SUY NIỆM THỨ 6 SAU LỄ CHÚA HIỂN LINH
LC 5, 12-16
- Bối cảnh: Với một tâm hồn đơn sơ chân thành và nhạy bén, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Đức Giêsu như một Đấng có thẩm quyền chứ không phải như các kinh sư của họ, kèm theo những lời giảng dạy đầy thuyết phục ấy Ngài còn làm nhiều phép lạ chữa bệnh cho dân chúng để chứng tỏ sứ vụ thiên sai là Đấng Messia của Đức Chúa.
Nhưng Đức Giêsu không chỉ là một người chuyên chữa bệnh. Chắc hẳn là không! Ngài không đến để chữa bệnh nhưng để cứu con người. Nếu có chữa bệnh đi nữa thì cũng là để cứu độ. Ngài không bảo: “Đức tin đã chữa lành con”, nhưng bảo: “Đức tin đã cứu con”. Mà ơn cứu độ là gì nếu không phải là được sống nhờ sự sống của Đức Kitô.
- Nội dung: Với đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca tường thuật: “Khi ấy, Đức Giêsu đang ở trong một thành kia, có một người đầy phong hủi vừa thấy Ngài liền sấp mặt xuống xin Ngài rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Như chúng ta đã rõ trong sách Lê vi 13, 1-2; 45-46 người Do Thái coi bệnh phong hủi là chứng bệnh nan y, chỉ có Thiên Chúa mới chữa khỏi, chứng bệnh rất hay lây nên phải cách ly- có liên hệ với tội lỗi.
- Người phong hủi trong bài Tin Mừng hôm nay có một thái độ rất khiêm tốn: “Sấp mặt xuống kêu xin rằng: Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Điều này chứng tỏ anh ta tin rằng Đức Giêsu là người của Thiên Chúa! Vừa khiêm tốn vừa tin cậy vừa phó thác vào quyền năng và tình thương xót của Ngài. “Ngài giơ tay đụng vào anh ta và bảo: Tôi muốn anh sạch đi. Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh ta” (Lc 5, 13). Đức Giêsu đưa tay đặt trên người ấy, chứng tỏ Ngài không sợ lây bệnh, nhất là Ngài không ghê tởm kẻ mắc bệnh phong hủi. Thấy lòng tin của anh ta, Đức Giêsu động lòng thương giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Tôi muốn, anh hãy khỏi bệnh” (Mc 1, 45). Chạm đến người phong hủi, Đức Giêsu đã phạm luật, khiến người ta khó chịu. Ngài muốn thay đổi những lệch lạc trong luật qua việc đặt tay của Đức Giêsu, con người được tiếp xúc với thần tính của Ngài, nhờ đó được nhận lãnh ân sủng là sức sống của Ngài. Chính vì thế mà bệnh phong hủi biến mất và anh ta được sạch.
Trong lúc đau đớn tột cùng nơi thân xác vì bị vi trùng Hansen gặm nhấm, trong khi tâm hồn tan nát, cô đơn vì bị mọi người ghê tởm xa lánh, chính trong lúc đau khổ ngút ngàn ấy, người phong hủi lại hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng của Đức Giêsu và trọn niềm phó thác cho tình yêu của Ngài. Vì thế, Đức Giêsu chỉ còn biết rộng rãi trao ban tình yêu của Ngài, để làm phát sinh một hiệu quả vô cùng kỳ diệu là cho anh ta lành sạch cả thể xác lẫn tâm hồn.
Sau nữa, người ta nhận thấy Đức Giêsu chữa bệnh một cách rất nhanh chóng và dễ dàng, chứng tỏ Ngài có uy quyền đặc biệt của Thiên Chúa.
- Nỗi khổ bị xua đuổi: Tuy bệnh phong hủi là một thứ bệnh khủng khiếp, nhưng nó không khủng khiếp bằng nỗi khổ bị xua đuổi. Người ta thường cảm nhận: đau khổ lớn nhất của con người là bị người khác xua đuổi, vì sự xua đuổi khiến người ta cảm thấy cô đơn, lạc lõng, thấy mình không còn phẩm giá gì nữa, thậm chí nó còn khiến người ta nổi loạn.
Người phong hủi đến với Đức Giêsu trong bài Tin Mừng là một người bị xua đuổi, vì phong hủi, anh không được sống hòa đồng với những người khác trong cộng đồng xã hội. Anh phải tránh không để cho người khác chạm tới mình. Hơn nữa người ta coi người phong hủi là kẻ tội lỗi bị Chúa phạt, nên anh còn thêm mặc cảm mình bị chính Thiên Chúa xua đuổi nữa.
Điểm son trong chuyện này không nguyên là việc Đức Giêsu chữa anh ta khỏi bệnh phong hủi, mà còn là cách Ngài đối xử thân thiện với anh ta. Khi thấy anh ta đến gần mình, Ngài không xua đuổi, tránh né, nhưng tiếp đón anh ta và giơ tay đụng chạm vào anh tỏ dấu đồng cảm thân thiện. Và thái độ ấy đã chữa anh ta khỏi mặc cảm tội lỗi và được hóa giải nỗi đau bị xua đuổi. Cho nên có thể nói, trước khi chữa bệnh thể xác cho anh, Ngài đã chữa lành tinh thần cho anh ta rồi.
Đàng khác, đối với người Do Thái, kẻ mắc bệnh phong hủi bị coi như Thiên Chúa chúc dữ và xã hội khai trừ. Họ là thành phần tội lỗi, phải sống thành từng nhóm, nơi mồ mả, phải la lên “ô uế” để mọi người tránh xa. Ai trò chuyện với họ là phạm luật. Trong hoàn cảnh bi đát ấy, người phong hủi đặt hết lòng tin cậy vào quyền năng và tình thương của Đức Giêsu, nên anh đã quỳ xuống van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch” (Lc 5, 12).
- Bệnh phong hủi thiêng liêng: Chúng ta phải cảnh giác với một thứ bệnh phong hủi khá đặc biệt có những nét mà bài Tin Mừng hôm nay mô tả: Đó là một thứ tội thực sự làm cho tâm hồn ra nhơ uế, lại có sức truyền nhiễm rất mạnh và do đó đáng mọi người xa lánh. Tội đó là những ý nghĩ xấu xa và loan truyền những ý nghĩ xấu ấy: Các tà thuyết chống lại đức tin, nói hành nói xấu, bới móc chuyện người khác, ngồi lê đôi mách, xuyên tạc cáo gian…
Người phong hủi trong bài Tin Mừng được sạch nhờ Đức Giêsu đụng vào áo anh ta, chúng ta ngày nay không những được Đức Giêsu đụng vào mà còn được rước mình máu thánh Chúa trong cơ thể chúng ta mỗi khi chúng ta hiệp lễ, hy vọng chúng ta cũng được Đức Giêsu chữa lành mọi bệnh cùi phần xác phần hồn nữa.
Người cùi trong bài Tin Mừng hôm nay chẳng những được chữa bệnh phong hủi mà còn được đón nhận Tin Mừng. Chẳng những thế, sau khi khỏi bệnh chính anh lại trở thành kẻ loan báo Tin Mừng: “Đi khỏi đó, anh ấy liền cao rao và loan truyền tin ấy khắp nơi…và dân chúng khắp nơi kéo đến với Ngài.
LM PHÊRÔ KHOA-LÊ TRỌNG NGỌC