SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN II THƯỜNG NIÊN
MC 4, 35-41
- Bối cảnh.
Sau các dụ ngôn về Nước Thiên Chúa (Mc 4, 1-33), thánh sử Marcô ghi lại một số phép lạ, phép lạ Chúa dẹp yên sóng gió trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong các phép lạ Chúa làm để bày tỏ uy quyền Thiên Sai của Ngài. Với nội dung: “Hôm ấy, khi chiều đến Đức Giêsu nói với các môn đệ dùng thuyền đi từ bờ bên này sang bờ bên kia, xem ra Ngài cố ý để cho họ gặp bão”. Khi bão đến, Đức Giêsu lại bình thản dựa vào chiếc gối sau lái mà ngủ. Đây lại là một việc làm cố ý để thử các môn đệ có phản ứng thế nào khi gặp bão. Phản ứng của họ là kinh hãi, lại còn trách Chúa: “Chúng con chết mất mà thầy không quan tâm sao?” Đức Giêsu đứng dậy và chỉ cần phán một lời bão liền ngưng ngay. Một bằng chứng rõ ràng Ngài là chủ tể của thiên nhiên. Sau đó, Đức Giêsu vừa trách các môn đệ: “Sao mà nhát thế, anh em vẫn chưa có lòng tin, vừa kêu gọi họ hãy tin vào uy quyền của Ngài”.
- Nội dung.
Trước khi chúng ta cùng nhau suy niệm, thiết tưởng chúng ta nên tìm hiểu đôi nét về cơn giông bão trên biển hồ Giênêzaret. Vị trí Biển hồ này hơi đặc biệt, nó giống như một cái lòng chảo dưới thấp, chung quanh được bao bọc bởi những rặng núi. Đã rõ giông bão là do không khí di chuyển đổi vùng với một tốc độ nhanh mạnh. Vậy thì cái biển hồ này, do địa thế đặc biệt của nó, nên nó rất thường gặp giông bão. Bởi vì khi những luồng gió mạnh thổi qua, gió bị núi ngăn chặn nên không lướt ngay đến vùng khác được, nhưng chạy vòng vòng giữa các rặng núi tạo thành những cơn lốc xoáy và thế là có bão trên mặt hồ. Tuy nhiên những cơn bão này cũng chóng tan. Hôm ấy, Đức Giêsu và các môn đệ đang di chuyển bằng thuyền trên mặt biển hồ thì gặp giông bão. Đức Giêsu vì đã nắm rõ bản chất của những bão loại đó nên an tâm cứ nằm mà ngủ.
Thế nào là tin vào Chúa là Chúa tể thiên nhiên? Trước hết là đừng kiêu căng: có một số người có chút kiến thức về khoa học hay có một vài công trình khoa học ứng dụng trên thiên nhiên, rồi tưởng mình đã giỏi lắm, đã hoàn toàn điều khiển được thiên nhiên và từ đó coi mình là chúa tể, chủ nhân của thiên nhiên.
Thứ đến là đừng có mê tín dị đoan, nếu như người kiêu căng là quá tự phụ vì những hiểu biết khoa học của mình đến nỗi phủ nhận vai trò của Chúa thì người mê tín dị đoan là người thiếu kiến thức cơ bản của khoa học và giáo lý nên không đủ tin vào Chúa mà lại tin vào những điều nhảm nhỉ, cái gì cũng cho là có thần, như thần sấm sét, thần gió, thần mưa, thần lửa, thủy thần, hà bá…
Sau cùng để tỏ lòng tin vào Chúa là Chúa tể thiên nhiên, là an tâm vui sống dưới ánh mắt Chúa quan phòng. Chúa đã tạo dựng muôn loài, Chúa còn tiếp tục chăm sóc cho muôn loài, trong đó đương nhiên và hơn hết là loài người chúng ta. Như Đức Giêsu đã nói: “Không một sợi tóc nào trên đầu anh em rụng xuống mà không do ý của Chúa”. Vì thế, cho dù sự đời có lúc suy, cuộc đời có lúc thăng lúc trầm, nhưng nếu ta biết mọi sự đều nằm trong tay Chúa quan phòng thì chúng ta hãy an tâm phó thác đời mình cho Chúa, không có gì phải sợ hãi: “Sao anh em sợ hãi thế? Anh em không có đức tin ư? (Mc 4, 40).
Tóm lại, biển theo quan niệm người Do thái là nơi hỗn mang. Từ đó phát xuất những sức mạnh đối nghịch với Thiên Chúa và con người. Việc Chúa dẹp yên sóng gió trên biển bày tỏ quyền năng của Chúa trên thiên nhiên, sự dữ.
Việc Chúa nằm ngủ, gợi ý đến sự vắng bóng của Chúa, Chúa nằm ngủ trong thuyền là hình ảnh Hội thánh tại thế vẫn có Chúa hiện diện nhưng bề ngoài chúng ta không cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong Hội thánh; chỉ có thể nhìn thấy qua các dấu chỉ và qua con mắt đức tin.
Chúa lên thuyền và truyền cho các Tông đồ chở sang bờ bên kia. Chi tiết này cho chúng ta thấy Chúa trao quyền điều khiển Hội thánh cho các Tông đồ để các ngài lèo lái Hội thánh đến bến bình an là Nước trời.
Con thuyền sang bờ bên kia là hình ảnh Hội thánh vượt biển trần gian. Cuộc vượt qua biển trần gian đầy gian nan thử thách khác nào biển đầy sóng gió bão táp, nhưng Hội thánh vẫn luôn tin tưởng vì có Chúa luôn hiện diện và đồng hành với Hội thánh; với mỗi người tín hữu trong suốt hành trình dương thế.
LM PHÊRÔ KHOA-LÊ TRỌNG NGỌC