SUY NIỆM THỨ 6 TUẦN I MÙA VỌNG
MT 9, 27-31
- Bối cảnh:
Đoạn Tin Mừng theo thánh Matthêu hôm nay nằm trong phần kể chuyện của mục III với chủ đề Rao Giảng Nước Trời. Sau khi Đức Giêsu chữa người đàn bà bị băng huyết được khỏi và cho con gái một vị thủ lãnh sống lại, danh tiếng Ngài đồn thổi khắp cả vùng, và đang khi Ngài rời khỏi nơi đó thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: “Lạy con vua Đa vít xin thương xót chúng tôi”. Khi Đức Giêsu về tới nhà thì hai người mù ấy tiến lại gần, Ngài nói với họ: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa Ngài, chúng tôi tin”. Bấy giờ Ngài sờ vào mắt họ và nói: “Cá anh tin thế nào thì được như vậy”. Mắt họ liền mở ra” (Mt 9, 27-30).
Qua nội dung câu chuyện Đức Giêsu chữa hai người mù mà Tin Mừng tường thuật lại, chứng tỏ quyền năng và sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu, đồng thời cho chúng ta thấy được nỗi đau khổ khắc khoải của những con người khiếm thị và quá trình đức tin của họ.
- Suy niệm:
Hai người mù trong Tin Mừng tuy hiện tình đang bị khiếm thị không thấy được cảnh vật, màu sắc của vũ trụ hữu hình, cũng như bị giới hạn trong việc tiếp xúc với tha nhân và vận hành cuộc sống. Nhưng thiết tưởng con mắt đức tin của họ đã chớm nở khi họ kêu lên: “Lạy con vua Đa vít xin thương xót chúng tôi”. Tước hiệu này phải hiểu là Đấng Messia (Thiên Sai) đã được Kinh Thánh Cựu Tân Ước nói đến nhiều lần (x Gr 23, 5; 33,14; Ed 34, 23; Hs 3, 5; Is 11, 1; 2Sm 7, 12; Lc 1, 32; Cv 2, 30 Rm 1, 3; Mc 12, 35; Ga 7, 42). Thế nhưng, đức tin cần phải được tôi luyện, vì khi họ kêu lên lời cầu cứu độ thì Đức Giêsu vẫn thinh lặng. Thái độ thinh lặng ấy của Đức Giêsu có một giá trị như việc thử thách đức tin của họ. Nhưng hai người mù này tỏ ra có một niềm tin vững mạnh khi kiên trì theo Ngài về tới nhà: “Rồi hai người mù tiến lại gần, và Ngài nói với họ: Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?”
Đây là câu hỏi Đức Giêsu đòi hai người khiếm thị này phải tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu một cách công khai. Họ đáp: “Thưa Ngài, chúng tôi tin”. Tuy rằng, họ không trông thấy Đức Giêsu bằng con mắt thường nhưng hai người mù này đã trông thấy Ngài bằng con mắt đức tin khi họ đã kiên trì đi theo Chúa tới nhà và công khai tuyên xưng đức tin.
“Bấy giờ, Ngài sờ vào mắt họ và nói: Các anh tin thế nào thì được như vậy. Mắt họ liền mở ra”. Phải chăng cử chỉ Chúa sờ vào mắt họ kèm theo lời nói cho hai người mù được sáng mắt là dấu chỉ của các bí tích mà Hội Thánh vẫn cử hành sau này?
Qua nội dung đoạn Tin Mừng tường thuật việc Chúa chữa lành hai người mù và tiến trình đức tin của họ cho chúng ta cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc của hai người khiếm thị lần đầu tiên được trông thấy Chúa và mọi người cũng như vạn vật chung quanh khiến họ không thể giữ kín như Chúa dạy bảo: “Đừng cho ai biết”. Nhưng đồng thanh tung hô ca tụng và lan truyền khắp cả vùng cho mọi người. Ước gì chúng ta cũng biết năng chạy đến với Chúa Giêsu và xin Ngài mở mắt đức tin để trông thấy Chúa luôn luôn hiện diện trong mọi sự và luôn hướng tâm hồn lên Chúa để cùng cảm tạ, tôn vinh, phụng thờ, chiêm niệm, lắng nghe và nguyện cầu.
Thứ đến, hai người mù này thực tế con mắt thể lý hiện không thấy được Chúa, mọi người và vạn vật vũ trụ, nhưng họ đã sáng con mắt đức tin vì họ đã tin nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế khi họ cất tiếng kêu xin Ngài thương cứu chữa cho mình. Phần chúng ta hiện sáng con mắt thể lý vì chúng ta đang thấy được công trình của Chúa qua vũ trụ vạn vật, thiên nhiên, nhưng có khi chúng ta lại mù tối con mắt đức tin vì có lúc không tin vào Chúa qua những dấu chỉ của thời đại và mọi biến cố cuộc đời để nhận ra ý Chúa mà thi hành.
Sau cùng phép lạ Chúa chữa lành hai người mù cũng cho chúng ta cảm nghiệm thấy hiệu quả của lời cầu nguyện của chúng ta là nhờ đức tin, và đức tin được tuyên xưng ra bên ngoài bằng việc làm: “Các anh tin thế nào thì được như vậy” (Mt 9, 29).
LM PHÊRÔ KHOA-LÊ TRỌNG NGỌC