(Theo Tông huấn “Christus Vivit – Đức Kitô Hằng Sống”, từ số 1-20)
Dẫn nhập
Trong năm vừa qua, chúng ta đã cùng nhau học hỏi, suy niệm và chia sẻ với nhau về Tông huấn Gaudete et Exsultate của Đức Giáo hoàng Phanxicô về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay. Trong Tông huấn này Đức Giáo hoàng đã không ngừng thúc giục mọi Kitô hữu, hãy mở lòng mình ra với những gì Thiên Chúa mời gọi, là: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em” (1Pr 1,15). Năm nay cộng đoàn chúng ta tiếp tục suy tư về một đề tài mới cũng hết sức quan trọng trong đời sống của Giáo hội, đó là Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô hằng sống, của hậu Thượng Hội Đồng gửi tới Những Người Trẻ và toàn thể Dân Thiên Chúa. Tông huấn được chia thành 9 chương với những nội dung rất phong phú khác nhau.
Hôm nay con cùng với cộng đoàn tìm hiểu ý nghĩa phần Dẫn nhập và chương thứ nhất của Tông huấn, với chủ đề: “Lời Chúa nói gì về những người trẻ?” Đây là một chủ đề quan trọng, liên hệ trực tiếp đến đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta. Do đó, mở đầu Tông huấn, Đức Giáo hoàng mời gọi mọi Kitô hữu hãy làm mới lại niềm xác tín của chúng ta vào Đức Kitô hằng sống! vì “Người là niềm hy vọng của chúng ta, và Người mang sự trẻ trung đến với thế giới của chúng ta một cách thật tuyệt vời, và mọi sự được Người chạm tới đều trở nên trẻ trung, tươi mới, và tràn đầy sức sống”. Vì thế, những lời đầu tiên mà Đức Giáo hoàng muốn nói với từng bạn trẻ và mỗi người chúng ta là: “Đức Kitô hằng sống và Người muốn cho chúng ta được sống!”[1]
- Gặp gỡ Đức Kitô hằng sống.
Cụm từ “Đức Kitô đang sống”, “sống”, hay “sống động”, là những từ được lặp đi lặp lại khoảng 280 lần trong bản văn Tông huấn này. Đó là chủ đề quan trọng trong suy tư của Đức Giáo hoàng Phanxicô về người trẻ. Lật qua những trang của Tông huấn ta thấy được năng lượng tràn trề như lay động chúng ta, hay nói một cách văn vẻ là thúc đẩy chúng ta hãy sống trọn vẹn ơn gọi của mình. Đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt nội dung Tông huấn mà Giáo hội muốn đồng hành với người trẻ.
Bởi thế, một lần nữa, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh rằng: “Chúa hằng ngự trong chúng ta, Người ở cùng chúng ta, và Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Dẫu rằng, dù chúng ta có thể đi lạc xa bao nhiêu chăng nữa, thì chính Đấng Phục sinh vẫn luôn ở đó. Chúa kêu gọi chúng ta, và Chúa đợi chờ chúng ta trở về với Chúa và để xuất phát lại từ đầu. Cho dù khi chúng ta cảm thấy mình đang bị già đi vì buồn phiền, vì oán hận hoặc vì sợ hãi, vì nghi ngờ hay thất bại, thì Chúa sẽ luôn ở đó để phục hồi sức mạnh và hy vọng của chúng ta”[2].
Về điểm này, trong Tông huấn Evangelii Gaudium số 2, Đức Giáo hoàng mời gọi mọi Kitô hữu, dù ở trong bất cư hoàn cảnh nào, hãy đổi mới cuộc gặp gỡ với Chúa, hay ít ra, quyết định để cho Người gặp gỡ mình, và không ngừng tìm kiếm Người mỗi ngày. Như vậy, niềm hy vọng ở cuối chặng đường chúng ta đi, chắc chắn sẽ gặp được Người đang dang rộng vòng tay để chờ đón chúng ta, như trong dụ ngôn người cha nhân hậu. Điều này làm cho chúng ta cảm thấy sung sướng biết bao, khi được trở về với Người sau mỗi lần chúng ta đi lạc đường! Chính vì thế, với tấm lòng yêu thương, Đức Giáo hoàng đã gửi Tông huấn này cho tất cả các bạn trẻ, và mọi thành phần dân Chúa. Để nhắc nhở và khuyến khích chúng ta, không ngừng nỗ lực cố gắng thăng tiến trong sự thánh thiện và dấn thân cho ơn gọi riêng của mình[3].
Tuy nhiên, để gắn bó với Đức Kitô hằng sống, cũng có nhiều thách đố cho người trẻ cũng như cho mỗi người chúng ta. Bởi vì, như chúng ta đã biết, ngày nay người ta nói nhiều đến thực trạng khủng hoảng luân lý đạo đức, hôn nhân gia đình, khủng khoảng cả trong đời sống tu sĩ và linh mục. Sâu xa của những khủng hoảng này có lẽ phải nói đến cuộc khủng hoảng căn tính. Đó là khi người ta không sống theo căn tính của ơn gọi: ơn gọi làm người, làm con Chúa, ơn gọi linh mục, tu sĩ. Và có thể nói, nguồn gốc của tất cả những cuộc khủng hoảng này, phát xuất từ lỗ hổng nền tảng căn bản mà Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng: Đó là khi người ta không sống theo Lời Chúa. Hậu quả giống như ngôi nhà xây trên nền cát.
Ở điểm này, trong bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện thánh Mácta sáng ngày 23/3/2017, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói đến những người Kitô hữu không sống theo Lời Chúa là những người Công giáo vô thần. Một thứ vô thần thực tiễn, vì ngôn hành và lối sống của họ không tương xứng với đức tin mà họ tuyên xưng. Hoặc Lời Chúa mà họ nghe thường xuyên, chỉ giống như những thông tin trên các phương tiện truyền thông. Với một đức tin hời hợt và bề ngoài như thế, khi phải lựa chọn, họ sẵn sàng nghiêng về phía lợi lộc của vật chất mà từ bỏ luật Chúa; sẵn sàng gạt bỏ tiếng nói của lương tâm, để nghe theo tiếng gọi của tiền bạc, của danh – lợi – thú. Mặc dù có nhiều người Công giáo rất thiện chí, nhưng đời sống đức tin chưa bén rễ sâu trong Chúa, chưa đủ can đảm để sống theo Lời Chúa, nên cũng dễ bị trôi dạt theo những trào lưu của trần thế, mà đánh mất căn tính của mình, có thể nói chúng ta cũng khó tránh khỏi được vòng xoáy nguy hiểm ấy, nếu chúng ta không biết đề phòng và vững lòng trông cậy vào Chúa.
Đứng trước thực trạng này, Đức Giáo hoàng mời gọi các bạn trẻ cũng như mỗi người chúng ta “hãy tiếp cận sự phong phú của Sách Thánh, vì Sách Thánh thường nói về những người trẻ và về cách mà Chúa đến gặp gỡ họ”[4].
- Lời Chúa nói gì về những người trẻ?
a. Trong Cựu Ước
Trong một thời đại mà những người trẻ không được đánh giá cao, thì nơi một số bản văn lại cho thấy Thiên Chúa nhìn họ bằng một cách khác. Ở đây, Đức Giáo hoàng đã trình bày một cách ngắn gọn về các khuôn mặt người trẻ trong Cựu Ước. Điều đáng chú ý là, ngài đã không làm một bài diễn văn dài, mà chỉ tổng hợp một vài nét đặc trưng, cùng với những hành động và cử chỉ mà thôi. Tuy nhiên, chỉ những nét phác họa đơn sơ đó cũng đủ để vẽ nên một bức tranh lớn. Qua đó, cho chúng ta thấy được một Thiên Chúa gợi hứng cho người trẻ. Như nhân vật Giuse chẳng hạn, là đứa trẻ nhỏ trong gia đình (x. St 37,2-3), nhưng qua những giấc mơ, Thiên Chúa đã cho cậu thấy những điều cao cả, và khi chỉ mới mười bảy tuổi, Giuse đã trổi vượt hơn tất cả các anh em mình về những chuyện quan trọng (x. St 37-47)[5].
Hay như Đa-vít được tuyển chọn khi còn là một cậu bé đang đi chăn chiên cừu (x. 1Sm 16,6-13); hoặc như Sa-lô-môn lên ngôi kế vị lúc chỉ là một thanh niên bé nhỏ (1 V 3,7). Tuy nhiên, sự táo bạo của tuổi trẻ đã thúc đẩy cậu xin Thiên Chúa ban cho mình được ơn khôn ngoan. Một điều tương tự cũng xảy ra với ngôn sứ Giê-rê-mia, được kêu gọi bất chấp khi tuổi còn trẻ để đánh thức dân mình. Việc ngôn sứ Giê-rê-mi-a hiến thân cho sứ vụ, đã cho chúng ta thấy điều gì có thể xảy ra khi sự táo bạo của tuổi trẻ được kết nối với quyền năng của Thiên Chúa. Cũng vậy, Sa-mu-el khi cậu còn là một trẻ nhỏ, nhờ lời khuyên của người lớn, cậu đã mở lòng ra với tiếng Chúa gọi: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe” (x. Sm 3,9-10). Và kết quả cậu đã trở thành một đại ngôn sứ. Tiếp đến những người trẻ là mẫu gương cho sự quảng đại trong thời điểm khó khăn (như cô nàng Rút), hay cô thiếu nữ vô danh phục vụ cho bà vợ của tướng Naaman (x. 2V 5,2-6), vị chỉ huy quân đội của vua A-ram, cô đã thông minh biết cách làm thế nào để giúp “ông chủ” của mình tin vào Thiên Chúa. Đó là những tâm hồn trẻ đơn sơ, nhưng lại có những suy nghĩ và cử chỉ rất đẹp lòng Thiên Chúa, chúng ta có thể rút ra cho mình một bài học, để luôn biết đặt mình trước mặt Chúa, mà sẵn sàng mau mắn cởi mở tâm hồn mình, để đón nhận thánh ý Chúa qua những biến cố xảy đến với cuộc đời chúng ta. Tiếp đến chúng ta cũng có thể tìm và rút ra cho mình những bài học từ nơi những người trẻ ở trong Tân Ước.
b.Trong Tân Ước
Một trong những dụ ngôn của Đức Giêsu (x. Lc 15,11-32) liên hệ tới “cậu con thứ” muốn rời khỏi nhà cha mình để trẩy đi phương xa (x. Lc 15,12-13). Tuy nhiên, những suy nghĩ về sự độc lập của cậu đã trở nên phá sản và hủy hoại (x. Lc 15,13), rồi cậu đã phải trải qua sự đắng cay của cô độc và túng quẫn (x. Lc 15,14-16). Nhưng cậu đã tìm được sức mạnh để tạo ra một khởi đầu mới (x. Lc 15,17-19) là quyết tâm đứng dậy và trở về nhà (x. Lc 15,20). Tâm hồn người trẻ thường sẵn sàng thay đổi, để quay trở về, đứng lên và học hỏi từ cuộc sống. Làm sao người ta lại có thể không hỗ trợ anh trong quyết tâm mới này? Nhưng ngược lại, người con cả thì lại mang một trái tim cằn cỗi; cậu đã để mình bị lòng tham, sự ích kỷ và đố kỵ thống trị cậu (Lc 15,28-30). Đức Giêsu khen ngợi người con thứ tội lỗi biết trở về đường ngay nẻo chính, hơn là người anh cả tự cho mình là trung tín, nhưng lại thiếu tình thương và lòng nhân ái[6]. Đối với mỗi người chúng ta nhất là trong đời sống cộng đoàn, chúng ta cũng dễ rơi vào những thái cực này, đó là khi chúng ta có cái nhìn thiếu cảm thông, và thiếu tinh thần vị tha.
Đức Giáo hoàng nhắc lại rằng: “Đức Giêsu chính là Đấng muôn đời mãi trẻ trung, muốn ban cho chúng ta những tâm hồn luôn tươi trẻ. Điều quan trọng là chúng ta “hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới” (1Cr 5,7). Như thánh Phaolô mời gọi, hãy “cởi bỏ con người cũ” và “mặc lấy con người mới” (Cl 3,9-10)[7]”, nghĩa là có một con tim biết yêu thương, và không bao giờ để bất kỳ sự ngăn cách nào giữa chúng ta với tha nhân, vì như vậy nó sẽ khiến cho linh hồn ta bị cằn cỗi đi. Vì thế, thánh nhân kết luận rằng, “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bắc ái, vì đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14)[8].
Tiếp đến, Đức Giáo hoàng nói với các bạn trẻ rằng: “Người trẻ không được định đoạt để trở nên ngã lòng; nhưng phải ước mơ những điều lớn lao, tìm kiếm những chân trời rộng mở, hướng lên cao hơn, vươn ra tới thế giới, đón nhận những thách đố và cống hiến điều tốt nhất bao có thể, để xây dựng một điều gì đó tốt đẹp hơn”[9]. Đó là lý do tại sao ngài không ngừng thúc giục các bạn trẻ đừng để mình bị cướp mất niềm hy vọng. Ước gì những lời của Đức Giáo hoàng nói đây, cũng được hiện thực trong số các anh em trẻ đang ngồi ở đây, để có thể góp phần của mình vào vận mệnh tương lai của xã hội, của Giáo hội và của cộng đoàn. Để rồi: “Chúng ta đừng bao giờ hối tiếc vì đã dành tuổi xuân của mình để sống tốt lành, để mở lòng ra với Chúa, và đã không rập theo đời này. Những điều đó không lấy đi mất tuổi xuân ta, trái lại, củng cố và làm mới tuổi xuân ta”, vì thế thánh Augustinô, đã than thở rằng: “Con yêu Chúa quá muộn, lạy Chúa là vẻ đẹp vừa rất xưa lại vừa mới mãi! con yêu Chúa quá muộn!”[10]. Ngược lại, với anh thanh niên giàu có, đã trung thành với luật Thiên Chúa từ khi còn trẻ, nhưng lại để cho những năm tháng trôi qua, đã cướp đi ước mơ của mình, bởi anh thích gắn bó với của cải và tiện nghi hơn (x. Mc 10,22). Cũng vậy, trong dụ ngôn 10 cô trinh nữ, 5 cô biết chuẩn bị sẵn sàng chờ đợi, trong khi những người khác thì lại bị phân tâm và ngủ mê (x. Mt 25,1-13). “Quả thật, chúng ta có thể phí phạm tuổi xuân của mình với những phân tâm, sống hời hợt, nửa tỉnh nửa mê, không có khả năng nuôi dưỡng các mối liên hệ có ý nghĩa, hoặc không trải nghiệm được những điều sâu sắc hơn trong cuộc sống. Như thế, chúng ta có thể hình thành một tương lai tầm thường và không đáng chi. Hoặc chúng ta có thể dành tuổi xuân để khao khát những điều tốt đẹp và cao cả hơn, để xây dựng một tương lai đầy sức sống và sự phong phú nội tâm”[11]. Để được như vậy, chúng ta cần phải có ơn Chúa và sự hướng dẫn của Ngài, đồng thời với sự nỗ lực sống và thực hành Lời Chúa.
- Người trẻ hôm nay đáp lại Lời Chúa ra sao?
Như chúng ta đã biết khi nói đến Lời Chúa, Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Lời Chúa là chính Chúa”, do đó Giáo hội vẫn luôn tôn kính Thánh Kinh giống như tôn kính chính Thánh Thể Chúa, đặc biệt trong Phụng vụ thánh, Giáo hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Kitô để trao ban cho các tín hữu. Vì vậy, toàn thể việc rao gảng trong Giáo hội cũng như nếp sống đạo của chúng ta, phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn “Vì Lời Thiên Chúa luôn sống động và linh nghiệm” (Dt 4,12).[12]
Qua đây cho ta thấy, tầm quan trọng và giá trị của Lời Chúa như thế nào trong đời sống của chúng ta. Do đó, với sự cổ võ và khuyến khích của thánh Công đồng Vaticanô II, việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa như là điều kiện cốt yếu cho đời sống đức tin của mỗi người tín hữu và của toàn thể Giáo hội. Như thế, Lời Chúa trở thành sứ điệp của Thiên Chúa dành cho con người, bởi vì qua Chúa Giê-su, Thiên Chúa gặp gỡ và đối thoại với con người và ngược lại, cũng qua Chúa Giê-su con người gặp gỡ và đối thoại với Thiên Chúa. Đồng thời con người cũng được gia nhập vào trong cuộc sống thân mật với Thiên Chúa, nhờ vậy họ không còn sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho Chúa và tha nhân[13].
Bởi thế, lý do đầu tiên thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng là tình yêu của Chúa Giê-su mà chúng ta đã nhận được, kinh nghiệm được Người cứu độ, là điều thúc đẩy chúng ta yêu Người mỗi ngày một hơn, và thao thức truyền rao cho người khác được nhận biết người như thánh Gioan đã nói: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, thì chúng tôi loan báo cho anh em” (1Ga 1,3). Đức Giáo Hoàng khuyên chúng ta rằng: “Động lực tốt nhất cho quyết định truyền thông Tin Mừng là chiêm niệm nó với tình yêu, và đọc chầm chậm những trang Tin Mừng bằng con tim của mình. Nếu chúng ta đến gần Tin Mừng cách này, vẻ đẹp của nó sẽ làm cho chúng ta ngạc nhiên, và say đắm. Đúng như ngôn sứ Giêrêmia cũng đã cảm nhận được sự ngọt ngào và cao quý của lời Chúa khi ngài nói: “Gặp được Lời Chúa con đã nuốt vào, Lời Chúa trở thành hoan lạc cho con, thành niềm vui của lòng con, vì con được mang danh Ngài” (Gr 15,16). Vì vậy, thật khẩn cấp để phục hồi tinh thần chiêm niệm, là điều cho phép chúng ta khám phá ra mỗi ngày rằng, chúng ta là những người được ủy thác cho một gia sản, và không có gì quý giá hơn để truyền lại cho những người khác[14].
Nhưng làm sao để đời sống và lời rao giảng của chúng ta có thể thuyết phục được người khác? Đức Giáo Hoàng nói: “Hãy nhìn vào toàn thể đời sống của Chúa Giê-su, cách Người đối xử với những người nghèo, sự kiên định, lòng quảng đại, sự đơn giản hàng ngày của Người, và cuối cùng là sự tự hiến hoàn toàn của Người, tất cả đều quý giá và nói với cuộc sống cá nhân của chúng ta. Đôi khi chúng ta mất lòng nhiệt thành đối với sứ vụ truyền giáo, mà quên rằng Tin Mừng đáp ứng nhu cầu sâu xa nhất của con người, bởi vì tất cả chúng ta đã được tạo ra cho những gì Tin Mừng cung cấp cho chúng ta: tình bằng hữu với Chúa Giê-su và tình yêu huynh đệ đối với anh chị em mình[15].
Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng khuyến cáo rằng, nguy cơ lớn nhất trong thế giới ngày nay, với những cung cấp tràn ngập của chủ nghĩa tiêu thụ, là nỗi buồn cá nhân đến từ tâm hồn tự mãn, từ cơn sốt tìm kiếm thú vui phù phiếm, và một lương tâm bị cô lập. Khi đời sống nội tâm bị đóng kín với những tư lợi, thì không còn chỗ cho người khác nữa, người ta không còn nghe được tiếng của Thiên Chúa, không còn được hưởng niềm vui ngọt ngào tình yêu của Người, tim họ không còn đập những nhịp nhiệt thành để vươn lên nữa. Nhiều người đã không chống đỡ nổi và biến thành những người bất mãn, bất bình và không còn sức sống. Đức Giáo hoàng cho rằng, đó không phải là sự chọn lựa của một cuộc sống xứng đáng, và đó cũng không phải là ước muốn của Thiên Chúa dành cho chúng ta[16].
Lời Chúa đã, đang và mãi mãi vẫn năng động, mới mẻ trong toàn bộ truyền thống và đức tin của Giáo hội. Không biết Đức Ki-tô cuộc sống con người sẽ đi đến chỗ bế tắc, nhất là không có sự sống đời đời làm gia nghiệp, đúng như thánh Gioan đã nói: “Sự sống đời đời là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha sai đến là Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3). Vậy, “Cho dù chúng ta đã đánh mất sức sống nội tâm, những ước mơ, sự nhiệt tình, sự lạc quan và lòng quảng đại của mình, thì chính Đức Giêsu đang đứng trước chúng ta, như xưa Người đã từng đứng trước đứa con trai của bà góa và với tất cả quyền năng phục sinh của Người, chính Người cũng đang thúc giục chúng ta rằng: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy” (Lc 7,14)”[17]. Quả thật, khi bước theo Thầy Giêsu, nhiều người trẻ sợ mình gặp những khó khăn thách đố. Họ sợ Thầy Giêsu vắng bóng khiến họ vỡ mộng lỡ làng, như hình ảnh hai môn đệ trên đường Emmaus là ví dụ điển hình (Lc 24, 13-35). Trong khi đó, Thầy Giêsu vẫn không ngừng lặp lại: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” (Ga 6, 16-21).
* Phần Kết
Chắc đã có dịp nào đó chúng ta được nghe nói đến đại hội giới trẻ thế giới, hay cấp giáo phận, chúng ta thấy sức sống người trẻ thật mạnh mẽ biết bao! Họ thể hiện đức tin vào Thiên Chúa, và ước mong có thể đón nhận những sứ vụ Chúa trao qua chính Lời Chúa. Với tài năng và hoài bão, họ dám cộng tác với Thiên Chúa. Thực vậy, Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo, năm 2018, đã nhận xét về người trẻ rằng: “Nhiều người nam nữ và nhiều bạn trẻ đã hy sinh cách quảng đại chính bản thân họ, thậm chí đôi khi đến mức tử đạo, vì tình yêu đối với Tin Mừng và sự phục vụ anh chị em của họ”. Ước gì lời nhận xét ấy cũng đúng một phần nào nơi những anh em trẻ và tất cả chúng ta đang hiện diện ở đây hôm nay! Thay vì run sợ dấn thân trên con đường theo Chúa, chúng ta nài xin Thiên Chúa cho chúng ta can đảm để từng ngày hiểu biết thâm sâu về Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta thêm yêu mến và đi theo Thầy Giêsu một cách thân thiết hơn. Và khi được gắn kết với Thiên Chúa, chúng ta sẽ dễ nhận ra sứ điệp Lời Chúa mời gọi, và từ đó cũng đáp lại một cách mạnh mẽ hơn, dấn thân trọn vẹn hơn trong ơn gọi của mình, và thực thi sứ mạng Chúa trao. Thầy Giêsu mong đợi rất nhiều từ nơi chúng ta. Cuộc đời của chúng ta là một sứ mạng cao quý: sứ mạng cuộc đời không phải là gánh nặng phải mang lấy, nhưng là một quà tặng để cho đi. Hãy can đảm và đừng sợ đi đến với tất cả mọi người![18].
“Thiên Chúa luôn có chương trình cụ thể mời gọi mỗi người chúng ta cộng tác. Từ đó cuộc sống của chúng ta sẽ tìm được hướng đi, tìm được ý nghĩa và sức sống vốn thường sôi sục trong trái tim người trẻ”[19].
Điều quan trọng là “Chúng ta không phải chờ tới khi hoàn hảo rồi mới đáp lại tiếng Chúa mời gọi, nhưng tốt hơn là hãy mở tâm hồn trước tiếng gọi của Người”. Ước gì chúng ta tự dặn với lòng mình rằng, ngày hôm nay tôi đáp lại Lời Chúa mạnh mẽ hơn hôm qua một chút, ngày mai sẽ quyết liệt hơn hôm nay một chút. Được như thế, người trẻ sẽ trở nên cánh tay nối dài của Thiên Chúa trong ơn gọi của mình, trong môi trường sống này, trong xã hội và thế giới này. “Đức Giêsu muôn đời hằng sống. Nếu chúng ta bám chặt lấy Người, chúng ta sẽ được sống và được bảo vệ khỏi các mối đe dọa của sự chết và bạo lực có thể tấn công chúng ta trong cuộc sống”[20].
Nguyện xin Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta trong cuộc chạy đua này. Giáo hội cần động lực, trực giác, và đức tin của chúng ta.
————————– 000 ——————————
M. Polycarpo Đỗ Minh Cường
***
[1] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô Hằng Sống, chuyển ngữ, Giuse Phan Văn Phi, O.Cist, NXB Đồng Nai, tháng 4 năm 2019, số 1.
[2] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 2.
[3] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 3.
[4] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit. Sđd, số 5.
[5] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit. Sđ d, số 6.
[6] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 12.
[7] Từ ngữ Hy Lạp, thường được dịch là “mới”, và còn có nghĩa là “trẻ” nữa; Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 13.
[8] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 13.
[9] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 15.
[10] Thánh Augustinô, Tự Thuật, X, 27: PL 32, 795; Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 17.
[11] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 19.
[12] Hiến Chế Tín Lý về mặc khải, Dei Verbum, số 21.
[13] Lectio Divina, trong cộng đoàn Ki-tô hữu, tr. 12.
[14] Tông huấn Evangelii Gaudium, Niềm Vui Của Tin Mừng, số 246.
[15] Tông huấn Evangelii Gaudium, Niềm Vui Của Tin Mừng, số 247.
[16] Tông huấn Evangelii Gaudium, Niềm Vui Của Tin Mừng, số 2.
[17]Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 20.
[18] x. Đức Phanxicô, Bài giảng lễ, ngày Thế Giới Truyền Giáo lần thứ 93, ngày 19.10.2019.
[19] x. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ, bài: “Người trẻ đáp lời Thiên Chúa”, đăng trên trang web: dongten.net.
[20] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit, số 127.