SUY NIỆM THỨ 7 TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN
MC 2, 13-17
- Bối cảnh: Thánh sử Marcô ghi lại năm cuộc tranh luận tại Caphacnaum (Mc 2,1-3,6). Năm cuộc tranh luận này không những chỉ liên quan đến những vấn đề lý thuyết mà còn phát sinh từ những sự kiện cụ thể:
- Tranh luận về quyền tha tội (Mc 2, 1-12).
- Tranh luận về tương quan với người thu thuế và tội lỗi (Mc 2, 13-17).
- Tranh luận về việc ăn chay (Mc 2, 18-22).
- Tranh luận về làm việc xác ngày Sabát (Mc 2, 23-26).
- Tranh luận về việc chữa bệnh ngày Sabát (Mc 3, 1-6).
Trong năm cuộc tranh luận trên, Marcô đặt trọng tâm vào năm lời của Đức Giêsu diễn tả ý nghĩa sứ vụ Thiên Sai của Ngài (Mc 2, 10-17; 18-28; 3,4).
Với đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô ghi lại việc Đức Giêsu kêu gọi ông Lêvi con ông Alphê làm môn đệ mình trong lúc ông đang hành nghề thu thuế, một nghành đối với xã hội Do Thái thời bấy giờ đều khinh bỉ và gán cho là phường tội lỗi. “Vừa đi ngang quan trạm thu thuế, Ngài thấy ông Lêvi là con ông Alphê đang ngồi ở đó. Ngài bảo ông: “Anh hãy theo tôi”. Đây là người môn đệ thứ năm được kêu gọi, Đức Giêsu bổ sung cho nhóm của Ngài. Ngài tuyển chọn một người thuế quan. Nhà chức trách Rôma tổ chức việc thu thuế và lệ phí một cách có hệ thống. Cách tổ chức phổ thông là đặt một nhân viên thu thuế với một đội lính, ngay lối vào thành phố, để thu nhận tiền đóng thuế trên các mặt hàng ra vào thành phố. Đức Giêsu kêu gọi một trong những người thu thuế mà dân chúng vẫn khinh thường. Ông Lêvi có một tên khác là Matthêu, người sau này sẽ viết cuốn Tin Mừng thứ nhất: Ông có thói quen viết lách, là con người ngồi bàn giấy của phòng thu thuế Caphacnaum.
- Suy niệm: Vì ông Lêvi làm nghề thu thuế như vậy, mà ông được Đức Giêsu gọi làm môn đệ, quả là một biến cố nghịch thường! Thái độ đáp ứng của ông cũng nghịch thường không kém! Vâng, từ một người thu thuế, mệnh danh là hạng tội lỗi, Lêvi trở thành môn đệ của Đức Giêsu, như Tin Mừng kể: Ngài bảo: Anh hãy theo tôi! Ông đứng dậy đi theo Ngài.
Một lời mời gọi, một sự đáp trả thật dứt khoát và mau mắn với tất cả tin tưởng phó thác và hân hoan. Quả thế, để bày tỏ niềm vui trong ơn gọi mới quá to lớn và bất ngờ! Một cuộc đổi đời từ đây ý nghĩa tràn trề hạnh phúc khôn xiết kể! Ông đã tổ chức một bữa tiệc để thết đãi Đức Giêsu và các môn đệ Chúa, dĩ nhiên ông cũng mời các bạn đồng nghiệp và nhiều bạn bè khác, cả những khách không được mời cũng có mặt. Nói thế, chắc hẳn không sai, vì Tin Mừng có kể: “Những Kinh sư thuộc nhóm Pharisiêu thấy Ngài ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế thì nói với các môn đệ Ngài: Sao ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi”.
Nhóm Pharisiêu là một thứ hiệp hội, hay phong trào tôn giáo, tự cho mình là hiểu thấu lề luật và tập truyền hơn người, để cổ võ việc áp dụng các luật lệ và tập truyền một cách chặt chẽ… đặt biệt theo sát Môisê họ đòi buộc không được tiếp xúc với một số người nào đó để khỏi phạm luật không thanh sạch: Họ chủ trương sống biệt lập, nên họ có biệt danh là nhóm biệt phái, tự coi mình là những người liêm khiết, là những người thanh sạch.
Họ nhắm Đức Giêsu, nhưng họ lại đặt câu hỏi với các môn đệ của Ngài. Chúng ta bắt đầu nhận ra một nhóm liên đới: “Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài đang đối mặt với các đối thủ và chúng ta còn nhận ra ba nhóm đang được hình thành:
- Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài.
- Đám đông dân chúng.
- Các địch thù gồm Luật sĩ và Pharisiêu.
“Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói với họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”. Quả thực, Đức Giêsu đã kêu gọi ông Lêvi, một người mà dân Do Thái coi là bất xứng vì ở trong hàng ngũ những người tội lỗi. Điều này chứng tỏ Đức Giêsu đã không phân biệt đối xử, thành kiến.
Thứ đến Đức Giêsu đã dùng bữa với nhiều người thu thuế và tội lỗi, điều này chứng tỏ rằng Chúa Giêsu hòa mình với mọi người, gạt bỏ mọi ngăn cách để có thể tiếp xúc với bất cứ hạng người nào thuộc mọi tầng lớp xã hội hoặc tôn giáo… Sau nữa, Ngài tự ví mình như thầy thuốc đối với bệnh nhân và là Đấng Cứu Thế: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2, 17).
LM PHÊRÔ KHOA-LÊ TRỌNG NGỌC