Thứ 5 Tuần XXV Thường Niên ( Lc 9, 7-9)
Không ai có quyền cướp sự sống của tha nhân, cũng chẳng ai có quyền trên lương tâm, dù là vua. Bởi tiếng lương tâm là tiếng và quyền bính của Chúa ở trong lòng mỗi người.
Qua câu: “nhà vua phân vân”, thánh Luca cho thấy tâm trạng thực của Hêrôđê: một tâm trạng hoang mang và sợ hãi. Hoang mang vì biết bao tin đồn về một nhân vật nào đó mà dân chúng cho là ông Gioan đã sống lại. Ông Gioan là người vua đã cho chém đầu chỉ vì làm vui lòng một bé gái, một ông vua mà lấy mạng sống của thần dân là trò chơi, nên ông sợ. Sợ! nếu ông Gioan sống lại, ông nghĩ người đầu tiên ông ấy tìm để đòi mạng chính là vua. Và vì thế, ông sợ phải đối diện với sự thật, bởi trong lương tâm ông luôn vang vọng: mi là kẻ giết người công chính, mi là kẻ sát nhân.
Quyền bính không bịt được tiếng lương tâm, thế nên dù là vua, Hêrôđê cũng không thể bịt được tiếng nói và sự kết án của lương tâm, bởi vậy ông tìm cách để gặp Đức Ki tô. Ông gặp Đức Ki tô không khởi đi từ ước muốn sám hối, cũng chẳng xin ơn sám hối, chỉ đơn thuần để xem ông này là ai, và để phá sự nghi hoặc mất bình an nơi ông.
Quy luật tất yếu, cái gì đến sẽ đến, cuối cùng ông cũng được gặp Đức Giê su. Nhưng không phải một Đức Giê su oai phong với những phép lạ nhãn tiền, mà là một tử tội Giê su bị các thượng tế cáo buộc, chụp mũ cho tội phạm thượng, sách động dân chúng. Lúc này, Hêrôđê đang mở hội trong lòng. Một kẻ làm cho ông mất ăn mất ngủ, ăn không ngon ngủ không yên, nay các thượng tế kinh sư và dân chúng xin ông xử tử. Một sự đồng thuận của dân chúng và giới lãnh đạo chứ không như ngày nào ông lén lút chém đầu Gioan.
Với lý do này, Hêrôdê nghĩ rằng sẽ bịt được tiếng lương tâm, để có bình an. Nhưng ông đã nhầm, nhầm to. Gioan và Đức Giê su là hai người khác nhau. Ông giết ngôn sứ Gioan, đó là tội ác. Tội ác này không thể phủ lấp bằng cách đẩy người khác tới chỗ chết, như thế ông càng chất thêm cho đầy đống tội của ông. Và do đó, Hêrôđê vẫn rơi vòng luẩn quẩn, bế tắc và mất bình an. Hêrôđê chỉ có bình an khi ông để cho Sự Thật giải phóng, nhưng điều này đã không xảy ra. Ông dùng tự do và quyền bính để bóp nghẹt tiếng lương tâm và gạt phăng quyền tối thượng của Thiên Chúa, và như thế ông đã tự chôn mình trong sự chết của một cuộc sống bất an. Chết ngay khi ông còn đang sống, bởi một người sống mà không yêu thương đồng loại thì đang sống cũng như đã chết rồi.
Khi suy niệm Tin mừng hôm chúng ta rút ra cho mình hai bài học: thứ nhất, nếu không muốn khổ vì sự đay nghiến của lương tâm thì hãy luôn đào luyện lương tâm sao cho đúng với giáo lý chính truyền của Chúa Giê su được truyền đạt trong Tin mừng, và giáo huấn của Hội thánh. Có như thế, lương tâm của chúng ta mới đủ khả năng phân định thị phi, phải trái và đâu là do Thần Khí thúc đẩy và đâu là mưu mô do Xa tan bày vẽ, nhằm xô đẩy chúng ta tới chỗ chết. Bài học thứ hai, phẩm giá cao quý của con người hệ tại ở tự do và ý chí. Nhưng không có nghĩa là có thể dùng tự do để làm bất cứ việc gì, kể cả những việc trái với lương tâm và đạo lý như thế là lạm dụng tự do. Tự do đích thực là dấn thân suy phục Thiên Chúa qua việc phục vụ công ích và làm điều thiện.
Khi nhìn vào cuộc sống bất an của Hêrôđê, chúng ta cũng thấy, kinh nghiệm ít nhiều sau mỗi lần làm tổn thương người khác dù cố ý hay vô tình, nhưng nó vẫn để lại trong lòng chúng ta một khoảng trống bất an mà không ai có thể lấp đầy ngoài một mình Đức Giê su, cộng thêm với lòng sám hối chân thành của chúng ta. Hãy nói lời xin lỗi và hãy sẵn sàng tha thứ, bình an sẽ trở lại với chúng ta, và tình yêu sẽ tràn ngập lòng chúng ta.
Lậy Chúa, xin cho chúng con biết mau mắn nghe theo tiếng nói của Chúa trong lương tâm, để sẵn sàng sống chết cho sự thật, và biết dùng tự do để phục vụ sự thật và phục vụ con người. Chỉ có như vậy, chúng ta mới sống trong bình an và sống đúng với phẩm giá làm con Chúa và là anh em của nhau.
FM. Tùy Phúc Hậu