Chúng ta đang sống trong thời khoa học tạo ra nhiều trò mua vui nhưng lại không tạo ra niềm vui, thay vào đó để lại trong lòng con người một khoảng trống, một sự trống rỗng không ai có thể lấp đầy ngoài một mình Đức Giê su Ki tô, Đấng là niềm vui vĩnh cửu, niềm vui giải thoát. Niềm vui ấy vẫn được trao ban cho con người mỗi ngày qua các môn đệ của Ngài, trong đó có các tu sĩ. Như Đức giáo hoàng Phanxicô khẳng định: “Ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui”. Vậy người đan sĩ Xi tô Thánh Gia tham gia vào sứ mạng loan báo niềm vui cứu độ như thế nào?
1. Là dấu chỉ của niềm vui vĩnh cửu
Đan sĩ cũng là ki tô hữu nhưng được thánh hiến cho Thiên Chúa để trở thành niềm vui, niềm vui được đóng ấn Giê su Kitô. Niềm vui không thể chôn giấu nhưng luôn mang một sứ vụ: trở nên dấu chỉ và hơn thế nữa là quà tặng cho con người. Là dấu chỉ của niềm vui vĩnh cửu. Dấu chỉ ấy được tỏa sáng qua đời sống trung thành với các lời khuyên Phúc Âm của đan sĩ.
Với lời khấn Khiết tịnh: khiết tịnh là hoa quả và ân huệ của Chúa thánh Thần. Khi tu sĩ tuyên khấn sống đời khiết tịnh, họ trở thành dấu hiệu thần linh[1] tuyên chứng cho thế giới và cho con người về cuộc sống đích thực là vượt trên bản năng để sống trung thủy với nhau và với Thiên Chúa, Đấng duy nhất mang lại cho con người niềm vui viên mãn.
Khấn Khó Nghèo không phải là kinh chê của cải vật chất nhưng là đặt đúng nấc thang giá trị, Thiên Chúa mới là đối tượng duy nhất của trí tâm con người. Như thế, khấn khó nghèo là đan sĩ tuyên chứng rằng: niềm vui đích thực không phải là chiếm được nhiều của cải vật chất nhưng là chiếm được Đất hứa, Nước trời làm gia nghiệp, nói đúng hơn đó là được Chúa làm gia nghiệp. Và đó chính là niềm vui mà không ai cướp khỏi lòng chúng ta được.
Lời Khấn Vâng Phục giúp đan sĩ theo sát Đức Kitô, một lòng một ý với Đức Kitô trong tinh thần trách nhiệm làm cho Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, trong yêu thương và tha thứ. Như thế, chính khi vâng phục đan sĩ trở nên dấu chỉ hùng hồn loan báo Niềm Vui vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã ban cho con người trong Đức Ki tô.
Ngoài tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, đan sĩ Biển Đức và Xitô còn khấn giữ hai lời khấn nữa đó là khấn Bền Đỗ và Canh Tân theo Tu Luật và Hiến Pháp của Dòng.
Khấn Bền Đỗ không chỉ diễn tả lòng chung thủy của đan sĩ với Thiên Chúa, nhưng còn là lời tuyên chứng sự tín trung của Thiên Chúa với con người. Vì thế, khi khấn Bền Đỗ đan sĩ vừa khẳng định mình thuộc trọn Thiên Chúa, về cộng đoàn; vừa là lời loan báo lòng chủng thủy đơn nhất trong hôn nhân là điều khả thể và niềm vui là hoa trái của lòng chung thủy.
Lời Khấn Canh Tân là khả năng làm mới lại tình yêu với Chúa và với tha nhân mỗi ngày. Chính khi sống lời khấn Canh tân đan sĩ đang khơi lên, đang gieo vào lòng con người niềm hy vọng được cứu độ và giải thoát khỏi sự cô lập, mà bước vào tương quan nhân vị với Thiên Chúa và tha nhân một cách hữu hiệu nhất.
Qua năm lời khấn đan sĩ được “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, được thông chia vẻ đẹp rạng rỡ và niềm vui của của Ngài”[2]. Nhờ sự đồng hình và thông chia vẻ đẹp và niềm vui của Đức Kitô, đan sĩ không chỉ trở nên dấu chỉ mà còn là quà tặng niềm vui Thiên Chúa ban cho loài người.
- Đan Sĩ Là Quà Tặng Niềm Vui Thiên Chúa Ban Cho Con Người
Mỗi đan sĩ là quà tặng tình yêu, niềm vui Chúa Cha ban cho Giáo hội cho nhân loại. Vậy đan sĩ trao tặng niềm vui ấy như thế nào? Thứ nhất trao tặng bằng sự quang tỏa niềm vui:
* Đan Sĩ Quang Tỏa Niềm Vui Vĩnh Cửu
Qua Phụng Vụ: Phụng vụ không chỉ là những nghi lễ nhưng là điểm hẹn thần linh, vì trong Phụng vụ diễn ra một cuộc gặp gỡ thần linh giữa Thiên Chúa và con người. Thế nên, bất cứ ai thực tâm tham dự, cử hành chung một giờ thần vụ cùng đan sĩ, mà khi kết thúc giờ kinh lòng họ lại không rạo rực một niềm vui, một sự bình an tĩnh lặng nhưng đầy ắp sự hiện diện của Thiên Chúa.
Phụng vụ không chỉ là phương thế giúp các đan sĩ tận hiệp với Thiên Chúa[3], nhưng còn là phương thế kiến hiệu giúp cho đan sĩ quang tỏa niềm vui thiên quốc nơi trần gian. Sự quang tỏa niềm vui cứu độ sẽ trọn hảo hơn và đạt đỉnh cao khi mọi người cùng bước vào bàn tiệc Thánh Thể.
Thánh Lễ: Bí tích Thánh Thể “là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội”[4], là trung tâm quy tụ mọi hoạt động của đời đan tu. Khi cử hành và tham dự thánh lễ, đan sĩ hiện tại hóa nhiệm cục cứu độ của Chúa Kitô và trở thành “tấm bánh để bẻ ra”. Bẻ ra để trao tặng trong đức ái và phục vụ mọi người. Đan sĩ không chỉ quang tỏa mà còn trao tặng Niềm Vui ngang qua cầu nguyện, lao động và tiếp đón khách.
* Đan Sĩ Trao Tặng Niềm Vui Vĩnh Cửu
Cầu Nguyện giúp đan sĩ “ luôn được lưu lại trong sự hiện diện thần linh”[5] để trở thành máng thông truyền niềm vui cứu độ cho người thời đại. Vì thế, Đấng tổ phụ Dòng Xitô Thánh Gia, Henri Biển Đức Thuận lập Dòng với mục đích là nhà cầu nguyện[6] và đan sĩ là người cầu nguyện[7]: cầu nguyện khi đau ốm, cầu nguyện khi lao động[8], cầu nguyện mọi nơi mọi lúc. Không dìm mình trong cầu nguyện, đan sĩ không thể là chứng nhân của niềm vui và cũng không thể trở nên người trao tặng niềm vui vĩnh cửu cho người khác. Nhờ ngụp lặn trong tình yêu của Thiên Chúa bằng cầu nguyện mà bất cứ ai khi tiếp xúc với đan sĩ đều cảm thấy bình an và tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống để bắt đầu lại với lòng hướng thiện và hướng Thiên.
Lao Động là vinh quang”. Vinh quang vì được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo khi nó nhận nhiệm vụ thần linh: “hãy làm cho thế giới này được sinh sôi nảy nở” (x. St 1, 28). Lao động còn là tình yêu: Chúa Giêsu khi đến thế gian Ngài cũng không ngừng làm việc đến nỗi hiến mạng sống mình để cho con người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10). Thế nên, đan sĩ làm việc không như cái máy cũng chẳng với lòng trí cu li[9], nhưng lao động theo gương Chúa Giêsu, để tỏa hương thơm của Người[10], có nghĩa là tôn vinh Chúa Cha và làm bác ái. Qua lao động, đan sĩ giúp cho người ta biết giá trị đích thực của lao động không dừng lại ở tìm ra cơm bánh, nhưng được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, và tìm lương thực trường tồn[11] và tận hưởng với lòng tri ân Đấng Tạo Hóa, đồng thời để thực thi đức ái.
Tiếp Đón Khách: Từ xưa đan viện luôn được mệnh danh là hiếu khách, nay đan viện vẫn là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai muốn tìm lại niềm vui và bình an tâm hồn, tìm lại niềm tin và lý tưởng sống. Chính vì thế, đan viện không bao giờ thiếu khách và đã trở nên nơi “ươm mầm những cuộc gặp gỡ và trong tương quan với người khác, trong cảm giác được đón nhận, được thấu hiểu, và được yêu mến”[12]. Do đó, gặp gỡ và tiếp đón khách chính là một phương thế, một nét riêng biệt của đan sĩ trong việc loan báo và trao tặng Niềm Vui Tin Mừng cho mọi người.
Mọi cuộc tiếp đón khách của đan viện hay của cá nhân đan sĩ khởi đầu bằng việc dẫn khách vào nhà nguyện gặp Đức Kitô, Đấng nối kết và chủ sự cuộc gặp gỡ[13]. Đức Phanxicô khuyên “nên kết thúc cuộc gặp gỡ bằng một lời cầu nguyện ngắn, liên hệ đến những quan tâm mà người ấy đã nói ra”[14]. Bởi đó, bất cứ ai đến đan viện và mang tâm trạng nào thì điểm đến và đích cuối cùng đan sĩ dẫn khách tới chính là Đức Kitô, Đấng là nguyên lý duy nhất cứu độ thế giới[15] và là Đấng “giải thoát con người khỏi sự cô lập bằng niềm vui vĩnh cửu”[16], đồng thời mở ra một tương quan mới với Thiên Chúa và với tha nhân.
Kết
Đã là môn đệ Chúa Giêsu thì dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân không bao giờ là một hòn đảo nhưng là những chuyên viên hiệp thông[17] và luôn sẵn sàng gặp gỡ người khác[18]. Gặp gỡ để loan báo và trao tặng niềm vui vĩnh hằng cho mọi người. Cả nhân loại đang chờ đợi chúng ta. “Những người đã mất hết hy vọng, những gia đình đang gặp khó khăn, những trẻ thơ bị bỏ rơi, các bạn trẻ gặp ngõ cụt trước tương lai, những người già lão bệnh tật bị loại trừ, những người giàu của cải nhưng trống rỗng trong lòng, những người đang tìm ý nghĩa cuộc đời, khao khát đời tâm linh…”[19]. Chúng ta hãy đến và trao tặng niềm vui cứu độ của Chúa Giêsu cho tất cả mọi người dù ở bất cứ nơi đâu, trên đường phố, nơi quảng trường, trong lúc làm việc, trong một cuộc hành trình[20].
Và hôm nay, chúng ta hân hoan tạ ơn Chúa đã tuyển chọn và thánh hiến những người anh em của chúng ta trở tân đan sĩ, không chỉ ở với Chúa nhưng trở nên quà tặng và hiện thân của Niềm Vui Cứu Độ. Điều đó cho thấy: “ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui” của Đức Phanxicô không chỉ đúng mà còn là tiếng chuông thức tỉnh các tu sĩ, hãy sống đúng với bản chất của người được thông chia niềm vui vĩnh cửu của Đức Ki tô, và hãy trao tặng niềm vui ấy cho mọi người; lời của Đức Phanxicô còn là tiếng chuông thức tỉnh con người thời đại rằng: Niềm Vui có thể lấp đầy sự trống rỗng trong tâm hồn chính là để cho mình được gặp Đức Ki tô và đón nhận ơn tái sinh, và giải thoát khỏi sự cô lập. Niềm vui vĩnh cửu ấy vẫn được Đức Ki tô thông ban mỗi ngày qua các bí tích nhất là bí tích Hòa giải và Thánh Thể, và qua sự hiện diện của các môn đệ Ngài, vậy chúng ta đừng để lỡ cơ hội và cũng đừng tự gạt mình ra khỏi niềm vui của Chúa Ki tô và dân Người.
Lm. Phêrô Tùy Hậu
[1] An tôn Ngô Văn Vững, Vì Nước Trời Độc Thân Khiết Tịnh, Nxb Tôn Giáo-2008, tr. 117
[2]x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 24
[3] Dom Columba Marmion, Chúa Kitô Lý Tưởng Đan Sĩ, chuyển ngữ Châu sơn, tr. 518
[4] Hiến chế LG, số 11
[5] Stephen J. Rosseti, Khi Con Sư Tử Gầm Lên, chuyển ngữ Ignatio Ant M. CMC, tr. 86
[6] Di Ngôn Cha Biển Đức Thuận, số 118; 120
[7] Di Ngôn Cha Biển Đức Thuận, số 118
[8] Di Ngôn Cha Biển Đức Thuận, số 39; 127
[9] Di Ngôn Cha Biển Đức Thuận, số 39
[10] Di Ngôn Cha Biển Đức Thuận, số 106
[11]x. Ga 6, 27
[12]x. ĐGH. Phanxicô: “Niềm vui là vẻ đẹp của đời dâng hiến”, bài nói chuyện với các chủng sinh và tập sinh các dòng tu ngày 6-7-2013
[13]x. Thánh Biển Đức,Tu Luật, chương 53
[14] ĐGH. Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 128
[15] GH số 8, 17
[16]x.ĐGH. Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 89
[17] x.ĐGH. Phanxicô, Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, số 2
[18] ĐGH. Phanxicô: “Niềm Vui Là Vẻ Đẹp Của Đời Dâng Hiến” bài nói chuyện với các chủng sinh và tập sinh các dòng tu ngày 6-7-2013
[19] Tông thư của Đức Phanxicô gửi tất cả Các người Tận hiến nhân dịp Năm Đời sống thánh hiến, số 4(31-11-2014)
[20] ĐGH. Phanxicô, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 127