SUY NIỆM THỨ 2 TUẦN XXX
LC 13, 10-17
- Bối cảnh:
Đã khá lâu, phần vì dân chúng đi theo Đức Giêsu quá đông đảo ngàn ngàn, vạn vạn! phần vì nhóm luật sĩ và Pharisiêu đầy ác cảm và chống đối Ngài, nên ít khi Ngài giảng dạy trong các hội đường hơn trước đây. Nhưng hôm nay, ngày sa bát, Đức Giêsu vào giảng dạy trong hội đường, đồng thời Ngài đã chữa cho một người đàn bà bị tật còng lưng đã mười tám năm. Nên viên trưởng hội đường tức tối vì Chúa đã chữa bệnh trong ngày sa bát. Nhân cơ hội này Chúa dạy bài học: Luật giữ ngày sa bát không quan trọng bằng luật bác ái yêu thương. Vì vậy giờ đây chúng ta cùng nhau suy niệm đoạn Tin Mừng mà Thánh Luca giới thiệu qua trình thuật sau đây:
- Suy niệm:
Ngày sa bát kia, Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Ở đó có một phụ nữ bị quỷ ám làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và không thể nào đứng thẳng lên được.
Lại một lần nữa, chỉ riêng Luca đã tường thuật lại ân huệ Chúa đối với người phụ nữ bị ma quỷ làm cho tàn tật mười tám năm trường. Một nần nữa lòng thương xót của Đức Giêsu đối với người nghèo khổ có dịp bộc phát. Lần này, Ngài quan tâm đến một người không thể đứng thẳng, cứ bị bó buộc phải cắm mặt xuống đất, không thể ngó thẳng mặt người đối thoại mình, không có khả năng ngước nhìn lên cao, thật là khổ đau xiết bao!
Đây là hình ảnh ám chỉ nhân loại bị ma quỷ khống chế, giam hãm, kèm kẹp tư bề: “Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền! rồi Ngài đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được”. Thật là kỳ diệu! Lạy Chúa, xin giúp con vươn thẳng lên! Xin Chúa cũng giúp mọi người đang khòm lưng dưới ách ma quỷ tội lỗi, đam mê, bệnh tật khổ đau được chỗi dậy và ngẩng đầu lên, để cùng với bà ấy “tức khắc đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.
Thánh sử Luca chuyên viết về lời ca tụng. Ông thường ghi nhận rằng: “Khi họ chứng kiến một điều kỳ diệu Chúa làm, thì toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa” (Lc 2, 20…).
Ngoài ra, chúng ta còn nhận thấy một ý nghĩa mới của ngày sa bát, tức là ngày sa bát trở thành ngày của Chúa, là ngày đề cao phẩm giá mới của con cái Thiên Chúa, là ngày họp mừng tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa.
Còn thái độ phản ứng của ông trưởng hội đường là quá quắt! chính Đức Giêsu đã trả lời: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa bát, ai trong các người lại không cởi dây dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này là con cháu ông Apraham, lại bị sa tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa bát sao? Nghe Ngài nói thế, tất cả những kẻ chống đối Ngài lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Ngài làm” (LC 13, 15-17).
Đức Giêsu nhắc đến một thứ lương tri bình dân, đơn sơ, hồn nhiên như thế dễ nhạy bén trước những lời nói việc làm cao đẹp. Lại nữa, lề luật phải có tính nhân bản, nhân đạo, nhân ái, và xã hội! cũng vì quan tâm đến con người trong nhà và ngay cả đoàn vật nữa mà lề luật đã đề ra việc nghỉ ngơi ngày sa bát: “Ngày sa bát ngươi phải nghỉ việc, ngõ hầu con bò, con lừa của ngươi được nghỉ ngơi và con trai tớ gái ngươi, khách ngụ cư, được nghỉ ngơi” (Xh 23, 12; Dnl 5, 14).
Tóm lại Chúa chữa bệnh trong ngày sa bát, ngày hưu lễ chứng tỏ Ngài muốn dành ưu tiên cho luật bác ái trên các luật khác; đồng thời Chúa cũng cổ võ việc phụng thờ Thiên Chúa trong ngày của Chúa trên nền tảng đức ái đối với Chúa và tha nhân.
Lạy Chúa, nguyện xin Chúa giúp chúng con lập lại ý nghĩa trên cho mỗi ngày Chúa Nhật, ngày của lễ hội, ngày của niềm vui và bác ái nghỉ ngơi hòa giải và phục vụ chân tình. Amen.
LM PHÊRÔ KHOA-LÊ TRỌNG NGỌC