(Theo Tông huấn “Christus Vivit – Đức Kitô Đang Sống”, từ số 22-42)

“Một người Kitô Hữu thì luôn tươi trẻ! Khi tâm hồn của một người Kitô Hữu bắt đầu già nua, thì ơn gọi Kitô Hữu cũng già nua”
Đức Thánh Cha Phanxicô
Dẫn nhập
Chúng ta biết rằng hầu như vào bất cứ thời đại nào, vai trò của người trẻ cũng luôn được đề cao. Tại sao? Thưa đề cao bởi vì tuổi trẻ là tuổi căng tràn sức sống, dư đầy nhiệt huyết, là độ tuổi có khả năng làm được nhiều việc vĩ đại, là rường cột của đất nước, và là “tương lai, chìa khóa mở cửa thế giới và Giáo Hội ngày mai”[1].
Lẽ ấy, Giáo Hội ngay từ thời các Tông đồ kéo dài cho đến ngày hôm nay, vai trò của người trẻ luôn được quan tâm ưu ái cách đặc biệt: “Giáo Hội nhìn về Giới Trẻ, và một cách đặc biệt, Giáo Hội soi mình trong Giới Trẻ. Giáo Hội nhìn về các bạn với lòng tin cậy và yêu mến”[2]. Điều này Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã khẳng định mạnh mẽ: “Giới trẻ không chỉ là đối tượng quan tâm đặc biệt của Giáo Hội, mà họ còn là những tác nhân quan trọng và hữu hiệu của sứ vụ truyền giáo”[3].
Thế nên, trong triều đại đương kim của mình, ngang qua Tông huấn “Christus Vivit – Chúa Kitô đang sống”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại cho các bạn trẻ thấy được vai trò quan trọng của mình đối với sự thịnh suy của xã hội và Giáo Hội, ngài khẳng định: “Không thể chỉ nói rằng người trẻ là tương lai của thế giới. Họ là hiện tại của thế giới; họ góp phần làm cho thế giới được phong phú. Người trẻ tham gia vào việc phát triển gia đình, xã hội và Giáo Hội”[4]. Ngài nhấn mạnh thêm, Đức Kitô đang sống, Ngài là niềm hy vọng của chúng ta và là sự trẻ trung đẹp nhất của Giáo Hội và thế giới này. Vì hơn ai hết, Đức Giêsu đã trải qua giai đoạn tuổi trẻ và đã thánh hóa nó.
Với nội dung trong Tông huấn “Christus Vivit – Chúa Kitô đang sống”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh về Đức Giêsu luôn tươi trẻ như thế nào?
1. Đức Giêsu luôn trẻ trung
Tin Mừng không cho chúng ta biết nhiều về thời thơ ấu của Đức Giêsu, nhưng có kể lại một số biến cố thời niên thiếu và tuổi trẻ của Người.
Thánh sử Mátthêu đã phác họa cho thấy những hình ảnh đầu tiên về Đức Giêsu ngay từ lúc còn bé là hình ảnh của một người tị nạn ở Ai Cập (x. Mt 2,14-15) và cùng cha mẹ hồi hương về Nazareth (x. Mt 2,19-23), sau khi bị lạc và được tìm thấy trong Đền thờ (x. Lc 2, 41-51). Ở đó, chúng ta đọc thấy, Người đã vâng phục các ngài (x. Lc 2,51); Người không từ chối gia đình. Sau đó, Thánh sử Luca cho biết thêm, Đức Giêsu “ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc 2,52). Qua câu nói trên cho chúng ta thấy, đây là thời chuẩn bị, khi Đức Giêsu lớn lên trong mối liên hệ với Thiên Chúa Cha và với những người khác. Bởi đó, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giải thích rằng: “Người không chỉ lớn lên về thể chất, mà còn có sự tăng trưởng về thiêng liêng nơi Đức Giêsu vì sự viên mãn của ơn thánh tỷ lệ thuận với tuổi của Người”[5].
Tiếp theo hình ảnh là Đức Giêsu như một thanh niên trẻ tuổi đứng giữa đám đông bên bờ sông Jordan để được thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa (x. Mt 3,13-17). Việc Đức Giêsu chịu phép rửa ở Sông Jordan, khởi đầu thừa tác vụ công khai của Người. Phép rửa Người chịu là một sự thánh hiến trước khi Người bắt tay vào sứ mệnh cao cả của đời mình. Tin Mừng nói rằng lúc Người chịu phép rửa, Thiên Chúa Cha đã vui mừng và rất hài lòng: “Con là con yêu dấu của Cha” (Lc 3,22). Đức Giêsu ngay lập tức đầy tràn ơn Chúa Thánh Thần, và được Chúa Thánh Thần dẫn vào sa mạc. Ở đó, Người chuẩn bị để ra đi rao giảng và làm phép lạ, đem lại tự do và chữa lành (x. Lc 4,1-14).
Hẳn thật, điều quan trọng của chúng ta là phải nhận ra rằng, Đức Giêsu là một người trẻ tuổi. Người đã hiến cuộc sống của mình khi Người mới chỉ là một người trưởng thành trẻ (x. Lc 3,23). Người bắt đầu sứ mệnh công khai của mình trong thời kỳ đẹp nhất của cuộc đời và do đó, “một ánh sáng đã bừng lên” (Mt 4,16), ánh sáng này sẽ tỏa sáng rực rỡ nhất khi Người hiến mạng sống mình đến tận cùng là “tắt thở” trên Thập giá lúc Người mới hơn ba mươi tuổi (x. Mt 27,50).
Quả thế, việc kết thúc đó không phải là một điều đơn giản xảy ra; đúng hơn, toàn bộ tuổi trẻ của Người, trong mọi thời điểm, là một sự chuẩn bị quý giá cho nó. “Tất cả mọi điều trong cuộc sống của Đức Giêsu là một dấu chỉ trong Mầu nhiệm của Người; thực vậy, toàn bộ cuộc đời Chúa Kitô là một Mầu nhiệm cứu chuộc”[6].
Từ những gì Tin Mừng cho biết, chúng ta có thể nói rằng, Đức Giêsu, trong những năm còn trẻ, Người đang ‘được huấn luyện, chuẩn bị’ để thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa Cha. Thời niên thiếu và tuổi trẻ của Người đã đặt Người vào con đường tiến đến sứ mệnh cao siêu đó.
Trên thực tế, “Đức Giêsu đã không lớn lên trong mối liên hệ hẹp hòi và ngột ngạt với Mẹ Maria và thánh cả Giuse, nhưng sẵn sàng tương tác với gia đình rộng lớn hơn, họ hàng của cha mẹ và bạn bè của các ngài[7]. Từ đó, chúng ta có thể hiểu tại sao, khi Người trở về từ chuyến hành hương Jérusalem, cha mẹ Người dễ dàng nghĩ rằng, khi còn là một cậu bé mười hai tuổi (x. Lc 2,42), Người đã tự do đi lang thang trong đám đông, mặc dù cả ngày họ đã không thấy Người: “Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc” (Lc 2,44).
Ở tuổi thiếu niên và tuổi trẻ, mối liên hệ của Đức Giêsu với Thiên Chúa Cha là mối liên hệ của người “Con yêu dấu” (Mt 3,17a). Cuốn hút vào Thiên Chúa Cha, Người lớn lên để dành cho Thiên Chúa Cha: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha con sao?” (Lc 2,49). Tuy nhiên, ta không nên nghĩ rằng, Đức Giêsu là một thiếu niên lãnh đạm hoặc chỉ biết quan tâm đến mình. Các mối liên hệ của Người là các mối liên hệ của một người trẻ, biết chia sẻ đầy đủ cuộc sống của gia đình và dân của Người. Người học tay nghề của cha mình và sau đó thay thế cha làm thợ mộc. Tại một thời điểm trong Tin Mừng, Người được gọi là “con bác thợ mộc” (Mt 13,55) và một lần khác chỉ đơn giản là “chú thợ mộc” (Mc 6,3). Chi tiết này cho ta thấy, Người chỉ là một người trẻ tuổi khác trong thị trấn của Người, một người có liên hệ bình thường với những người khác. Không ai coi Người là bất thường hoặc tách biệt với những người khác. Vì lý do này, khi Đức Giêsu bắt đầu rao giảng, người ta không thể tưởng tượng Ông Giêsu còn rất trẻ tuổi do đâu mà lại có được sự khôn ngoan xuất chúng như thế: “Họ bảo nhau: Ông này không phải là con của ông Giuse đó sao?” (Lc 4,22).
Người cùng thời chứng kiến sự khôn ngoan phi thường của Đức Giêsu, họ đã vô cùng kinh ngạc và không muốn chấp nhận sự thật hiển nhiên đó. Vậy sự khôn ngoan và trẻ trung của Đức Giêsu dạy chúng ta điều gì?
- Tuổi trẻ của Người dạy chúng ta
Những khía cạnh của đời sống tuổi trẻ của Đức Giêsu đã có sức gây cảm hứng cho tất cả những người trẻ đang phát triển và chuẩn bị lãnh nhận sứ mệnh trong đời. Điều này liên quan đến việc lớn lên trong mối liên hệ với Thiên Chúa Cha, trong ý thức trở thành một phần của gia đình – dân tộc, và trong việc cởi mở để được tràn đầy Chúa Thánh Thần, đồng thời được dẫn tới việc thi hành sứ mệnh mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, cụ thể qua ơn gọi Thánh hiến Đan tu của mình.
Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, Đức Giêsu không dạy các bạn, những người trẻ, từ xa hay từ bên ngoài, nhưng từ trong chính tuổi trẻ của các bạn, một tuổi trẻ mà Người sẽ chia sẻ với các bạn. Bởi đó, điều rất quan trọng đối với các bạn là chiêm ngưỡng Đức Giêsu trẻ trung, vì Người thực sự là một trong số các bạn, và chia sẻ nhiều đặc điểm của trái tim trẻ của các bạn. Chúng ta thấy điều này, chẳng hạn, trong chi tiết sau: “Đức Giêsu có niềm tin vô điều kiện vào Thiên Chúa Cha; Người duy trì tình bạn với các môn đệ và ngay cả trong những giây phút khủng hoảng, Người vẫn trung thành với họ. Người đã biểu lộ lòng trắc ẩn sâu sắc đối với những người yếu đuối nhất, đặc biệt là người nghèo, người bệnh, tội nhân và những người bị loại trừ. Người đã can đảm đối đầu với các thẩm quyền tôn giáo và chính trị thời bấy giờ; Người biết thế nào là cảm thấy bị hiểu lầm và bị từ chối; Người trải qua nỗi sợ đau khổ và Người biết sự yếu đuối của Cuộc Khổ Nạn. Người hướng ánh mắt về tương lai, phó mình trong bàn tay an toàn của Thiên Chúa Cha, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Nơi Đức Giêsu, mọi bạn trẻ đều có thể nhìn thấy mình”[8].
Mặt khác, Đức Giêsu đã trỗi dậy và Người muốn làm cho chúng ta trở thành những người tham dự vào sự sống mới của Đấng Phục Sinh. Người là sự trẻ trung thực sự của một thế giới đã trở thành già cỗi, sự trẻ trung của một vũ trụ đang chờ đợi “trong đau đẻ” (x. Rm 8,22) để được mặc lấy ánh sáng và sống sự sống của Người. Với Người ở bên cạnh, chúng ta có thể uống từ nguồn suối chân thực, nguồn suối giữ cho mọi ước mơ, dự án, lý tưởng tuyệt vời của chúng ta luôn sống động, trong khi thúc đẩy chúng ta công bố điều làm cho cuộc sống thực sự đáng giá. Lẽ ấy, hai chi tiết gây tò mò trong Tin mừng Máccô cho ta thấy những người trỗi dậy với Đức Giêsu Kitô được kêu gọi bước vào tuổi trẻ đích thực như thế nào. Trong cuộc Khổ Nạn của Người, chúng ta thấy một chàng trai trẻ muốn theo Đức Giêsu, nhưng vì sợ đã chạy trốn trần trụi (x. Mc 14,51-52); anh thiếu sức mạnh để đánh đổi mọi thứ mà theo Đức Giêsu. Thế nhưng, tại ngôi mộ trống, chúng ta thấy một người trẻ tuổi khác, “mặc áo trắng” (Mc 16,5), Người nói với các phụ nữ rằng: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28,10) và công bố niềm vui của sự phục sinh (x. Mc 16,6-7).
Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp, Đức Giêsu đang kêu gọi chúng ta hãy thắp sáng các vì sao trong đêm tối của những người trẻ khác. Người yêu cầu các bạn trẻ hãy nhìn vào những vì sao đích thực và mọi dấu hiệu khác nhau mà Người ban. Chính Thiên Chúa thắp sáng các vì sao giúp chúng ta tiếp tục bước đi: “Các tinh tú, mỗi ngôi ở vị trí mình, tưng bừng chiếu sáng. Người gọi chúng, chúng thưa: Có mặt, và hân hoan chiếu sáng mừng Đấng tạo nên mình” (Br 3,34-35). Chính Đức Giêsu Kitô là ánh sáng hy vọng lớn lao và là người dẫn đường của chúng ta trong đêm tối, vì Người là “Ngôi sao mai sáng lạn” (Kh 22,16). Chính Đức Giêsu Kitô sẽ hướng dẫn và làm cho sự trẻ trung của chúng ta trở thành một quà tặng cho Thiên Chúa, Giáo Hội và cho thế giới. Người chính là Đấng sẽ giúp chúng ta – những người trẻ biết định hướng để cuộc sống của mình là sống có và sống vì mục đích cao cả như chính Người đã sống. Nhờ đó, chúng ta sẽ là những chứng nhân về đức tin. Một đức tin có giá trị được đặt trên nền tảng là chính Đức Kitô Giêsu, để sống hiên ngang, kiên cường, tốt đẹp trong một xã hội mà họ đang cố tình loại trừ, xúc phạm Thiên Chúa và lãng quên Người.
Bởi đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ chúng ta, các bạn phải là những Kitô hữu trẻ trong đức tin và ân sủng Chúa. Các bạn không những chỉ là một thành phần của tương lai Giáo Hội; nhưng còn là một thành phần thiết yếu và yêu quý của Giáo Hội hiện đại. Các bạn là hiện tại của Giáo Hội. Mặc dầu có những lúc, Giáo Hội có thể bị cám dỗ mất đi lòng nhiệt huyết và tìm kiếm những an toàn giả tạo của thế gian. Nhưng chính các bạn là những người trẻ giúp Giáo Hội giữ được sự trẻ trung. Bởi đó, nhân Ngày Quốc Tế giới trẻ thế giới lần thứ XXVI ở thủ đô Madrid – Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khi đương nhiệm cũng đã từng ngỏ lời cùng các bạn trẻ: “Các bạn trẻ thân mến, Giáo Hội hy vọng nơi các bạn! Giáo Hội cần đức tin sinh động, đức bác ái sáng tạo và đức cậy trông năng động của các bạn. Sự hiện diện của các bạn đổi mới Giáo Hội, làm cho Giáo Hội tươi trẻ và mang lại cho Giáo Hội một đà tiến mới”[9].
- Giáo Hội luôn tươi trẻ
3.1 Một Giáo Hội cởi mở với thời đại
Giáo Hội luôn cởi mở, tươi trẻ và là tuổi trẻ đích thực của thế giới. Đó là điều mà Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta, Hãy nhìn Giáo Hội, các bạn sẽ nhận ra trong Giáo Hội gương mặt đích thực của Đức Giêsu Kitô, Con Người khiêm hạ, Vị Anh hùng khôn ngoan, Đấng Tiên tri loan báo sự thật và tình yêu, Người bạn đồng hành của tuổi trẻ. Khi chúng ta làm cho gương mặt của Đức Giêsu Kitô ngời sáng, thì đó là lúc chúng ta làm cho Giáo Hội trở thành tuổi trẻ của thế giới[10]. Thế nhưng thật oái ăm thay, ngày nay lại có những người không chấp nhận điều Đức Thánh Cha mời gọi và nói trên, thay vì nhìn thấy khuôn mặt trẻ trung của Đức Giêsu và một Giáo Hội luôn sống cởi mở, tươi trẻ, thì họ lại chủ trương sống theo chủ nghĩa thế tục, giương cao ngọn cờ xã hội, phủ nhận Thiên Chúa và Giáo Hội. Hơn nữa; họ gieo rắc tư tưởng cho rằng Giáo Hội đã lỗi thời và sa sút, rồi khoe mình mới là phổ quát, mạnh mẽ, vui vẻ và trẻ trung.
Lại có những người cho rằng, Giáo Hội Công Giáo đã già nua cũ kỹ, lỗi thời. Đối với họ, Giáo Hội Công Giáo là một tổ chức tuy đáng kính, nhưng điều này đã thuộc về quá khứ,…
Khi phải đối diện với nhiều định kiến trái chiều trên, Giáo Hội Công Giáo chúng ta vẫn giữ được bản chất của mình đó là một Giáo Hội vẫn luôn mới mẻ, tươi trẻ, năng động, vẫn hiện diện khắp nơi, và hăng say hoạt động khắp chốn, không ngừng thu hút nhiều người gia nhập dựa trên thống kê hàng năm cho thấy. Bởi thế, nhờ có sự hiện diện trẻ trung của Đức Giêsu, Giáo Hội càng lâu trong thời gian, càng trẻ thêm trong thời gian, Giáo Hội càng nhiều trong thời gian, càng rực rỡ thêm trong thời gian.
Theo dòng chảy thời gian không làm cho Giáo Hội chúng ta trở nên già cỗi, héo khô. Trái lại, với thời gian, Giáo Hội chúng ta càng sinh động, “càng lột xác”, càng tươi trẻ. Vì Giáo Hội là Người Mẹ luôn luôn tươi trẻ, luôn ôm ấp chúng ta vào lòng. Cụ thể, Mẹ Giáo Hội đã sai các mục tử đến săn sóc chúng ta ngang qua các Bí tích. Các ngài ban ơn tha tội, trao ban cho chúng ta sức mạnh Lời Chúa, và đặc biệt chúng ta có Bí tích Thánh Thể – sự hiện diện hàng ngày của Chúa Giêsu Kitô và sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống. Vì thế, nhờ Giáo Hội luôn tươi trẻ mà chúng ta được lớn lên trong sự sống sung mãn của Thiên Chúa[11].
Cho nên thật hữu lý khi Đức Thánh Cha Phanxicô nói, một trong những lý do quan trọng hàng đầu để Giáo Hội có thể cởi mở với thời đại đó là: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát Giáo Hội khỏi những người khiến Giáo Hội già đi, giam cầm Giáo Hội trong quá khứ, cầm chân Giáo Hội hoặc giữ cho Giáo Hội dậm chân tại chỗ”[12].
Còn một cám dỗ khác mà chúng ta cũng phải cầu xin Người giải thoát đó là, CÁM DỖ muốn nghĩ rằng Giáo Hội trẻ bởi vì Giáo Hội chấp nhận mọi thứ được thế giới mời mọc, NGHĨ rằng Giáo Hội được đổi mới vì Giáo Hội gạt thông điệp của mình sang một bên và HÀNH ĐỘNG như mọi người khác.
Không! Giáo Hội trẻ trung khi Giáo Hội là chính mình và chứng tỏ mình có khả năng liên tục trở về nguồn của mình. Đồng thời, khi Giáo Hội nhận được một lần nữa sức mạnh được sinh ra từ Lời Chúa, từ Bí tích Thánh Thể và sự hiện diện hàng ngày của Chúa Giêsu Kitô và sức mạnh của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống Giáo Hội.
Trong tư cách là chi thể của Giáo Hội, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mỗi người trong chúng ta không được sống tách biệt với những người khác, mà sống với họ như là bạn bè và hàng xóm, giống như các Tông đồ xưa (x. Cv 2,47; 4,21-33; 5,13). Đồng thời, chúng ta phải dám sống khác biệt là làm chứng cho vẻ đẹp của lòng quảng đại, việc phục vụ, đức trong sạch, lòng kiên trì, sự tha thứ, lòng trung thành với ơn gọi bản thân, lời cầu nguyện, theo đuổi công lý và ích lợi chung, tình yêu đối với người nghèo và tình bạn xã hội[13]. Tại sao vây? Thưa bởi vì, “Tình yêu của Chúa thì không có giới hạn. Không có tình yêu của Ngài, Giáo Hội và chúng ta không thể tiến bước, không thể hít thở, không thể lớn lên, và sẽ bị biến thành một tổ chức sáo rỗng được hình thành từ những vẻ bề ngoài và những việc làm không sinh hoa trái. Lẽ ấy, trong những việc làm của Ngài, Đức Giêsu Kitô dạy cho chúng ta cách mà chúng ta cần yêu thương, nghĩa là yêu thương cho đến cùng”[14].
Lý tưởng sống là như vậy – nhưng Giáo Hội của Đức Giêsu Kitô vẫn luôn có thể sa vào cám dỗ để mất nhiệt tình vì không còn nghe thấy tiếng Người kêu gọi phải chấp nhận mạo hiểm đức tin. Và Giáo Hội có thể bị cám dỗ trở lui tìm kiếm một hình thức an toàn giả mạo, trần tục. Vì thế, những người trẻ phải sống chứng tá đức tin một cách sống động để giúp giữ cho Giáo Hội trẻ trung. Họ có thể ngăn Giáo Hội khỏi thối nát; họ có thể giữ cho Giáo Hội tiến về phía trước, ngăn Giáo Hội kiêu căng và bè phái, giúp Giáo Hội nghèo hơn và làm chứng tá Tin Mùng, đứng về phía người nghèo và người bị ruồng bỏ, đấu tranh cho công lý và khiêm tốn để mình bị thử thách. Những người trẻ phải cung hiến cho Giáo Hội vẻ đẹp của tuổi trẻ bằng cách đổi mới khả năng của Giáo Hội, biết “Vui mừng với những khởi đầu mới, hiến mình không dè dặt, đổi mới và lên đường thực hiện các thành tựu lớn lao hơn bao giờ hết”[15].
Bên cạnh đó, với mỗi người trong chúng ta không còn trẻ nữa cần tìm cách gần gũi với các tiếng nói và mối quan tâm của người trẻ. “Sáp lại gần nhau tạo điều kiện để Giáo Hội trở thành nơi đối thoại và làm chứng cho tình huynh đệ mang lại sự sống”[16]. Chúng ta cần tạo thêm chỗ cho các tiếng nói của người trẻ được lắng nghe: “Lắng nghe làm việc trao đổi các ơn phúc trong bối cảnh đồng cảm trở thành khả hữu. Đồng thời, nó đặt ra các điều kiện để việc rao giảng Tin Mừng có thể đánh động trái tim thật sự, dứt khoát và hữu hiệu”[17].
3.2. Một Giáo Hội lưu ý đến các dấu chỉ thời đại
Dấu chỉ thời đại không chỉ là sự thay đổi của cảnh sắc đất trời nhưng còn là những vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống. “Những dấu chỉ như những cây cầu nối kết chúng ta với thế giới của Thiên Chúa ẩn mặt”[18].
Quả thật, thời đại thực sự đang đổi thay. Kitô hữu khôn ngoan là người biết nhận ra những khác biệt của thời đại và biết đọc ý nghĩa của những dấu chỉ trong thời đại ấy. “Ngày nay, không ai còn nghi ngờ việc Thiên Chúa hiện diện và lên tiếng qua các biến cố. Nhiệm vụ của chúng ta là khám phá ra sự hiện diện và thông điệp của Người dưới tác động của Thánh Thần[19]. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta thường có thói quen bằng lòng với những điều người ta nói; những điều ta đã nghe, đã đọc và dừng lại ở đó. Tuy nhiên, chúng ta có tự do. Chúng ta có quyền để nhận xét, để phân định. Chúng ta phải hỏi chính mình rằng: Đâu là sự thật? Đâu mới là thông điệp mà Thiên Chúa muốn nói với chúng ta ngang qua những dấu chỉ của thời đại này? Chúng ta tự do vì chính Đức Giêsu đã trao ban cho chúng ta ân sủng của sự tự do”[20].
Trong Tông huấn “Christus Vivit – Đức Kitô sống”, Thượng Hội Đồng công nhận rằng: “Một số lượng đáng kể người trẻ, vì mọi lý do, không yêu cầu Giáo Hội bất cứ điều gì vì họ không thấy Giáo Hội có ý nghĩa đối với cuộc sống của họ. Một số người thậm chí còn yêu cầu được để yên, vì họ thấy sự hiện diện của Giáo Hội là một phiền toái, thậm chí là một điều gây khó chịu”.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người trẻ rất vui khi thấy một Giáo Hội khiêm tốn nhưng tự tin vào các hồng phúc của mình và có khả năng cung ứng những lời chỉ trích công bằng và huynh đệ, nhiều người khác muốn có một Giáo Hội biết lắng nghe nhiều hơn, làm nhiều điều hơn thay vì chỉ đơn giản lên án thế giới.
Để được đáng tin cậy đối với những người trẻ, Giáo Hội không nên quá bận tâm về chính mình, nhưng phải đặt Đức Giêsu Kitô là trung tâm. Vì “đối với nhiều người trẻ, họ rất nhạy cảm đối với khuôn mặt Đức Giêsu khi Người được trình bày một cách hấp dẫn và hữu hiệu”[21]. Đồng thời, có những lúc Giáo Hội cần lấy lại được sự khiêm nhường của mình và cần lắng nghe, nhìn nhận rằng những gì người khác nói có thể cung cấp một chút ánh sáng nào đó giúp Giáo Hội hiểu Tin Mừng tốt hơn.
Bởi nếu một Giáo Hội luôn luôn ở thế phòng thủ, mất đi sự khiêm nhường của mình và ngưng lắng nghe người khác, đánh mất tuổi trẻ của mình và biến thành một viện bảo tàng thì Giáo Hội không thể đáp ứng các giấc mơ của người trẻ. Cho dù Giáo Hội có sở hữu được sự thật của Tin Mừng đi nữa, điều đó không có nghĩa là Giáo Hội đã hoàn toàn hiểu được nó; đúng hơn, Giáo Hội được kêu gọi tiếp tục lớn lên trong việc nắm bắt kho báu vô tận này[22]. “Khi thực hiện được những điều đó Giáo Hội sẽ biết giữ cho mình trẻ trung và cho phép bản thân được thách thức và thúc đẩy bởi sự nhạy cảm của người trẻ”[23].
Kết luận
Trong Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô Đang Sống Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Hương thơm thánh thiện tỏa ra từ đời sống lành thánh của biết bao người trẻ có thể băng bó các vết thương của Giáo Hội và của thế giới, và đưa chúng ta trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta đã được kêu gọi từ thuở đời đời”[24].
Vậy trong vai trò là người trẻ, những đan sĩ trẻ trong tuổi đời và trẻ trong ân sủng, trong ơn nghĩa của Thiên Chúa, chúng ta có muốn trở thành một phúc lành cho Giáo Hội và thế giới không? Chúng ta – những người trẻ có muốn cùng với ơn Chúa để sống sung mãn tuổi trẻ là phát huy các khả năng Chúa ban để trở nên một người trẻ trưởng thành toàn diện, có thể băng bó các vết thương của Giáo Hội và của thế giới như lời của vị Cha chung của chúng ta đã hết lòng tin tưởng và kỳ vọng không?
Những người trẻ là những mầm non tương lai, là chìa khóa mở cửa Giáo Hội và thế giới ngày mai. Các bạn đã chọn cho mình những phương thế hữu hiệu nào để giúp cho bản thân, Giáo Hội, Cộng đoàn và thế giới trở nên phong phú, sống động và tươi trẻ?
Vâng, bằng nhiều cách người trẻ có thể làm cho Giáo Hội và thế giới trở nên xinh đẹp và hấp dẫn: cụ thể bằng việc cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, đón nhận sức sống của Người trong Thánh Thể, chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người. Và cùng mẫu gương của hai môn đệ trên đường Emmaus, trên con đường trở về sau khi gặp Đấng Phục Sinh[25]. Các bạn trẻ cũng sẽ mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về kinh nghiệm đức tin của mình, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của mình. Nhờ đó, các bạn trẻ sẽ trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người, đồng thời góp phần dựng xây quê hương và dân tộc. Đó là ơn gọi và sứ mệnh của người trẻ mà Giáo Hội muốn gửi đến các bạn trẻ sứ điệp cao cả của Tin Mừng.
Cùng với Chúa Thánh Thần và Mẹ Maria, chúng ta là những “người trẻ” về đức tin, trẻ về kinh nghiệm, trẻ về tuổi tác… Chúng ta hãy cầu xin các Ngài cùng đồng hành và bước đi với chúng ta trong mọi biến cố của cuộc đời vì “Chính Chúa Thánh Thần là Đấng sẽ đảm bảo rằng chúng ta sẽ tiếp tục được đổi mới và tươi trẻ trong niềm tin của chúng ta. Hãy trò chuyện với Ngài vì chính Ngài là Thần Khí và là Đấng mang lại cho bạn sự hỗ trợ và khôi phục sự tươi trẻ của bạn”[26]. Đồng thời hãy đến với Mẹ Maria vì Mẹ thực sự là mẫu gương và hơn nữa, là Ngôi Sao Hy Vọng, dẫn bước chúng ta vượt qua mọi gian nan thử thách để bước đi trên con đường của Tin Mừng. Chính“vào thời điểm Sứ thần Gabriel Truyền Tin cho Đức Maria, Mẹ cũng là một người trẻ. Mẹ đã lắng nghe, suy đi nghĩ lại trong lòng, và quảng đại đáp lại tiếng Chúa kêu gọi. Và một khi đã thưa ‘Xin vâng – Fiat’, Mẹ dấn bước với tất cả tình yêu trung tín, kể cả trong những lúc khó khăn và thử thách nhất”[27].
——————- 000 ———————-
M. Joseph Marchand Du Trần Văn Cao
[1]x.https://www.facebook.com/GioiTreThuaSaiChuaCuuTheMienBac/posts/1204255113050167/.
[2] Vai trò của người trẻ trong công cuộc phúc âm hóa,
https://123doc.org/document/4595186-vai-tro-cua-nguoi-tre-trong-cong-cuoc-phuc-am-hoa.
[3] Lm. Giuse Đỗ Công Tiếu, Giới trẻ – những tác nhân quan trọng và hữu hiệu của sứ vụ truyền giáo, http://www.giaophanhunghoa.org/vi/hoi-doan/gioitre/2015/08/81E204DE/gioi-tre-nhung-tac-nhan-quan-trong-va-huu-hieu-cua-su-vu-truyen-giao/.
[4] Đức thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Christus Vivit – Chúa Kitô đang sống, số 64.
[5] x. Huấn giáo (27-6-1990), 2-3: Insegnamenti 13, 1 (1990), 1680-1681.
[6] x. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, Nxb Tôn Giáo, 2012, số 515, trang 163.
[7] Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Amoris Laetitia (19-3-2016), 182: AAS 108 (2016), 384.
[8] x. Tài liệu sau cùng khóa họp thường lệ lần thứ 15 của Thượng Hội đồng Giám mục, 63.
[9] Đại hội Giới trẻ Thế giới 2011 là một sự kiện dành cho giới trẻ Công giáo trên toàn thế giới được tổ chức tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, từ ngày 16 đến 21 tháng 8 năm 2011. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cử hành Thánh lễ trọng thể vào ngày 21 tháng 8 năm 2011. Chủ đề của Đại hội lần thứ 26 là: “Bén rễ sâu và xây dựng đời mình trong Chúa Giêsu Kitô, vững mạnh trong đức tin” (Cl 2,7).
[10] x. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXVI, từ 16-21 tháng 8, năm 2018, “Giáo Hội là tuổi trẻ của thế giới”; nguồn: L’Osservatore Romano-news.va, 12-08-2011, Đức Thành chuyển ngữ.
[11] x. Lm. Emmanuel Nguyễn Vinh Giang, “Là người Công Giáo, chúng ta luôn yêu mến Giáo Hội Công Giáo là Mẹ của chúng ta: Mẹ luôn mới mẻ, Mẹ luôn tươitrẻ!”,http://box5270.temp.domains/~tonggia1/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2309:la-ngi-cong-giao-chung-ta-luon-yeu-mn-giao-hi-cong-giao-la-m-ca-chung-ta-m-luon-mi-m-m-luon-ti-tr&catid=72:giao-hoi-cong-giao&Itemid=102.
[12] Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô Đang Sống, số 35.
[13] Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô Đang Sống, số 36.
[14] Đức Thánh Cha Phanxicô: “Không Có Tình Yêu Giáo Hội Không Thể Tiến Bước Hay Phát Triển”, bài giảng của trong Thánh Lễ tại Santa Marta vào sáng thứ Năm 27-04-2018, Joseph C. Pham (Chuyển ngữ tại Vatican News), https://masimpress.com/duc-giao-hoang/dgh-phanxico-khong-co-tinh-yeu-giao-hoi-khong-the-tien-buoc-hay-phat-trien.
[15] Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô Đang Sống, số 37.
[16] x. Tài liệu sau cùng khóa họp thường lệ lần thứ 15 của Thượng Hội đồng Giám mục, 150.
[17] Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô Đang Sống, số 37.
[18] Lưu tâm đến các dấu chỉ thời đại, chuyển ngữ: Fx. đức, 28-10- 2019; https://vinhson.net/011-luu-tam-den-cac-dau-chi-thoi-dai.html.
[19] Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, ngày 7 tháng 12, 1965, 11.
[20] Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô Đang Sống, số 40.
Dấu chỉ thời đại.http://conggiao.info/dau-chi-thoi-dai-d-31589.
[21] Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô Đang Sống, số 39.
[22] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mặc khải Dei Verbum, số 8. Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô Đang Sống, số 41.
[23] Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô Đang Sống, số 42.
[24] Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô Đang Sống, số 134.
[25] Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô Đang Sống, số 237.
[26] Đức Thánh Cha Phanxicô –“Tội lỗi làm cho linh hồn già nua, Thần Khí làm cho tươi trẻ”, trang1, Joseph C.Pham chuyển ngữ, Vatican News,
[27] Thư chung gửi cộng đồng Dân Chúa – đặc biệt là các bạn trẻ, ngày 4-10-2019, http://vietcatholicjp.net/effata/083253/.