Thứ hai 31/08/2020-thứ hai tuần XXII thường niên, Lc 4,16-30
Chúng Ta Đã Tin Gì Và Biết Gì Nơi Đức Giêsu?
Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng viết: “Quê hương là chùm khế ngọt, cho trèo hái mỗi ngày…”. Vì thế, mỗi khi có dịp về quê thì trước đó mấy ngày, mấy tuần, thậm chí mấy tháng lòng ta cứ xôn xao, nao nức hướng về quê hương. Và mỗi lần trở về quê là một lần ta để lại những kỷ niệm, dấu ấn thường là vui, ấm áp, an ủi… cho chính mình và những người thân yêu trong gia đình, giáo xứ, làng xóm … .
Khác với những cuộc trở về quê hương của chúng ta, cuộc hồi hương của Chúa Giêsu được Tin Mừng thánh Luca thuật lại hôm nay đã khắc đậm lại một kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. Lúc Ngài mới về quê, dân chúng đã hồ hởi đón chào nồng nhiệt, họ đã dành chỗ nhất trong Hội đường cho Ngài. Nhưng rồi sau đó, họ lại muốn tìm cách triệt hạ Ngài. Tại sao vậy? Khi phân tích, chú giải đoạn Tin mừng này, các nhà chú giải đã đưa ra rất nhiều lý do như: do kiêu ngạo, ích kỷ, ghanh tỵ, khinh thường, thành kiến với Đức Giêsu… . Nhưng theo con, những lý do ấy chung quy lại ở hai chữ: Tin và Biết. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu xem, dân Nadaret ngày xưa và cả chúng ta ngày nay nữa đã tin gì và biết gì nơi Đức Giêsu?
- Tin
Sách từ điển tiếng Việt nêu lên cho ta ba cấp độ của chữ tin: cấp độ thứ nhất: là tin tức, tức là điều được truyền đi, báo cho biết về sự việc, tình hình xẩy ra. Cấp độ thứ hai là: tin tưởng, tức là có ý nghĩ cho là đúng sự thật, là có thật, là thành thật. Cấp độ thứ ba là tin cậy, tức là đặt hoàn toàn hi vọng vào người nào hay cái gì đó. Căn cứ vào đó, chúng ta cùng xem dân Nadaret đã đạt tới cấp độ nào của chữ tin?
Sau khi Chúa Giesu chịu phép rửa ở sông Gio đan, Thánh Thần liền ngự xuống trên Người và được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Người bắt đầu đi rao giảng và danh tiếng của Người đồn ra khắp vùng thập tỉnh Galilea (x. Lc 4,14-15). Hơn ai hết, dân Nadaret cũng sớm nắm bắt được tin tức này. Có lẽ, trong lòng họ cũng đang rất mừng vì đã có một vị ngôn sứ vĩ đại xuất hiện, một vị anh hùng có thể giải phóng dân Itrael. Họ đang ngong ngóng từng giờ, từng ngày để được gặp mặt vị ngôn sứ này. Và rất may, hôm nay họ được gặp Người ngay tại chính quê hương mình. Vì thế, họ đón tiếp Người rất niềm nở, long trọng. Họ dành chỗ danh dự nhất trong hội đường cho Người, cho Người được chủ tọa buổi cử hành phụng vụ. Sau khi nghe Người đọc và giải thích lời sách thánh, họ đều tóm tắt khen ngợi, đúng thật là trăm nghe không bằng một thấy. Đúng thật đây là người được tràn đầy Thần Khí Đức Chúa, là người đã được Đức Chúa xức dầu tấn phong, để đem Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Là Người có thể tháo gông cùm cho kẻ bị xiềng xích, mở mắt cho người mù, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa. Đây đích thực là Người có thể giải phóng Itrael dân Người. Thánh sử Luca diễn tả: “Trong Hội đường, trăm con mắt đều đổ dồn về phía Người”. Và “mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra”.
Thế nhưng, thật đáng tiếc thay! Lòng tin của dân làng Nadaret chỉ dừng lại ở cấp độ tin tưởng mà thôi, chứ chưa vươn tới được cấp độ của chữ tin cậy. Tức là chưa dám đặt tất cả tin tưởng và hy vọng nơi Đức Giêsu. Hay nói cách khác: lòng tin của họ, chưa thực sự trở thành ánh sáng có thể soi đường dẫn lối cho họ trên hành trình tìm kiếm điều họ đang khao khát. Họ chỉ mới có được một lòng tin bộc phát, chứ chưa vươn tới được ngưỡng cửa của Đức tin. Vậy, điều gì đã gây trở ngại, đóng chặt cánh cửa lại, không cho những người dân Nadaret bước vào trong cánh cửa Đức tin? Phải chăng đó là do chữ biết?
- Biết
Sách từ điển tiếng việt cũng nêu lên cho ta ba cấp độ của chữ biết: cấp độ thứ nhất là: có ý niệm về người, vật hoặc điều gì đó để có thể nhận ra được hoặc có thể khẳng định được sự tồn tại của nó. Cấp độ thứ hai: là có khả năng làm được, vận dụng được do học tập, luyện tâp hoặc do khả năng. Cấp độ thứ ba là: nhận rõ được thực chất hoặc giá trị để có được sự đối xử thỏa đáng. Còn trong Tin Mừng của thánh Gioan chữ biết đồng nghĩa với chữ yêu.
Ngang qua lời loan báo, tuyên sấm của các ngôn sứ được truyền lại qua bao đời, được ghi chép lại rất cẩn thận trong Sách Thánh nói rằng: sẽ có một Đấng Messia xuất hiện, Ngài sẽ giải phóng dân tộc Itrael khỏi ách nô lệ và đưa tâm hồn con cháu trở về với cha ông. Hình ảnh Đấng Messia trong tâm trí, ý niệm của dân Itrael nói chung và dân Nadaret nói riêng, đó là một con người rất lý tưởng theo cách họ nghĩ. Họ nghĩ rằng: Đấng Messia sẽ là một con người oai phong lẫm liệt, dũng mạnh vô song. Đấng ấy sẽ được sinh ra trong một gia đình dòng họ quý tộc giàu sang, có uy thế trong quần chúng. Hình ảnh về một Đấng cứu thế như thế luôn đi theo sát họ trên hành trình khát khao.
Thế nên, khi đem hình ảnh về một Đấng cứu thế họ đã thủ đắc được bấy lâu nay, dọi chiếu vào con người Giêsu thì họ thấy thật là chênh lệch. Họ nghĩ rằng: người đang đối diện, nói chuyện với họ chỉ là một anh chàng Giêsu nghèo hèn. Anh chàng Giêsu này họ biết quá rõ. Bố mẹ anh ta cũng chẳng có gì hơn ai: Mẹ anh ta chỉ là một người nội trợ bình thường. Bố anh ta chỉ là một người thợ mộc tầm thường, với cái cưa, cái đục kiếm sống qua ngày. Bản thân anh ta thì chẳng được học hành gì, suốt ngày chỉ theo phụ bố với dăm ba công việc thấp hèn mà thôi. Anh ta có được những bài giảng hay, làm được vài ba phép lạ, chắc có lẽ mới học được ở nơi các thầy phù thủy ai cập đây. Do đó, họ đã không dám tin cậy vào Người.
Đứng trước tình cảnh đó, Đức Giêsu cố gắng đem kể cho họ những câu chuyện đã xẩy ra trong quá khứ, nhằm thức tỉnh lòng tin của họ. Nhưng càng giải thích, họ càng cho rằng: đây cũng chỉ là những lời xảo biện, biện minh của những anh chàng lẻo mém mà thôi. Thế nên, họ trở mặt với Người 180 độ. Thay vì sự tôn trọng đón tiếp niềm nở, dành chỗ quan trọng nhất cho Người trong buổi cử hành phụng vụ. Thì họ lòng đầy phẫn nộ, lôi Người ra khỏi thành, kéo Người lên tận đỉnh núi với ác ý là xô Người xuống vực thẳm, để khỏi chướng mắt họ.
Như thế, sự hiểu biết của dân Nadaret là rất mơ hồ, phiếm diện, họ chỉ biết được phần con người của Đức Giêsu mà không nhận ra được căn tính thần linh của Người. Họ đã giản lược căn tính thần linh của Đức Giêsu vào bình diện của những điều họ đã biết qua việc học hỏi, nghiên cứu được. Chính vi thế, họ không thể tin cậy nơi Người, không thể yêu mến Người được.
Còn chúng ta thì sao, chúng ta tin gì và biết gì nơi Đức Giesu?
Đối với một số người, đây có thể là một câu hỏi quá dư thừa, vì hằng ngày chúng ta vẫn tuyên xưng đức tin của mình một cách rất hùng hồn ngang qua Kinh Tin Kính. Chúng ta biết điều chúng ta tin là chắc chắn, không thể sai lầm. Nhưng tin và biết như thế vẫn chưa đủ, vì Đức tin không việc làm là Đức tin chết. Và biết mà không hành động thì sẽ trở thành con người dửng dưng, vô cảm. Do đó, để Đức Kitô có thể trở thành đối tượng duy nhất, Người mà chúng ta hoàn toàn tin tưởng, phó thác, cậy trông thì chúng ta cần phải kinh qua những kinh nghiệm từ việc đích thân gặp gỡ Người, sống với Người, luôn dành cho Người một chỗ riêng tư trong cõi lòng ta.
Nói thì dễ, nhưng để làm được điều này quả không phải là dễ chút nào. Trên thực tế, đó đây vẫn còn có một vài người sau khi nghiên cứu cuộc đời của Đức Giêsu, biết rất nhiều kiến thức về Người thì lại mất đức tin. Tại sao lại như vậy ? Thưa! Đó là vì họ giản lược căn tính thần linh của Đức Giêsu vào bình diện của những điều họ đã biết về mặt kiến thức. Họ lập luận rằng: sự thông hiểu của Thiên Chúa không gì khác hơn ngoài chính Thiên Chúa: tất cả đều hiện diện trong cùng một thời khắc không bao giờ đi qua: đó là vĩnh cửu. Trái lại, con người thì suy nghĩ với những tư tưởng được triển khai trong thời gian. Như vậy, sự thông hiểu của Thiên Chúa không thể ở trong một con người, nếu người ấy thực sự là người (x. Lời Chúa cho mọi người, phần chú giải Mc 6,1, tr 1676).
Vậy, ước gì qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi người chúng ta luôn biết học hỏi, trau dồi, đào tạo Đức tin và sự hiểu biết của chúng ta vào Đức Giêsu ngày càng được vững mạnh. Để chúng ta có thể đứng vững giữa mọi gian nan thử thách của cuộc đời và biết loan Tin Mừng Đức Kitô Phục Sinh đến cho mọi người. amen.
Phêrô Tự-Phan Văn Thập