ĐỀ TÀI:
NHỮNG NGUYÊN TẮC HƯỚNG DẪN VIỆC CANH TÂN: PHẦN B: BA LÃNH VỰC CẦN CANH TÂN THÍCH NGHI
(Sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 3)
Dẫn nhập
Ngay từ khởi nguyên Thiên Chúa sáng tạo con người, theo hình ảnh Ngài (x. St 1,26-31). Con người ngày ngày được sống thân tình với Thiên Chúa trong vườn địa đàng. Nhưng vì nghe lời Satan cám dỗ, mà phạm tội nghịch cùng Thiên Chúa. Từ khi nguyên tổ sa ngã, tội lỗi đã lan tràn làm cho con người sống xa với tình yêu của Thiên Chúa.
Lịch sử cho thấy dân Israel cũng như cuộc đời mỗi người chúng ta được Thiên Chúa yêu thương. Thế mà chúng ta đã nhiều lần phạm tội, bất tuân lệnh Thiên Chúa mà chạy theo các thần ngoại bang. Nhiều lúc chưa sống đúng với căn tính kitô hữu của mình, ngay cả những người sống đời thánh hiến là theo sát Đức Kitô, nhưng vẫn sống xa tình yêu của Người. Vì thế, nhận thấy được tình trạng ấy mà Công đồng Vaticanô II được Chúa Thánh Thần thúc đẩy và hướng dẫn trở thành tiếng nói của “ngôn sứ” để mời gọi mọi thành phần trong Giáo Hội thực hiện một cuộc canh tân trở về với tình yêu Thiên Chúa và sống đúng với danh phận của mình.
Mục đích của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII khi triệu tập Công Đồng Vaticanô II không phải là để làm một cuộc cách mạng, nhưng để canh tân Hội Thánh. Ngài không chủ trương đoạn tuyệt với những giáo huấn của Hội Thánh trong quá khứ, nhưng tìm cách bảo vệ và trình bày chúng cho thích hợp với thời đại. Trong diễn từ tuyên bố triệu tập Công Đồng vào ngày 10 năm 1962, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII tuyên bố: “Quan tâm chính của Công Đồng Chung là điều này: gia sản thánh của Chân Lý Kitô giáo được bảo toàn và giải thích một cách rõ ràng hơn.” ngài nói thêm rằng Công Đồng “mong muốn truyền lại giáo lý tinh tuyền và trọn vẹn, không bị giảm bớt hay bóp méo…. Nhưng những giáo huấn chắc chắn và bất dịch này … cần phải được nghiên cứu sâu xa và trình bày cách nào cho thích hợp với nhu cầu của thời đại chúng ta.”[1]
Được sự tác động của Chúa Thánh Thần, các nghị phụ của Công đồng Vaticanô II đã cùng nhau đúc kết ra 16 văn kiện, với 4 hiến chế, 9 sắc lệnh và 3 tuyên ngôn như là những chỉ dẫn của việc canh tân Giáo hội, trong đó Sắc lệnh về canh tân thích nghi đời sống dòng tu, ban hành ngày 28 tháng 10 năm 1965, kêu gọi canh tân trong cơ cấu tổ chức và quy luật, nhưng coi yếu tố then chốt để canh tân là thể hiện các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Đây là sắc lệnh mà cộng đoàn chúng ta học hỏi trong năm 2021 này, và trong số 3 của sắc lệnh nói về những nguyên tắc hướng dẫn việc canh tân, có ba việc cần canh tân thích nghi, đó cũng là đề tài con chia sẻ với cộng đoàn trong ngày tĩnh tâm tháng hôm nay.
- Những yếu tố dệt nên đời sống tu sĩ
Yếu tính của đời tu là sự thánh hiến, là bước theo Đức Kitô, gắn liền và nên giống Người. Chiều kích của đời tu là chính Chúa Kitô và Tin mừng của Người. Đời sống tu trì rất cao đẹp, đây là con đường để người môn đệ nên thánh từng ngày. Vậy muốn nên thánh, người môn đệ phải từ bỏ mình, trở nên giống Đức Kitô nhập thế, cụ thể qua cách sống, trong đời sống cầu nguyện và việc hoạt động.
- Cách thức sống
Thánh Công Ðồng Vaticanô II đã vô cùng trân trọng nếp sống khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục của những người sống đời thánh hiến, vì đó là cách sống mà chính Chúa Kitô đã nêu gương.[2]
*Lời khấn khiết tịnh
Ðời sống độc thân của Ðức Giêsu mang ý nghĩa trọn vẹn khi động lực của việc sống khiết tịnh được nhận biết và được sắp đặt hài hòa trong cuộc đời trần thế của Người. Ðức Giêsu đã chấp nhận sứ mạng phục vụ Nước Trời bằng cách mặc lấy “một thân xác bằng xương bằng thịt” (xc. Cl 1,22). Tin Mừng thánh Gioan đã cho chúng ta hiểu rõ đời sống độc thân của Ðức Giêsu. Đó là một dấu chỉ rất thật, rất cụ thể nơi sứ mạng phục vụ Nước trời của Người.[3]
Khiết tịnh thánh hiến cũng là những dấu chỉ đòi hỏi của Nước Trời. Thiên Chúa đòi nơi những người Ngài kêu gọi những hy sinh cụ thể, vì thế người thánh hiến phải đáp trả cách tích cực. Nhờ vậy, khiết tính thánh hiến là một nhân chứng cho sự nghiêm túc của đời sống Kitô hữu và cũng là một hy sinh mà đời sống ấy đòi hỏi.[4]
* Lời khấn khó nghèo
Chúa Giêsu nhập thế được sinh hạ trong chuồng bò, trên lớp cỏ rơm vì “chẳng có nơi nào cho thân mẫu Ngài trú thân” (Lc 2,7). Tại Nagiarét, Ngài sống cuộc đời tăm tối như người thợ nghèo: “Ông này chẳng phải con bác thợ mộc sao?” (Mt 13,55). Sau này trong cuộc sống công khai, Ngài cũng chẳng có nơi tựa đầu “khi mà loài cáo còn có hang, chim trời còn có tổ” (Lc 9,58). Tới giờ chết Ngài lại muốn để người ta cởi bỏ hết y phục, chịu căng thây trần trụi trên Thập giá.
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Sự khó nghèo của tu sĩ là một mầu nhiệm của Thiên Chúa. Đồng thời đó cũng là một mâu thuẫn. Nhưng trước hết, khó nghèo là để sống tinh thần của các Mối Phúc”. Và ý nghĩa đích thật của khó nghèo không chỉ là từ bỏ mà còn là hiến mọi khả năng và tài năng của mình để phục vụ Tin Mừng.[5]
* Lời khấn vâng phục
Chúa Giêsu tuyên bố rằng Ngài đến không phải để làm theo ý Ngài mà là ý của Đấng đã sai Ngài (Ga 6,38). Ngài vâng phục Thánh Giuse và Đức Maria (Lc 2,51) và những người có quyền hợp pháp. Ngài nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4,34). Lương thực của Hội Thánh Thân Mình Đức Kitô và các chi thể trong thân mình ấy cũng phải làm theo ý Chúa Cha. Ai sống đời tu cũng phải theo khuôn mẫu vâng phục mà Chúa Giêsu đã theo đuổi suốt cuộc đời trần thế của Ngài (x. LG. 12; PC. 14).
Bởi vậy, Chúa Giêsu là Con Một yêu dấu, Đấng nhờ vâng phục, đã dâng hiến hy lễ hy sinh yêu thương vĩ đại nhất lên Chúa Cha. Chính Ngài là cội nguồn và nền tảng vâng phục của tu sĩ giống hệt như cội nguồn và nền tảng của sự vâng phục của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha. Thực tại sâu xa nhất của cuộc đời Ngài là việc không ngừng vâng phục ý Cha.[6]
- Nên giống Chúa Kitô trong đời sống cầu nguyện
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu thường xuyên cầu nguyện, đối thoại với Chúa Cha và ưu tiên tìm kiếm thánh ý Chúa Cha trên hết mọi sự. Cầu nguyện là một phần thiết yếu trong cuộc đời Chúa Giêsu. Ngài cầu nguyện liên lỉ trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Chúa Giêsu cầu nguyện nơi yên tĩnh; “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.” (Mc 1, 35). Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn, Chúa Giê-su đi lên núi để cầu nguyện (Mt 14, 23). Người dạy các Tông Đồ: “khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,6).
Chúa Giêsu cầu nguyện với cộng đoàn; Chúa Giêsu không chỉ tìm nơi yên tĩnh để cầu nguyện, nhưng Ngài cũng đề cao việc cầu nguyện chung với cộng đoàn. Như Chúa Giêsu nói: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 19-20).
Chúa Giêsu cầu nguyện trước bữa ăn; trước khi chết và sau khi phục sinh Chúa Giêsu đều quan tâm đến việc thánh hóa các bữa ăn. Theo tường thuật của bốn sách Tin Mừng, Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn. Trước khi phân phát của ăn cho dân chúng, Chúa Giêsu dâng lời chúc tụng Thiên Chúa Cha: “Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng.” (Mt 14, 19b). Cũng vậy, theo tường thuật của Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường về Emmau, khi đồng bàn ăn với họ, trước khi bẻ bánh và trao cho các ông Chúa Giêsu dâng lời chúc tụng (Lc 24, 13-35).
Chúa Giêsu cầu nguyện trước những việc làm quan trọng; Chúa Giêsu là Chúa vậy mà trước những quyết định quan trọng, Ngài luôn cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Những việc càng quan trọng, Chúa Giê-su cầu nguyện nhiều hơn như việc chọn mười hai Tông Đồ: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa…” (Lc, 6, 12-16).
- Gương hoạt động của Chúa Giêsu
Khi bắt đầu xứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã hoạt động liên lỉ. Ngài bắt đầu công việc hoạt động bằng việc xin ông Gioan làm phép rửa tại sông Giođan. Sau khi chịu phép rửa Chúa Giêsu không ngừng hoạt động bắt đầu từ Galilê đến Giêrusalem. Người đã làm nhiều phép lạ chữa lành bệnh tật, sua trừ ma quỷ, và làm cho người chết sống lại. Đề tài của cuộc giảng dạy là “Thời giờ đã hoàn tất và Nước Chúa đã gần đến, anh em hãy ăn năn hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,1).
Chúa Giêsu đã không ngừng hoạt động và giảng dạy cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, trên thập giá Người còn cứu anh trộm lành (Lc 23,). Sau khi chết Chúa Giêsu phục sinh vẫn tiếp tục công việc hoạt động của Người cho đến khi về trời, và ngày nay cùng với Chúa Thánh Thần, Người vẫn tiếp tục hoạt động trong Giáo Hội và trong từng người chúng ta, vì Người hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tần thế” (Mt 28,20). Người cũng truyền lệnh cho chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Qua cách sống, đời sống cầu nguyện và hoạt động của Chúa Giêsu, chính là mẫu gương cho các tu sĩ noi theo, sống và thực hành những mẫu gương đó của Thầy Chí Thánh chính là những yếu tố dệt nên đời sống của các tu sĩ. Thế nhưng ba yếu tố này có giai đoạn đã bị hiểu sai, và đẩy tu sĩ ra xa Đức Kitô, xa con người với nhau. Vì thế, Công đồng Vaticanô II đã yêu cầu canh tân để các tu sĩ mỗi ngày trở nên theo sát Đức Kitô hơn. Vậy đâu là những tiêu chuẩn mà Công đồng đưa ra để giúp canh tân đời sống các tu sĩ?
- Tiêu chuẩn canh tân
Theo sắc lệnh canh tân và thích nghi đời tu ở số 3, Công đồng nêu ra ba tiêu chuẩn thực tế cần canh tân thích nghi đó là: cách thức sống, cầu nguyện và hoạt động. Vậy, Công đồng chỉ dẫn canh tân thích nghi ba tiêu tuẩn ấy như thế nào?
- Canh tân thích nghi cách thức sống
Công đồng Vaticanô II như là “ngôn sứ” nhắc nhở cho chúng ta về tình yêu thuở ban đầu, đồng thời mời gọi các tu sĩ mỗi ngày theo sát Đức Kitô hơn trong việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm; khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục.
Ðức khiết tịnh “vì nước Trời” (Mt 19,12), mà các tu sĩ khấn giữ, phải được quí trọng như một ân huệ cao cả của ơn thánh. Thật vậy, ơn ấy giải thoát lòng con người cách đặc biệt (x. 1Cor 7,32-35), để nồng nàn mến Chúa và yêu mọi người hơn. Vì thế, đức khiết tịnh là dấu chỉ đặc biệt của kho tàng trên trời và cũng là phương tiện thích hợp nhất cho các tu sĩ hân hoan hiến mình phụng sự Thiên Chúa và làm việc tông đồ. Vậy, các tu sĩ hãy trung thành giữ lời mình khấn, tin lời Chúa dạy, trông cậy vào ơn Ngài, đừng tự phụ vì sức riêng mình, lại phải sống hãm mình và gìn giữ ngũ quan. Cũng đừng bỏ qua những phương thế tự nhiên giúp cho tinh thần và thể xác được lành mạnh.[7]
Tu sĩ tự nguyện sống khó nghèo để theo Chúa Kitô là dấu chứng cho việc theo Chúa Kitô rất được trọng vọng, nhất là ngày nay. Vì thế, các tu sĩ hãy miệt mài trau dồi và nếu cần, hãy biểu lộ sự khó nghèo ấy bằng những hình thức mới. Nhờ nhân đức này, họ được san sẻ sự nghèo khó của Chúa Kitô. Ðấng tuy giàu có, đã trở nên thiếu thốn vì chúng ta để chúng ta được giàu sang nhờ sự cùng cực của Người (x. Cr 8,9; Mt 8,20).
Khó nghèo trong đời tu dòng không chỉ hạn hẹp trong sự lệ thuộc Bề Trên khi sử dụng của cải, nhưng là phải nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần để chỉ lo thu tích một kho tàng trên trời (x. Mt 6,20).[8]
Nhờ khấn giữ đức vâng lời, các tu sĩ tận hiến ý muốn mình như của lễ bản thân dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó họ được kết hợp với ý muốn cứu rỗi của Ngài cách kiên trì và chắc chắn hơn. Vậy, theo gương Chúa Kitô, Ðấng đã đến để làm theo ý Chúa Cha (x. Gio 4,34; 5,30; Dth 10,7; Tv 39.9) “tự nhận thân phận tôi tớ” (Pl 2,7) và đã học tập đức vâng lời từ những điều phải chịu đựng (x. Dt 5,8), các tu sĩ, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, lấy đức tin tùng phục các vị Bề Trên, đại diện Thiên Chúa, và nhờ các ngài hướng dẫn, họ phục vụ mọi anh em trong Chúa Kitô, như chính Chúa Kitô vì tuân phục Chúa Cha đã phục vụ anh em và hiến mạng sống để cứu chuộc mọi người (x. Mt 20,28; Ga 10,14-18).[9]
Công đồng Vaticanô II còn dạy: “Sự khiết tịnh trọn vẹn vì Nước Trời luôn được Giáo Hội đặc biệt quý trọng và coi như một dấu chỉ và sự kích hoạt cho đức ái, và như nguồn mạch đặc biệt của sự phong nhiêu thiêng liêng trong thế giới. Giáo Hội cũng khuyên các tín hữu sống bác ái và có tâm tư như Đức Kitô, Đấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ và vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,7-8), và vì chúng ta, “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên khó nghèo” (2 Cr 8,9). Mẹ Giáo Hội cũng rất vui mừng khi thấy trong lòng mình có nhiều người nam nữ muốn theo sát và biểu lộ rõ ràng hơn sự tự hủy của Đấng Cứu Thế, khi họ chấp nhận nghèo khó trong tự do của con cái Thiên Chúa và từ bỏ ý riêng. Để mỗi ngày làm cho mình một nên đồng hình đồng dạng hơn với Đức Kitô vâng phục.[10]
- Canh tân thích nghi đời sống cầu nguyện
Có thể nói, cầu nguyện là hơi thở của người Kitô hữu. Chính thánh Gregory thành Nazianzen nhắc nhở: “Ta phải nhớ đến Chúa nhiều hơn là ta thở”. Điều này càng đòi hỏi hơn đối với các tu sĩ chúng ta. Bởi lẽ, mức độ và tâm tình cầu nguyện của chúng ta có thể diễn tả mối tương quan sâu đậm hay lạnh nhạt của của chúng ta với Thiên Chúa. Thật vậy, theo Thánh Giáo Hoàng Phaolo VI, các tu sĩ phải như “những chuyên gia cầu nguyện”, và ngài cũng khẳng định rằng “sự trung thành với việc cầu nguyện hoặc sự từ bỏ cầu nguyện là khuôn mẫu của sự sống còn hay sự suy đồi của đời sống tu trì”.[11]
Những điều trên đây về cầu nguyện chắc hẳn tất cả chúng ta đều thông suốt. Điều quan trọng cần làm là chúng ta hãy xem lại cách thức và tâm tình cầu nguyện của chúng ta. Lâu nay chúng ta đã và đang cầu nguyện như thế nào? Chúng ta hãy khiêm tốn lắng nghe lời chỉ dạy của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêdictô XVI để có thể canh tân thích đáng thái độ và tâm tình cầu nguyện. Ngài nói: “đứng trước một Chúa Giêsu đang cầu nguyên, ta phải tự hỏi bao nhiêu thời gian ta dành cho Chúa và cho phẩm chất của đời sống cầu nguyện của chúng ta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của lectio divina, đọc Thánh Kinh trong tâm tình cầu nguyện: “Lắng nghe, suy niệm, thinh lặng trước nhan Chúa, Đấng đang nói, là một nghệ thuật được học hỏi qua việc thực hành kiên trì…”[12]
Vì thế, tu sĩ của các hội dòng phải cần mẫn luyện tập tinh thần cầu nguyện và cả sự cầu nguyện, múc ở nơi nguồn mạch đích thực của nền tu đức Kitô giáo. Trước hết, hằng ngày, phải có Quyển Thánh Kinh trong tay để học được những “kiến thức siêu việt về Chúa Giêsu Kitô” (Ph 3,8) nhờ đọc và suy gẫm.[13] Theo gương Chúa Giêsu cầu nguyện liên lỉ trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
- Canh tân thích nghi hoạt động
Tự bản chất Giáo Hội là truyền giáo, là người được sai đi[14], vì thế ý thức trách nhiệm và bổn phận của mình từng thành viên trong Giáo Hội không được quên sứ mạng thiết yếu này. Tuy nhiên có những thời kỳ các hoạt động truyền giáo nhiều và đa dạng, nhưng cũng có nhiều giai đoạn hoạt động truyền giáo yếu ớt hoặc dường như dừng lại hay bế tắc. Đôi khi có nhiều thành viên trong Giáo Hội sao lãng hay là quên đi trách nhiệm này, nên Công đồng Vaticanô II mời gọi sự canh tân thích nghi hoạt động, để mỗi người ý thức và chu toàn tốt sứ mạng của mình. Công đồng dạy: “Tất cả công cuộc canh tân cốt yếu hệ tại ở việc Giáo Hội càng ngày càng sống trung thành với ơn gọi của mình”.[15]
Cùng tâm tư và tiếp nối ý muốn của Công đồng Vaticanô II Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết ra tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” trong đó ngài mời gọi Giáo Hội hãy “đi ra”. Đi ra khỏi căn phòng, khỏi sự an phận, khỏi sự an toàn, tiện nghi, đến với từng người, vì niềm vui lấp đầy đời sống cộng đồng của các môn đệ, là một niềm vui truyền giáo. Cộng đồng ăn mừng vì một chiến thắng nhỏ, vì mỗi bước tiến trong việc truyền giáo. Việc truyền giáo vui tươi thành vẻ đẹp trong phụng vụ, trong đòi hỏi hằng ngày của việc tiến bộ tốt. Hội Thánh Phúc Âm hóa là chính Hội Thánh Được Phúc Âm hóa bằng vẻ đẹp của phụng vụ, và phụng vụ là cử hành những hoạt động truyền giáo và nguồn mạch canh tân việc tự hiến của mình.[16]
Với dòng đan tu chiêm niệm làm sao chúng ta có thể đi ra truyền giáo được? Thưa mỗi người, mỗi dòng ra đi bằng chính sứ vụ và ơn gọi của mình. Chúng ta không ra đi bằng thân xác để ra giảng đây đó như thánh Phanxicô Xaviê, nhưng có thể ra đi như thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Đó là bằng đời sống bác ái yêu thương, cử hành phụng vụ, lao động, sống tình huynh đệ với lòng yêu mến để cầu nguyện cho người chưa nhận biết Chúa, đó là một việc ra đi vô cùng hiệu quả. Ý thức được điều đó nên Công đồng Vaticanô II truyền dạy: “Trong những hội dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm, các tu sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và lặng lẽ, trong việc chuyên lo cầu nguyện và hân hoan hãm mình, thì cho dù nhu cầu hoạt động tông đồ có khẩn thiết đi nữa, những hội dòng ấy vẫn luôn giữ một địa vị cao quí trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, trong đó, “mỗi chi thể đều có một tác động khác nhau” (Rm 12,4).[17] Và tu sĩ của bất cứ hội dòng nào, trong lúc chỉ đi tìm một mình Thiên Chúa trên hết mọi sự, đều phải liên kết việc chiêm niệm với nhiệt tâm truyền giáo: vì nhờ chiêm niệm, họ kết hợp lòng trí với Thiên Chúa, và nhờ nhiệt tâm truyền giáo, họ tham gia công cuộc Cứu Thế và mở rộng Nước Chúa.[18]
Việc chúng ta đi ra mục vụ ở ngoài đó chỉ là thích nghi với nhu cầu của Giáo Hội trong từng thời điểm mà thôi, chứ nguồn gốc và bản chất của dòng chúng ta là hoạt động bằng đời sống chiêm niệm, cầu nguyện lao động, hi sinh hãm mình dâng lên Chúa để cầu nguyện cho dân ngoại.
- Áp dụng vào đời sống đan tu
- Duyệt lại hiến pháp và thói lệ
Theo Sắc lệnh “Hội Thánh”, Tổng hội khóa đặc biệt đã duyệt lại bản Hiến Pháp nhằm mục đích canh tân và thích ứng Hội Dòng.[19] Canh tân là để tìm lại điểm cốt yếu của Tin Mừng, trở về nguồn sống đúng với ý hướng đấng sáng lập dòng, có thể sửa đổi, cắt bỏ những gì không còn phù hợp.
Tất cả mọi canh tân thích nghi phải lấy Tin Mừng làm chuẩn và tìm lại được điểm cốt yếu của Tin Mừng.
Trung thành với ý đấng sáng lập dòng: Phải trung thành duy trì và càng ngày càng làm sáng tỏ định chế đan viện khả kính trong tinh thần đích thực của nó. Nhiệm vụ chính yếu của các đan sĩ là phục vụ Thiên Chúa trong đời sống ẩn dật, hoặc phụ trách cách hợp pháp một vài công việc tông đồ hay bác ái Kitô giáo. Vậy, tuy vẫn duy trì tính chất riêng của mỗi dòng, họ cũng cần canh tân những tập truyền tốt lành xưa và thích nghi chúng với những nhu cầu hiện đại của các linh hồn để đan viện trở thành như trung tâm vun trồng dân Kitô giáo. Cũng vậy, các dòng có hiến chương hay qui luật liên kết chặt chẽ đời tông đồ với việc đọc nhật tụng trong ca hội và những luật lệ đan viện, hãy hòa hợp cách sống với các đòi hỏi của những việc tông đồ thích hợp với họ, làm sao để trung thành giữ được lối sống của mình đồng thời vẫn sinh nhiều ích lợi cho Giáo Hội.[20]
Chính để mưu ích cho Giáo Hội nên mỗi dòng có tính cách và phận vụ riêng. Do đó, phải trung thành nhận thức và noi giữ tinh thần cùng ý hướng đặc biệt của các Ðấng Sáng Lập cũng như tất cả các truyền thống lành mạnh, vì tất cả những yếu tố đó tạo nên di sản của mỗi hội dòng.[21]
Cắt bỏ và thích nghi; như trong tu luật thánh Biển Đức đã có một số chương, không còn áp dụng trong đời sống chúng ta ngày nay, nhưng chỉ sống tinh thần đó mà thôi. Hiến pháp và thói lệ cũng có thể có những số không còn phụ hợp hay là cần thích nghi với thời đại, cũng có thể cắt bỏ hay là sửa đổi, trong lịch sử dòng chúng ta đã có những lần tu chính hiến pháp và thói lệ, việc này nếu cần và ích lợi thì vẫn tiếp tục trong tương lại.
- Canh tân cá nhân và tập thể
Để đáp lại tình yêu Thiên Chúa mời gọi, để lắng nghe sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, để thiết thực tham dự vào sức sống Huyền thể của Chúa Kitô, mỗi đan sĩ cũng như các cộng đoàn trong Hội Dòng có bổn phận tìm hiểu và thực thi chương trình canh tân chung của Giáo Hội.[22]
Canh tân như Thánh Phaolô nói: “Anh em hãy cởi bỏ kiểu sống xưa kia… Hãy để Thần Khí đổi mới anh em thấu tận trí khôn. Hãy mặc lấy người mới đã tạo dựng nên theo Thiên Chúa…” (Ep 4,22-24). Công thức canh tân: Làm cho người Công giáo trở lại đạo Công giáo. Làm cho người Kitô hữu trở lại với Chúa Kitô. Động lực và tác giả mọi cuộc canh tân trong Hội Thánh là Chúa Thánh Thần, “Đấng canh tân mặt đất”.[23]
Với lời khấn canh tân đan sĩ buộc mình cố gắng mỗi ngày dùng các phương thế mà Tu luật và Hiến pháp đã đề ra để đạt tới đức ái hoàn hảo.[24] Mỗi người cần đóng góp và cố gắng làm cho cộng đoàn và cá nhân mình mỗi ngày mỗi được đổi mới, mỗi ngày càng thăng tiến trong đời sống, nhất là trong việc nên thánh. Muốn đổi mới và thay đổi được cộng đoàn thì mỗi người cần thay đổi và đổi mới chính bản thân mình trước.
Kết luận
Canh tân thích nghi đời sống để mỗi ngày nên thánh thiện là bổn phận và trách nhiệm của các Kitô hữu. Đối với những đan sĩ Biển Đức Xitô với lời khấn canh tân thì đây lại là một việc đòi hỏi phải gắt gao và triệt để hơn. Vì vậy, các hội dòng đã được Thánh Công Ðồng có ý đề cập đến khi ấn định những tiêu chuẩn canh tân thích nghi trên, hãy mau mắn đáp ứng ơn thiên triệu và phận vụ mình trong Giáo Hội thời hiện tại. Thực vậy, Thánh Công Ðồng ngưỡng mộ cuộc đời trinh khiết khó nghèo và vâng lời của họ, đó là cách sống mà chính Chúa Kitô đã nêu gương; Thánh Công Ðồng vững lòng kỳ vọng nơi những công cuộc rất hữu hiệu của họ, dù âm thầm hay công khai. Vậy, hết thảy các tu sĩ hãy nhờ đức tin trọn hảo, đức mến Chúa yêu người, lòng mến thánh giá và niềm cậy trông vinh quang đời sau mà truyền bá Phúc Âm Chúa Kitô trên toàn thế giới, để mọi người thấy dấu chứng của họ và ngợi khen Cha chúng ta trên trời (x. Mt 5,16).[25]
Mỗi cộng đoàn và cá nhân tu sĩ phải không ngừng canh tân và thích nghi với cuộc sống. Bởi vì “nếu chúng ta không bước là đứng yên, mà đứng yên nghĩa là đang lùi, và theo các nhà Tu đức, đời sống tâm linh không tiến nghĩa là đang lùi. Giậm chân tại chỗ thì sẽ chậm hơn là bước tiếp. Chính vì thế, chúng ta hãy tâm niệm rằng: hôm nay, tôi phải sống tốt, sống thánh và sống yêu thương hơn hôm qua; nếu chỉ bằng ngày hôm qua hay thậm chí kém hơn ngày hôm trước là chúng ta đang thụt lùi. Chính chị thánh Catarina đã nói: “Bao lâu còn là lữ khách ở cuộc đời này, các con có điều kiện để tiến lên nữa. Ai không tiến lên là lùi”. Dĩ nhiên, cuộc sống thăng trầm nay lên mai xuống, con người chúng ta nay khỏe mai yếu là chuyện bình thường, nhưng một khi tập cho mình luôn có tâm niệm: “Hôm nay, tôi phải sống tốt hơn, đẹp lòng Chúa hơn, yêu mến Chúa và tha nhân hơn ngày hôm qua” thì chắc chắn chúng ta đang đi trên đường hẹp của Tin Mừng và đang để cho mình được canh tân, đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh Linh – Đấng hằng và luôn luôn hành động trong mỗi người chúng ta”.[26]
Claret Lê Văn Sâm
[1] https://catechesis.net/cong-dong-vatican-ii-mot-cuoc-cach-mang-hay-mot-cuoc-cai-cach/
[2] X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh canh tân và thích nghi đời tu, số 25.
[3]Chuyển dịch từ CELIBACY VIRGINITY FOR THE KINGDOM OF GOD của José Cristo Rey García Paredes. cmfhttps://tsthdm.blogspot.com/2013/12/song-oc-than-khiet-tinh-vi-nuoc-troi.html?m=1
[4]George Kaitholil, Đời sống thánh hiến những cơ hội và thách đố, Dịch giả: LM. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR, Nxb Tôn giáo, tr. 33-38.
[5]George Kaitholil, Đời sống thánh hiến những cơ hội và thách đố, Dịch giả: LM. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR, Nxb Tôn giáo, tr. 103-104
[6]George Kaitholil, Đời sống thánh hiến những cơ hội và thách đố, Dịch giả: Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR, Nxb Tôn giáo, tr. 117-118.
[7]X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh canh tân và thích nghi đời tu, số 12.
[8]X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh canh tân và thích nghi đời tu, số 13.
[9]X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh canh tân và thích nghi đời tu, số 14.
[10] X. Công đồng Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, số 42.
[11] Nt. Maria Trần Thị Ngọc Hương, OP. https://daminhtamhiep.net/2016/07/canh-tan-doi-song-cau-nguyen/
[12]Nt. Maria Trần Thị Ngọc Hương, OP. https://daminhtamhiep.net/2016/07/canh-tan-doi-song-cau-nguyen/
[13] X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh canh tân và thích nghi đời tu, số 6.
[14] X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, số .
[15] X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về đại kết, số 6.
[16] X. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 20-24.
[17] X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh canh tân và thích nghi đời tu, số 7.
[18] X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh canh tân và thích nghi đời tu, số 5.
[19] Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, Tuyên Ngôn, lời mở, tr.147.
[20] X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh canh tân và thích nghi đời tu, số 9.
[21] http://baochiaselts.blogspot.com/2016/09/so-79-canh-tan-oi-song-thanh-hien.html Canh tân đời sống Thánh Hiến
[22] Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, Tuyên Ngôn, số 1.
[23] Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận, Đường hy vọng, số 634-662.
[24] Hiến pháp hội dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam, số 106.
[25] X. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh canh tân và thích nghi đời tu, số 2.
[26] Nt. Maria Trần Thị Ngọc Hương, OP. https://daminhtamhiep.net/2016/07/canh-tan-doi-song-thanh-hien/