HÀNH ĐỘNG VÀ CHỊU ĐAU KHỔ RÈN LUYỆN NIỀM HY VỌNG – Đề tài tĩnh tâm tháng 7.2022

HÀNH ĐỘNG VÀ CHỊU ĐAU KHỔ RÈN LUYỆN NIỀM HY VỌNG

Theo “Thông Điệp Spe Salvi” (Số 35 – 40)

 Trong những thập niên gần đây, người ta đang lo lắng về một xã hội mà mọi thứ giá trị trong đó dường như đang bị đảo lộn. Quả thật, khi một xã hội trống rỗng về những giá trị đạo đức và tâm linh, thì nạn nhân đầu tiên chính là những người trẻ. Ðiều này là một mối bận tâm của các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục, và cũng là một thách đố cho người kitô hữu nói chung và Đan sỹ chúng ta nói riêng. Vậy đâu là niềm hy vọng của con người thời nay? Niềm hy vọng ấy có sức mang lại cho con người thời nay Giá Trị Vĩnh Cửu không?

Quả thật, toàn bộ Kinh Thánh là sứ điệp của niềm hy vọng. Lịch sử Israel là lịch sử của niềm hy vọng hướng về một tương lai mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể giải thoát họ. Niềm hy vọng ấy đã thành tựu trong và qua Ðức Giêsu Kitô. Sự Phục Sinh của Ngài là một bảo đảm rằng: Thiên Chúa luôn ở với con người, ngay cả sau khi chết. Như vậy, được ở với Thiên Chúa là niềm hy vọng duy nhất của người kitô hữu. Tuy nhiên, trong hành trình của niềm hy vọng ấy, con người không tiến bước như cá nhân riêng rẽ, mà là như Dân Thiên Chúa[1].

Hơn bao giờ hết, con người thời nay đang bị chi phối bởi niềm hy vọng của trần thế như: tiền bạc, quyền bính, danh vọng… Kinh nghiệm cho thấy: càng khát khao niềm hy vọng ấy thì càng làm cho con người thêm thất vọng và gây bao đau thương. Trong đó, cá nhân chỉ là một công cụ mà nhân phẩm của cá nhân đó lại bị chối t, đó là thảm trạng của một niềm hy vọng trần thế.

Trước thực trạng đó, Đức Thánh Cha Benedicto XVI mời gọi người Kitô hữu nói chung và người Đan sỹ nói riêng phải sống như một công dân của Nước Trời[2]. Họ phải đảm nhận mọi trách nhiệm, ra sức hành động cho phần rỗi của bản thân, phải hành động với tinh thần bác ái và thăng tiến cuộc sống xã hội. Họ phải đón nhận cuộc sống như một hồng ân trong niềm hy vọng vào Đấng Tuyệt Đối, và vì vậy, cho dù cuộc sống nơi trần thế được dệt bằng những đau khổ, thì người kitô hữu cũng được mời gọi cố gắng không ngừng để hoàn thiện, xây dựng xã hội trần thế; vẫn biết mình là công dân Nước Trời, sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian[3]. Bởi thế, người kitô hữu với những hành động chuẩn mực, cho dẫu có đau thương thì cũng sẽ là cơ hội rèn luyện niềm hy vọng của họ, bởi vì Thầy Giêsu của chúng ta đã trải qua Cuộc Khổ Nạn mới đạt tới Vinh Quang Phục Sinh.

I. HÀNH ĐỘNG, RÈN LUYỆN NIỀM HY VỌNG.

Niềm hy vọng Kitô giáo là “đôi chân” ta dùng để tiến về Sự Thiện Tương Lai. Điều ngược lại với niềm hy vọng là thất vọng. Vì Hy Vọng và Ơn Cứu Độ là bất khả phân ly. Đó là tổng hợp và kết tinh quan điểm toàn bộ về niềm hy vọng Kitô Giáo mà Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã đưa ra cho chúng ta[4]. Theo Đức Thánh Cha Benedicto XVI thì “mọi hành vi nghiêm chỉnh và đúng đắn của con người đều thể hiện một niềm hy vọng lớn lao”[5].

1. Hy vọng vào Thiên Chúa mang lại cho chúng ta sức mạnh để hành động.

Đức Thánh Cha Benedicto XVI khẳng dịnh: “Mọi hành động nghiêm chỉnh và đúng đắn của con người đều là niềm hy vọng bằng hành động”[6]. Như vậy, theo nghĩa đó, chúng ta nổ lực làm mọi công việc, dù nhỏ bé hay lớn lao, quan trọng ít nhiều, đều mang lại cho một thế giới tươi đẹp và nhân bản hơn để mở rộng cánh cửa hy vọng cho tương lai[7].

Tuy nhiên, “niềm hy vọng” mà Đức Thánh Cha Benedicto XVI nói đây đã mang lại cho chúng ta một sức mạnh để thực hiện những công việc và dự phóng tương lai đó. Đức Thánh Cha Benedicto XVI nhận định: “Những hứa hẹn mà các nhà cầm quyền chính trị và kinh tế không thể làm thỏa mãn niềm hy vọng của chúng ta[8]. Nhưng điều quan trọng là chúng ta vẫn tiếp tục hy vọng, cho dù trong đời sống chúng ta hay giai đoạn lịch sử mà chúng ta đang sống, dường như không có điều gì để hy vọng, thì với niềm xác tín lớn lao vào Tình Yêu Quan Phòng của Thiên Chúa, vẫn có thể đem lại cho chúng ý nghĩa và tầm quan trọng và đem lại can đảm, kiên trì để hành động”[9].

2. Hy vọng vào Nước Thiên Đàng cho ta một xác tín để hành động.

Chúng ta không thể xây dựng Nước Thiên Chúa bằng nỗ lực của con người. Điều chúng ta xây dựng sẽ luôn là vương quốc của con người với tất cả những giới hạn liên quan đến bản tính con người. Bởi vì Nước Thiên Chúa là một “quà tặng”, chứ không phải “đáng được” nhờ công sức của chúng ta[10], và vì thế, Nước Thiên Chúa thật lớn lao và đẹp đẽ, và làm nên lời đáp trả cho niềm hy vọng của chúng ta. Đức Thánh Cha Benedicto XVI khẳng định: “Cho dẫu Thiên Đàng vượt quá điều chúng ta có thể xứng đáng, thì niềm hy vọng vào Nước Thiên Chúa vẫn cho chúng ta một sức mạnh để cố gắng làm mọi công việc để cộng tác vào chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa đang được thực hiện với diễn tiến của lịch sử”[11].  

3. Hy vọng vào lời hứa của Thiên Chúa để chúng ta hành động.

Đức Thánh Cha Benedicto XVI mời gọi: “Chúng ta có thể mở rộng tâm hồn và thế giới để Thiên Chúa được phép đi vào. Đây chính là điều mà các Thánh đã sống và hành động. Các ngài đã mở cõi lòng cho chân lý, tình yêu và điều thiện hảo ngự trị, và vì vậy, các ngài được coi là những “cộng sự viên của Thiên Chúa”, đã đóng góp vào việc cứu độ trần gian”[12]. Theo nghĩa đó, niềm hy vọng vào Thiên Chúa mời gọi chúng ta có thể “giải thoát”[13] cuộc sống của mình và thế giới khỏi độc tố và sự lây nhiễm có sức huỷ diệt hiện tại và tương lai. Hơn nữa, giúp chúng ta cũng có thể khám phá các nguồn mạch của tạo vật và giữ chúng không biến dạng, và sử dụng chúng một cách đúng đắn, như một quà tặng, theo những đòi hỏi nội tại và mục đích tối hậu của Thiên Chúa. Điều đó đem lại ý nghĩa, cho dù bề ngoài chúng ta không thành đạt, cuộc sống phải trải qua nhiều đau khổ, thì những hành động đúng đắn của chúng ta nảy sinh niềm hy vọng lớn lao đặt nền tảng trên các lời hứa của Thiên Chúa[14].

You May Also Like

Trả lời

X