Suy Niệm Thứ 5 Tuần XXIV Lc 7, 36-50
Đã nhiều lần nhóm Luật sĩ và Pharisiêu đã công khai đối đầu với Đức Giêsu, lắm lúc họ cũng bị bẽ mặt trước dân chúng vì những giải đáp thông suốt của Ngài về các vấn nạn hóc búa thuộc mọi lãnh vực: Lề luật, Tôn giáo, Chính trị xã hội hay Truyền thống …Các tác giả Tin Mừng khác đều tường thuật những cay cú và đối đầu thẳng thừng của nhóm Luật sĩ và Pharisiêu. Thế mà hôm nay Thánh sử Luca lại kể đến câu chuyện một người thuộc nhóm Pharisiêu tên là Simon mời Đức Giêsu đến dùng bữa tại nhà ông.
Qua sự kiện này chúng ta nhận thấy một trong những nét đặc trưng của Tin Mừng Luca là Đức Giêsu yêu thương và đến với mọi người không trừ một ai, không hề cố tình đối đầu với một thế giới nào. Và khi sự cố xảy đến, Ngài rất bình tĩnh ôn tồn giải đáp mọi thắc mắc một cách thoả đáng, đồng thời, nhân cơ hội ấy Ngài còn dạy những bài học thích đáng, chẳng hạn như bài Tin Mừng hôm nay, qua tường thuật của thánh sử Luca, chúng ta cũng nhận thấy được một số thiếu sót của ông Pharisiêu Simon là sai phạm về phương diện giao tiếp thông thường. Đã thế ông còn xét nét đủ điều về Đức Giêsu cũng như người khác. Và do đó, cục diện giao tiếp xoay chiều: Chính ra là cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với ông Simon lại trở thành cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với người phụ nữ thống hối biết ơn. Đây cũng là đề tài chúng ta cùng nhau suy niệm.
Có thể nói đa số những cuộc gặp gỡ xem ra đều là tình cờ, ngẫu nhiên, không hẹn hò trước, không nhất thiết thời gian, không gian và cả thể thức giao tiếp. Nhưng thực ra Đức Giêsu luôn luôn tạo cơ hội để con người có thể gặp gỡ Ngài, bất kỳ cảnh ngộ nào, điển hình như đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe: “Người phụ nữ lặng lẽ tiến về phía sau đằng chân Đức Giêsu, khóc nức nở, sa lệ ướt đẫm cả chân Chúa. Xoả tóc trên đầu chị cố lau sạch và tha thiết hôn chân Ngài cùng xức dầu thơm” (Lc 7, 38). Cuộc gặp gỡ thật kỳ lạ, không một lời trao đổi hay kể lể dài dòng! Trái lại, trong âm thầm nước mắt cùng với những cử chỉ đầy thân thương trìu mến khiến Chúa hiểu và hiểu nhiều!
Trong khi đó, ông Simon, chủ nhà mời Chúa đến dùng bữa có lẽ cùng đồng bàn với Chúa, khác hẳn với thái độ của tổ phụ Abraham là sau khi dọn bữa đãi khách, ông đứng hầu bàn đang khi khác dùng bữa. Ngoài những sai phạm ông Simon mắc phải như Tin Mừng chúng ta vừa nghe (Lc 7, 44-46), ông còn mắc phải sai phạm khác là chẳng hiểu gì về Đức Giêsu và tha nhân: “Ông tự nhủ: Ông này nếu quả thực là Ngôn sứ thì hẳn phải biết người phụ nữ đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: Một người tội lỗi” (Lc 7, 39). Phần ông, ông chỉ biết có thế! Đàng khác, không những ông chẳng biết gì về Đức Giêsu mà cũng chẳng biết gì về con người. Thậm chí cũng chả biết gì về chính mình đầy những khuyết điểm thiếu sót, như Đức Giêsu đã nêu rõ cho ông hay khi so sánh giữa ông và người phụ nữ mệnh danh là người tội lỗi trong thành ai ai cũng biết. Phải chăng đó cũng là bài học cho chúng ta cần quan tâm là:
- Đức Giêsu là Đấng có quyền tha tội. Ngài là Đấng thấu suốt mọi sự tận tâm can, đồng thời cũng là Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Vì thế, người phụ nữ sám hối đã biết đến với Ngài trong khiêm hạ và cậy tin: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”. Ngài đã nói với người phụ nữ như thế! (Lc 7, 50).
- Bên cạnh đó, Đức Giêsu cũng rất tế nhị như khi sửa lưng ông chủ nhà Simon bằng một thí dụ hai con nợ được tha bổng, để thức tỉnh lương tri ông qua câu hỏi ý nhị của Chúa và từ đó soi sáng cho ông thấy rõ những sai phạm của mình từ suy nghĩ cho đến hành động, Ngài nói: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông, nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây đã không ngừng hôn chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7, 44-47).
Tình Chúa là thế đó, bao la như biển cả, dạt dào hơn đại dương! Lòng khoan dung Ngài vô biên vô lượng! còn tình người quá ích kỷ hẹp hòi, nhiều khi lại bất công trong phán đoán và hành xử…Bởi vậy, khi gặp thấy những sự cố xảy đến nơi bản thân, tha nhân hay cộng đoàn, chúng ta đừng vội suy đoán lung tung, mà tốt nhất là đưa vào trong bầu khí cầu nguyện, và trong bầu khí ấy, Thánh Thần sẽ giúp chúng ta tìm hiểu ra sứ điệp tình yêu của Thiên Chúa muốn chúng ta phải làm gì và xử trí sao cho đúng và đẹp ý Chúa.
Quả vậy, đối với mọi người chúng ta, đặc biệt các vị hữu trách, nếu ở trong bầu khí cầu nguyện, thái độ và hành xử của mình sẽ chín chắn và thích đáng hơn, có một tấm lòng bao dung quảng đại hơn với đôi tay rộng mở đón nhận các thành viên của mình. Đặc biệt những thành viên xem ra khiếm khuyết gì đó khiến cho các vị hữu trách ái ngại gặp gỡ, muốn buông xuôi, tưởng là không còn hy vọng! Đâu tệ đến thế! Các vị đó cứ đến với Chúa, xem Chúa đã xử sự thế nào và hỏi Chúa cách xử trí ra sao? Người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay trước mắt ông Pharisiêu Simon thì kể là đồ bỏ, “đứa tội lỗi trong thành”. Thế mà trước mắt Chúa Giêsu thì khác: “Tội của chị tuy nhiều đó, quả đã được tha rồi vì chị đã yêu mến nhiều!” Bởi vậy, chúng ta hết thảy đều là người có tội: Vị hữu trách, mỗi thành viên trong cộng đoàn đều phải đến với Chúa, Chúa sẽ giúp chúng ta noi gương Chúa, theo ý Chúa mà xử sự tình huống được êm xuôi tốt đẹp.
Vì, kìa một Maria Macđala, một Phêrô, một Phaolô, một Augustinô hay người phụ nữ sám hối biết ơn trong bài Tin Mừng hôm nay, đã được tình thương Chúa xót thương chinh phục và thánh hoá, biến các ngài nên những chứng tá tình thương của Chúa giữa trần gian. Amen.
LM Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc