CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

SUY NIỆM LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

MC 1, 7-11

Đoàn lũ dân chúng đang tiến đến ông Gioan xin làm phép rửa để tỏ bày lòng sám hối ăn năn. Với lối ăn mặc giản dị, mặc áo lông lạc đà, thắc lưng bằng dây da, ăn châu chấu và uống mật ong rừng, đặc biệt là lời rao giảng thật nóng bỏng, không chút dè dặt, kiêng nể cả các nhà chức trách đạo đời của xã hội Do Thái, nhất là nhóm Kinh sư và Pharisiêu. Ông Gioan đã thẳng thừng khuyến cáo họ: “Ai chỉ cho các ông cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Đừng tưởng có thể bảo mình là chúng ta đã có tổ phụ Abraham. Kìa cái rìu đã đặt sát gốc cây, cây nào không sinh hoa trái, thì sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa? Vậy các ông hãy sinh hoa trái để chứng tỏ lòng sám hối” (xMt 3, 7-10).

Đồng thời ông cũng công bố minh bạch Đấng đang đến sau ông, cao trọng hơn ông đến nỗi ông không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người, Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa (xMc 1, 7-8). Đấng ấy chính Đức Kitô Nazareth đang âm thầm lặng lẽ hòa mình vào hàng tội nhân đến lãnh phép rửa của ông Gioan tại sông Gio đan. Có điều rất kì diệu lạ lùng là vừa lên khỏi nước, các tầng trời mở ra, Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con” (Mc 1, 10-11).

Nội dung bài Tin Mừng hôm nay là thế đó!

Biến cố khai mở sứ vụ Thiên Sai của Đức Giêsu hôm nay, Người được Thánh Thần ngự xuống và Đức Chúa Cha long trọng tấn phong làm Đấng Messia với lời công bố: “Con yếu dấu của Ta, Ta hài lòng về con”. Vậy Đức Giêsu đã làm gì khiến Chúa Cha hài lòng? Thưa khi chiêm ngắm Đức Giêsu xếp hàng chung với các tội nhân để được ông Gioan làm phép rửa, mà phép rửa của ông Gioan là một nghi thức dành cho các tội nhận để bày tỏ lòng sám hối vì Ngài không có tội. Sở dĩ Ngài làm thế là vì mến yêu: Mến yêu Chúa Cha bằng vui lòng tuân hành thánh ý Cha trọn vẹn và vì yêu thương nhân loại, ngài đã tự hạ mình chia sẻ kiếp người khổ đau tội lụy hầu nhờ Ngài mà nhân loại được cứu độ và hạnh phúc muôn đời. Chính vì thế mà Thiên Chúa Cha rất hài lòng con một yêu dấu của mình đã hoàn toàn thi hành thánh ý Cha trong khiêm hạ tuân phục và yêu thương.

Thứ đến, khi chiêm ngắm Đức Giêsu hòa mình vào đám tội nhân chịu phép rửa trong sông Gio đan, chúng ta mới hiểu được thế nào là tình yêu vì:

  • Chỉ có tình yêu mới giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm tái sinh trong Chúa Ba Ngôi.
  • Chỉ có tình yêu mới làm cho con Thiên Chúa che giấu sự cao sang quyền thế thánh thiện để dìm mình trong phép rửa thống hối, hầu tất cả chúng ta được dìm mình trong cái chết và phục sinh của Đức Giêsu Kitô để nên nghĩa tử của Thiên Chúa và đồng hưởng gia nghiệp muôn đời với Đức Kitô.

Tóm lại, biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa là một biến cố mặc khải quan trọng và có thể nói đây là mặc khải đầu tiên, công khai không những về thân thế và sứ vụ của Đức Giêsu, mà còn là một lời mặc khải về “Thiên Chúa Ba Ngôi”.

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mặc khải cho nhân loại để rồi sau này chính Đức Giêsu sẽ giảng dạy thêm cho các môn đệ trong nhiều dịp khác nhau, nhất là sau khi Chúa phục sinh, Ngài ra lệnh cho các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo, dạy dỗ họ tuân giữ những gì Thầy đã truyền cho anh em và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Nguyện xin Thiên Chúa ban cho hết thảy chúng con nhờ bí tích thánh tẩy được trở nên nghĩa tử của Chúa cũng được bền vững làm đẹp lòng Chúa luôn mãi.

 

LM PHÊRÔ KHOA-LÊ TRỌNG NGỌC

You May Also Like

Trả lời

X