đổi bởi ân sủng của Ngài. Trước hết, điều mà Tân Ước gọi là metanoia, tức là một sự biến đổi của tâm trí, linh hồn, tư tưởng, con tim; thay đổi quan niệm mà chúng ta có về bản thân, về Chúa, về tha nhân và về mọi thực tại. Nếu chúng ta trở về với “Vị Mục Tử và chăm sóc linh hồn chúng ta” (x. 1 Pr 2,25), thì chính Ngài đưa chúng ta đi vào cuộc hành trình hoán cải, trong đó Thần Khí sẽ biến trái tim chai đá của chúng ta thành trái tim bằng thịt, hiền lành và khiêm nhường như tấm lòng của Người Nazareth (x. Ez 36,26).

Việc biến đổi con tim này chỉ trở nên khả thi chỉ khi trở về với Chúa Giêsu Kitô. Trở về với Chúa có nghĩa là tìm thấy chính mình trong một không gian dưới cái nhìn của Ngài, trong không gian mà Khuôn mặt của Ngài hướng về chúng ta, trong không gian của lòng trắc ẩn và sự ủi an của Ngài, của lòng thương xót của Thiên Chúa Cha mà Chúa Giêsu thông truyền cho chúng ta, trong không gian của tình bạn hữu của Người. Trở về với Đức Kitô có nghĩa là tìm thấy chính mình trong mối tương quan của tình bạn với Đấng Cứu Chuộc con người. Không gì có thể biến đổi chúng ta và biến đổi chúng ta tốt hơn sự Cứu Chuộc mà Đức Kitô thực hiện trên Thập Giá. Sự Cứu Chuộc biến đổi chúng ta một cách sâu sắc đến nỗi nó tái sáng tạo chúng ta trong tình bạn hữu mang tính con thảo đối với Thiên Chúa.

Trở về với Chúa Giêsu – nhưng trên thực tế, chính Người luôn đến với chúng ta trước và tìm kiếm chúng ta ngay cả khi chúng ta ở rất xa Thiên Chúa – cho phép sự hiện diện của Người biến đổi tâm hồn chúng ta chỉ bằng một cái nhìn, như Phero trong sân của thầy thượng tế (x. Lc 22,61-62), và trên hết là trên bờ biển khi Chúa Giêsu – ai mà biết là bằng cái nhìn nào! – Ngài đã xin Phero tình yêu của ông và xin ông chăn dắt đàn chiên của Ngài bằng một quả tim mới mà Ngài ban cho (x. Ga 21,15-17). Trong cuộc gặp gỡ này với Đấng Cứu Chuộc Phục Sinh, giờ đây, Phero nhận ra bản thân mình qua Chúa Giêsu rõ ràng hơn là từ chính ông hay từ nỗi khổ cực và bất trung của chính mình. Ông nhận ra bản thân được định rõ bởi một tình yêu lớn hơn giới hạn của ông, hơn tội lỗi của ông, hơn sự phản bội của ông, và hơn cả nỗi sợ hãi của ông là không biết yêu Chúa Kitô và anh em của mình cho đến chết là như thế nào.

Chính trong mối tương quan với Chúa Giêsu, chúng ta được hoán cải thực sự, đã thay đổi con tim của chúng ta. Không phải do khả năng và công lao của chúng ta, mà là bởi ân sủng. Toàn bộ nỗ lực của chúng ta khi hoán cải là trở về với Ngài, hướng về Ngài, về Đấng mà mọi sự đều quy hướng về chúng ta đến độ trở thành người phàm và tự mình gánh lấy cái chết và tội lỗi của chúng ta.

Chúng ta phải suy nghĩ về điều này khi chúng ta trở lại với tất cả những gì làm cho Chúa hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, như Thánh Biển Đức mời gọi chúng ta khi nói về Mùa Chay (TL 49). Chẳng hạn, khi chúng ta trở về với đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, với các bí tích, với Lời Chúa, với giáo huấn của Hội Thánh, hoặc với anh chị em cần chúng ta, với những người nghèo đang ở ngoài cửa. Tất cả những sự “trở về” với Chúa khiến chúng ta bước vào không gian mà Ngài thay đổi tâm hồn chúng ta. Tất cả những sự “trở về” với Đấng Cứu Chuộc mở ra cho chúng ta sự ngạc nhiên và điều thần diệu khi khám phá ra rằng chính nơi mà chúng ta sợ hãi bước đi thì chúng ta gặp được Chúa Giêsu và để Ngài ban cho chúng ta một trái tim mới, tràn ngập yêu thương và hân hoan. Đó là sự ngạc nhiên phục sinh quá đỗi lớn lao của các môn đệ ở Emmaus: “Không phải lòng chúng ta bùng cháy trong khi Người trò chuyện với chúng ta trên đường đi sao?” (Lc 24,32).

Lễ vật của chúng ta trong tay Đức Kitô

Sự trở lại với Đức Kitô là của lễ thực sự của cuộc đời chúng ta, và của tất cả những gì chúng ta đang sống. Lễ vật Kitô giáo luôn có bản chất từ Thánh Thể, luôn đặt mình như là bánh và rượu, hoặc năm cái bánh và hai con cá, trong tay Đức Kitô Cứu Thế là Đấng liên kết chúng ta với của lễ của Ngài dâng lên Chúa Cha để trao ban ơn cứu độ cho thế gian.

Gần đây tôi đã chia sẻ với một nhóm người dấn thân vào thế giới công việc, vào một buổi tối, vào thời điểm cuối cùng của một trong những ngày có gì đó như là chẳng đâu vào đâu, là: kể từ khi tôi làm tổng phụ thì khá thường xuyên là những ngày mà chúng ta muốn thực hiện biết bao nhiêu, nhưng rồi có vẻ như chẳng làm được gì vì thời gian đã bị ăn mòn bởi hàng ngàn những đòi hỏi và những hối thúc, nên cuối cùng cũng tự cảm thấy mình có lỗi và lười biếng, mặc dù không thực sự biết tại sao, tóm lại: Vào cuối một ngày như thế này, tôi dừng lại để nhìn ngắm Chúa Giêsu, là một bức tượng bằng gỗ về Chúa Kitô Khổ Nạn mà tôi đã mang về từ Cracovia nhiều năm trước, trong im lặng, ngồi và suy ngẫm, với một ánh mắt đăm đăm và đầy thắc mắc. Khi đó tôi hiểu rằng chương trình mà tôi muốn đặt ra cho đến ngày nay đã phản lại tôi bởi cách tiếp cận sai lầm đối với vấn đề của cuộc sống. Tôi đã hiểu – đó không phải là lần đầu tiên, nhưng dường như lần đầu tiên mà tôi hiểu – rằng vấn đề không phải là cuộc sống được sắp xếp, trình tự hay hiệu năng, mà là nó được ban tặng. Và tôi hiểu rằng để được ban tặng thực sự, sự sống phải thuộc về Đức Kitô, thuộc quyền sở hữu của Ngài, trong tay Ngài hoặc, nhưng cũng chính là, trong Trái Tim Ngài. Bởi vì Chúa Kitô, Thiên Chúa, không bao giờ giữ bất cứ điều gì cho riêng mình. Chúa Kitô trao ban mọi sự, tất cả mọi sự Ngài và tất cả mọi sự Ngài . Nếu Ngài chiếm giữ tôi thì tức là Ngài trao ban cho tôi. Nếu tôi thuộc về Ngài thì thực ra là Ngài đang trao ban cho tôi. Nếu trọn vẹn của tôi thuộc về Ngài, thì trọn vẹn nơi tôi là cho tất cả.

Sự Cứu Chuộc, theo nghĩa đen có nghĩa là “mua lại”, nếu chúng ta đón nhận nó, nếu chúng ta để mình thông dự và để nó thấm nhập nơi mình, sự Cứu Chuộc sẽ làm cho chúng ta trở nên sở hữu của Đức Kitô, làm cho chúng ta trở nên của riêng của Ngài. Chúng ta trở thành tôi tớ của một vị Thiên Chúa không giữ gì cho riêng mình, mà trao ban cho mọi sự. Chúng ta trở thành tôi tớ của một món quà toàn vẹn, của sự “nhưng không” trọn vẹn. Sự Cứu Chuộc của Đức Kitô đã chuộc chúng ta đến với sự nhưng không của Thiên Chúa, chiếm hữu và đưa chúng ta đến với lòng bác ái, và do đó đến với sự tự do không thể tưởng tượng được nơi con người.

Có được kinh nghiệm này, hoa trái của sự hoán cải, mang lại cho chúng ta sự tự do tuyệt vời, trên hết tất cả là khỏi nỗi sợ hãi trao ban mạng sống của mình, chính xác hơn là dám đánh mất nó. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, chúng ta thường rất sợ chết. Chẳng hạn, chúng ta rất lo sợ, và đúng như vậy, tình trạng trở nên ít đi nơi các cộng đoàn của chúng ta ngày càng mong manh hơn. Nhưng nếu chúng ta cũng sống điều này như một lời cầu xin hoán cải, lời cầu xin được trở lại với Đức Kitô để phó dâng lại chính mình trong tay Ngài, thì chúng ta thấy rằng cái chết của chúng ta ngay lập tức là quà tặng của Chúa Kitô, một quà tặng của Ngài và thuộc về Ngài, và chúng ta có thể sống nó với niềm hy vọng, nghĩa là chắc chắn rằng hạt giống mà Ngài gieo xuống đất luôn luôn sinh hoa kết trái, chỉ như Ngài biết và muốn. Trong tay Chúa Kitô, chúng ta trở thành hạt giống được gieo vãi để trổ sinh mầu nhiệm vượt qua về sự Tử Nạn và sự Phục Sinh của Chúa trên cánh đồng thế gian. Chỉ điều này mới làm cho cuộc sống trở nên phong nhiêu, sinh hoa kết quả cho Nước Trời, và cho chúng ta vượt qua mọi thử thách và mọi kinh nghiệm về sự mỏng dòn với một sự bình an để làm chứng cho Cha Nhân Lành, Đấng luôn nghĩ đến mọi sự và chăm sóc mọi người.

Như Thánh Phaolo viết cho tín hữu Roma: “Đối với anh em cũng thế. Bởi được liên kết với thân thể Đức Kitô, anh em đã chết đối với Lề Luật. Giờ đây, anh em thuộc về một người khác, tức là thuộc về Đấng đã được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết, để chúng ta sinh hoa kết quả cho Thiên Chúa.” (Rm 7,4)

Hiệp nhất trên một con đường luôn rộng mở

Việc đi đến sự hoán cải và hiến dâng giải thoát chúng ta khỏi những sai lầm và những phản chứng ngăn chặn cuộc hành trình của chúng ta. Nó giống như luôn luôn có một con đường rộng mở trước mặt chúng ta, con đường của hy vọng, con đường của sự mới mẻ, con đường của một sự canh tân luôn khả dĩ. Sự hoán cải là con đường mới mà Chúa Kitô mở ra trước mắt chúng ta khi Ngài nói với chúng ta và lặp đi lặp lại, với sự dịu hiền, lời mời gọi của Ngài: “Hãy theo Thầy!”

Điều quan trọng là chúng ta đừng quên rằng chính điều này có thể làm cho chúng ta nên hiệp nhất, trong nhân loại, giữa tất cả các Kitô hữu, trong Giáo hội, cũng như trong mỗi cộng đoàn. Không phải sự hoàn hảo hợp nhất chúng ta mà là sự hoán cải. Chúng ta chỉ có thể hợp nhất trong cuộc hành trình, hướng tới sự trọn hảo của đức ái và sự thánh thiện mà tất cả chúng ta sẽ tìm thấy trên Thiên đàng.

Sự hoàn hảo trong thế giới này là sự hoán cải liên lỉ. Có lẽ chúng ta sợ sự hoán cải vì chúng ta tin rằng điều đó đòi hỏi chúng ta phải trở nên hoàn hảo chứ không phải là trên đường tiến tới sự hoàn hảo là ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta sợ bị mời gọi chết đi, chứ không phải sống trọn vẹn. Thực ra, sự hoán cải có nghĩa là bước đi cùng với Chúa Giêsu, đi theo Ngài, ở với Ngài, dẫu rằng chúng ta luôn là những tội nhân đáng thương. Còn gì đẹp hơn trên thế giới này?!

Đây là cách Thánh Biển Đức đòi hỏi các anh chị em ở mỗi đan viện hãy luôn hiệp nhất với nhau. Lời khấn Conversatio morum hiệp nhất chúng ta trên con đường canh tân; một sự hiệp nhất chỉ là đã hoàn hảo trong tình bác ái được thể hiện qua sự gánh vác sự bất toàn của nhau một cách kiên nhẫn và không khinh bỉ. Cộng đoàn sẽ đẹp đẽ biết bao khi không đòi hỏi sự hiệp nhất từ sự trọn hảo, mà là từ sự hoán cải! Bởi vì sẽ là sự hiệp nhất đến từ đức mến xuất phát đức tin được thấm đượm trong niềm hy vọng.

Đối với tất cả những ai đã được rửa tội, hoán cải có nghĩa là đáp lại ơn kêu gọi và sứ mệnh để cho bản thân mình được đón nhận ơn cứu độ để sống như con cái của Thiên Chúa, để rồi họ loan truyền sự dịu hiền của Chúa Cha cho mọi người.

Chúc anh chị em có một Mùa Chay tốt lành! Giống như Thánh Biển Đức đã dạy, chúng ta hãy cầu xin cho nhau được đón ân sủng để sống thời gian này trong sự mong đợi lễ Phục Sinh “trong hân hoan của Chúa Thánh Thần” (TL 49,6).

 

 

Mauro-Giuseppe Lepori, Tổng phụ Dòng Xitô

You May Also Like

Trả lời

X