SUY NIỆM THỨ 6 TUẦN XXX
LC 14, 1-6
Hôm nay Tin Mừng theo thánh Luca chuyển sang chương 14, trình bày cho chúng ta về những giáo huấn của Đức Giêsu được công bố ở những môi trường khá đặc biệt trong bữa ăn tại tư gia, mà những tư gia này thuộc nhóm Pharisiêu, chẳng hạn như hôm nay Đức Giêsu được một ông thủ lãnh nhóm Pharisiêu mời tới dùng bữa, với ngụ ý dò xét Ngài. Trong đoạn Tin Mừng thánh Luca ghi lại cho chúng ta vỏn vẹn sáu câu đầu chương với nội dung:
- Đức Giêsu luôn hòa đồng với mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội không phân biệt đối xử dù họ thuộc bất cứ thành phần nào.
- Vai trò và sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu.
- Ý nghĩa và sinh hoạt phải có trong ngày Sabat, ngày của Chúa.
“Một ngày Sabat kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisiêu để dùng bữa, họ cố ý dò xét Ngài”.
- Ngài không từ chối lời mời dùng bữa của người thuộc nhóm Pharisiêu vốn thù địch và chống đối Ngài với dụng ý dò xét Ngài. Dầu vậy, Ngài vốn sẵn sàng tiếp xúc với mọi người không phân biệt đối xử. Ngài nêu cao đức tính hiếu hòa, quảng đại, vị tha và bác ái, đồng thời Ngài muốn bày tỏ vai trò và sứ vụ cứu thế của mình. Ngài đến là để cứu vớt mọi người!
“Và kìa trước mặt Đức Giêsu có một người mắc bệnh phù thũng”. Đúng ra anh ta đâu phải là khách được mời. Anh ta phải đứng đàng xa mà ngó nhìn qua khung cửa sổ. Còn nhóm Pharisiêu vốn quan niệm mọi bệnh tật là hình phạt do tật xấu kín đáo nào đó. Trong đầu óc họ, người bệnh đáng thương này chắc chắn phải có một đời sống bất hảo mới bị Thiên Chúa trừng phạt như thế!
- Vai trò và sứ vụ cứu thế của Đức Giêsu: “Ngài lên tiếng hỏi các nhà thông luật và những người Pharisiêu: có được phép chữa bệnh ngày Sabat hay không? Nhưng họ làm thinh”.
Chắc bọn họ cười gằn và thầm nghĩ: “Câu hỏi thật ngô nghê nực cười! Ông ta muốn cải cách gì đây? Từ lâu, các trường phái đã xác định và giải quyết trường hợp này một lần cho tất cả rồi! Nếu ông Giêsu này đã qua trường lớp, hẳn là phải biết điều này chứ? Đó là:
- Khi sự sống một người gặp nguy hiểm, được phép giúp họ.
- Khi không có gì nguy tử đáng ngại, muốn làm việc gì phải chờ hết ngày Sabat đã. Đó không phải là điều hợp lý sao? Vậy tại sao còn phải đặt thêm những vấn nạn mới? nhóm Pharisiêu làm thinh. Họ không muốn tranh cãi. Họ nắm vững chân lý. Không có vấn đề sửa đổi bất cứ điều gì trong tập truyền của họ.
Đức Giêsu không thể nói và hành động nhân danh Thiên Chúa, vì Ngài không theo giáo huấn của họ là dựa theo tập truyền của tiên tổ.
“Ngài đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. Rồi Ngài nói với họ: Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay dù là ngày Sabat”.
Xin lỗi ông bạn! Trường hợp vừa nêu cũng đã có phương thức giải quyết rồi, chắc ông bạn chưa biết thôi. Theo đó, nếu có con vật rớt xuống bể nước, các nhà thông luật đã cho phép người ta được quyền cứu nó, để nó khỏi chết trước khi ngày hôm sau tới. Đàng khác vẫn được phép vứt cho nó những tấm nệm, giúp nó tự cứu mình khỏi nguy hiểm, nhưng không được tự mình làm việc trong ngày Sabat!
- Ý nghĩa và sinh hoạt phải có trong ngày Sabat- ngày của Chúa: Những trường hợp trên chứng minh Đức Giêsu mang đến cho chúng ta sự giải thoát tốt đẹp biết bao! Đó là cách hiểu mới về luật nghỉ ngơi ngày Sabat, ngày của Chúa.
Vượt ra ngoài mọi chi tiết lề luật chi li, mà phải hiểu ngày Sabat là ngày Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu, ngày cứu độ, ngày giải thoát, ngày Thiên Chúa tỏ lòng thương xót với những người nghèo khổ, bất hạnh, các người bệnh hoạn tật nguyền và tội nhân.
Ngày đó, hơn cả những ngày khác, cần phải làm phúc chữa lành, cứu giúp. Ngày đó cần phải để cho Đức Giêsu chữa bệnh bày tỏ sứ vụ cứu thế của Ngài và tôn vinh Thiên Chúa. Việc tôn vinh làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả là thực thi bác ái, cứu giúp những người bé nhỏ cô thế cô thân.
LM PHÊ RÔ KHOA- LÊ TRỌNG NGỌC