Sẵn Sàng, Thái Độ Của Người Khôn Ngoan
Mt 25, 1-13
Thường thì khi tổ chức các cuộc rước, người ta thường tổ chức vào ban đêm. Qua ánh sáng lung linh của các ngọn đèn trong đêm, diễn tả một vẻ đẹp huyền linh, một niềm vui thiêng liêng.
Chúa Giêsu là chàng rể đến trong đêm: giờ Chúa đến là giờ của niềm vui. Khung cảnh vào Nước Trời là khung cảnh của niềm vui, của sự sống. Sống trong Nước Trời là sống trong niềm vui.
Mười cô trinh nữ (phù dâu) đã chuẩn bị đèn dầu sẵn sàng. Nhưng sự chuẩn bị khác nhau. Những cô dại chỉ chuẩn bị đèn dầu đến quán trọ. Những cô khôn chuẩn bị đèn dầu để đi tiếp. Điều đáng tiếc ở đây là niềm vui chưa trọn vẹn: mười cô mà chỉ được năm cô thôi.
Cho nên, điều kiện để được hưởng niềm vui trọn vẹn là phải luôn luôn tỉnh thức, luôn luôn sẵn sàng. Không thể chủ quan, không thể đại khái, không thể đoán trước được. Nên không thể chểnh mảng mà phải rất cẩn thận.
Qua dụ ngôn này, điều quan trọng chúng ta cần phải lưu ý: Trong địa hạt tình yêu, Thiên Chúa không thể chấp nhận 50/50, nhưng Ngài đòi hỏi 100%.
Chồng không thể chấp nhận nửa trái tim của vợ. Vợ cũng không thể chấp nhận nửa trái tim của chồng, nhưng họ muốn trọn vẹn con tim của nhau. Năm cô trinh nữ khờ dại, họ cũng muốn theo chàng rể để được vào dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu chuẩn bị, hoặc có chuẩn bị nhưng sơ sài, không đầy đủ. Họ có tên trong sổ rửa tội, nhưng đời sống hoàn toàn như người không có đức tin. Họ sống đạo theo hứng, theo phong trào, theo dư luận. Họ có đèn, nhưng để đèn bị tắt vì thiếu dầu. Có đạo mà không giữ đạo. Biết luật Chúa mà không chịu thực hành. Họ sống lập lững nước đôi, bắt cá hai tay. Điều đáng buồn cho họ là muốn vào dự tiệc cưới mà không được vào. Chúa nói “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”. Chúa đòi hỏi chúng ta phải yêu Ngài hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực. Tình yêu không chấp nhận tình trạng 50/50 mà phải 100%.
Để thuộc về Chúa 100% thì phải luôn luôn tỉnh thức. Tỉnh thức để biết được điều gì tốt, điều gì xấu, điều gì đẹp lòng Chúa, điều gì mất lòng Chúa. Như thánh Phaolo đã khuyên dạy: “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh đáng khen thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4, 8). Trong thư gửi tín hữu Ep 5, 15 thánh Phaolo tiếp tục căn dặn chúng ta: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan”. Người khôn ngoan là người biết tỉnh thức, luôn sẵn sàng cho ngọn đèn đức tin cháy sáng bởi dầu lòng mến chẳng bao giờ cạn.
Đời người được ví như một chuyển đi: ngày bắt đầu là ngày chào đời. Ngày tới đích là ngày giã từ cuộc sống. Trần gian là đại dương dậy sóng, con tàu chính là bản thân mình. Chuyến đi này là một chuyến đi không rõ ngày tới. Con tàu lại mỏng manh bé nhỏ, đòi chúng ta phải luôn cảnh giác, phải chuẩn bị hành trang lâu dài, phải khôn khéo chèo chống, phải sẵn sàng “dầu” “đèn” đầy đủ, phải nhận rõ phương hướng, phải tránh né và vượt qua mọi chướng ngại vật… Có như thế chúng ta mới hy vọng vượt biển tới bến bình an.
L m. Luca Thiên Môn Trận