CHÚA DẠY SỐNG KHIÊM NHƯỜNG

SUY NIỆM THỨ 7 TUẦN XXX

LC 14, 7-11

  1. Bối cảnh: bài Tin Mừng hôn nay theo thánh Luca tường thuật Đức Giêsu đến nhà một thủ lãnh nhóm Pharisiêu để dùng bữa và nhóm họ cố dò xét Ngài. Thế nhưng, Ngài nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên Ngài nói vói họ dụ ngôn để dạy họ qua hai bài học:
  • Đừng hám danh tranh dành địa vị.
  • “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.

Trước khi chúng ta cùng nhau suy niệm hai bài học và tiêu chí đó thiết tưởng chúng ta cùng thoáng nhìn đôi nét tập tục của người Do thái như sau.

  1. Một vài nét tập tục: Người Do thái rất quan tâm đến phẩm trật (xem luật lệ của cộng đoàn Qumran): Khởi sự bữa tiệc mỗi vị khách được mời tự chọn chỗ ngồi của mình tùy theo thứ bậc, nghĩa là tự lưỡng định địa vị của mình so với người khác cùng dự tiệc. Điều đó đã được các trường phái tiến sĩ luật quy định. Chẳng hạn người ta khuyên cần có chút khôn ngoan sơ đẳng: “Bạn hãy ngồi lùi lại hai hay ba chỗ bạn đang ngồi”. Đó là tập tục người xưa, nhưng xét cho cùng, ngày nay cũng có hàng ngàn dấu hiệu phân cấp, cho phép người ta tự đánh giá địa vị mình, từ cách ăn mặc đến cả loại phương tiện đi lại như xe cộ…
  2. Các bài học Chúa dạy trong dụ ngôn:
  • Đừng hám danh tranh giành địa vị: Đã hẳn Đức Giêsu không đến dự tiệc để đặt vấn đề phân biệt thứ hạng trong sinh hoạt trần thế, nhưng Ngài thấy các khách dự tiệc quá hám danh tranh dành địa vị vượt cả những lời khuyên răn cần có chút khôn ngoan cơ bản khi chọn chỗ ngồi nơi đám tiệc, nên Ngài đã tế nhị dùng dụ ngôn khuyến cáo họ: không nên tự mình tranh dành địa vị, vì có thể địa vị ấy không tương xứng với khả năng và phẩm vị của mình. Địa vị ấy hãy để người khác sắp xếp cho mình do sự đánh giá khách quan của họ đối với mình, và tốt nhất là hãy để cho chính Thiên Chúa lo việc đó, vì “ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai tự hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Đó là tiêu chí chủ chốt.
  • Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống: Đức Giêsu rất ưa chuộng sự khiêm nhường mà còn làm gương cho mọi người. Ngài là một vị Thiên Chúa toàn năng cao cả, thế mà Ngài đã hạ mình mang kiếp phàm nhân (Pl 2, 6-8). Là bậc thầy trong thiên hạ lại quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13, 5-17) chỗ của Ngài là chỗ nhất trên trời cao, nhưng lại chọn chỗ dưới chân con người.

Đức Giêsu đã hạ mình xuống như thế, không phải để được tôn lên, vì cả trời đất này không chứa nổi. Ngài khiêm nhường đến tự hủy như thế cùng là để phục vụ con người hết mình và để yêu thương cho đến cùng, như Ngài đã nói với các môn đệ: “Phần thầy, Thầy sống giữa anh em như một người hầu hạ” (Lc 22, 27). Bởi vậy, ai khiêm nhường để được tiếng khen, để được tôn lên, để gây chú ý, mà không nhằm phục vụ và yêu thương thì chỉ là “khiêm nhường ống điếu” là kiêu ngạo trá hình.

Thế nên, chúng ta có thể nói: khiêm nhường như Chúa dạy chính là tự nhận mình là không, mà Chúa là tất cả, nên chỉ cậy dựa vào Chúa mà hy sinh, phục vụ và yêu thương mọi người. Vậy chỉ có những ai hạ mình xuống như thế, mới đáng được Thiên Chúa tôn lên.

Lạy Chúa, Chúa thương yêu những kẻ khiêm nhường vì họ tự nhận mình hèn yếu và chỉ cậy dựa vào Chúa mà thôi. Xin Chúa dạy chúng con luôn sống khiêm nhường mà dấn thân phục vụ  và quảng đại trao ban, không chút so đo tính toán, như vậy chắc Chúa sẽ yêu thương chúng con nhiều hơn vì “ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

 

LM PHÊ RÔ KHOA- LÊ TRỌNG NGỌC

You May Also Like

Trả lời

X