Giới Thiệu

NỘI DUNG

 

LƯỢC SỬ ĐAN VIỆN THÁNH MẪU PHƯỚC SƠN

Ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội, đã có những người nam nữ, quyết tự nguyện theo Chúa Kitô với một tinh thần tự do thanh thoát hơn, bắt chước Người cách trung thành hơn. Mặc dù mỗi người một cách, nhưng qua việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm, tất cả đều sống tận hiến cho Thiên Chúa. Trong số đó có nhiều người được Chúa Thánh Thần thúc đẩy nên đã theo đuổi đời sống cô tịch và thanh vắng (x. Vat II, PC No 1). Tinh thần đó vẫn được tiếp tục hình thành và phát huy trong lòng Giáo Hội. Cha Henri Denis – Biển Đức Thuận là một trong những người được Thánh Thần Chúa thúc đẩy, đã khao khát dấn thân phụng sự Chúa trong ơn gọi chiêm niệm, nơi cô tịch và thanh vắng. Ngài không chỉ khao khát cho riêng mình, nhưng còn muốn lập một dòng chiêm niệm. Hầu cung cấp cho các tâm hồn được Chúa mời gọi sống đời chiêm niệm, những phương thế thích hợp để đạt tới đức ái hoàn hảo. Đồng thời để phục vụ Giáo Hội bằng đời sống cầu nguyện và hy sinh, tham gia việc cứu rỗi những người chưa nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa.

1. Cưu mang

 

Cha Henri Denis 1903  

Khi đang còn làm cha chánh xứ Nước Mặn, cha Henri Denis – Biển Đức Thuận đã trình lên Đức Cha Allys (Lý), Giám mục Giáo phận Huế lời thỉnh nguyện tha thiết được thử nghiệm việc lập một Dòng chiêm niệm cho phái nam tại Giáo phận Huế. Trong lá thư đề ngày 31.01.1912, Cha đã trình bày với Đức Cha Allys: … Năm nay đúng 800 năm Thánh Bênađô nhập Dòng [tháng 5  năm 1912], con có thể theo chân Ngài và bắt chước Ngài nội năm 1912 này không? Trước đây con muốn trở thành đan sĩ ở Hồng Kông. Nhưng người ta cho hay Hội dòng Nazareth đang thời sa sút. Con cũng đã ước ao dòng Trappe ở Nhật Bản, nhưng ở đấy chẳng mấy ai bền đỗ, đàng khác, muốn ở đấy thì thôi làm giáo sĩ thừa sai. Lý tưởng mà con mơ ước là được làm tu sĩ tông đồ tại An Nam, nơi đó, Thiên Chúa cần một số người nhận biết, yêu mến và phụng sự [cách triệt để hơn]. Họ có nhiệm vụ làm cho mọi Kitô hữu nhận thức rằng lý tưởng đan tu không phải là một “chuyện đời xưa”, nhưng nó còn hiện thực và hiện thực hôm nay cũng như thời xưa”. Đức Cha Già Lý, một vị giám mục nhân đức có tiếng, vốn từ lâu những ước ao cho địa phận Huế có một dòng Nam khổ tu chuyên việc nguyện gẫm hãm mình, thấy cha giáo Thuận xin điều ấy, thì ngài vui mừng. Nhưng  theo sự khôn ngoan, Đức Cha chưa chuẩn y lời cha giáo Thuận thỉnh cầu mà cần có thêm thời gian suy xét. Phần cha Henri Denis, ơn Chúa thúc đẩy, nên thượng tuần tháng 12.1917, ngài xin một lần nữa. Lần này Đức Cha chấp thuận cho thử và ban phép chọn nơi nào tuỳ ý.

Ngày 05.07.1918, Cha Henri Denis cùng với Đức Cha Allys và cha Tổng đại diện Giáo phận Huế là Chabanon đã lên núi Phước Sơn tìm đất lập dòng. Địa điểm mà cha Henri Denis cho là lý tưởng nằm trên ngọn đồi Phước Sơn, thuộc vùng đất của cụ thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài. Ngọn đồi ấy cách Cố Đô Huế khoảng chừng 100 km và ở độ cao 33 m so với mực nước biển. Phía sau ngọn đồi là dãy núi Trường Sơn trùng điệp in hình giữa một cánh rừng bạt ngàn, chung quanh cố dòng sông Bến Hải uốn khúc với nước chảy như thác đổ vào mùa mưa.

 

Ngôi nhà tiên khởi của Dòng Đức Bà
Việt Nam Trên Núi Phước

Từ ngày 25.7.1918, Cha Henri Denis thuê một số công nhân lên Phước Sơn phát quang khu rừng chồi, đào gốc, dọn đất đắp nền, dựng nhà. Phần cha, cứ vài ngày một lần, sáng đi ngựa từ An Ninh lên hướng dẫn nhân công, rồi chiều xuống lại quay trở về Chủng viện An Ninh.

Ngày 05.8.1918, lễ Đức Mẹ Xuống Tuyết, tinh mơ sáng, cha Henri Denis từ An Ninh đi ngựa lên núi Phước Sơn để dâng thánh lễ đầu tiên trên mảnh đất vừa được khai phá.

Ngày 12.08.1918, xuất hiện ngôi nhà hai gian mái tranh vách đất: đó là ngôi nhà tiên khởi của dòng Đức Bà Việt Nam trên núi Phước Sơn.

Ngày 14.08.1918, cha Henri Denis cùng với người môn đệ duy nhất là Thầy Tađêô Chánh đã lên ở hẳn trên đồi Phước Sơn.

Ngày 15.08.1918, Cha dâng thánh lễ trọng thể kính Đức Maria hồn xác lên trời để chính thức khai mạc đời đan tu trên núi Phước Sơn. 

2. Hình thành và phát triển

Được sự đồng ý của Đấng Bản Quyền, cha Henri Denis – Biển Đức Thuận đã chính thức khai mạc đời sống đa tu trên núi Phước Sơn. Nhưng để trở thành một nhà Dòng, cần được Mẹ Giáo Hội chính thức công nhận bằng văn bản có giá trị pháp lý.

Ngày 15.04.1918, Đức Cha Allys đã đệ đơn lên Bộ Truyền Giáo để xin phép lập dòng chiêm niệm trong giáo phận của Ngài. Đơn xin có đoạn viết: “Kính trình Đức Hồng Y Tổng Trưởng. Trong đia phận tôi có một vị linh mục thừa sai, trí khôn sắc sảo và đạo đức lắm, từ mấy năm nay cứ nài xin tôi cho phép tựu hội ít người Viết Nam để cùng nhau sinh hoạt tương tợ theo luật dòng Trappe. Tôi biết lập dòng thế ấy là điều rất hữu ích không những cho nguyên địa phận tôi mà lại cho cả miền Đông Dương nữa. Nhưng theo sự khôn ngoan, tôi chưa dám cho phép thi hành…Nếu được Ngài chuẩn y và chúc lành cho việc ấy, nếu việc ấy mai sau được hoàn toàn kết quả, thì lợi ích biết bao cho phần rỗi nhân dân…”.

Ngày 11.10.1918, Đức Hồng Y Van Rossum, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo phúc y đơn thỉnh nguyện của Đức Cha Allys về việc lập Dòng Phước Sơn. Trong thư phúc y có đoạn viết: Thưa Đức Cha khả kính, đọc thư Đức Cha, tôi rất hài lòng vì thấy trong địa hạt Đức Cha có vị linh mục Thừa Sai muốn sáng lập một tu viện cho nam giới bản quốc, tôi đã trình lên Đức Thánh Cha Bênêdictô XV, Ngài liền châu phê. Để minh chứng Ngài ban phép lành Toà Thánh cho Đức Cha. Xin Đức Cha chiếu theo luật lệ thi hành cho khôn để dòng ấy khuếch trương khắp cả miền”.(Prot. 1377/1918)

Ngày lễ kính Thánh Giuse, 19.03.1920, Đức Cha Allys ký sắc lệnh lập Dòng Đức Bà Việt Nam và có hiệu lực từ ngày 21.03.1920, như sắc lệnh viết: “Ta là Eugenio Maria Giuse Allys, … đã được phép Toà Thánh ban cho lập dòng mới đội tên là Dòng Đức Bà Việt Nam. Vậy ta làm văn thư này chứng nhận dòng ấy đã chính thức thành lập từ ngày 21.03 dương lịch năm Chúa giáng sinh 1920”. Từ nay Dòng Đức Bà Việt Nam chính thức được công nhận với đầy đủ yếu tố pháp lý theo quy định của giáo luật. Mặc dù có đầy đủ yếu tố pháp lý, nhưng kinh nghiệm về đào tạo và tu đức thì chưa thể nói là có đầy đủ. Bởi vậy, để Dòng mới được phát triển tốt, cần có sự trợ giúp của các Dòng đã có bề dày lịch sử và giàu kinh nghiệm đào tạo và tu đức. Theo ý của Đức Drayer, Khâm Sứ Tòa Thánh; cha Biển Đức Thuận và Đức cha già Alys Lý muốn cho Phước Sơn gia nhập Dòng Trappe hay dòng nào bên Tây làm chổ dựa tinh

 Năm 1929, cha bề trên Biển Đức Thuận họp Cộng đoàn xin ý kiến: Muốn nhập Xitô hay Dòng nào bên Tây? Hầu hết Cộng đoàn xin nhập dòng Xitô Nhặt Phép (Trappe). Mặc dù trước đây, cha Biển Đức Thuận đã gửi thư xin gia nhập, nhưng họ không chấp thuận, nay theo ý muốn của Cộng đoàn, ngài gởi đơn xin lần nữa. Lần này Đại Hội Xitô Nhặt Phép họp và chính thức trả lời: Không chấp nhận lời thỉnh cầu của cộng đoàn Phước Sơn, vì lý do là Cộng đoàn ở Việt Nam không thể sống trọn vẹn các quy luật dòng Trappe như ở Âu Châu.

Ngày 04.03.1930, cha Biển Đức Thuận đã họp Cộng đoàn và anh em quyết định đệ đơn xin gia nhập Xitô Trung Phép. Nhận được đơn, Cha tổng phụ dòng Xitô là Franciscus Jansens đã vui lòng chấp thuận đơn thỉnh cầu của cộng đoàn Phước Sơn và đề nghị gởi cho ngài bản Hiến Pháp của Phước Sơn, đồng thời ngài hứa gởi đại diện tới Việt Nam quan sát cuộc sống đan tu.

Ngày 11.02.1931, Dom André Drillon, Viện phụ Đan viện Lérins, đại diện cha Bề Trên Cả đến thanh tra Phước Sơn. Sau cuộc thanh tra, ngài có bản phúc trình cho Đại hội toàn dòng Xitô sẽ nhóm họp 11.10.1933.

Ngày 21.07.1933, bốn ngày trước khi qua đời, cha Biển Đức Thuận đã duyệt lại Bản Hiến Pháp với cha bề trên phó Bernard Mendiboure (cố Nhơn) và cha Anselmô Lê Hữu Từ để chuẩn bị gia nhập Xitô. Trong khi chờ đợi tin vui từ Đại hội toàn Dòng Xitô chấp nhận cho cộng đoàn Phước Sơn chính thức gia nhập gia đình Xitô thế giới, thì sáng 25.07.1933 cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã trút hơi thở cuối cùng, hoàn tất đời thánh hiến đan tu chiêm niệm trong Cộng đoàn cha đã sáng lập trên núi Phước.

Ngày 12.10.1933, Đại hội toàn dòng Xitô nhóm họp tại Đan viện Santa Croce – Roma, với sự chủ tọa của cha Tổng phụ Dom Franciscus Janssens và 35 nghị phụ tham dự đã chấp thuận cho cộng đoàn Phước Sơn gia nhập gia đình Xitô thế giới qua bản quyết định: “Đầu năm 1931 đã cử Đức viện phụ Lérin đi thanh sát về nhân sự, kỷ luật và tài sản tu viện thánh mẫu Phước Sơn việt Nam, mà theo bản phúc trình ngài đề lên Đức tổng Phụ, thì thấy mọi điều kiện chiếu theo luật đều có đầy đủ, nên nay đại hội chấp thuận cho tháp nhập vào thánh Dòng ta, dưới quyền trực trị của Đức Tổng Phụ, cho đến khi đại hội định thể khác”. (Acta Curiae Generalis S.O.C. Anno 1933…N0 4).  

Đại hội xong, viện phụ Raimundus Bazzichi, Tổng quản lý Dòng Xitô đệ đơn xin Toà Thánh châu phê, với nội dung có đoạn viết: “Fr. Phanxico Janssens, Tổng Phụ Dòng Xitô, khiêm nhường sấp mình dưới chân Đức Thánh Cha thượng tấu việc sau đây: Bên Đông Dương, Việt Nam địa Phận Huế Đại Diện Tông Toà, có một tu hội khấn đơn trọn đời, thuộc quyền địa phận, mệnh danh tu viện Thánh Mẫu Phước Sơn. Vị sáng lập mới qua đời năm nay 1933. Nhân số tu viện được 70: gồm 7 linh, 8 thầy khấn hoặc trọn đời hoặc tạm, 9 tập sinh ca sĩ, 2 thỉnh sinh: 44 anh em qui sĩ trong đó 24 tập sinh và một thỉnh sinh.

Tu viện này chuyên lo chiêm niệm, giữ theo hiến pháp đã được Đức Giám mục giáo phận y phê. Trước đây 3 năm Bề Trên Dòng đó có tỏ bày ước vọng muốn được gia nhập Dòng Xitô. Dòng Xitô chấp nhận nguyện vọng đó và đã cử viện phụ Lérins đến tận nơi tìm hiểu mục đích và đời sống các tu sĩ nói trên. Viện phụ Lérins đã phúc trình biên bản cho đại hội, và đại hội đã chấp thuận cho tu hội đó được gia nhập Xitô… Khi đã cân nhắc mọi lẽ, đương sự hết lòng khiêm nhường xin Đức Thánh Cha đoái thương châu phê  việc tháp nhập tu hội Thánh Mẫu Địa Phận Huế vào Dòng Xitô”. (Petitio XXXII. Curia Generalis. Aggregatio “Societatis Nostrae Dominae” S.O.Cisterc. Annam).

Ngày 24.05.1934, Tòa Thánh đã chuẩn y lời thỉnh cầu của Đại Hội Xitô về việc sát nhập cộng đoàn Phước Sơn vào đại gia đình Xitô thế giới. Sắc lệnh chuẩn y có đoạn viết: Thánh Bộ Dòng Tu trong phiên họp 05.05.1934, với sự thoả thuận của Đức Giám Mục Huế và các  viện phụ Tổng Quản Lý Dòng Xitô, đặc ban ơn thỉnh nguyện và uỷ cho Tổng Phụ Dòng mới trên quyền xúc tiến việc hợp nhất nhân sự và tài sản theo thể thức ấn định. Mỗi tu sĩ nhập thánh Dòng phải khấn lại theo mẫu quen dùng trong sách lễ nghi khấn, để từ nay hội Dòng Đức Bà được hiệp nhất với Dòng Xitô thành một thân thể và được gọi là thuộc Dòng Xitô. Có ai không đồng ý nhập Xitô thì được phép hoặc xin chuẩn lời khấn, hoặc ở lại trong Dòng Xitô cũng một bậc như hiện nay, dưới qui chế và vâng lời quyền Bề Trên…”. (Ex Secretaria, S. Congregationis de Religiosis. N0. 6954-33).

Ngày 19.03.1935, lễ Thánh Cả Giuse, Cha Bề Trên Bernard đã tuyên thệ trọng thể nhập Xitô trong tay Đức Cha.

Ngày 21.03.1935, lễ thánh tổ Benedicto, một ngày muôn đời ghi nhớ, cả nhà khấn lại trọng thể nhập Dòng Xitô, đánh dấu cho một giai đoạn mới: Từ Dòng Đức Bà Việt Nam, thành Đan viện Xitô Thánh Mẫu Phước Sơn.

3. Sự phát triển của Đan viện Thánh Mầu Phước Sơn

Lúc sinh thời, cha Henri Denis hằng mong ước cho nếp sống đan tu Phước Sơn được nhân thừa lên khắp vùng Đông Dương. Ước mong đó đã trở thành hiện thực sau khi tấm thân cha được đặt vào lòng đất như hạt lúa mì, chấp nhận mục nát để trổ sinh nhiều bông hạt.

Ngày 13.10.1934, Đức cha Adrien Devals, Giám mục giáo phận Malacca (Malaysia) đã viết thư xin cha Bernard Mendiboure, bề trên Phước Sơn sang lập Đan Viện trong Giáo Phận của ngài, Cộng đoàn đã đồng ý và cử cha Anselmo làm trưởng, cha M. Willibrord làm phó và thầy Chrysologo phụ giúp. Nhưng trước khi anh em qua, thì Cộng đoàn cử cha M. Willibrord đi trước tìm chổ thích hợp. Sau khi trở về, cha M. Willibrord cho biết không tìm được chổ thích hợp, nên chương trình đi Malacca đã không thành sự, do đó Cộng đoàn đã tìm hướng khác.

Đầu năm 1936, theo lời mời của Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, giám mục Tông Tòa Phát Diệm, cộng đoàn đã đồng ý chuyển hướng về Bắc Việt tìm đăt lập Dòng. Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng cho biết: “Nhà Ngân Hàng Hà Nội bán đấu giá sở Lacombre 5000$. Một sở rất đầy đủ cho một nhà Dòng có thể ra ở tạm ngay được, nhà cửa đủ tiện nghi lại có máy nước, vườn càfe nhiều, gần núi, sẵn củi; có chừng hơn bốn chục mẫu ruộng ở Đế Cốc.

Ngày 20.01.1936, cha Bề Trên đem theo cha Martin Khanh ra thăm sở Lacombre. Đến nơi, hai cha coi thích chí lắm! Thật như lời Đức Cha Tòng đã nói: một sở có nhà cửa, có đầy đủ tiện nghi, đất tốt, ra nhận, là có hoa màu ngay.

Ngày 18.02.1936, cha Bề trên Bernard Mendiboure và cha quản lý Martinô Khanh ra Hà Nội thương lượng với ông chủ ngân hàng để mua sở đồn điền Lacombre, gồm 200 mẫu để lập Đan Viện Châu Sơn, tại Nho Quan Ninh Bình. Sau khi công việc đã ổn thỏa, ngày 19.3.1936, phái đoàn đầu tiên gồm cha quản lý Martinô và bốn thầy ra Châu Sơn dọn đất… Ngày 12.07.1936, cộng đoàn Phước Sơn cử cha tập sư Anselmo Lê Hữu Từ làm bề trên nhà Châu Sơn.

Ngày 06.09.1936, cha Anselmo đã dẫn một phái đoàn vào nhà hội quì sấp mình xin cha Bề Trên ban phép lành rồi đứng dậy từ giã Cộng đoàn lên đường đi ra Nho Quan – Ninh Bình để chính thức khai mạc đời tu. Ngày 08.09.1936, lễ  Sinh Nhật Đức Mẹ, cha bề trên Anselmo chính thức nhận quyền quản trị nhà Dòng mới. Thế là Nhà Mẹ Phước Sơn cho ra đời đứa con đầu lòng tại đất Bắc.

Vào những năm 1945-1955, sau đệ nhị thế chiến, tình hình thế giới có nhiều thay đổi, nên đất nước Việt Nam cũng có nhiều biến động phức tạp về chính trị, xã hội…! Rút kinh nghiệm của dòng Xitô nhặt phép – Trappe ở Trung Quốc bị tàn phá! Cộng đoàn Phước Sơn cũng phải bàn tính đến chuyện sống còn cho tương lai của Cộng đoàn. Trong bối cảnh đó, cha bề trên Bernard Mendiboure đã viết thư cho cha tổng phụ Edmundus Bernardini. Dịp đại hội toàn Dòng Xitô nhóm họp tại đan viện Casamari, với sự chủ tọa của cha tổng phụ Edmundus Bernardini và sự tham dự của 44 nghị phụ, trong phiên họp ngày 21.09.1950, cha tổng phụ Edmundus Bernardini đã trình bày tình hình của cộng đoàn Phước Sơn với Đại Hội, các nghị phụ đã chấp thuận cho cộng đoàn Phước Sơn đi lập Dòng ở Miền Nam – Việt Nam. Đó là khởi đầu cho việc chuẩn bị thành lập Đan viện Phước Lý.

Ngày 23.10.1950, cha Casimir Hồ Thiên Cung dẫn đầu phái đoàn lên đường vào Nam tìm nơi lập Dòng mới. Trước hết, anh em đến tá túc tại xứ Chà Và (Vĩnh Kim, Vĩnh Long) theo lời mời của Đức Cha Ngô Đình Thục, giám mục giáo phận Vĩnh Long. Sau một thời gian ngắn, Cộng Đoàn được chuyển qua xứ Mặc Bắc, Tiểu cần. Cuôi năm 1951, cha Casimir xin từ chức, cha Stanislas Trương Đình Vang được cử vào thay. Ngày 02.02.1952, cha tân bề trên cùng với Cộng Đoàn chuyển lên giáo phận Sài Gòn và định sở trên phần đất của Bà Anna Trịnh Thị Dung (Bà Tám Dung), thuộc ấp Ông Kèo, Phước Lý, Đồng Nai.

4. Cuộc “xuất hành” lần thứ nhất (1947-1954)

Sau cuộc đảo chính ngày 11.03.1945, tất cả các cha người Pháp phải tập trung vào Huế, cha Bề Trên và cha Gilbert cũng đồng số phận, được đi “nghĩ ngơi” 04 tháng (từ 25.03-06.08). Đến năm 1947 lại có lệnh bắt phải di cư triệt để, phải thi hành chính sách “vườn không nhà trống”. Theo lệnh, thì Cộng đoàn phải tản cư, một nửa ra Nghĩa Yên, một nửa ra Cầu Rầm, nhưng khi xin được phép của chính quyền, nhà Dòng được ở lại.

Đến ngày 15.02.1953 (ngày 02 Tết Nguyên Đán), cha bề trên Emmanuel Chu Kim Tuyến bị đem đi lên chiến khu Ba Lòng “tĩnh dưỡng”. Tiếp sau đó, khoảng tháng 04.1953 cả Cộng đoàn Phước Sơn phải chính thức tản cư…! Tình hình chính trị, xã hội và tôn giáo ở bắc Việt trong thời điểm này có nhiều biến chuyển phức tạp! Nên trong những năm 1953-1954, một làn sóng người đã di cư ào ạt từ Miền Bắc vào Miền Nam – Việt Nam, trong đó có cả anh em cộng đoàn Phước Sơn.

Vào khoảng tháng 05.1953, cha bề trên cả Sighard Kleiner ủy quyền cho cha bề trên Phước Lý, là cha Stanislas Trương Đình Vang, ra tận Miền Trung để quy tụ và dẫn anh em vào Miền Nam Việt Nam. Cuộc di cư được chia thành nhiều đợt, và đợt cuối cùng là ngày 08.09.1953.

Trước hết, cộng đoàn Phước Sơn đến tá túc tại cộng đoàn Phước Lý. Ngày 21.11.1953, Cộng Đoàn ủy thác cho Cha Bernađinô Trần Phúc Dược, làm trưởng phái đoàn dẫn anh em tới ở tại sở đất Nhà Chung của giáo phận Sài Gòn bên bờ sông Trao Tráo, thuộc xứ Gò Công, Q. Thủ Đức và định cư tại đó. Cha Bernađinô Trần Phúc Dược tiếp tục điều khiển Cộng đoàn từ năm 1953-1956, tiếp đó là cha Emmanuel Chu Kim Tuyến, từ năm 1956-1970.

Khi sống trong bối cảnh chính trị xã hội bất ổn, Cộng Đoàn gặp bao thử thách, bị dồn ép tư bề, nhiều lúc như bước đi trong đêm tối, nhưng chính trong đêm tối đó, Chúa lại cho xuất hiện “cột lửa” để soi sáng, hướng dẫn, động viên và khích lệ cho Cộng đoàn.

5. Cộng đoàn Phước Sơn được nâng lên Đan Phụ Viện

Trong Đại Hội toàn dòng Xitô nhóm họp tại đan viện Stams, Áo, (từ ngày 26.08 đến ngày 05.09.1963), với sự chủ tọa của cha tổng phụ Sighard Kleiner và 43 nghị phụ, đã quyết định nâng ba cộng đoàn: Phước Sơn, Châu Sơn (ĐD) và Phước Lý lên hàng Đan Phụ Viện. Đây là niềm vui và sư khích lệ cho các Cộng Đoàn Xitô tại Việt Nam trong thời điểm gặp nhiều khó khăn thử thách.

Đại Hội đã ủy cho cha bề trên cả Sighard Kleiner thực hiện quyết nghị ấy. Vì thế, vào đầu tháng 02.1964, Cha Bề Trên Cả đã qua Việt Nam. Khi tới Phước Sơn, Ngài đã triệu tập công nghị ngày 24.02.1964 và đặc cử cha Emmanuel Chu Kim Tuyến làm viện phụ tiên khởi của đan viện Phước Sơn.

Năm 1970, vì cao niên, viện phụ Emmanuel Chu Kim Tuyến đã xin “nhường chỗ” cho thế hệ trẻ. Vì thế, ngày 21.11.1970, Tổng Hội và hội đồng đan sĩ Phước Sơn đã bầu cha Gioan Vương Đình Lâm làm viện phụ thứ hai của cộng đoàn Phước Sơn, kiêm viện phụ hội trưởng Hội Dòng Xitô Thánh Gia.

Công việc đầu tiên của cha Tân Viện Phụ là khởi công xây dựng lại cơ sở của Đan Viện. Vì trước đây Cộng Đoàn đang có dự tính chuyển về định cư tại Phước Long, nên Cộng Đoàn chưa xây dựng cơ sở gì nhiều, anh em chỉ ở tạm trong những mái nhà tôn vách ván đơn sơ, nay đã xuống cấp trầm trọng. Tình hình chiến sự ngày càng phức tạp, vì vậy năm 1966 Cộng Đoàn quyết định đưa nhưng anh em ở Phước Long về lại Nhà Mẹ ở Thủ Đức. Khi quyết định ở lại, Cộng đoàn mới tính đến việc ây dựng lại cơ sở của Đan Viện.

Hình đồ cơ sở mới xây dựng mang đậm nét Á Đông, để hưởng ứng lời kêu gọi hội nhập văn hóa của Công Đồng Vatican II. Công việc kiến thiết này kéo dài gần 4 năm, từ 1971-1974. Để đánh dấu công trình xây dựng được hoàn thành, ngày 15.07.1974, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã chủ tế Thánh Lễ long trọng xức dầu cung hiến Thánh Đường của Đan Viện.

6. Cuộc “xuất hành” lần thứ hai (1978)

Ngày 30.04.1975, một trang sử mới được lật qua cho dân tộc Việt Nam…! Cùng với toàn dân sống trong bối cảnh mới của đăt nước, đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn cũng phải mau mắn thích ứng vào cuộc sống mới, dĩ nhiên vẫn cố gắng duy trì tôn chỉ của Dòng là “cầu nguyện và hi sinh”. Để công việc mưu sinh được dễ dàng, Cộng Đoàn phải tự phân tán thành nhiều nhóm nhỏ.

Ngày 22.05.1975 Viện phụ Duy Ân đã dâng Thánh Lễ trọng thể, công bố việc thành lập các nhóm và mời gọi anh em chuẩn bị lên đường.

  • Trước hết là nhóm Phước Lộc, Phước Hòa. Dù nhóm này đã hình thành từ năm 1970, nhưng sau lời mời gọi lên đường, ngày 31.05.1975 nhóm được tăng cường thêm 30 anh em, và cha Vincent – Điểm Trần Văn Bằng được đặt làm trưởng nhóm.

Thứ đến là nhóm Phước Vĩnh: Ngày 13.06.1975, nhà Mẹ Phước Sơn cử một phái đoàn đầu tiên gồm 04 anh em xuôi về miền Tây Nam Bộ kiếm chổ dừng chân, cha Grêgôriô Đào Trọng Thanh được đặt làm trưởng nhóm. Sau đó các anh em khác cũng được mời gọi tăng cường thêm để thành lập Cộng đoàn.

  • Thứ ba là nhóm Thiên Phước: Mặc dù nhóm này đă có tư năm 1969, nhưng ban đầu chỉ là nhà nghỉ cho đệ tử. Nhưng sau ngày 30.04.1975, trong hoàn cảnh khó khăn, Cộng đoàn đã quyết định quy tụ các cha và anh em lại thành một nhóm và hướng tới việc thành lập Cộng đoàn, Nhân sự ban đầu gồm 04 người, cha Maximo Đỗ Chính Thống được đặt làm trưởng nhóm. Ngày 31.05.1975, Viện phụ Duy Ân  Vương Đình Lâm đã dâng thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ Đi Viếng Bà Elisabeth, và quyết định chọn ngày 31.05.1975 làm ngày Khai sinh và Bổn mạng của Cộng đoàn Thiên Phước. Trong khi đó, những anh em còn lại tại Nhà Mẹ Phước Sơn, nếp sống đan tu vẫn được duy trì cho đến năm 1978.

Ngày 21.03.1978, một biến cố đau thương đã ập xuống trên cộng đoàn Phước Sơn, khi công an Nhà nước đã đến bao vây nội vi Đan Viện, viện phụ Duy ân đi vắng, nên họ  gặp cha viện phó Dominico Phạm Văn Hiền! Sau đó họ đưa ngài và hầu hết anh em Cộng đoàn Phước Sơn đi “an dưỡng, cải tạo…?!” trong các nhà giam của thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn ba tháng, cha viện phó Dominico và thầy Gioan Lasan Đậu Văn Ân vẫn bị giam giữ, còn những anh em khác được trả tự do ngày 10.04.1978. Khi được trả tự do, anh em không được về lại nhà Dòng của mình, vì nhà Dòng đã bị nhà nước mượn làm nơi đào tạo…! Vì thế, anh em phải quy tụ về trú tại Trụ sở, số 81 Trần Bình Trọng, Q. 5. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, chổ ở quá chật chội, nên vài tháng sau anh em được chia thành bốn nhóm nhỏ:

  • Trước hết là nhóm Phước Hà – Giáo xứ Tam Hà (Thủ Đức), được khai sinh ngày 19.06.1975, do cha Phêrô – Khoa Lê Trọng Ngọc làm trưởng nhóm cùng với 10 anh em khác.
  •  

Thứ đến là nhóm Phước Bình – Giáo xư Bình Triệu (Thủ Đức), đến cư trú trên mảnh đất nhỏ do anh em dòng Đức Mẹ Người Nghèo nhường lại cho. Nhóm nay gồm 05 người, do cha Thimothe Thân Văn Quý làm trưởng nhóm.

  • Thứ ba là nhóm Phước Hiệp được khai sinh ngày 12.01.1978, gồm 11 người trẻ cùng với thầy già Giuse Nguyễn Văn Tăng làm chủ hộ. Nhóm này đến cư ngụ trên vùng đất nông trường Lô 6 – Củ Chi, với tên gọi là “Huynh Đoàn Phước Hiệp hay Huynh Đoàn Phục sinh”.
  • Nhóm còn lại ở Trụ sở số 81, Trần Bình Trọng (Sài Gòn). Đây là một Cộng đoàn không tên tuổi, nhưng lại là nơi chứng kiến nhiều cuộc đổi thay trong cuộc bể dâu của cuộc đời.

Về mặt vật chất, đời sống trong các nhóm khá vất vả. Tuy nhiên, cùng với ơn Chúa và nhờ tình bác ái huynh đệ được duy trì giữa các nhóm, Viện Phụ đã đóng vai trò con thoi để giao liên nâng đỡ tinh thần, chẳng hạn qua các cuộc họp mặt thường kỳ tại Tam Hà. Nhờ vậy mà cuộc sống đan tu trong các nhóm vẫn được duy trì đều đặn.

7. Đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn sau ngày đất nước mở cửa (1986).

Năm 1986, cùng với đà đi lên về mặt kinh tế của đất nước, cuộc sống của mọi người được ổn định hơn, trong đó có cả nếp sống đan tu. Tại đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn, sau nhiều năm khan hiếm ơn gọi, Chúa lại cho nhiều người đến tìm hiểu. Sự kiện ấy trùng hợp với việc đoàn tụ của những “thành phần cốt cán” trong việc huấn luyện. Nên từ năm 1989 đến nay, năm nào Cộng Đoàn cũng có khá nhiều anh em được diễm phúc khấn tạm và khấn trọng, nhờ đó, số đan sĩ và tu sĩ đã tăng lên đáng kể.

Để đáp ứng những nhu cầu huấn luyện đan tu theo quy định của hiến pháp, tổng hội Hội Dòng khóa họp ngày 07.12.1993, đã quyết định các nhóm nhỏ như Phước Hiệp và Phước Hà được tạm ngưng hoạt động. Nhóm Phước Bình được biến thành nơi lưu trú cho những anh em sinh viên của Hội Dòng đang theo học trong các Học Viện Triết Học và Thần Học tại Sài Gòn. Bên cạnh đó, cộng đoàn Phước Sơn cũng chú tâm vào việc củng cố các nhóm Phước Lộc, Thiên Phước và Phước Vĩnh hướng đến phát triển thành các Đan viện tự trị.

Từ năm 1994, để đáp ứng nhu cầu huấn luyện các ứng sinh ơn gọi ngày một tăng cao, cộng đoàn Phước Sơn coi việc kiến thiết những cơ sở vật chất là vấn đề cấp bách. Trong đợt một, cộng đoàn Phước Sơn tại Phước Lộc, đã ưu tiên xây dựng tu phòng cho anh em. Qua đợt hai, Cộng Đoàn lại khởi công xây dựng Ngôi Thánh Đường qua việc đặt viên đá đầu tiên ngày 19.03.1997. Dưới sự phù trợ của Cha Thánh Giuse, công việc kiến thiết mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng ngôi thánh đường Nhà Cha cũng đã hoàn thành. Ngày 11.09.1999, Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc đã chủ tế Thánh Lễ cung hiến Thánh Đường và Bàn Thờ.

Dù sống trong hy vọng, nhưng Cộng đoàn cũng không thể chờ đợi ngày trở về Cộng đoàn chính ở Thủ Đức, nơi đang bị nhà nước Việt Nam mượn không thời hạn!. Vì thế trung tuần tháng 04 năm 1999, đại gia đình Phước Sơn được triệu tập tại Phước Lộc nhằm xác định, trong ba nhóm: Phước Lộc, Thiên Phước và Phước Vĩnh, chọn nhóm nào làm Nhà Mẹ Phước Sơn? Sau khi họp bàn, nhóm Phước Lộc được chọn làm Nhà Mẹ Phước Sơn. Ngày 01.05.1999 viện phụ Duy Ân Vương Đình Lâm viết đơn đệ trình lên Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, GM giáo phận Xuân Lộc, ngài đã chấp thuận sự hiện diện của Cộng đoàn. Sau đó Cộng đoàn đã trình lên Tổng Hội của Hội Dòng.

Trong kỳ họp tổng hội Hội Dòng Xitô Thánh Gia, ngày 06.06.1999, các đại biểu đã đưa ra bàn thảo và đi đến quyết định nhóm Phước Lộc được chính thức xác định là Nhà Mẹ Phước Sơn. Cũng trong kỳ họp Tổng Hội này, Nhà Mẹ Phước Sơn đã đệ đơn thỉnh nguyện lên Tổng Hội, xin cho nhóm Thiên Phước được trở thành những Đan Viện tự trị. Tổng Hội Hội Dòng đã chấp nhận đơn thỉnh nguyện của Nhà Mẹ Phước Sơn, nâng cộng đoàn Thiên Phước lên thành Đan Viện tự trị.

Kỳ họp Tổng Hội Hội Dòng, tháng 06.2001, Nhà Mẹ Phước Sơn đã đệ đơn thỉnh nguyện lên Tổng Hội, xin cho nhóm Phước Vĩnh được trở thành Đan Viện tự trị. Trong phiên họp ngày 11.06.2001, Tổng Hội Hội Dòng đã chấp nhận đơn thỉnh nguyện của Nhà Mẹ Phước Sơn, nâng cộng đoàn Phước Vĩnh lên thành Đan Viện tự trị.

Cộng đoàn Xitô Thánh Giuse, California

Dù sống trên một đất nước văn minh và giàu có, nhưng nhiều anh chị em giáo dân gốc Việt đang sinh sống tại Mỹ, vẫn mong ước có một Đan viện chiêm niệm của người Việt hiện diện bên cạnh, để cầu nguyện, tạo môi trường thuận tiện cho họ tìm đến tĩnh tâm, cầu nguyện và găp gỡ Chúa. Để đáp ứng ước mong này, năm 2003, Cộng đoàn Phước Sơn đã ủy thác cho đan sĩ M. Antôn Phạm Sĩ Hanh, đang du học ở Mỹ, đi tìm đất lập Dòng. Tháng10.2004, Cộng đoàn đã đồng ý mua thửa đất ở miền nam tiểu bang California, Hoa Kỳ, thuộc giáo phận Saint Bernadino, để thành lập Cộng đoàn mới. Ngày 31.03.2005, ĐGM giáo phận Saint Bernadino, có văn thư cho phép Phước Sơn thành lập một Cộng đoàn trong giáo phận của ngài. Ngày 01.10.2005 Viện phụ Duy ân Vương Đình Lâm đã làm phép đất, khởi công xây dựng cơ sở của Cộng đoàn.

Trong kỳ họp tổng hội Hội dòng Xitô Thánh Gia, từ ngày 21-30.08.2006, cộng đoàn Phước Sơn lại đệ đơn lên Tổng Hội để xin phép thành lập một Tu Sở mới tại giáo phận Saint Bernadino – California, Hoa Kỳ, với số nhân sự ban đầu là 11 người. Sau khi đã bàn thảo và suy xét, tổng Hội đã chấp thuận Đơn Thỉnh Nguyện của cộng đoàn Phước Sơn.

Ngày 17.08.2008, thánh lễ làm phép nhà và bắt đầu cuộc sống đan tu Xitô nơi sa mạc với tên gọi là Đan viện Xitô Thánh Giuse, và Nguyên viện phụ Duyân Vương Đình Lâm được đặt làm bề trên tiên khởi của Cộng đoàn này.

Tu sở Phước Đăk

 Nhờ ơn Chúa, mỗi năm Cộng Đoàn có thêm nhiều ơn gọi mới. Để hướng tới tương lai cho sư phát triển của Cộng đoàn, Viện phụ M. Dominico Phạm Văn Hiền và Cộng đoàn đã quyết định đi tìm đất để thành lập tu sở mới. Sau nhiều lần đi tìm kiếm nhiều nơi, cuối năm 2006, Cộng đoàn đã quyết định mua thửa đất rẫy Càfé của gia đình anh Hà Văn Sơn, thuộc giáo xứ Vinh An, Giáo phận Banmêthuột.

Ngày 16.11.2006 một phái đoàn gồm 04 anh em, do Đan sĩ M. Alberico Trần Đình Đồng làm trưởng nhóm, đã lên đường đến tu sở mới với tên gọi là tu sở Phước Sơn – Đắk Nông, nay đổi tên thành tu sở Phước Đăk, thuộc thôn Rừng Lạnh – xã Đăk Hòa – Huyện Đăk Song – tỉnh Đăk Lăk, để khai mạc đời sống đan tu Xitô Phước Sơn trên đất Tây Nguyên thuộc Giáo phận Banmêthuột.

Ngày 09.08.2010,  Viện phụ M. Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn đã viết đơn đệ trình lên Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, GM giáo phận Banmêthuột, đã được ngài chấp thuận và cho phép đặt Mình Thánh Chúa.

Tu sở Đăk Nhau

Cũng có nỗi thao thức hướng về tương lai cho Cộng đoàn như người tiền nhiệm của mình. Sau khi nhận trách nhiệm phục vụ Cộng đoàn, Viện phụ M. Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn đã họp Cộng đoàn và đi đến quyết định đi tìm đất thành lập thêm tu sở mới. Sau những ngỳ tìm kiếm, ộng đoàn đã quyết định mua thưa đất rẫy Điều, Chôm Chôm và Càfé của gia đình ông bà Thanh – Đại. Thửa đất tọa lạc trên địa bàn hành chính thuộc xã Đăk Nhau – Huyện Bù Đăng – Tỉnh Bình Phước.

Ngày 08.01.2009 một phái đoàn gồm 05 anh em, do Đan sĩ M. Matthêu Âu Trung Thịnh làm trưởng nhóm, đã lên đường đến tu sở mới với tên gọi là tu sở Đăk Nhau, thuộc giáo xứ Đăk Nhau, Giáo Phận Giáo Phận Banmêthuột.

Ngày 09.08.2010, Viện phụ M. Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn đã viết đơn đệ trình lên Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, GM giáo phận Banmêthuột, đã được ngài chấp thuận và cho phép đặt Mình Thánh Chúa.

Cộng đoàn Mẹ Mân Côi Khosaat

Đáp lại lời mời của Đức Tổng Giám Mục Louis Chamniern, Tổng Giáo Phận Thare-Nongseng. Ngày 08.09.2014, Đan viện Phước Sơn đã cử 06 anh em lên đường đến làng Khosaat, thuộc Tổng Giáo Phận Thare-Nongseng, trên đất nước Thái Lan, thành lập một Cộng Đoàn mới, với tên gọi: Đan viện Xitô Thánh Mẫu Mân Côi Khosaat.

                                

* Kết luận

Một vài ghi nhận về những mốc lịch sử quan trọng của Đan viện Thánh Mẫu Phước Sơn trên đây đủ chứng minh cho thấy lời tuyên xưng của Giáo Hội: “Thiên Chúa an bài mọi sự thật khôn ngoan, Ngài dẫn chúng ta đi trên những nẽo đường không bao giờ nghĩ tới” quả là một chân lý. Chúa đã chọn một vị Tông Đồ truyền giáo làm Đấng sáng lập một hội dòng Đan Tu Chiêm Niệm trong miền truyền giáo. Chính Chúa là người mục tử nhân lành đã dẫn dắt Đấng Sáng Lập và con cái của ngài vượt qua những biến cố thăng trầm của lịch sử. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, chúng tôi xác tín rằng: Chúa là Mục Tử chăn dắt chúng tôi, nên chúng tôi chẳng thiếu thốn chi. Dù khi hân hoan bên đồng cỏ xanh tươi và dòng suối mát trong, hay khi bước đi trong thung lũng tăm tối, Chúa vẫn luôn cùng. Vì thế, dù chúng tôi có bị dồn ép tư bề, nhưng vẫn không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; dù bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt…! (x. 2Cr 4, 8-9). Vì vậy, sau một trăm năm nhìn lại, mỗi người chúng tôi nghiệm thấy thật rõ ràng: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa, ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời”. (Tv 22, 6)

X