Suy niệm thứ Sáu, Tuần VIII TN
Đời Sống Bác Ái Kitô Giáo Là Hoa Quả Của Đức Tin Và Lời Cầu Nguyện
(Hc 44,1.9-13 / Mc 11,11-26)
Đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy, trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, có thể nói, Ngài luôn là mẫu gương sống động về lòng thương xót, Ngài là Tình Yêu, là Vị Mục Tử nhân lành. Thế mà trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Maccô lại tường thuật cho chúng ta thấy: Chúa đã nổi giận mà chúc dữ cho cây vả không sinh trái và xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ. Vậy nhân sự kiện này, Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta về điều gì?
Trong Kinh Thánh, cây vả hoặc cây nho.. vẫn được dùng như hình ảnh để chỉ dân tộc Do thái và Thiên Chúa là người trồng. Một dân tộc được Thiên Chúa yêu thương quan phòng và chăm sóc cách đặc biệt để chuẩn bị cho họ đón nhận Đấng Cứu thế. “Cây vả” đó được vun trồng kỹ lưỡng bởi Môisen và các ngôn sứ…, được chăm sóc cắt tỉa bằng giới luật và ân huệ. Được hồi sinh và lớn mạnh qua bao nhiêu biến cố nô lệ ở Ai cập và Babylon… Khi được trở về vùng “đất hứa”, họ đã xây dựng đền thờ để cử hành những ngày đại lễ. Họ đã có những lề luật về ngày Sabat, việc ăn chay và cầu nguyện… Thế nhưng, bên trong cái vẻ huy hoàng tráng lệ của đền thờ đó lại là sự trống rỗng, với những nghi lễ vụ hình thức bên ngoài, như cây vả tốt tươi mà không có trái, với đền thờ hào nhoáng bên ngoài mà trong lòng không có đức tin khi được Thiên Chúa viếng thăm.
Giêrusalem với những sinh hoạt tấp nập của Đền thờ, bề ngoài xem ra rất sầm uất với những cuộc hành hương, những nghi thức và lễ tế chiên bò… được sánh như cây vả xanh tươi sum suê cành lá, nhưng Thiên Chúa đã không tìm được thực tại hoa trái của đời sống Đức tin chân thành ở nơi đó. Các vị lãnh đạo Do thái giáo đã biến Giêrusalem trở thành “sào huyệt của bọn cướp”, trở thành thị trường buôn bán, kiếm chác tư lợi… Bởi thực chất tinh thần của niềm tin tôn giáo đã chết khô như cây vả bị Thiên Chúa nguyền rủa. Và như vậy, việc Chúa Giêsu nguyền rủa cây vả không sinh trái bị chết khô, và việc thanh tẩy đền thờ hôm nay đã mang một ý nghĩa đặc biệt: một cách nào đó, Ngài công bố việc bãi bỏ kiểu phụng tự Do Thái giáo và khai mạc một thời ký nguyên mới mà Ngôn sứ Dacaria đã loan báo: “Ngày ấy sẽ không còn lái buôn trong nhà Đức Chúa các đạo binh nữa” (x.Dcr 14,21). Từ nay, sự liên kết, gắn bó với Thiên Chúa không còn lệ thuộc nơi đền thờ vật chất, không còn “phải trên núi này hay tại Giêrusalem” (Ga 4,21), nhưng bởi nơi Đức tin và đời sống cầu nguyện được diễn tả trong tâm hồn của mỗi người tín hữu, vì tâm hồn của mỗi người tín hữu là Đền thờ của Chúa Ba Ngôi.
Thật vậy, nhờ Bí tích rửa tội, tâm hồn người tín hữu đã trở thành Đền thờ cho Thiên Chúa ngự trị. Nhưng thay vì ý thức sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong tâm hồn để sống thân tình với Ngài, đôi khi chúng ta lại đưa vào đó biết bao chuyện gian tham lọc lừa, trộm cắp, mưu mô, hận thù… Chúa Giêsu có lý để khiển trách chúng ta, như Ngài đã phẫn nộ với những kẻ buôn bán trong Đền thờ ngày xưa: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp”. Như cây vả đã chết khô tận rễ tự bao giờ nên muôn đời sẽ không ai ăn trái của nó nữa.
Quả thật, cây vả tự nhiên có thể không có trái ngoài mùa: nhưng Israel hay bất cứ người tín hữu nào trong chúng ta không thể nói rằng: lúc này đây chưa phải là thời để ăn năn sám hối. Chúng ta đã được Thiên Chúa vun trồng, chăm sóc từ bao thế kỷ, đã được Con Thiên Chúa đổ máu mình ra để cứu chuộc, mà không sinh hoa trái của lòng sám hối khi Chúa đến viếng thăm thì chúng ta cũng chỉ là cây vả đã chết khô tận rễ mà thôi. Do đó, chúng ta hãy tha thiết cầu xin Chúa ban cho chúng ta có một đời sống đạo ăn khớp với niềm tin của mình. Vì chính Chúa Giêsu đã nói: “Cứ xin thì sẽ được” và “Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý”.
Dẫu vậy, có lần Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta rằng: “không phải chúng ta chỉ nói: lạy chúa, lạy Chúa là sẽ được vào Nước trời đâu, nhưng là người làm theo ý muốn của Thiên Chúa” (Mt 7,21). Bởi vậy, nếu chúng ta chỉ kính mến Chúa và tin Chúa thôi thì chưa đủ vì “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Hành động mà Chúa muốn nơi chúng ta lúc này là “hãy yêu thương nhau; mà yêu thương là sống theo các điều răn của Thiên Chúa” (x.2Ga 1,5-6).
Điều này thật khó khi chúng ta đang sống trong một xã hội đầy biến động và thử thách. một xã hội đề cao vật chất và hưởng thụ. Người ta chỉ tin vào thành quả của khoa học mà nhiều khi đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa, thì làm sao có thể tin yêu Chúa và tha thứ cho nhau được. Sống trong một xã hội cạnh tranh quyền lợi ngày càng cao, thì tha thứ cho người anh em của mình quả là điều khó. Nhưng chúng ta cũng tin chắc rằng: “không có gì mà Thiên Chúa không thể làm được”. Nếu chúng ta có một đức tin dù chỉ bằng hạt cải thôi cũng đủ để chuyển núi dời non. Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa vì ơn Thiên Chúa đủ cho chúng ta. Ngài luôn làm cho tất cả mọi sự sinh ích lợi cho những ai mến yêu Ngài. Ngài sẽ biến đổi tâm hồn chúng ta nên khiêm tốn, yêu thương phục vụ và quảng đại. Bởi lẽ yêu thương và tha thứ là cách diễn tả đời sống đức tin của người tín hữu đối với Thiên Chúa và tha nhân, nên Chúa mới dạy chúng ta: “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em”. Chính Chúa Giêsu trên thập giá đã kêu xin Chúa Cha tha thứ cho người đóng đinh Ngài; thánh Têphanô cũng cầu xin Chúa tha thứ cho những kẻ bách hại mình. Đến lượt chúng ta là những người Kitô hữu, chúng ta cũng nên giống Chúa là hãy tha thứ và cầu nguyện cho người anh em. Vì tất cả mỗi người chúng ta đều là Đền thờ đích thực của Chúa Ba Ngôi ngự.
Một kinh nghiệm rất thật là, khi chúng ta mang trong mình sự hận thù, chia rẽ thì chính chúng ta là người khổ trước, ăn không ngon, ngủ không yên vì ấm ức tức giận, trằn trọc nghĩ kế… Nhưng khi chúng ta tha thứ cho người anh em thì chúng ta tìm lại được sự bình an đích thực và tâm hồn được thanh thản, nhất là chúng ta được lại người anh em. Đó là cách chúng ta đang cố gắng trang điểm cho ngôi đền thờ tâm hồn của mình mỗi ngày được ý nghĩa. Hơn nữa, khi sự tha thứ được thực hiện, chính là tiêu chuẩn để Thiên Chúa xét công trạng cho chúng ta đáng được ân thưởng Nước Trời. “Hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em”. Lỗi lầm giữa chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm giữa chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng ta thì đến lượt chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau.
Nói tóm lại, qua bí tích rửa tội, tâm hồn chúng ta trở thành đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự, chúng ta xin Chúa Thánh Thần tác động và làm cho ngôi đền thờ là tâm hồn của mình được nên tươi tốt và sinh nhiều hoa trái là những việc lành công chính. Vì đó chính là đền thờ Thiên Chúa đã đổ máu mình ra để thiết lập, để nơi đây con người yêu mến nhau, tôn trọng nhau và chia sẻ cho nhau. Được như thế mới thực sự là cách thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật. Và chúng ta sẽ trở thành những vĩ nhân được Thánh Kinh ca ngợi: “Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ”.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một đức tin vững mạnh để chúng con luôn sống gắn bó mật thiết với Chúa. Chính nhờ tình yêu thương của Chúa sẽ là động lực thúc đẩy chúng con đến với tha nhân, yêu thương tha nhân và khơi dậy niềm tin yêu Chúa nơi anh chị em chúng con gặp gỡ. Vì tất cả chúng con đã được Con Chúa đổ máu đào cứu chuộc chúng con và ban cho chúng con trở thành đền thờ của Chúa Ba Ngôi ngự trị. Xin đừng để đền thờ tâm hồn chúng con bị chết khô bởi những cám dỗ phong trần chi phối, nhưng xin cho chúng con biết tôn trọng nơi thánh, dám sống những gì chúng con tin và luôn noi gương Chúa quảng đại sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng con, để nhờ đó, chúng con xứng đáng là con cái Cha trên trời.
Fr. Bartholomeo Nguyễn Đình Liệu