Thứ sáu tuần XXV thường niên
Lc 9,18-22
Đức Giêsu là ai? Đây là một đề thi khó từ thời Chúa Giêsu xuống thế cho đến ngày hôm nay. Và cũng là một câu hỏi vừa xưa cũ, nhưng cũng rất thời sự. Đức Kitô không ngừng kích thích sự tò mò của mọi thời đại. Con người Chúa Giêsu là một dấu chấm hỏi lớn cho mọi thời, mọi người, là một thắc mắc chưa có lời giải đáp thỏa đáng đối với nhiều người. Vậy dân chúng nói về Đức Giêsu như thế nào, họ có những thắc mắc gì, Thầy là ai đối với các môn đệ và Đức Giêsu là ai với mọi người chúng ta?
1. Những thắc mắc và câu trả lời của dân chúng
“Dân chúng nói Thầy là ai?” (Lc 9,18b).
Khi được thiên thần truyền tin Mẹ sẽ mang thai, Đức Maria lấy làm bối rối. Mẹ không biết sẽ mang thai cách nào, vì Mẹ không biết đến chuyện vợ chồng. Và khi được thiên thần giải thích rõ thì Mẹ đã thưa lời xin vâng (x. Lc 1,26-38).
Thánh Giuse khi biết tin vợ mình có thai, thì ngài cũng phân vân và đang toan tính bỏ bà cách kín đáo. Trong lúc đang toan tính như thế thì thiên thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông biết người con vợ ông đang mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bấy giờ thánh Giuse đã vâng phục ý Chúa mà đón vợ đón về nhà để chăm sóc (x. Mt 1,18-25).
Khi bà Êlisabét được Đức Maria viếng thăm thì đứa con trong bụng bà Êlisabét nhảy lên vì vui sướng. Chắc chắn những người dân khi nghe biết chuyện này sẽ không khỏi thắc mắc những đứa trẻ trong bụng của hai người phụ nữ này rồi ra sẽ thế nào đây, thật kỳ lạ (x. Lc 1,39-45).
Vua Hêrôđê khi nghe các nhà chiêm tinh nói đến một Đức Vua dân Do-thái mới sinh, thì ông lấy làm bối rối và cả dân thành Giêrusalem xôn xao. Vua nghĩ rằng mình sẽ bị cướp ngôi, nên đã tìm cách để giết hài nhi Giêsu (x. Mt 2,1-18).
Khi lên mười hai tuổi Đức Giêsu đã ngồi đối đáp với các bậc thầy Do-thái. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông và những lời đối đáp của cậu. Cha mẹ khi tìm thấy cậu cũng sửng sốt. Chắc chắn người ta cũng tự hỏi không biết cậu là ai, mà còn trẻ tuổi đã không ngoan, thông thái như vậy (x. Lc 2,41-50).
Khi thi hành sứ vụ công khai, Đức Giêsu rao giảng như một Đấng có uy quyền. Ngài làm nhiều phép lạ như: cho người mù được thấy (x. Mt 9,27-31), người câm nói được (x. Mt 9,32-34), người què đi được. Người còn chữa lành mọi kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền và cho kẻ chết sống lại. Người có quyền năng trên cả thiên nhiên khi dẹp yên biển động (x. Mt 8,23-27), và có quyền năng xua trừ ma quỷ. Có nhiều người ca tụng Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu, nhưng cũng có người cho rằng Người bị điên, mất trí. Những người pharisêu còn cho là Người dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, họ không tin Chúa Giêsu và không công nhận quyền năng của Người.
Khi nghe biết những việc Đức Giêsu đã làm , ông Gioan Tẩy Giả đã cho hai môn đệ đến hỏi xem, “Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi phải đợi ai khác?”. Chúa Giêsu trả lời họ: “Các anh về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: như người mù được thấy, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết chỗi dậy” (x. Lc 7,18-23). Thử hỏi ngoài Chúa Giêsu ra ai còn làm được những điều ấy?
Tiểu Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã sảy ra, thì phân vân lắm. Ông nói: “Ông Gio-an , chính ta đã cho chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” (Lc 9,9)
Khi nghe đồn về những gì Chúa Giêsu dạy, những việc Chúa Giêsu làm, ông Philatô cũng thắc mắc và hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ông có phải là vua dân Do-thái không?” ( Ga 18,33).
Sự kiện lạ trước khi Chúa Giêsu tắt thở cũng khiến cho viên đại đội trưởng phải cất tiếng tôn vinh: “Người đích thực là người công chính!”( x. Lc 23,44-48).
Trước những thắc mắc của dân chúng như thế, hôm nay Chúa Giêsu hỏi các môn đệ xem người ta nói Thầy là ai? Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại. Chứng kiến những phép lạ Chúa Giêsu làm, nghe lời Người giảng dạy có uy quyền như thế, dân chúng gán cho Chúa những tên như trên là có thế giá lắm rồi và đã có phần đánh giá cao về Người, nhưng vẫn chưa nói lên được căn tính của Chúa Giêsu. Vì họ chưa được mặc khải, chưa được biết rõ Chúa Giêsu là ai. Vậy, Đó là bài làm, là câu trả lời của dân chúng, còn đối với các môn đệ Ngài cũng hỏi: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”
2. Câu trả lời của các môn đệ
Các môn đệ là những người đã theo học gần ba năm môn kitô học với Thầy Giêsu. Các ông không chỉ học bằng lý thuyết và sách vở, nhưng được ở cùng, sống cùng và đã chứng kiến bao việc Thầy làm, được nghe những điều Thầy nói. Giờ những năm theo học giai đoạn một gần kết thúc, đến lúc Thầy ra đề thi cuối khóa. Nếu để từng người trả lời đề thi của Thầy ắt sẽ có nhiều ông thi rớt. Bởi cũng có nhiều lần các ông nghi ngờ quyền năng của Thầy. Không biết chắc có phải Thầy là Chúa là vua đã đến không. Các ông vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa việc Thầy hóa bánh ra nhiều, vẫn còn lo sợ khi bị sóng đánh lúc thuyền lênh đênh trên biển. Khi Chúa Giêsu dẹp yên biển lặng, các ông hoảng sợ và nói: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển của tuân lệnh” (x. Mc 4,35-41). Trong khi Chúa Giêsu nói về diễn từ bánh hằng sống, Người nói: “Chính thầy là bánh từ trời xuống, thịt Tôi thật là của ăn, máu Tôi thật là của uống, ai ăn và uống máu Tôi thì được sống. Từ lúc đó đã có nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa “(x. Ga 6,22-66).
May thay, vị tông đồ trưởng là Phê-rô đã đại diện cho nhóm, có câu trả lời chính xác, cũng là lời tuyên xưng đức tin vào Thầy sau những năm tháng theo học với Người rằng: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa” (Lc 9,20). Nhưng ở Tin Mừng Matthêu Chúa Giêsu nói là câu trả lời ấy của Phê-rô không phải là phàm nhân mặc khải cho ông điều ấy, nhưng là Cha của Thầy Đấng ngự trên trời (x. Mt 16,17). Đó là những thắc mắc và những câu trả lời của dân chúng và các môn đệ, còn đối với mọi người chúng ta hôm nay, Đức Giêsu cũng hỏi: Các con nói Thầy là ai?
3. Câu trả lời của mỗi người chúng ta
Trả lời nhân tính hay Chúa Giêsu lịch sử, chỉ cần lật lại những trang Kinh Thánh và cắt dán lại chúng ta sẽ có câu trả lời như sau: Người tên là Giêsu con ông Giuse và bà Maria, họ hàng với ông Gia-cô-bê. Người sinh tại Bê-lem, miền Giu-đê thời vua Hê-rô-đê (Mt 2,1). Người sống bằng nghề thợ mộc với gia đình tại Na-da-rét (Mt 2,23). Khoảng ba mươi tuổi Người bắt đầu sứ vụ công khai, sau đó bị bắt và bị giết chết trên cây thập giá, ba ngày sau Người đã phục sinh. Còn về Thần Tính của Người chúng ta chỉ cần coppy lại câu trả lời của Thánh Phê-rô: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”. Như thế là chúng ta đã có bài để nộp cho Thầy.
Thế nhưng, đối với Thầy Giêsu đây chưa phải là một bài làm tốt chưa hoàn hảo, chưa đúng hoàn toàn với ý của Thầy muốn. Vậy điều Thầy muốn là không phải tuyên xưng bằng môi bằng miệng, nhưng là một câu trả lời bằng đời sống đức tin xác tín vào Thầy. Trong từng giây phút của cuộc đời chúng ta luôn luôn tự hỏi: “Đức Giêsu là ai đối với tôi, Người có còn trong cuộc đời tôi hay không, Người có cần cho tôi nữa hay không…” Khi thành công chúng ta dễ dàng trả lời xác tín: Chúa là Đấng làm chủ cuộc đời của tôi. Nhưng lúc gặp những thử thách, đau khổ, ta không ý thức được Chúa vẫn đang đồng hành trong cuộc đời mình. Giống như các môn đệ khi Chúa bị bắt đã trốn thoát đi đâu hết, cả ông Phê-rô tuyên xưng mạnh mẽ thế, nhưng khi gặp thử thách cũng đã chối Thầy ba lần.
Chúa muốn rằng, khi chúng ta đã được học, được nghe lời Chúa, được chứng kiến những phép lạ Chúa làm cho nhiều người, hay cho chính bản thân; qua thiên nhiên, nhất là qua bí tích Thánh thể chúng ta nhận ra được sự hiện diện quyền năng của Thiên Chúa. Vậy chúng ta phải nhận biết Người, tin tưởng, sẵn sàng sống cho Người và bước theo Người trong mọi hoàn cảnh, cả khi gặp thử thách. Hãy để cho đức tin dấn bước sâu hơn trong sự hiểu biết về Đức Giêsu, từ đó chúng ta sẵn sàng vác thập giá mình để theo Thầy và đón nhận ơn cứu độ của Người.
Vậy để có thể làm tốt đề thi của Thầy Giêsu, chúng ta cần đến sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Xin Ngài khơi dậy niềm tin, lòng yêu mến, xin soi trí mở lòng để con hiểu và đón nhận Thầy Giêsu vào trong cuộc đời. ước mong sao cuộc đời chúng ta phải là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi đó. Chúng ta cần tuyên xưng Đức Giêsu thật bằng đời sống của mình. Chính đời sống tin cậy, phó thác vào Chúa là một câu trả lời tuyên xưng đức tin đích thực. Và khi người khác nhìn vào chúng ta họ cũng có cho mình được một câu trả lời xác thực về Thầy Giêsu.
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin và sức mạnh, để con dám sống và tuyên xưng đức tin vào Chúa trong cuộc sống hằng ngày, cho dù có gặp trở ngại hay gian nan thử thách, con vẫn kiên vững bước đi với Người. Amen!
FM. Anton Claret Lê Thanh Sâm