DỤ NGÔN NGƯỜI GIEO GIỐNG

SUY NIỆN THỨ 7 TUẦN XXIV

LC 8, 4-15

Dụ Ngôn người gieo giống là một trong những dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để trình bày Mầu Nhiệm Nước Trời. Có lẽ trong chúng ta ai cũng khá quen thuộc với dụ ngôn Người Gieo Giống này qua khung cảnh đời sống nông nghiệp. Vì thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau suy niệm với ba tư tưởng sau:

  • Khung cảnh mùa gieo giống.
  • Một môi trường đón nhận hạt giống.
  • Kết quả vụ mùa.
  1. Khung cảnh:

 Hẳn chúng ta có thể hình dung cảnh mùa gieo giống: Giữa khung trời bát ngát mênh mông, trên vùng đất bao la, người gieo giống với thúng lúa đầy tràn, đang vốc những hạt lúa chắc nịch, vung cánh tay rộng mở, gieo những hạt giống mần, toả ra khắp mọi chốn, hạt rơi trên lối đi, hạt vương trên đất sỏi, hạt tung vào bụi gai, hạt rải trên đất thuộc…Ông vung tay, vung tay không mỏi mệt, những nắm giống tung gieo, với tất cả nhiệt tình chứa chan niềm hy vọng! Hẳn những ai từng chứng kiến tất không khỏi sững sờ, người gieo giống kỳ lạ, những mải mê vung cánh, khắp mọi chốn mọi nơi, hạt giống bay tua tủa, mù cả một vùng trời. Đó là khung cảnh mùa gieo giống, mầu nhiệm về Nước Trời đã được Đức Giêsu dùng dụ ngôn trình bày cho các môn đệ và quần chúng cũng như cho cả chúng ta.

  1. Môi trường:

Theo thỉnh cầu của các môn đệ, chính Đức Giêsu đã giải thích cặn kẽ các môi trường đón nhận “Hạt Giống Lời Chúa”. Ngài đã cống hiến cho các môn đệ và cả chúng ta nữa, một lối giải thích theo nghĩa thiêng liêng hay tu đức rất cần để hiểu các dụ ngôn.

Mặc dầu được Chúa giải thích dụ ngôn quá rõ ràng và đầy đủ, nhưng thiết tưởng chúng ta cũng cần phải rà lại thái độ của mình đã đón nhận, suy niệm và sống Lời Chúa thế nào với những thành quả bao nhiêu, khi đối chiếu với các môi trường đón nhận hạt giống mà Chúa đã giải thích trong dụ ngôn.

  • Kẻ nghe Lời rao giảng về Nước Trời mà không hiểu: Những lời cụ thể của Tin Mừng được nghe, được đọc những vẫn còn như một bài đọc thông thường. Trái lại, Tin Mừng là một Lời sống động: Tác giả Tin Mừng, Đấng đã nói ở đó, và hôm nay vẫn sống động…Ngài đang ngỏ lời với mỗi chúng ta. Do đó, Tin Mừng không hẳn là một tập ghi chép lại những quan niệm hay một tư tưởng đẹp, mà chính đó là “cuộc gặp gỡ với mỗi một người chúng ta”. Như vậy, mỗi khi chúng ta suy niệm Tin Mừng, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là: Lạy Chúa, đoạn Tin Mừng này giúp con khám phá được gì về Chúa?
  • Kẻ nghe Lời rao giảng và liền vui vẻ đón nhận, nhưng họ không để cho Lời ấy đâm rễ trong lòng. Họ là kẻ nông nổi nhất thời, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời Chúa thì liền bỏ cuộc. Một số người bắt đầu suy niệm với tất cả nhiệt tình. Quả thế, mới khởi sự, ta có thể gặp được nhiều niềm an ủi khi cầu nguyện, nhưng cần phải kiên trì. Tin theo Chúa khi gặp hứng thú và thoải mái thì chưa đủ nhưng cần phải bền chí trung kiên, ngay cả trong lúc gặp thử thách, trong cảnh tối tăm. Chúng ta chỉ có thể đạt được một hiểu biết sâu xa về Thiên Chúa nhờ việc tiếp xúc với Tin Mừng cách liên tục dài lâu và không mỏi mệt, đọc đi đọc lại, cứ suy đi gẫm lại. Qua câu trên Đức Giêsu tự mặc khải cho ta như một người kiên trì. Ngài không hài lòng trước những nhiệt tình chóng qua của ta. Ngài mong chờ ta luôn thành tín trung kiên.
  • Kẻ nghe Lời Chúa, nhưng lòng những lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý mê hoặc, khiến Lời Chúa bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả gì. Cần phải biết chọn lựa: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6, 24).

Khám phá Thiên Chúa là một cuộc mạo hiểm kỳ diệu, đòi ta phải dấn thân trọn vẹn, những lo lắng trần gian ham mê vui thú, ước muốn giàu sang có thể bóp nghẹt Lời Chúa! Chúng ta được Chúa cảnh giác kỹ lưỡng và chúng ta cũng thường có kinh nghiệm về điều đó. Về của cải, Đức Giêsu đã có những lời soi sáng: “Ngài nói đến những sự phù ảo của tiền tài”…Tính lừa dối của tiền bạc, nó là một thằng bạn dối trá, hứa hẹn nhiều, mà cũng làm cho người ta thất vọng nhiều.

Kẻ nghe Lời Chúa và sinh hoa kết quả gấp trăm. Đức Giêsu đã báo trước cho ta: Mùa thâu hoạch thật tuyệt vời!…Nhưng lúc gieo hạt rất khó khăn, người ta phải vất vả khổ cực mới có mùa thu hoạch tốt. Các nông dân đều biết rõ điều ấy. Nước Trời cũng giống như vậy, đó là một lời mời gọi sống hy vọng và lạc quan: Chỉ một hạt lúa nhỏ bé có thể phát sinh hàng trăm hạt lúa khác (x Lc 8, 8). Đó cũng là lời mời gọi phải Lao Động và Cầu Nguyện như phương châm của dòng Đan Tu chúng ta.

  1. Kết quả vụ mùa:

Ngoài chiều kích Thiêng liêng và Tu đức, còn có cả chiều kích Thần học nữa, nghĩa là dụ ngôn này cho thấy mặc dù hạt giống, mầm và ngay cả thân cây bị chèn ép, phá phách tiêu huỷ, nhưng mùa gặt vẫn phong phú; dù công cuộc rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa có gặp nhiều khó khăn, trở ngại, thất bại, sự phản kháng của người đời hoặc sức chống đối của Satan đi nữa, sức mạnh của Tin Mừng vẫn lướt thắng được tất cả những nghịch cảnh ấy, bởi vì Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng là công trình của Thiên Chúa. Do đó, cần phải tin tưởng vào công cuộc rao giảng Tin Mừng, vào sức mạnh vô địch của Lời Chúa, cần phải hy vọng rằng việc rao giảng Tin Mừng sẽ thành công, sẽ đạt tới giai đoạn hoàn thành như sách Ngôn Sứ Isaia đã loan báo: “Lời của ta một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả” (Is 55, 11). Amen.

LM Phê rô Khoa Lê Trọng Ngọc

You May Also Like

Trả lời

X