Theo Tông huấn “Đức Kitô Đang Sống- CHRISTUS”, từ số 163-178.
Dẫn Nhập:
“Thiên Chúa là tác giả của tuổi trẻ và Ngài hoạt động trong mỗi người trẻ. Đối với người trẻ, tuổi trẻ là một thời gian được chúc phúc và là một phúc lành cho Hội Thánh và thế giới. Đó là một niềm vui, một bài ca của hy vọng và một phúc lành. Trân quý tuổi trẻ nghĩa là xem giai đoạn sống này như một khoảng thời gian quý giá chứ không như một quảng chuyển tiếp mà người trẻ cảm thấy bị đẩy đến tuổi trưởng thành” [CV 135].
Tuổi trẻ gắn liền với ước mơ và khám phám. Ước mơ về một tương lai rạng ngời; khám phá những con đường phía trước.
Là người trẻ Công Giáo, ai cũng rộn ràng tìm cho mình con đường để bước theo. Đường ấy có thể là học vấn, sự nghiệp. Nhưng với “kẻ tin”, chẳng có con đường nào tốt hơn con đường Đức Giêsu đã đi. Con đường khó nghèo, khiêm hạ ở Bêlem và Na-da-rét. Con đường rao giảng trong nhọc nhằn ở phần đất xứ Ga-li-lê. Con đường đầy đe dọa hiểm nghèo khi lên Giêrusalem. Con đường hiến mình khi vác thập giá lên Núi Sọ. Yêu mến Đức Giêsu, người trẻ được mời gọi đi theo Ngài trên các con đường ấy, hay đúng hơn đi theo Ngài trên nẻo đường của đời mình, không cô đơn thất vọng, vì biết mình sắp đến. Và, “yêu mến Đức Kitô, người trẻ được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng ở mọi nơi bằng chính đời sống của mình” [CV 175]; đồng thời “đi ra khỏi chính mình để tìm kiếm điều tốt đẹp cho những người khác, ngay cả dù phải hy sinh mạng sống mình” [x.CV 163]
I. NẺO ĐƯỜNG KHÁM PHÁ “HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA” và XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG, XÃ HỘI
- Nẻo Đường Khám Phá, Tôn Trọng và Yêu Mến “Hình ảnh Thiên Chúa”
Một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa được gọi là “xuất thần”, vì nó nâng chúng ta lên, đưa chúng ta vào tình yêu và vẻ đẹp của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cũng có thể “xuất thần” khi ra khỏi chính mình để nhận ra phẩm giá của họ, sự vĩ đại của họ trong tư cách như là hình ảnh của Thiên Chúa và người con của Cha trên trời. [x.CV 164]. Và để hòa giải với người khác trước hết đòi hỏi chúng ta phải khám phá người ấy là hình ảnh rạng ngời của Thiên Chúa.[x. CV 165]. Vậy con người là hình ảnh của Thiên Chúa được hiểu như thế nào?
Con người [tiếng Hêbrơ gọi là “adam”] được tạo dựng nên từ đất [“adamah”] và Thiên Chúa thổi vào lỗ mũi của nó hơi thở sự sống [x St2,7]. Do đó, “vì được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, cá nhân con người có phẩm giá của một nhân vị, chứ không chỉ là một vật thể nào đó, trái lại nó chính là “một ai đó”. Con người có khả năng hiểu biết về chính bản thân mình, làm chủ bản thân mình và có khả năng tự trao ban chính mình và đi vào trong sự hiệp thông với người khác. Hơn nữa, con người được kêu gọi bởi ân sủng để kết giao ước với Đấng Tạo Hóa của mình, để dâng lên cho Ngài lời đáp trả của niềm tin và tình yêu mến mà không một sinh vật nào khác có thể làm điều đó thay thế cho nó được” [GLHTCG, số 357].
Kinh Tin Kính tuyên xưng vẻ cao cả của muôn hồng ân Thiên Chúa đã trao ban cho con người trong việc sáng tạo, và còn cao cả hơn nữa trong việc cứu độ và thánh hóa con người. Chính Chúa Kitô khi nhập thể làm người đã mặc khải trọn vẹn cho ta về phẩm giá con người: “Con người có hồn thiêng bất tử là thụ tạo duy nhất trên trái đất được Thiên Chúa dựng nên cho chính họ” [MV 24], và ngay khi thụ thai, con người được dành cho số phận hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.
Thiên Chúa đã cho con người có phẩm giá là có lý trí để hiểu biết trật tự vạn vật mà Người sắp đặt cho, có ý chí để có thể tự mình hướng về sự thiện đích thực, và còn có tự do là “dấu hiệu đặc sắc nhất về hình ảnh Thiên Chúa nơi họ” [x. MV 17]. Nhờ các khả năng đó, con người nhận ra được tiếng nói Thiên Chúa thúc đẩy họ làm lành lánh dữ [MV 16], mến Chúa yêu người. Tiếng nói này luôn vang lên trong lương tâm họ. Vì thế khi thực thi đời sống luân lý là con người chứng tỏ phẩm giá của mình. Nhờ phẩm giá cao cả đó, con người có thể yêu mến Thiên Chúa, yêu thương nhau, và yêu cả vũ trụ vạn vật nữa.
Tuy nhiên, ngay từ đầu lịch sử, con người bị quỉ dữ dụ dỗ và họ đã lạm dụng tự do của mình”[MV 13] để làm điều xấu. Dẫu thế con người vẫn còn giữ được lòng ao ước điều thiện, nhưng vì đã bị tổn thương bởi nguyên tội, họ dễ hướng về điều ác và dễ bị sai lầm [x. MV 13], khiến phẩm giá họ bị hủy hoại.
Nhưng dù sao con người cũng phải tôn trọng nhau. Giáo Hội nhấn mạnh rằng: “Mỗi người đều phải coi người đồng loại, không trừ một ai, như cái tôi của mình… phải trở nên người lân cận của bất cứ ai và tích cực giúp đỡ họ khi họ đến với mình” [MV 27]. Đòi hỏi này càng khẩn thiết hơn khi người lân cận đó là những người nghèo khổ, bị bỏ rơi vì “Điều gì các ngươi làm cho một trong những người hẹn mọn, là làm cho chính Ta” [Mt 25,40]. Hơn thế nữa, giáo lý của Chúa Kitô còn nới rộng giới răn yêu thương đến mức “yêu thương cả kẻ thù nghịch mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và vu oan cho mình” [Mt 5, 43-44]. Vì thế, người Kitô hữu ghét sự ác nhưng không ghét bỏ người làm điều ác; trái lại vẫn yêu thương, kính trọng và cầu nguyện cho họ. Về điểm này, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói lên: “điều quan trọng là phải phân biệt tội nhân và tội lỗi của họ, và với hành vi phạm tội của họ, để đi đến hòa giải đích thực. Điều này có nghĩa là bạn ghét sự xấu xa mà người khác gây ra cho bạn, nhưng bạn vẫn tiếp tục yêu thương họ bởi vì bạn nhận ra sự yếu đuối của họ và nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa trong họ” [CV 165].
2. Nẻo Đường Khám Phá và Xây Dựng Cộng Đồng, Xã Hội.
Một câu ngạn ngữ châu Phi nói : “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi với những ngưới khác” [x. CV 167]. Khi viết câu ngạn ngữ này vào phần “lộ trình của giới trẻ”, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cao và muốn mời gọi người trẻ đi chung với nhau. Ngài còn mời gọi người trẻ bỏ “lợi ích nhóm”, vượt ra ngoài nhóm thân hữu và xây dựng “tình bằng hữu trong xã hội, tìm kiếm thiện ích chung [x.CV 169]. Tuổi trẻ không thiếu hoài bão chung [x.CV 166]. “Dấn thân xã hội là một nét đặc thù của tuổi trẻ hôm nay…” [x. CV 170]. Ngài mời gọi người trẻ học Chúa Giêsu, nhập cuộc, bước vào cuộc sống, dấn thân đấu tranh cho công ích, phục vụ người nghèo, trở nên những tác nhân chính của cuộc cách mạng bác ái và phục vụ, có khả năng kháng cự lại căn bệnh cá nhân chủ nghĩa tiêu thụ và hời hợt [x. CV, 174].
Thật vậy, “Thiên Chúa đã dựng nên con người không phải để sống riêng rẽ, nhưng để tạo nên sự liên kết xã hội. Cũng thế, Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn quy tụ họ thành một dân tộc, để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện” [MV 32]. Trên thực tế, con người không phải là một hữu thể sống lẽ loi, mà là “hữu thể sống đời sống xã hội, và trừ phi con người sống liên kết chính bản thân họ với những người khác, thì họ chẳng thể tự mình sống và phát triển những tiềm năng của mình” [MV,12]
Kinh Thánh xác định rõ ràng: lòng yêu mến Thiên Chúa không thể tách rời khỏi tình yêu thương anh em [x. Rm 13, 9-10; 1Ga 4,10]. Hơn thế nữa, khi cầu nguyện với Chúa Cha “Xin cho mọi người nên một… như Chúng Ta là một” [Ga 17,21-22], Đức Giêsu đã nói lên sự tương hợp của con cái Chúa trong chân lý và Đức Ái [MV 24]. Con người là hình ảnh Thiên Chúa và Thiên Chúa của chúng ta là là cộng đoàn ba ngôi vị; vì thế, đặc tính cộng đoàn đã được in sâu vào bản tính con người.
Thật vậy, con người cần được sống trong xã hội. Nhờ sự trao đổi, đối thoại với người khác và nhờ sự phục vụ lẫn nhau, con người phát triển khả năng của mình. Mỗi người đã đón nhận từ xã hội nhiều di sản làm nên nhân cách của mình, và đến lượt họ, phải góp phần xây dựng xã hội.
Trong thực tế, con người có những khác biệt nhau về tuổi tác, năng lực, trí tuệ và tinh thần. Nói theo ngôn ngữ Tin Mừng, khi bước vào cuộc đời này, những nén bạc được giao phó không đồng đều.[x.Mt 25,14-30]. Nhưng Chúa quan phòng đã muốn như thế để dạy con người bài học về liên đới và chia sẻ: mỗi chúng ta cần đón nhận từ người khác và cũng cần chia sẻ cho người khác; nhờ đó cuộc sống chung trở thành phong phú hơn.
Liên đới là đòi hỏi trực tiếp của tình huynh đệ nhân loại và Kitô giáo. Đối với người Kitô hữu, tình liên đới ấy bắt nguồn từ chính Chúa Kitô, Đấng đã liên đới với ta trong thân phận tội lỗi; nhờ đó ta được chia sẻ sự sống với Ngài. Và như Đức Thánh Cha Piô XII đã nói, trong suốt chiều dài lịch sử Hội Thánh, tình liên đới ấy đã thúc đẩy bao nhiêu Kitô hữu hy sinh hiến dâng cuộc đời nhằm mang lại cho người khác cuộc sống xứng danh con người và người Kitô hữu.
Trong sinh hoạt xã hội, tình liên đới được biểu lộ qua việc phân phối của cải và công việc cho đồng đều. Tình liên đới cũng giúp cho con người giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội trong tinh thần hòa giải. Noi gương Chúa Kitô, người Kitô hữu nỗ lực thể hiện tình liên đới trong sự hiệp thông đức tin, cũng như trong sự chia sẻ của cải vật chất hằng ngày, vì “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho”. [Mt 6,33].
Hơn ai hết, người Kitô hữu hôm nay phải ghi nhớ lời nhắn nhủ của Hội Thánh “Hoàn cảnh biến đổi sâu rộng và nhanh chóng đòi hỏi cấp bách đừng ai chủ trương một thứ luân lý duy cá nhân, mà không lưu tâm hoặc không màng chi tới diễn tiến thời cuộc” [MV 30]. Đức tin không chỉ bó hẹp trong một số bổn phận đạo đức cá nhân, nhưng còn cần được thể hiện trong sinh hoạt xã hội; nhờ đó tin Mừng Chúa Kitô được thấm nhập vào mọi thực tại của đời sống con người.
II. NẺO ĐƯỜNG LOAN BÁO TIN MỪNG
“Yêu mến Đức Kitô, người trẻ được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng ở mọi nơi bằng chính đời sống của mình…”[x.CV 175]. Tin mừng là Chân Lý. Làm chứng cho Tin Mừng bằng chứng tá, nghĩa là sống chân lý, trở thành hiện thân của chân lý, được biến đổi thành Đức Kitô… Sứ điệp biến thành sự sống hiện sinh [x.CV 175]. Giá trị của chứng từ không có nghĩa là chúng ta phải câm lặng không nói Lời Chúa.
- Chứng Tá và Rao Giảng
Đức Thánh Cha Phalô VI viết trong một câu thường xuyên được trích dẫn, con người thời nay sẵn sàng nghe các chứng nhân hơn là nghe các thầy dạy, và nếu họ nghe các thầy dạy, thì đó là vì những người này cũng là những chứng nhân [x.EN 41]. Làm chứng và rao giảng đi chung với nhau.
1.1. Chứng tá: Trước hết, và có lẽ cơ bản nhất, chứng tá là về việc các cá nhân có đức tin sống đời sống mình trong ánh sáng của đức tin ấy. Việc làm chứng này có thể là kiểu làm chứng phi thường của Charles de Foucauld, người đưa ra ý tưởng tiên phong về một thừa tác vụ của sự hiện diện, hay chứng tá của Mẹ Têrêxa, nhưng cũng là kiểu làm chứng của những người sống trọn vẹn đời sống thường ngày của họ. Làm chứng cho người khác về một con người cầu nguyện, một người vợ hay một người chồng chung thủy, một người cha người mẹ kiên nhẫn và yêu thương, một người thợ mộc cẩn thận tỉ mỉ, một thầy thuốc kiên nhẫn nghe bệnh nhân nói chuyện, một bệnh nhân ung thư lòng đầy hy vọng hay trung thành sống cuộc sống thường nhật của mình với sự nhận nại chịu đựng. một người nông dân cần cù lao động, một doanh nhân hành nghề với đạo đức nghề nghiệp, một con nghiện phấn đấu chống lại thói nghiện, một người cha người mẹ nghèo dũng cảm làm việc để nuôi gia đình mình- những người này [và đương nhiên còn có thể kể ra nhiều ví dụ khác nữa] là những người mà cuộc đời của họ được đức tin soi sáng luôn luôn đem lại sự sống mới ở bất cứ nơi nào họ sống; họ khơi dậy trong tâm trí người khác những câu hỏi về các động lực và tầm nhìn của họ.
1.2. Rao giảng: “Rao giảng là thông truyền sứ điệp Tin Mừng mầu nhiệm cứu độ đựợc thực hiện bởi Thiên Chúa cho con người nhờ Đức Giêsu Kitô bởi quyền năng của Thánh Thần. Đó là một mời gọi người ta tin vào Đức Kitô và qua phép rửa gia nhập vào cộng đoàn tín hữu là Hội Thánh. Sự rao giảng này có thể được thực hiện cách long trọng và cộng khai, chẳng hạn như vào ngày lễ Ngũ Tuần… hay chỉ là một cuộc nói chuyện đơn sơ… Nó dẫn đưa một cách tự nhiên tới việc dạy giáo lý nhằm đào sâu đức tin này” [DP 10].
Rao giảng cũng là hành vi truyền thông Tin Mừng về Đức Giêsu và Tin mừng của Đức Giêsu. Nó kể câu chuyện Đức Giêsu, cuộc đời, sứ vụ, cái chết và sự sống lại của Người, và nó giới thiệu con người này, con người và cuộc đời Ngài bộc lộ quá sáng tỏ về Thiên Chúa. Đây là Tin mừng về Đức Giêsu. Nhưng rao giảng cũng nói về Tin mừng của Đức Giêsu- các dụ ngôn của Người kêu gọi các môn đệ phải biết tha thứ như thế nào, các phép lạ của Người kêu gọi họ trở thành những tác nhân mang đến sự chữa lành và sự toàn vẹn, các việc trừ quỷ của Người kêu gọi họ tuyệt đối chống lại sự dữ dưới mọi hình thức, lối sống bao gồm của Người kêu gọi họ biết đón nhận mọi người. Rao giảng không chỉ đơn thuần là thông truyền một câu chuyện của quá khứ. Đức Giêsu Kitô đang sống, và sứ điệp của Người tiếp tục thách thức các cơ cấu bất công của xã hội và tôn giáo, an ủi và khích lệ những ai đang đau buồn hay gắng sức, kết án cái ác trong thế giới phức tạp toàn cầu hóa và đa cực về tôn giáo hôm nay. Hơn nữa, rao giảng là một lời mời gọi tham gia vào cộng đoàn các môn đệ, vào Giáo hội. Rao giảng là kêu mời những ai tin vào Tin mừng của Đức Giêsu và Tin mừng về Đức Giêsu hãy tham gia làm cho Tin Mừng ấy được nhìn thấy và nghe thấy trên thế giới.
Từ những gì chúng ta đã nói tới trên đây, rõ ràng hành vi rao giảng, giống như làm chứng, nghiêm túc lưu ý đến bối cảnh nơi Giáo Hội rao giảng về con người và sứ điệp của Đức Giêsu. Ở thời đại toàn cầu hóa, Tin mừng phải tôn trọng các nền văn hóa và bối cảnh địa phương và quyết liệt đứng về phía công lý. Trong một thế giới hậu hiện đại, phải đặc biệt nhấn mạnh việc rao giảng Đức Giêsu như là Đấng Cứu Thế duy nhất, bất chấp các giá trị thực của các truyền thống tôn giáo khác. Nhưng rao giảng luôn luôn là về sự can thiệp của Thiên Chúa với vương triều của lòng thương xót, công lý và hòa giải; rao giảng luôn luôn nhìn nhận phẩm giá và bi kịch của con người; nó luôn luôn là một lời mời gọi gia nhập một cộng đoàn đức tin.
- Phụng Vụ, Cầu Nguyện và Chiêm Niệm
2.1. Phụng Vụ: “Phụng vụ tăng sức mạnh cho tín hữu một cách kỳ diệu để họ có khả năng rao giảng Đức Kitô” [SC 2] vì phụng vụ là mạch suối từ đó mọi sức mạnh của Giáo Hội chảy ra [SC 10]. Có lẽ nguồn mạch phong phú nhất của việc phục vụ truyền giáo trong phụng vụ là việc cử hành Thánh Thể. Văn kiện USCC viết“Thánh Thể là sự rao giảng trên hết về tình yêu của Đức Kitô được thể hiện qua cái chết và sự phục sinh của Người. Đó chính là tâm điểm của Tin Mừng. Giống như những người lần đầu tiên ăn và uống tại bàn ăn của Chúa, chúng ta hôm nay tụ tập tại bàn ăn ấy không có chọn lựa nào khác ngoài việc phải rao giảng Tin mừng của Người cho mọi người. Thánh Thể nuôi dưỡng linh đạo truyền giáo của chúng ta và tăng cường sự cam kết của chúng ta là dâng hiến bản thân và các nguồn lực của mình cho… mọi dân tộc trên trái đất” [TEE 58]. Tất cả chuyển động của phụng vụ Thánh Thể đạt đến tột đỉnh trong việc sai cộng đoàn ra đi khi kết thúc giờ phụng vụ [lễ xong, chúc anh, chị, em đi bình an]: chúng ta được nuôi dưỡng bởi bánh của Lời và chia sẻ bánh và chén của mình và máu Chúa để chính mình trở thành Lời Thiên Chúa và sự hiện diện của Đức Kitô “giữa thế giới, vì thế giới”.
2.2 Cầu Nguyện và Chiêm Niệm: Năm 1927, Giáo hội Công Giáo Roma công bố hai vị thánh bổn mạng của công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Vị thứ nhất, thánh Phaxicô Xaviê, xem ra là một sự chọn lựa tự nhiên. Cuộc đời hoạt động không biết mệt mỏi của ngài tại Ấn Độ và Nhật Bản, và các giấc mơ của ngài về nước Trung Hoa làm ngài nổi lên như một trong các nhà truyền giáo năng động nhất mà Hội Thánh từng biết đến. Tuy nhiên vị thánh bổn mạng thứ hai, Têrêxa Hài Đồng Giêsu, có thể không phải là mộ sự lựa chọn hiển nhiên nếu chỉ nhìn ở vẻ bề ngoài. Chị là một nữ tu dòng Cát Minh, sống một đời tu kín và chiêm niệm; từ khi vào tu viện ở tuổi 15, chị chưa từng rời khỏi nước Pháp, và mất ở tuổi 24 do hậu quả của bệnh lao phổi. Thế nhưng, như sẽ được thấy rõ trong tiểu sử của chị, được công bố không lâu sau khi chị qua đời, Têrêxa là một phụ nữ say mê với việc truyền giáo. Chị sống nếp sống an bình của chị trong kinh nguyện- bằng lời và hành động- cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội, đặc biệt giữa những người ngoài Kito giáo. “Nhưng, Người Yêu của con ơi,” chị viết, “một sứ mạng mà thôi thì không đủ cho con, con muốn cùng một lúc rao giảng Tin mừng tại khắp năm châu và cho tới tận các đảo xa xăm nhất. Con muốn là một nhà truyền giáo, không phải chỉ trong một ít năm, nhưng từ buổi tạo dựng và cho tới ngày thế mạt”. Nhờ cầu nguyện cho các nhà truyền giáo và hoạt động truyền giáo vượt mọi biên giới của Giáo hội, nhờ một cuộc đời có ý thức dâng hiến cho công cuộc của Thiên Chúa trong thế giới, và nhờ việc thực hành chiêm niệm giúp chị nhìn rõ được giá trị của các hành vi bé nhỏ nhất, Têrêxa Hài Đồng Giêsu làm chứng cho giá trị của kinh nguyện và chiêm niệm đối với việc truyền giáo.
Giống như phụng, cầu nguyện và chiêm niệm bao gồm đối thoại, lời nói ngôn sứ và cả hành động. Cầu nguyện không bao giờ có thể là độc thoại; nó phải tiếp xúc với cả ý muốn của Thiên Chúa và các nhu cầu sâu xa nhất của thế giới và của Giáo Hội. Nhưng nó cũng bao gồm việc “lên tiếng” vốn là tâm điểm của hoạt động ngôn sứ; nó kêu gọi chúng ta nói lên và điều chỉnh mình với các mục đích của Thiên Chúa, được phân định nhờ thực hành một “thái độ chiêm niệm” trong cảnh yên tĩnh của một tu viện hay giữa những tiếng ồn ào của thế giới. Cầu nguyện và chiêm niệm không bao giờ mang tính phi vật thể; nó luôn luôn diện ra trong một bối cảnh cụ thể và có một tiêu điểm rõ ràng. Trong bối cảnh thế giới hôm nay với xu hướng đang lên của phong trào Thánh Linh và các cộng đoàn đặc sủng, cầu nguyện là hoạt động tự nhiên, vui vẻ và thậm chí xuất thần. Nhưng chúng ta nhận thấy trong mọi phong cách cầu nguyện luôn luôn có sự tập trung vào Đức Giêsu Kitô và lời cầu nguyện của chính Người với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần; chúng ta thấy, cầu nguyện cho dù là riêng tư hay cá nhân, vẫn luôn luôn là cùng với các Kitô hữu khác và cho thế giới. Tóm lại, phụng vụ, cầu nguyện và chiêm niệm là những phương cách mạnh mẽ để Kitô hữu tham gia vào sứ vụ của Thiên Chúa trong cuộc tạo thành của Thiên Chúa, “đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc, và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng con”.
- Công Lý
“Hành động vì công lý và tham gia vào sự biến đổi thế giới đối với chúng ta là chiều kích của việc rao giảng Tin Mừng, hay nói cách khác, của sứ mạng Giáo Hội là cứu chuộc loài người và giải phóng loài người khỏi mọi tình huống áp bức”. “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy hoạt động cho công lý”. “Vì trái đất là của Chúa, trách nhiệm của Hội Thánh đối với trái đất là thành phần quyết định trong sứ mạng của Hội Thánh”
Ba câu trích này chỉ ra hai sự thật quan trọng trong cách hiểu Giáo Hội hôm nay về truyền giáo. Thứ nhất, các câu trích chỉ ra rằng hoạt động cho công lý trên thế giới là một thành phần cấu tạo của hoạt động truyền giáo của Giáo hội, có tầm quan trọng ngang hàng với hoạt động làm chứng và rao giảng Tin mừng và thiết lập các cộng đoàn Kitô để chia sẻ đức tin, tình bạn và việc thờ phượng. Thứ hai, chúng minh định rằng công lý là một khái niệm rộng, bao gồm từ sự giải phóng kinh tế và chính trị tới các quyền cơ bản của con người, tới hoạt động vì hòa bình, dấn thân hoạt động cho sự ôn định và sự bền vững của môi trường. Giống như các ngôn sứ của Kinh Thánh Do Thái, và giống như sứ vụ của Đức Giêsu trong Tân Ước, sứ mạng của Giáo Hội là hợp tác với Thiên Chúa trong việc kêu gọi mọi người, mọi nơi và mọi lúc, dấn thân cho công lý, hòa bình và bảo vệ mội trường.
Ngược dòng lịch sử, Giáo Hội từng được biết đến nhiều vì hoạt động chăm lo cho những người nghèo và những người bị gạt ra bên lề xã hội, và đây luôn luôn được nhìn như một phần của sự phát triển truyền giáo của Giáo Hội. Trong Tân Ước, thánh Phaolô kêu gọi các Kitô hữu trên khắp vùng Địa Trung Hải đóng góp cho sự an sinh của các Kitô hữu nghèo khổ tại Giáo Hội Giêrusalem [x.Rm16, 24-28; 1Cr 16,1]; các Kitô hữu trong đế quốc Roma trở nên nổi tiếng vì chăm lo cho các bệnh nhân trong một số nạn dịch từng cướp đi sinh mạng của rất nhiều người vào các thế kỷ II và III; các tu viện trở nên nổi tiếng như là những nơi tá túc và nương náu trong các thời kỳ đại họa của cuộc di dân lớn vào thế kỷ V, VI và VIII; các Kitô hữu như Elisabet nước Hungrari, Phanxico Assisi, Gioan Thiên Chúa là những vị từng làm chứng cho sự liên kết bất khả phân ly giữa tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với đồng loại trong đời sống Kitô giáo.
Tuy nhiên, vì một số nhân tố trong sự phát triển của xã hội thế tục và trong nhận thức của các Giáo hội, người ta ngày càng thấy rõ là việc phục vụ dành cho người nghèo và bị bỏ rơi bằng các công việc bác ái mà thôi thì không đủ. Vì những cách hiểu mới về phẩm giá và sự bình đẳng của con người từng xuất hiện vào thời Khai Sáng, là một giai đoạn rực rỡ vào thế kỷ 18 của nền triết học phương Tây…., người ta thấy rõ là việc truyền giáo của Giáo hội không chỉ phải giảm bớt tình trạng đau khổ và bị bỏ rơi của con người, nhưng còn phải bao gồm việc loại trừ hẳn gốc rễ của tình trạng ấy. Không những Giáo hội phải dấn thân vào các công cuộc tập thể của lòng thương xót qua các việc phục vụ từ thiện, Giáo hội cũng phải tham gia vào việc đấu tranh giải phóng con người. Ngày nay tất cả các Giáo hội đều thấy rõ là các Giáo hội được kêu gọi để nói với và nói cho những nghèo và bị bỏ rơi, giúp họ có khả năng nói bằng tiếng nói của chính họ, và sát cánh với họ trong một chọn lựu về tình liên đới và hành động: “Nước Thiên Chúa và công bằng xã hội không thể tách rời” [EPCW 66]. Hơn nữa, các Giáo hội hôm nay nhận ra rằng nếu họ muốn giảng và hoạt động cho công lý một cách đáng tin, bản thân họ phải là những cộng đồng trong đó công lý được thực hành và được nhìn thấy rõ ràng.
Vì vậy, trước hết, Giáo hội hôm nay được kêu gọi tham dự vào khía cạnh của sứ vụ Thiên Chúa là nói với và nói vì những người nghèo khổ và bị bỏ rơi trên thế giới. Điều mà Giáo hội nói với những người nghèo khổ và bị bỏ rơi của thế giới [hay ngày nay cũng được gọi là những người bị loại trừ, đó là tin vui rằng Thiên Chúa là một vị Thiên Chúa của công lý, rằng Thiên Chúa không và sẽ không dung thứ tình trạng bóc lột và Ngài đang hoạt động trên thế giới nhờ Thánh Thần để đem đến một xã hội công bằng và bao dung. Trải dài suốt lịch sử, những kẻ quyền thế không ngừng lợi dụng Thiên Chúa cho những mục đích bất công của chính họ, nhưng truyền thống tôn giáo Israel luôn luôn kháng cự lại khuynh hướng này. Khi Israel bị Aicập đàn áp, Thiên Chúa đến cứu dân bằng bàn tay mạnh và cánh tay uy quyền” [Dnl 11,2]; khi chính dân Israel giàu có áp bức các dân bản xứ nghèo khổ, Thiên Chúa nói những lời mạnh mẽ lên án họ qua ngôn sứ Amos [Am 2,6-8]; khi dân Thiên Chúa bị lưu đày, Thiên Chúa nói những lời an ủi và hy vọng qua các ngôn sứ mà chúng ta gọi là Isaia Đệ Nhị và Đệ Tam. Và Thần Khí Thiên Chúa được mặc khải trọn vẹn nơi Đức Giêsu, mà bài giảng khai mào của Người tại Hội đường Nadaret đã dùng những lời của Isaia Đệ Tam để nói lên việc Người đem Tin Mừng đến cho người nghèo, loan báo tự do cho người bị giam cầm, đem ánh sáng đến cho người mù và giải phóng các tù nhân trong một “năm hông ân” mới, một xã hội mới công bằng và bao dung [x. Lc 4,18-19 và Is 61,1-2].
Giáo hội được gọi sống với người nghèo bằng một sự chọn lựa vừa liên đới vừa thực hành, được gọi là “chọn lựa ưu tiên vì người nghèo.” Một số người đã phản đối ý tưởng này, họ cho rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người như nhau, vì vậy Giáo hội cũng phải làm như thế, nhưng những người ủng hộ sự chọn lựa vì người nghèo thì nhấn mạnh rằng nó “biểu lộ tính phổ quát của bản chất và sứ mạng của Giáo hội, chứ không phải là một dấu hiệu của chủ nghĩa địa phương và bè phái.” Nói khác đi, để bảo đảm rằng tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa vươn ra tới mọi dân tộc, cần phải có một sự dấn thân đặc biệt cho những người nghèo và bị bỏ rơi. Không có một sự dấn thân hữu ý như thế, Giáo hội sẽ dễ làm ngơ hay coi thường tiếng kêu của người nghèo, thành phần thường không được lắng nghe và nhìn thấy. Một kế hoạch khẳng định-hành động như thế của Giáo hội bảo đảm rằng những người thiếu thốn nhất sẽ nhận được sự chú ý mà họ đáng được.
- Thay Lời Kết:
Để thay lời kết, chúng con xin ghi lại một vài nhận định và một số danh ngôn hay về tuổi trẻ, như sau:
– “Đừng để ai coi thường tuổi trẻ của các con” [x.1Tm 4,12].
– “Tuổi trẻ là một ân sủng, một gia tài” [Thánh Phaolô VI]
– “Tuổi trẻ là một thời kỳ độc đáo và đầy hứng khởi trong cuộc đời, chính Đức Giêsu đã trải qua và thánh hóa thời kỳ này” [x. CV 22]
– “Vinh quang tuổi trẻ hệ tại nơi tâm hồn, hơn là nơi sức mạnh của thể lý hay ấn tượng đối với người khác” [CV 9].
– “Đôi khi tất cả năng lực, ước mơ và nhiệt huyết của tuổi trẻ bị tan biến vì chúng ta bị cám dỗ khép lại trong chính mình, trong những vấn đề của mình, trong những cảm giác bị tổn thương, trong những lời phàn nàn và trong cuộc sống tiện nghi. Đừng để điều này xảy ra với con, bởi vì con sẽ già đi trước tuổi. Mỗi lứa tuổi đều có vẻ đẹp riêng của nó, và tuổi trẻ không thể thiếu hoài bảo chung, có thể cùng nhau chia sẻ ước mơ, những chân trời bao la mà chúng ta có thể cùng nhau chiêm nghiệm” [CV 166]
– “Các bạn hỡi, đừng đợi đến ngày mai mới đóng góp năng lực, sự gan dạ và sự sáng tạo của các con cho việc biến đổi thế giới này. Tuổi trẻ của các con không phải là một “thời gian chuyển tiếp”. Các con là hiện tại của Thiên Chúa, Ngài muốn các con trổ sinh hoa trái” [CV 178]
– “Con người chỉ được hưởng tuổi thanh xuân một lần trong đời, và ở tuổi thanh xuân, ai cũng dễ đạt tới tất cả những gì cao quý và đẹp hơn ở lứa tuổi khác. Thật hạnh phúc cho những ai giữ được thanh xuân cho đến tuổi già, không để tâm hồn mình nguội lạnh đi, khô cằn đi”. Bê-lin-xki, [Nga]
– “Ôi, lớp trẻ, lớp trẻ, ta đã khấn nguyện một điều là các bạn hãy nghĩ đến sự nghiệp lớn lao đang chờ đợi các bạn. Các bạn là người chủ sau này, các bạn sẽ xây đắp nền móng cho thế kỷ tới đây, thể kỷ mà, chúng ta tin chắc rằng, sẽ giải quyết trọn vẹn những vấn đề chân lý và công lý đã đặt ra từ thế kỷ vừa qua”. Ê.Dô-la [Pháp].
– “Hãy trân trọng tuổi trẻ của mình!… Hãy sống sao để lúc về già, ta có cái để nhớ lại những năm tháng thanh xuân” Goóc-ki [Nga].
– “Tuổi trẻ vô tư trong các ý định và tình cảm của họ, bởi vậy họ lĩnh hội chân lý hết sức sâu sắc, lĩnh hội bằng cả tư tưởng và tình cảm…”Hai-nơ [Đức].
– “Trước hết, các bạn nên tự hỏi rằng: “Ta đã học được những gì? Rồi cứ tuần tự khi đã tiến bộ ít nhiều, các bạn lại tự hỏi rằng : “Ta đã làm được gì cho đất nước?”, mãi cho đến khi các bạn có thể có được niềm vinh dự vô ngần nghĩ rằng, các bạn đã đóng góp một đôi phần vào sự tiến bộ và nền hạnh phúc của nhân loại.” Lu-y Pa-xtơ, [Pháp]
– “Cuộc sống sẽ mất hết ý nghĩa, nếu như tuổi trẻ không biết đến công việc của những thế hệ trước mình” Pau-xtốp-xki [Nga].
– “…Tiêu phí những năm thanh xuân của mình vào đủ các thứ trò giải trí vui chơi là tự đào tạo mình thành một người vô dụng, khó tính và bất hạnh về sau”. Pi-xa-rép [Nga].
Câu hỏi:
“Vinh quang tuổi trẻ hệ tại nơi tâm hồn, hơn là nơi sức mạnh của thể lý hay ấn tượng đối với người khác” [CV 9]. “Mỗi lứa tuổi đều có vẻ đẹp riêng của nó…” [x.CV 166].
Vậy chúng ta phải làm gì để trân quý vẻ đẹp của lứa tuổi mình, nhất là vẻ đẹp trong tâm hồn ?
Nhóm Anh Em Trụ Sở
Sách Tham Khảo
– Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo [biên soạn cho giáo dân Việt Nam]
– Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo,
– Công Đồng Vaticano II
– Tổng luận Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh [Học viện Thần học Philip Rinaldi
– STEPHEN B. BEVANS, ROGER P. SCHOEDER [Bản dịch Việt ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên] Trung Thành và Thích Nghi, Thần Học Truyền Giáo Cho Hôm Nay.
– Anton NGUYỄN CAO SIÊU, SJ. Manna, Suy Niêm Lời Chúa- Chúa Nhật năm A.
Những Chữ Viết Tắt
– CV: CHRISTUS VIVIT, Tông huấn “Chúa Kitô Đang Sống”
– DP: DIALOGUE and PROCLAMATION, Đối Thoại và Rao Giảng
– EN: Tông Huấn Evangelii Nuntiandi
– EPCW : “Evangelization, Proselytim and Comon Witness” [Pentecostal/ Roman Catholic Dialogue, 1997: Rao giảng Tin Mừng, Chiêu Mộ và Làm Chứng Chung” [Đối thoại Thánh Linh/Công Giáo, 1997]
-MV: Hiến Chế Mục Vụ về Hội Thánh trong Thế giới Ngày nay
– SC: Sacrosantum Concilium- Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh
-TEE:To the Ends of the Earth [pastorla statement on world mission]- Đến Tận Cùng Trái Đất [thư mục vụ về truyền giáo thế giới]
– USCC: United States Catholic Conference- Hội Nghị Công Giáo Hoa Kỳ