CÂY NÀO TRÁI ẤY

Suy Niệm Thứ 6, XXIII TN Lc 6, 43-49

Hôm nay, kết thúc chương sáu Tin Mừng theo Thánh Luca, trình bày cho chúng ta giáo huấn của Đức Giêsu dạy các môn đệ nói riêng và mọi người nói chung về con đường hoàn thiện; đồng thời phải cảnh giác, biện phân thực chất nội tại chứ không phải do dáng vẻ bề ngoài. Hay nói cách khác, Chúa nêu lên một số yếu tố cho các môn đệ khả dĩ phân biệt kẻ xấu, người tốt, đó là dựa vào cách ăn ở và việc làm mà đánh giá người lương thiện hay kẻ bất chính. Đặc chất của tuỳ thuộc đặc chất của cây. Chính lòng dạ, nghĩa là nội tâm thâm sâu của con người mới là điều cốt yếu. Những cử chỉ bên ngoài cần phải phù hợp với đặc tính bên trong, chẳng hạn những cử chỉ đạo đức bên ngoài luôn phát xuất từ một đức tin được nội tâm hoá.

  1. Thật vậy, Ngài bảo: “Xem quả thì biết cây” (Lc 6, 44). Ta thấy câu châm ngôn này, nơi Tin Mừng theo thánh Mathêu (Mt 7, 16-18; 12, 33-35) áp dụng vào các ngôn sứ giả như tiêu chuẩn để nhận dạng họ. Còn nơi thánh sử Luca (Lc 6, 43-45) thì dành cho các môn đệ của Chúa và trình bày cho họ biết là đời sống luân lý của mỗi người được minh chứng nhờ hoa trái việc lành, tư tưởng mà ta thấy cũng được trình bày trong các sách giáo huấn và thánh vịnh: Người lành thường được vì như những cây sinh nhiều hoa trái đẹp ngon, đang khi các kẻ dữ thì khác nào những cây khô cằn không sinh hoa kết trái gì, khác nào như vỏ trấu bay tung (Tv 1, 91, 13-14). Như vậy, kế hoạch của Thiên Chúa trên con người là làm cho người nên tốt: “ Người lương thiện thì làm điều thiện, bởi lòng chứa đầy sự thiện, kẻ gian ác thì làm điều ác, bởi lòng chứa đầy sự ác”. Phải chăng Chúa khuyến cáo và căn dặn: phải tỉnh thức kẻ bị mắc lừa những kẻ giả hình đội lốt đạo đức để phỉnh gạt, lôi kéo ta đi vào con đường lầm lạc bất chính. Bản thân ta cũng phải tự giác vì có khi ta cũng tự lừa dối mình, ấy là khi chỉ biết nói tốt mà không làm tốt, biết nghĩ hay mà không thực hiện, biết nghe Lời Chúa mà không đem ra thực hành, biết chăm lo những việc bên ngoài để tìm hư danh mà không lo cho đời sống nội tâm… vậy phải làm sao để mới tốt thật.
  2. “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình (Lc 6, 45). Yêu sách thứ hai Chúa đòi hỏi không chỉ có dáng vẻ tốt bề ngoài, nhưng phải có ý hướng tốt bên trong tâm hồn nữa. Vì vậy, mọi sinh hoạt đạo đức, phụng vụ cũng như trót cả cuộc sống phải đượm nhuần tin cậy mến, chan hoà sống động đích thực hằng ngày bằng tình mến thương phục vụ.
  3. “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành…”

Những lời Thầy Chí Thánh công bố trên đây khác nào như một thứ công thức đầy sắc thái rất trọn vẹn để diễn tả đời sống Kitô hữu là:

  • Đức tin, hiểu như một sự liên kết với con người của Đức Giêsu.
  • Việc lắng nghe Lời Chúa.
  • Việc thực hành đạo đức tôn giáo, hiểu như là thực hành thánh ý Chúa.

Vậy mỗi người chúng ta đã đến gặp gỡ Chúa như thế nào? Việc gặp gỡ đó được diễn đạt cách cụ thể ra thế nào? Và mỗi người chúng ta cũng tự hỏi: Tôi đã nghe Lời Chúa thế nào? Nỗ lực hay thiếu sót của tôi về điểm này ra sao? Tôi có thực hành Lời Chúa không trong suốt ngày sống, trong cung cách đối xử của tôi thế nào?

Giải đáp được những câu hỏi này trong cuộc sống là thể hiện được ý Chúa là muốn cho mọi người nên thánh thiện tốt lành luôn mãi.“ Người ấy ví được như một người xây nhà đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên tảng đá vững bền là Đức Giêsu Kitô”. Amen

Lm. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc

You May Also Like

Trả lời

X