Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm B
(Is 40, 1-5.9-11;2Pr 3, 8-14; Mc 1, 1-8)
Bài đọc I, ngôn sứ Isaia khẳng định: “Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng, tay nắm trọn chủ quyền”. Đức Chúa hùng dũng, Đức Chúa toàn năng đường gồ ghề, lũng sâu có là gì làm sao cản được Ngài đến với con người. Vậy với lời: “Hãy dọn đường cho Đức Chúa”, muốn diễn tả điều gì?
Đường ngôn sứ Isaia cùng với Gioan tiền hô kêu gọi con người dọn một con đường, nhưng không phải là đại lộ Đông Tây, cũng chẳng phải là một con đường nào đó mà là đường dẫn tới lòng dạ, tâm hồn con người. Đường ở đây cũng là cách sống, lối sống và thái độ sống của mỗi người. Đây mới là con đường, ngôn sứ Isaia và Gioan kêu gọi chúng ta tu chỉnh, sửa chữa để cho Đức Chúa đến với chúng ta. Nhưng chúng ta phải sửa, dọn đường bằng cách nào và như thế nào?
Ngôn sứ Isaia nói: “mọi thung lũng phải được lấp đầy, mọi núi đồi phải được bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu”. Núi đồi phải bạt xuống ám chỉ tội kêu ngạo; Lũng sâu là thái độ nằm vì trong tội; Lồi lõm và gồ ghề là lối sống vô tâm và giả hình. Đã là tội thì tội nào cũng ngăn cản ân sủng và chặn đường Thiên Chúa đến với tâm hồn con người. Như thế, cách thức dọn đường cho Chúa đến được cả ngôn sứ Isaia và Gioan kêu gọi: “ăn năn hối cải”. Gio an tiền hô “kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. Nhưng như thế nào là tỏ lòng sám hối ăn năn? Đó là hối lỗi và chừa cải về những tội mình đã phạm. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Bài đọc II thánh Phê rô cho biết lòng sám hối đích thực là phải: “sống tốt, sống đạo đức thánh thiện… và anh em phải sống sao cho Thiên Chúa thấy anh em tinh tuyền, không gì đáng trách và sống bình an”. Nếu ta đọc lại Tin mừng Matthêu 25, từ câu 30 trở đi, ta sẽ biết điều để ta không bị trách phạt mà còn được khen thưởng là sống bác ái và yêu thương. Như thế, lòng sám hối trong việc dọn đường cho Chúa phải được thể hiện bằng hành động, mà hành động đó chính là ăn năn chừa cải và thực hành đức ái với lòng thương xót tha nhân như chính mình.
Một con đường đã được chỉnh tu, một tâm hồn đã được trang hoàng bằng ân sủng và được thanh tẩy bằng máu Đức Ki tô, người ấy không chỉ được nhìn thấy Thiên Chúa mà còn hơn thế nữa. Điều hơn thế nữa, được ngôn sứ Isaia nêu ra trong bài đọc I, đó là: “ được Đức Chúa ấp ủ vào lòng”; thánh Phêrô nơi bài đọc II, khẳng định: “theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta được đưa vào trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị”. Đặc biệt, Tin mừng quả quyết chúng ta sẽ được đón nhận Thánh Thần: “Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần”. Như thế, hồng ân dành cho những ai dám mở lòng, dám dọn đường cho Đức Chúa qua việc sám hối với lòng bác ái quả là vĩ đại, vượt sự mong ước của con người, bởi họ đã được chính Chúa làm gia nghiệp.
Mùa vọng năm nay, tiếng kêu của ngôn sứ Isaia và tiếng kêu của ngôn sứ Gioan tiền hô: “Hãy dọn đường cho Đức Chúa”, có tác động gì đến mỗi người chúng ta không? Chúng ta phải đấm ngực chân nhận rằng, ít hay nhiều ta vẫn có những đồi cao của thói kiêu ngạo; vẫn có những lũng sâu của thái độ nằm vì trong tội; vẫn có những lồi lõm của kiêu căng; gồ ghề của sự vô cảm và vô tâm. Và như vậy, tiếng kêu của ngôn sứ Isaia và Gio an vang lên trong Tin mừng hôm nay là vì chúng ta và cho chúng ta. Vậy ta có thái độ nào? Một sự hoán cải bằng hành động của đức ái với lòng thương xót tha nhân hay cố thủ trong lối sống của thói tự kiêu với sự an hưởng ích kỷ. Tội ích kỷ và tự kiêu thì chúng ta biết rồi, là chung số phận với Ác thần và thuộc hạ của nó, đó chính là sự chết. còn việc dọn đường cho Chúa bằng lòng sám hối cộng thêm sự nhiệt tình hi sinh thực thi đức ái thì sẽ là: hỡi tôi tớ tài giỏi và trung tín hãy vào hưởng niềm vui với chủ ngươi”. Và như Chúa Giê su nói: “ chính Ta và Cha Ta sẽ đến và ở lại trong người ấy”, còn hạnh phúc nào hơn nữa, thưa cộng đoàn!
Lời Chúa của chúa nhật thứ II mùa vọng xuyên qua tiếng kêu: “Hãy dọn đường cho Đức Chúa” quả là tiếng chuông thức tỉnh và mời gọi con người hãy sám hối và sống đức ái để hưởng trọn niềm vui trong ngày Đức Giê su Ki tô ngự đến.
FM. Tùy Phúc Hậu