Thứ 4 Tuần XXXIV Thường Niên
(Kh 15,1-4; Lc 21,12-19)
Gặp hoạn nạn mới biết ai là bạn ai là thù. Cũng thế, chính khi gặp những thử thách, gian nan, những lúc bị bách hại, phỉ báng, đánh đập vì Danh Đức Ki-tô, mới rõ ai làm chứng cho Chúa, ai là chứng nhân của Ngài. Quả thực, trong những lúc gian truân cùng khổ, khi Giáo Hội bị bắt bớ, vu khống đủ điều, thì lại là cơ hội để mỗi người làm chứng cho Chúa và là lúc xuất hiện những vị thánh, những thánh nhân can trường, anh dũng. Vậy ai có thể làm chứng nhân cho Chúa và bằng cách nào trong thời đại hôm nay?
Mọi việc xảy ra trong cuộc đời người Ki-tô hữu luôn là những cơ hội để mỗi người làm chứng cho Chúa. Quả vậy, những hiểu lầm, vu khống, cái cọ, đấu tranh cho công lý và hòa bình. Đồng thời, những bắt bớ, ngược đãi hay tù đày thậm chí là giết hại vì Danh Đức Ki-tô, tất cả đều là cơ hội tuyệt vời để làm chứng cho Chúa. Hơn nữa, đó còn là cơ hội làm chứng nhân cho Chúa trước mặt mọi người. Các chứng nhân hát bài ca mới ca mừng chiến thắng, các ngài được Con Chiên hướng dẫn thắng được những thử thách, đau khổ trong cơn bách hại: “Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, sự nghiệp Ngài thật lớn lao kỳ diệu! Lạy Đức Vua trị vì muôn nước, đường lối Ngài quả chân thật công minh!” (Kh 15,3). Bởi lẽ, chính Chúa Giê-su là Đấng giải phóng toàn thể nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi. Thế nên, tất cả mọi người đều được mời gọi làm chứng cho Chúa ở bất cứ nơi đâu, trong mọi thời đại.
Chứng nhân cho Chúa thúc đẩy con người đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa đến độ không còn lệ thuộc vào xác thịt tự nhiên để hoàn toàn dấn thân phục vụ Tin Mừng. Như thế làm chứng cho Chúa là công bố Đức Giê-su đã sống lại và tuyên xưng Ngài là Chúa. Đồng thời, làm chứng còn mang ý nghĩa tử đạo, vì lửa thử vàng, gian nan thử luyện. Do đó, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, và khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Nói như thánh Phao-lô: “tôi nghĩ rằng, những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18). Thế nên, “cứ kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19). Trần gian rồi sẽ tàn lụi, Thiên Chúa sẽ có tiếng nói cuối cùng. Cơn lôi đình của Thiên Chúa sẽ đến chấm dứt thời gian và không gian của thế lực trần thế. Người thiết lập vương quốc mới: “như biển trong vắt pha ánh lửa”.
Thời gian cuối cùng này chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn, sự dữ nổi lên tư bề; do đó hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Sống can đảm làm chứng cho Chúa trước mặt các vua chúa quan quyền thời đại mới bằng đời sống thánh thiện gương mẫu. Bởi chưng, “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định” (Rm 8, 28). Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Thế nên, “vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu” (Lc 21,17-18). Dù sao đi nữa, thái độ đáp trải này chỉ có thể thực hiện dưới sự thúc đẩy và trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Do đó, làm chứng nhân cho Chúa đòi ta phải sẵn sàng để suốt đời kiên vững trong ơn gọi, phải từ bỏ chính mình cũng như tất cả những gì mình có và “trở nên tất cả cho mọi người” (1 Cr 9,22). Như thế, khi rao giảng và làm chứng cho Chúa giữa muôn dân, “nhà truyền giáo mang đầy xác tín với trách nhiệm phải công bố mầu nhiệm Chúa Ki-tô, đến độ trong Người, họ mạnh dạn lên tiếng vì bổn phận phải nói, và không xấu hổ về sự ô nhục của Thập Giá” (Sắc Lệnh AG, số 24).
Lạy Chúa, sống trong ơn gọi đan tu xin cho chúng con bằng nếp sống theo Tin Mừng đích thực, với thái độ kiên nhẫn, đại lượng, nhân hậu và yêu thương luôn biết hăng say nhiệt thành làm chứng cho Chúa đến độ nếu cần cũng sẵn sàng đổ máu vì Danh Ngài.
FM. Gregorio Đỗ Thường Toàn