Đề Tài Tĩnh Tâm tháng 11: ƠN GỌI

ƠN GỌI

(Theo Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô Hằng Sống, từ số 248-258 & 274-277)

* Dẫn nhập

Ơn gọi là tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa cho con người và con người đáp lại tình yêu đó.[1] Chính Thiên Chúa gọi ta và Người mong ta nghe được tiếng Người: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân.” (Gr 1,5)

Karl Jung cho rằng: “Ơn gọi là một yếu tố phi lý giúp cho con người tự giải phóng khỏi bầy đàn và các đường mòn xưa cũ”; còn Frederick Buechner thì cho rằng: “Ơn gọi là niềm vui của bạn đáp trả cho cơn đói của thế giới.”[2] Một định nghĩa khác định nghĩa: “Ơn gọi là việc Thiên Chúa mời gọi con người tin vào Ngài và tham dự vào chương trình cứu độ của Ngài”.[3]

Với nhiều định nghĩa và cách hiểu phong phú về ơn gọi như thế, bài viết này xin được trình bày ơn gọi dưới cái nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chương VIII của tông huấn Christus Vivit, và từ đó áp dụng chúng vào đời sống đan tu.

I. Ơn Gọi Dưới Nhãn Quan Của Đức Thánh Cha Phanxico

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong chương VIII của tông huấn Christus Vivit, dưới nền tảng Kinh Thánh, đã làm toát lên sự hiện hữu của ơn gọi trong tương quan giữa Thiên Chúa và con người. 

Ngài cho biết rằng ơn gọi là “một tiếng gọi của Thiên Chúa, gồm tiếng gọi vào hiện hữu, tiếng gọi sống tình bạn với Ngài, tiếng gọi nên thánh…[4], vì “tất cả các Kitô hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành.”[5]

Trong các số (248 – 258 + 274 – 277), ngài nhắc đến ba hướng của một ơn gọi: 1/ơn gọi theo nghĩa rộng, 2/ơn gọi theo nghĩa hẹp, và 3/ơn gọi đặc biệt.[6]

1/Ơn Gọi theo Nghĩa Rộng

“Ơn gọi được hiểu theo nghĩa rộng có nghĩa là một lời mời gọi từ Thiên Chúa: bao gồm lời kêu gọi tới sự sống, tới sự kết bạn với Người, lời kêu gọi nên thánh…”.[7]

Theo ngài, việc hiểu ơn gọi theo nghĩa rộng như vậy thì rất hữu ích, vì nó đặt toàn bộ cuộc sống chúng ta vào mối tương quan với Thiên Chúa. Nó cũng khiến chúng ta hiểu ra rằng không có gì là kết quả ngẫu nhiên, nhưng mọi sự trong cuộc sống chúng ta đều có thể trở thành một cách đáp lại tiếng Chúa, Đấng có kế hoạch tuyệt vời cho chúng ta.[8] Công Đồng Vatican II đã cho biết: “Tất cả các Kitô hữu, dù trong hoàn cảnh nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người một cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như Chúa Cha là Đấng trọn lành.”[9]

Ơn gọi luôn được hướng về hai chiều trong một thế nhìn lưỡng cực: a/Chúa kêu gọi và b/con người đáp trả.

a/Chúa kêu gọi

“Điều đầu tiên cần được phân định và khám phá là: Đức Giêsu muốn làm bạn với mọi người trẻ.”[10] Theo ngài, sự phân định này là cơ sở cho tất cả những sự phân định khác.[11]

Trong cuộc đối thoại của Chúa Giêsu phục sinh với Simon Phêrô, câu hỏi quan trọng của Người là: “Này anh Simon, anh có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,16). Theo Đức Thánh Cha, đây là một cách hỏi: Anh Simon, anh có mến Thầy như một người bạn không? Vì sứ vụ mà thánh Simon Phêrô đảm nhận để chăn dắt đoàn chiên sẽ là một sứ vụ tình yêu nhưng không, một tình yêu vô cầu, một tình yêu bạn hữu.[12]

b/Đáp Trả

Điều thứ hai của ơn gọi là cần có một sự đáp trả trước ánh mắt yêu thương của Chúa dành cho đối nhân.[13] Câu chuyện người thanh niên giàu có đã buồn rầu bỏ đi trong Tin Mừng Mc 10 là một ví dụ.

Theo Đức Thánh Cha, “chàng thanh niên này đã có một cuộc gặp gỡ không thành công, vì anh ta đã không nhận ra ánh mắt yêu thương của Chúa. Dù rằng ý định ban đầu của anh là ý định tốt đẹp. Anh ta đã buồn bỏ đi, vì anh không thể quay lưng lại với của cải của mình. Anh ta đã trượt đi một cơ hội trở nên tình bạn tuyệt vời với Chúa Giêsu. Cuối cùng, vì sự quyến luyến của cải, vì sự thiếu một tấm lòng mở ra, người ta sẽ không biết anh ta sẽ là gì cho nhân loại. [14] Một con người bị lãng quên một cách lãng xoẹc với thời gian!

Từ hai mẫu sự kiện trên, Đức Thánh Cha kết luận: “Sự sống mà Đức Giêsu ban cho chúng ta là một câu chuyện tình, một sự sống lịch sử muốn hòa quyện với chúng ta, và bén rễ vào mảnh đất cuộc đời chúng ta”,[15] vì “ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta chính là lời mời gọi trở thành một phần của câu chuyện tình đan xen với những câu chuyện cá nhân của chúng ta. Nó luôn sống và muốn được sinh ra sinh ra giữa chúng ta, để chúng ta có thể sinh hoa trái như chúng ta là.”[16]

2/Ơn Gọi theo Nghĩa Hẹp

Ơn gọi theo nghĩa hẹp là một ơn gọi thực thi sứ vụ phục vụ tha nhân.[17] Đây là một ơn gọi thừa sai, vì cta được kêu gọi tham dự vào công trình tạo dựng của Ngài.[18]

Theo ngài, công việc, sự phục tha nhân không chỉ để kiếm tiền, để khỏi ở nhưng hay để làm hài lòng người khác, nhưng nó trở thành một ơn gọi, để nhìn nhận về lý do tại sao tôi được tạo thành và đâu là kế hoạch Thiên Chúa trao cho tôi,[19] vì cuộc sống của chúng ta trên trần gian này chỉ đạt tới tầm vóc viên mãn khi nó trở thành một sự hiến trao mà thôi.[20]

3/Ơn Gọi Thánh Hiến – Ơn Gọi theo Nghĩa Đặc Biệt

Được tác động bởi tình bạn với Chúa Giêsu và phục vụ trong sứ vụ, Đức Thánh Cha hướng về một ơn gọi đặc biệt trong Giáo Hội, đó là ơn gọi thánh hiến.

Ngài đưa ra ba ý tưởng cần được quan tâm về ơn gọi thánh hiến: a/tin vào quyền năng Chúa, b/người trẻ quảng đại dấn thân, c/hãy vượt qua những khó khăn của xã hội và hãy tiến bước.

a/Trước hết là sự tin tưởng vào quyền năng và sự quan phòng của TC trên Giáo Hội của Ngài.

Trước một thảm cảnh ơn gọi khan hiếm của Giáo Hội hiện nay, Đức Thánh Cha nêu lên một xác tín: “Chúa không thất bại trong lời hứa sẽ cung cấp cho Giáo Hội các vị mục tử. Cho dẫu có một số gương mù gương xấu, nhưng Chúa vẫn nhân đôi số tiền đặt cược, vì Người không bao giờ ngừng chăm sóc cho Giáo Hội yêu dấu của mình.”[21]

b/Thứ đến là sự quảng đại dấn thân của người trẻ.

Khi phân định ơn gọi, ngài khuyên người trẻ đừng bỏ qua khả năng hiến thân cho Chúa trong chức tư tế, đời sống tu trì, hoặc trong các hình thức thánh hiến khác. “Nếu nhận ra và làm theo ơn gọi từ Chúa, ở đó người trẻ sẽ tìm thấy sự thỏa mãn cách hoàn toàn.”[22]

Ngài nêu lên một hình ảnh rất dễ thương và sống động về ơn gọi thánh hiến: “Đức Giêsu đang đi giữa chúng ta như đã từng đi ở Galile. Người đi qua ngang qua con đường của chúng ta, và lặng lẽ nhìn vào con đường của chúng ta. Lời mời gọi của Người thật hấp dẫn và thích thú.”[23]

c/Cuối cùng, các bạn trẻ hãy vượt qua những thách đố của thời đại và tiến bước.

Đức Thánh Cha cho hay, “trong một thế giới căng thẳng và liên tục bắn phá chúng ta bằng nhiều thứ kích thích khác nhau, chúng ta không còn chổ cho sự thinh lặng nội tâm mà cảm nhận được ánh mắt của Đức Giêsu và nghe tiếng gọi của Người. Trong khi đó nhiều lời mời gọi hấp dẫn và thú vị, mặc dầu với thời gian chúng chỉ khiến con người cảm thấy trống rỗng, mệt mỏi và cô đơn.

Đừng để điều này xảy ra với các con, bởi vì vòng xoáy thế giới này có thể khiến người trẻ đi vào con đường không có ý nghĩa, không có phương hướng, không có mục tiêu. Tốt hơn hãy bình tĩnh và tĩnh lặng suy xét, cầu nguyện, nhìn rõ về thế giới xung quanh, và với Đức Giêsu, hãy nhận ra ơn gọi của các con trong thế giới này.”[24]

II. Áp vào ơn gọi đan tu dưới nhãn quan của Đức Thánh Cha

(Christus Vivit, chương VIII).

Đời sống thánh hiến nói chung và đan tu nói riêng, được thánh hiến và phục vụ là hai chiều kích của một ơn gọi.[25] Hai chiều kích này được gắn chặt với nhau và bổ túc cho nhau. Sự thánh hiến bao hàm sứ mệnh, vì việc trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô cũng có nghĩa là tham gia vào sứ mệnh của Ngài; và sứ mệnh lại dẫn đến thánh hiến.[26]

Như Chúa Kitô là mẫu gương của người thánh hiến, Ngài đã được Chúa Cha thánh hiến và sai đến trần gian[27], người tu sĩ cũng được thánh hiến và sai đi.[28] Họ say mê chiêm ngắm Thiên Chúa trên “đỉnh núi” và bước xuống phục vụ anh em.

Đối chiếu với tư tưởng của Đức Thánh Cha Phanxico, trong tông huấn Christus Vivit, chương VIII, người đan sĩ bước đi trong ba nhịp: 1/sống tình bạn với Chúa Giêsu, 2/thực thi sứ mệnh ơn gọi theo đặc sủng đan tu, và 3/đối diện với những thách đố của đời sống đan tu.

1/Đan Sĩ Sống Tình Bạn Với Chúa Giêsu  

Đức Thánh Cha, từ nền tảng Kinh Thánh, đặt hai lời mời gọi của Chúa Giêsu vào hai đối nhân được mời gọi song đối với nhau, để làm toát lên sự độc sáng trong mối tương quan hiện hữu giữa Thiên Chúa và con người – giữa việc kêu gọi và việc được sai đi; từ một lời mời gọi và sai đi trở nên tình bạn giữa Thiên Chúa và con người.

Từ lời mời gọi thánh Phêrô ở Tin Mừng Gioan, từ lời mời gọi chàng thanh niên giàu có ở Tin Mừng Mc, ngài đẩy ý tưởng suy tư ơn gọi vào trong sự giao thoa giữa Thiên Chúa và con người. Ngài nêu ra một định nghĩa về ơn gọi có một không hai: Đức Giêsu muốn trở nên bạn hữu với con người, vì “sự sống mà Đức Giêsu ban cho chúng ta là một câu chuyện tình, một lịch sử sống muốn hòa quyện với chúng ta, và bén rễ vào mảnh đất cuộc đời chúng ta”;[29] và “ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta chính là lời mời gọi trở thành một phần của câu chuyện tình đan xen với những câu chuyện cá nhân của chúng ta. Nó luôn sống và muốn được sinh ra sinh ra giữa chúng ta, để chúng ta có thể sinh hoa trái như chúng ta là”.[30]

Được Chúa làm bạn, người đan sĩ cũng được mời gọi trở nên bạn với Chúa Giêsu để say mê chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa trên “đỉnh núi”.[31]

Đời sống của họ, theo thánh Bênêđictô, là một đời sống luôn được thánh hiến, để trở nên bạn với Chúa Giêsu. Họ: “Tuyệt đối không lấy gì làm hơn Chúa Kitô” (Tu Luật 72,11); họ luôn chiến đấu dưới ngọn cờ Vua Kitô, trong trường học phụng sự Thiên Chúa.[32] Đời sống giữa họ và Đức Giêsu là một câu chuyện tình, một lịch sử muốn hòa quyện và bén rễ sâu vào mảnh đất cuộc đời của nhau;[33] vì ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho họ chính là lời mời gọi trở thành một phần của câu chuyện tình đan xen với những câu chuyện cá nhân của họ với Chúa Giêsu, để được sống và được sinh ra sinh ra giữa họ, để họ có thể sinh hoa trái như họ là.[34]

2/Thực Thi Sứ Vụ theo Ơn Gọi Đan Tu

Từ cột mốc căn bản về đời sống tình bạn với Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha đưa ra một con đường suy tư ơn gọi theo nghĩa hẹp, đó là sự phục vụ tha nhân. Theo ngài, đây là một ơn gọi thừa sai. Nó giúp con người nhìn nhận về lý do tại sao họ được tạo thành và đâu là kế hoạch Thiên Chúa trao cho họ,[35] vì cuộc sống của chúng ta trên trần gian này chỉ đạt tới tầm vóc viên mãn khi nó trở thành một sự hiến trao mà thôi.[36]

Trong tông huấn Vita Consecrata, số 8, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho biết:

“Các dòng hoàn toàn sống đời chiêm niệm, gồm những người nữ hoặc nam, là một lý do hãnh diện cho Giáo Hội và một nguồn mạch đưa lại những ân sủng thiên quốc. Nhờ nếp sống và sứ mạng của họ, những phần tử thuộc các dòng ấy bắt chước Đức Ki-tô cầu nguyện trên núi, họ làm chứng về quyền chủ tể của Thiên Chúa trên lịch sử, họ tiên báo vinh quang mai ngày sẽ đến.

Trong cô tịch và thinh lặng, bằng việc lắng nghe Lời Thiên Chúa, cử hành phụng vụ, khổ chế cá nhân, kinh nguyện, hãm mình và hiệp thông vào tình yêu huynh đệ, họ hướng toàn thể đời sống và toàn thể sinh hoạt vào việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Như thế họ cống hiến cho cộng đồng Giáo Hội một chứng tá độc đáo về tình yêu của Giáo Hội dành cho Thiên Chúa, và góp phần với sức phong nhiêu tông đồ huyền diệu vào sự tăng trưởng của Dân Thiên Chúa.”

Sự phục vụ hiến trao của người đan sĩ thường được biểu tỏ trong các yếu tố của đời đan tu như[37]: phụng vụ, cầu nguyện, suy niệm lời Chúa, tình thần thống hối, bầu khí tĩnh mịch, lao tác, khổ chế[38], vì chúng là khí cụ[39] để người đan sĩ chiến đấu cho Đức Kitô, Vua chân thật.[40] Từ những dụng cụ này, người đan sĩ sẽ sản sinh hoa trái như họ là.

3/Thách Đố Ơn Gọi Đan Tu

Ba điểm Đức Thánh Cha nêu ra trong tông huấn (số 274 – 277) là ba thách đố cho ơn gọi đan sĩ.

a/Thách đố về tình trạng ơn gọi.

Ở đây ngài không đề cập đến việc ơn gọi nhiều hay ít ở con số mà ở lòng tin vào Thiên Chúa của những người trẻ và của tất cả mọi thành phần trong Hội Thánh. Ngài nói rằng chúng ta có hoàn toàn tin tưởng “một lần nữa thả lưới” nhân danh Chúa,[41] vì Chúa vẫn nhân đôi số tiền đặt cược; Chúa vẫn không ngừng chăm sóc Hội Thánh dấu yêu của Ngài.

Đây là một thách đố của ơn gọi đan sĩ. Thiên Chúa luôn ở bên người đan sĩ; Chúa có đó, nhưng đường tu không là mơ mà là một cuộc sống hiện sinh với những thăng trầm. Lòng tin của người đan sĩ vào Thiên Chúa lắm khi cũng chật vật; khi có nắng xuân như trải lụa vàng trên lối đi, nhưng không thiếu những con đường chông gai, đá sỏi.

Thánh Bênêđictô biết rõ điều này nên căn dặn người đan sĩ “hãy lấy đức tin và sự thực thi các việc lành như đai nịt lưng, rồi dưới sự hướng dẫn của Tin Mừng, chúng ta tiến bước theo con đường của Chúa” (Tu Luật, Lời Mở, câu 21); hay khi đưa ra những khí cụ làm việc lành cho người đan sĩ, ngài bảo: “Hãy đặt hy vọng nơi Thiên Chúa”, “chớ bao giờ thất vọng về lòng thương xót của Thiên Chúa” (Tu Luật, chương 4,41.74).

Bởi vậy, lòng tin tưởng vào Thiên Chúa vẫn là một lời nhắc nhở với người đan sĩ sống ơn gọi đan tu trong hoàn cảnh hiện xã hội nay – một xã hội nghiêng về chiều hướng bên ngoài, những thực tại hữu hình như thành công, các con số đếm được….

b/Thách đố thứ 2 là sự quảng đại của người đan sĩ.

Xã hội ngày nay người ta có chiều hướng nghiêng chiều về chủ nghĩa duy lợi, chủ nghĩa cá nhân, và lắm khi có tính ích kỷ. Đang khi đó, Đức Thánh Cha nêu lên ý tưởng quảng đại dấn thân cho Thiên Chúa.

Đây không phải là một sự anh dũng hay một hành động hào hiệp mà là một sự hân hoan của ơn gọi theo Chúa. Sống ơn gọi, đan sĩ có nhận thấy hình ảnh Chúa Giêsu đang đi giữa họ như đã từng đi ở Galile? Ngài đang đi ngang qua con đường của họ và lặng lẽ nhìn vào cuộc đời của họ. Họ có nhận thấy lời mời gọi của Ngài là lời mời gọi hấp dẫn hay nhạt nhòa trên cuộc đời mình?

c/Thách đố thứ 3 là thách đố về con người và phương tiện thời đại.

Đức Thánh Cha nói: “Trong một thế giới căng thẳng và liên tục bắn phá con người bằng nhiều thứ kích thích khác nhau, con người không còn chổ cho sự thinh lặng nội tâm mà cảm nhận được ánh mắt của Đức Giêsu và nghe tiếng gọi của Người. Trong khi đó nhiều lời mời gọi hấp dẫn và thú vị, mặc dầu với thời gian chúng sẽ chỉ khiến con người cảm thấy trống rỗng, mệt mỏi và cô đơn.[42]

Vậy người đan sĩ có đủ bình tĩnh và tĩnh lặng suy xét, cầu nguyện, nhìn rõ về thế giới xung quanh, và với Đức Giêsu, để nhận ra chổ đứng ơn gọi của chính mình trong thế giới này?

* Kết Luận

Tóm lại, Ba hướng của một ơn gọi, theo Đức Thánh Cha trong tông huấn Christus Vivit, không gì khác hơn là một chiều kích sống của đời Kitô hữu, là một câu chuyện tình, một lịch sử giữa mảnh đất cuộc đời con người chúng ta với Thiên Chúa,[43] vì “ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta chính là lời mời gọi trở thành một phần của câu chuyện tình đan xen với những câu chuyện cá nhân của chúng ta. Nó luôn sống và muốn được sinh ra sinh ra giữa chúng ta, để chúng ta có thể sinh hoa trái như chúng ta là”.[44]

Ơn gọi, theo ngài, là một con đường sống làm con Chúa, một cuộc sống nên thánh, một cuộc sống kết bạn với Đức Giêsu, vì “Tất cả các Kitô hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành[45].

Khi người đan sĩ cảm nếm được câu chuyện tình giữa họ với Chúa Giêsu, một sự sống lịch sử hòa quyện và bén rễ vào mảnh đất cuộc đời của họ với Chúa Jesus, thì dù hoàn cảnh nào trong ơn gọi, họ cũng sản sinh hoa trái như họ là.

Khi họ cảm nhận ơn gọi như một khả thể trong đời sống của họ, thì họ cũng cảm nhận rằng không có chọn lựa, mà chỉ có thể hỏi: đâu là sứ vụ của tôi ở đây – giữa Thiên Chúa và tôi, và giữa tôi với mọi người.

Và nếu có đối diện với thách đố nào, người đan sĩ cũng tĩnh lặng suy xét, cầu nguyện, nhìn rõ về thế giới xung quanh, và với Đức Giêsu, để nhận ra chổ đứng ơn gọi của mình trong thế giới.

Đó là câu hỏi mà cuộc sống chờ nơi các đan sĩ. Đó cũng là câu hỏi mà TC mong chờ mỗi chúng ta.

Điều quan trọng là chúng ta sống ơn gọi, sống tình bạn đó với TC, với Chúa Giêsu như thế nào trong sứ vụ của mình? Cta sống tình bạn ấy trong sự sung mãn hay trong sự nhạt nhòa, yếu ớt của đời sống đan tu?

CỘNG ĐOÀN PHƯỚC ĐĂNG

(Thuyết trình: Fr. Ambrosio – Phúc) 

*Câu hỏi gợi ý

Chúng ta sống sống tình bạn với Chúa Giêsu, sống ơn gọi thừa sai như thế nào trong đời sống đan tu chúng ta?

SÁCH THAM KHẢO

  1. Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước, Tòa Tổng Giám Mục Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh, Nxb Tôn Giáo, 1994.
  2. Giáo Luật 1983, bản dịch, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
  3. Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, Nxb Tôn Giáo, 2018.
  4. Công Đồng Vaticano II, Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện PIO X.
  5. Hiến Pháp và Tuyên Ngôn, Hội Dòng Xito Thánh Gia Việt Nam.
  6. Di Ngôn Cha Biển Đức Thuận, Đấng Sấng Lập Hội Dòng Xito Thánh Gia, Phước Sơn 2018, Lưu Hành Nội Bộ.
  7. Tu Luật Thánh Phụ Biển Đức, Hội Dòng Xito Thánh Việt Nam, Lưu Hành Nội Bộ.
  8. Đức Thánh Cha Francicus, tông huấn: Đức Kitô Hằng Sống, Nxb Đồng Nai, dịch giả: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.
  9. Đức Thánh Cha Francicus, tông huấn: Chúa Kitô Đang Sống, Nxb Tôn Giáo, dịch giả: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
  10. Từ Điển Công Giáo, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Ban Từ Vựng Công Giáo, Nxb Tôn Giáo.
  11. Điển Ngữ Thần Học, Quyển II, Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện Pio X, Đà Lạt – Việt Nam.
  12. Theo Chúa Kitô – Văn Kiện Đời Tu, 1999.

***Trang Web:

  1. RONALD ROLHEISER,

https://phanxico.vn/2019/11/17/song-theo-on-goi/

  1. TRẦN HỮU HẠNH FSF,

 https://www.facebook.com/prayforvocations/posts/, 5.9.2020.

  1. PHAN TẤN THÀNH, OP,

https://catechesis.net/co-bao-nhieu-on-keu-goi/ 5.9.2020.

[1] x. Trần Hữu Hạnh fsf, https://www.facebook.com/prayforvocations/posts/

[2] x. Ronald Rolheiser, https://phanxico.vn/2019/11/17/song-theo-on-goi/

[3] Từ Điển Công Giáo, tr.661; x.Điển Ngữ Thần Học, Quyển II, tr.220.

[4] Christus Vivit, số 248.

[5] Hiến Chế Lumen Gentium, số 11; x.Christus Vivit, số 248.

[6] X. Phan Tấn Thành, OP,https://catechesis.net/co-bao-nhieu-on-keu-goi/ .

[7] Christus Vivit, số 248.

[8] X. Christus Vivit, số 248.

[9] Lumen Gentium, số 11.

[10] Christus Vivit, số 250.

[11] X. Christus Vivit, số 250.

[12] X. Christus Vivit, số 250.

[13] X. Christus Vivit, số 251.

[14] Christus Vivit, số 251.

[15] Christus Vivit, số 252.

[16] Christus Vivit, số 252.

[17] X. Christus Vivit, số 253.

[18] X. Christus Vivit, số 254, 254.

[19] X. Christus Vivit, số 256.

[20] X. Christus Vivit, số 254.

[21] X. Christus Vivit, số 275.

[22] Christus Vivit, số 276.

[23] Christus Vivit, số 277.

[24] Christus Vivit, số 277.

[25] X. GL, số 207 #2; 537 #1.

[26] X. Vita Consecrata, số 76; x. Trần Hữu Hạnh fsf, https://www.facebook.com/prayforvocations/posts/

[27] X. Ga 10,36; x.Ga17,18-19; Lc 4,18-19.

[28] X. Vita Consecrata, số 14, 17, 30, 31.

[29] Christus Vivit, số 252.

[30] Christus Vivit, số 252.

[31] X.Vita Consecrata, số 8.

[32] X.Tu Luât, lời mở, 45; 4,21.

[33] X. Christus Vivit, số 252.

[34] X. Christus Vivit, số 252.

[35] X. Christus Vivit, số 256.

[36] X. Christus Vivit, số 254.

[37] X. Tu Luật 4,78.

[38] X. Tuyên Ngôn, số 6-12.

[39] X.Tu Luật, 4,78; 6.

[40] X.Tu Luât, lời mở, 3.45.

[41] X. Christus Vivit, số 274.

[42] Christus Vivit, số 277.

[43] Christus Vivit, số 252.

[44] Christus Vivit, số 252.

[45] Hiến Chế Lumen Gentium, số 11; x. Christus Vivit, số 248,

You May Also Like

Trả lời

X