ĐÓN TIẾP VÀ PHỤC VỤ KHÁCH

Thứ 3 Tuần XXVII Thường Niên

ĐÓN TIẾP VÀ PHỤC VỤ KHÁCH

Lc 10,38-42

Việc đón khách, hiếu khách, phục vụ khách là một nét đẹp và một tập tục rất nhân bản của văn hóa Việt Nam. Đặc biệt những người có thế giá trong Giáo Hội cũng như trong xã hội luôn được đón tiếp phục vụ rất chu đáo. Trong Cựu Ước cũng đề cập đến việc đón tiếp khách, cụ thể trong bài Tin Mừng hôm nay cũng tường thuật lại việc đón khách và phục vụ khách của gia đình Bê-ta-ni-a. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu xem việc đón tiếp khách trong Cựu Ước thế nào và gia đình Bê-ta-ni-a đón tiếp và phục vụ khách ra sao.

1. Việc đón tiếp và phục vụ khách trong Cựu Ước

Trong Cựu Ước đề cao việc đón tiếp và phục vụ khách, cụ thể ở St 18,2-8 kể về ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra đón tiếp và phục vụ các vị khách. Khi thấy ba vị khách, ông Áp-ra-ham liền từ cửa chạy ra đón khách, ông sụp xuống đất lạy và nói: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài, để tôi cho lấy chút nước mời các rửa chân. Tôi xin đi lấy ít bánh, để cho các Ngài dùng. Và ông đã bảo bà Xa-ra lấy bột làm bánh, rồi chạy lại đàn vật, bắt một con bê mềm và ngon giao cho đầy tớ làm thịt, lấy sữa chua, sữa tươi và thịt bê đã làm và đãi khách, rồi ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa. Quả thật ông đã đón tiếp chính Thiên Chúa, Thiên Chúa đã chúc lành và cho hai ông bà có đứa con nối dòng. Còn trong bài Tin Mừng hôm nay nói về thái độ việc đón tiếp và phục khách của gia đình Bê-ta-ni-a như thế nào?

2. Việc đón tiếp và phục vụ khách của gia đình Bê-ta-ni-a

Gia đình Bê-ta-ni-a đã đón tiếp và phục Chúa Giêsu một cách thân tình, với lòng yêu mến và sự chu đáo, nên họ hay được Chúa viếng thăm và ở lại. Vậy ở gia đình có ba thái độ đón tiếp và phục vụ khách đó là: đón tiếp, lắng nghe, và phục vụ.

Thái độ thứ nhất, đón mời hay đón tiếp

Chúng ta thấy cô Mác-ta khi được tin Chúa đến, như gương tổ phụ Áp-ra-ham, cô cũng liền ra đón tiếp Người và mời Người vào nhà. Sống tâm tình của tổ phụ Áp-ra-ham và cô Mác-ta chúng ta cũng biết tỏ lòng hiếu khách đón mời khách đến đan viện như đón Chúa Ki-tô theo tu luật cha thánh Biển Đức chương 3 đã dạy. Đồng thời, chúng ta cũng tỏ lòng yêu mến Chúa, bằng cách mở cửa lòng đón mời Chúa đến ngự và ở lại trong lòng tâm hồn chúng ta. Điều này nhiều lúc chúng ta đã không làm, như Chúa đã từng nói với các môn đệ, vào nhà nào mà họ không đón tiếp thì giũ bụi chân lại mà đi, còn nhà nào đón tiếp thì hãy ở lại đó với họ (Mt 10,14). Thánh Gio-an cũng nói: “Người đã đến nhà mình mà người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Có những lúc chúng ta bất lịch sử với Chúa, đó là khi chúng ta từ chối không mời Chúa vào mà còn đẩy Chúa đi, vì tâm hồn ta đầy những đam mê, tiền tài, địa vị, danh vọng. Hoặc đón Chúa với một ngôi nhà tâm hồn dơ bẩn vì những tội lỗi.

Thái độ thứ hai là lắng nghe

Khi đã mời khách, đón khách vào nhà rồi thì phải tôn trọng bằng việc lắng nghe, và thưa chuyện với khách, chứ không để khách ngồi cô đơn, lẻ loi được. Đó cũng là thái độ phục của tổ phụ Áp-ra-ham và cô Ma-ri-a. Cô này đã ngồi dưới chân Chúa mà lắng nghe những lời Người nói, Người dạy. Chúng ta phải biết sám hối về thái độ này của mình, nhiều khi những vị khách không có thế giá, không quan trọng với mình, chúng ta cũng không muốn lắng nghe, hay trò chuyện, phục vụ họ vì sợ mất thời gian. Tâm hồn chúng ta cũng thế, nhiều lúc đón Chúa, rước Chúa vào lòng, nhưng lại dửng dưng, lo nghĩ nhiều thứ, lắng nghe nhiều chuyện ở đời mà không biết trò chuyện, lắng nghe Chúa nói gì với mình, thật hơi bất lịch sự với Chúa.

Thái độ thứ ba là phục vụ bàn ăn

Khi khách ở lại nhà, thì như người Việt hay nói: khách đến nhà không gà thì vịt, phải có những món ăn để phục vụ và đãi khách. Tổ phụ Áp-ra-ham đã làm thịt bê, dọn bàn rồi đứng mà phục vụ khách, họ dùng tiệc. Đó cũng là thái độ yêu mến phục vụ của cô Mác-ta, cô đã tất bật lo việc cơm nước cũng là để có những món ăn thịnh soạn để thiết đãi Chúa. Thái độ thứ ba này là thái độ của hai thái độ trước, sau khi đã đón Chúa, nghe Chúa dạy, đã nghiền ngẫm, giờ đã đến lúc hành động, đến lúc hoạt động và phục vụ Chúa, là đem lời Chúa ra thực hành.

Chúng ta phục khách, phục vụ Chúa bằng những món ăn mà Người ưa thích đó là chia cơm cho người nghèo đói, rước vào nhà những người không nơi cư ngụ, mặc áo cho người mình trần, thăm nom bệnh nhân, đón tiếp khách lạ…vì Chúa nói: “Mỗi lần anh em làm những điều đó cho một người bé mọn là anh em đã làm cho chính Thầy”. Rồi những món ăn khác nữa như lòng trung thành, sự chân thật và tâm hồn thánh thiện, những điều đó làm cho Chúa vui lòng với thái độ phục vụ của chúng ta, và Người sẽ ở lại mãi trong tâm hồn chúng ta.

Vậy để có được những thái độ phục vụ như trên, chúng ta cần có lòng yêu mến, vì khi yêu ai thì ta luôn tận tình đón tiếp, lắng nghe và mong muốn được phục vụ họ. “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu“, yêu là biết, biết là yêu, yêu thì muốn hiến thân phục vụ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con xin luôn biết mở rộng lòng đón tiếp Chúa đến trong tâm hồn, xin cho chúng con luôn biết lắng nghe, trò chuyện với Chúa, và xin cho chúng con luôn biết tận tâm phục Chúa qua mọi người khách đến với đan viện với gia đình và với từng người chúng con. Vì khi đón tiếp họ là chúng con đã đón tiếp  và phục vụ chính Chúa. Amen!

FM. Anton Claret Lê Thanh Sâm

You May Also Like

Trả lời

X