SUY NIỆM THỨ 4 SAU LỄ HIỂN LINH
MC 6, 46-52
Để phong phú hóa bài suy niệm Tin Mừng Marcô hôm nay thiết tưởng chúng ta bổ sung thêm Tin Mừng Gioan vì chủ đề trọng yếu là Mầu Nhiệm Bánh Hằng Sống (xGa 6, 1-69). Và giờ đây chúng ta cùng nhau nhập cuộc:
Được thưởng thức một bữa ăn tuyệt hảo thân tình sung mãn, dân chúng rất phấn khởi, kháo láo và bàn định với nhau suy tôn Đức Giêsu lên làm vua vì tưởng rằng Ngài hẳn là vị ngôn sứ cao cả, Đấng sẽ đến trong thế gian. Họ muốn lôi kéo Ngài nhập cuộc chính trị. Và để tránh những ngộ nhận của quần chúng và cả nhóm môn đệ… “Nên Đức Giêsu lập tức bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia về phía thành Bêsaiđa trước, trong lúc Ngài giải tán đám đông. Sau khi từ biệt các ông, Ngài lên núi cầu nguyện (Mc 6, 45-46; Ga 6, 14-15).
Vì cảm thấy các môn đệ chưa đủ trưởng thành để phân biệt đúng đắn, và nghĩ rằng các ông có thể để mình đi theo chiều hướng chính trị tự nhiên của đám đông. Đức Giêsu đã bó buộc họ phải rời khỏi đó. Vì tất cả họ đều sẵn sàng để đám đông cầm giữ cuốn hút, còn chính Ngài ở lại đảm trách việc ổn định.
Bởi vì sứ vụ của Ngài sẽ được mặc khải qua diễn từ về “Bánh Hằng Sống”. Chính vì thế mà Ngài muốn các môn đệ cũng như quần chúng có những dữ kiện khả dĩ đón nhận chân lý mặc khải cao vời ấy Ngài đã thực hiện hai dấu lạ là: Nhân thừa bánh ra nhiều và đi trên mặt nước biển hồ Tibêria. “Chiều đến chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Đức Giêsu trên mặt đất, Ngài thấy họ vất vả chèo chống vì gió ngược…” (Mc 6, 47-48).
Tại sao Ngài lại không xuống thuyền cùng với các môn đệ? Hình như Ngài cố ý như thế? Chúng ta cũng chẳng lạ gì về Thần học Tin Mừng Gioan: Mỗi một chi tiết trong biến cố đều mang một ý nghĩa đặc biệt.
“Trời đã tối mà Đức Giêsu chưa đến với các ông” (Ga 6, 17), “trời tối, đêm tối”, chỉ sự vắng mặt của Đức Giêsu. Dĩ nhiên chúng ta không thể phủ nhận thực tại cụ thể của đêm tối. Vì Gioan cũng hiện diện trên chiếc thuyền, đang cùng đồng bạn chèo chống trong đêm tối. Đêm tối đó có thực. Nhưng đồng thời đêm tối đối với Gioan tượng trưng cho sự vắng mặt bề ngoài của Đức Giêsu: Màn đêm đức tin. Như thế, qua thế giới hữu hình, Gioan gợi lên một thế giới thiêng liêng và đạo đức mà tâm hồn ông chiêm niệm.
“Biển động vì cuồng phong thổi”. Ngoài tình huống bất lợi giữa đêm tối mịt mù, khiến cho việc chèo chống định hướng thật khó khăn, họ còn phải đương đầu với cảnh phong ba bão táp! Phải chăng đó cũng là hình ảnh cuộc hành trình trên biển trần ai dương thế, con người không những phải phấn đấu lần mò trong màn đêm đức tin, mà còn phải đương đầu chống chọi với bao nghịch cảnh sóng gió thử thách trăm chiều! Lòng thao thức mong chờ thoát mọi hiểm nguy và mau đạt tới bến!
“Khi đã chèo được chừng 25 hoặc 30 dặm, các ông thấy Đức Giêsu đi trên mặt biển và đang tới gần thuyền”. Ta biết 25 hoặc 30 dặm là tương đương năm sáu cây số. Cuộc đời là thế đó! Khi chiêm ngắm “cảnh tượng” kỳ lạ trên mà Gioan miêu tả cho chúng ta đó còn là một “hình ảnh” có thực, mang tính lịch sử tại hồ Tibêria. Nhưng cần phải biết chiêm ngắm bên trong theo ý nghĩa thần học của nó. Vâng, khi mà con người phải đương đầu với bao nghịch cảnh thử thách cam go họ cảm thấy cuộc đời mình khác nào chiếc thuyền tròng trành chao đảo hầu chìm và như muốn buông xuôi, thì ngay lúc ấy Đức Giêsu xuất hiện và đến với họ.
Hơn thế nữa, ở đây còn nhấn mạnh đến thân xác của Đức Giêsu phải mặc một ý nghĩa thật sâu xa thâm thúy! Phải, thân xác của Đức Giêsu Nazareth là một thân xác con người thực sự, nhưng lại là một thân xác đặc biệt, hoàn toàn được thần khí Thiên Chúa thấm nhập. Hôm đó, Ngài đã hiện ra với các môn đệ như vượt khỏi quy luật tự nhiên về trọng lượng, để rồi sáng hôm sau, tại hội đường Caphacnaum, Đức Giêsu tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì có sự sống đời đời, vì thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống” (Ga 6, 54-55). Lúc đó các môn đệ cảm thấy ít khó chịu hơn các thính giả khác, vì các ông nhớ lại cảnh tượng sống động ngoài biển. “Chính Thần Khí mới làm cho sống, còn xác thịt thì ích gì”. Đức Giêsu nói thế cố giúp người ta đón nhận mầu nhiệm Thánh Thể. “Các ông hoảng sợ, nhưng Ngài bảo các ông: Thầy đây mà, đừng sợ”…Điệp khúc, đừng sợ luôn vang vọng suốt cả mùa Phục Sinh khác nào như Chúa muốn nhắc khéo chúng ta và mọi người: “Các con đừng sợ…! Vì Thầy đã toàn thắng thế gian, thắng tội lỗi, thắng ma quỷ và đã thắng tử thần. Thầy đã phục sinh và mọi quyền trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy: “Bình an cho các con” (Mt 28, 18; Ga 20, 19; Lc 24, 36-40).
Tóm lại, dấu lạ đi trên mặt biển trong Tin Mừng thánh Gioan cũng như nơi các thánh Matthêu 14, 22 và nơi Marcô 6, 45… đều liên kết chặt chẽ với việc hóa bánh ra nhiều-Việc hóa bánh ra nhiều chuẩn bị cho phần chính yếu của diễn từ bánh Hằng Sống (Ga 6, 26-59): “Bánh đích thực của Thiên Chúa chính là Tôi, chính mình và máu Tôi, được hiến làm lương thực”.
Ngoài ra việc Ngài đi trên mặt biển khai mở cho phần cuối của diễn từ (c 60-71). Ngài xuất hiện ở đó như thể thoát ra khỏi quy luật vật chất, quy luật tự nhiên về trọng lượng. Đó là cách giải đáp những khó khăn cho những ai chối từ giáo huấn về Thánh Thể của Ngài. Thân thể mà Ngài trao ban làm của ăn sẽ là một thân thể thần thiêng như thánh Phaolô đã nói trong thư I Cr 15, 35-49. Một thân thể phục sinh, đó cũng là mình máu thánh Chúa Kitô sẽ trao ban cho chúng ta trong thánh lễ. Ước gì suốt hành trình dương thế dù bất cứ cảnh ngộ nào vẫn được Chúa Giêsu luôn đồng hành và phán bảo: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!
LM PHÊRÔ KHOA-LÊ TRỌNG NGỌC