HÃY YÊU THƯƠNG KẺ THÙ

Suy niệm Thứ 5, XXIII TN Lc 6, 27-38

Đoạn Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca tóm tắt giáo huấn quan trọng của Chúa Giêsu, mà Thánh Matthêu đã tập hợp lại trong bài giảng trên núi. Đó là những thái độ chủ yếu của Tin Mừng.

Với nội dung của đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Luca trình bày một cách cụ thể sống động như sau:

  • Cách cư xử với kẻ thù: Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây:
  • Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét anh em.
  • Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống; cư xử nhân ái khoan nhượng vơi kẻ đánh đập lột áo và tướt đoạt của cải của mình.
  • Cách cư xử với tha nhân nói chung:
  • Anh em muốn người người ta làm cho mình điều gì thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.
  • Làm ơn và cho đi mà không cần đáp trả.
  • Không xét đoán, lên án và tha thứ.
  • Lý do của tất cả những cách cư xử nói trên:
  • Vì lệnh Chúa truyền.
  • Noi gương Chúa đã làm
  • Sẽ được phần thưởng lớn lao và nên con cái của Đấng Tối Cao.
  1. Cách cư xử với kẻ thù:

Trên bình diện lý thuyết, có lẽ chúng ta quá quen biết những lời giáo huấn này, nhưng theo Chúa Giêsu đây không phải là phạm vi thuộc hiểu biết hay lý thuyết. Những kẻ thù được nói đến ở đây là những con người cụ thể, không phải là những ý tưởng hay là những bóng ma vô hình mà là những con người có xương có thịt với những tương tác cụ thể mà Chúa Giêsu liệt kê trong Tin Mừng là: Kẻ oán ghét, kẻ nguyền rủa, kẻ nhục mạ, kẻ vu khống, kẻ đánh đập, kẻ lột áo, kẻ cưỡng đoạt…Chúa truyền phải yêu thương họ… hãy làm ơn cho họ…Hãy chúc lành cho họ…và hãy cho đi mà đừng đòi lại…

Tất cả những điều ấy không phải là những ý tưởng, những tình cảm tự nhiên bột phát mà là những hành động thực sự, những thái độ cụ thể.

Quả thực chúng ta phải công nhận những điều Chúa Giêsu dạy trong đoạn Tin Mừng này không phải là điều dễ sống và quá khó: Khi bị người khác làm hại, chúng ta chẳng những không được trả thù, mà còn phải tha thứ và hơn nữa còn phải làm ơn, chúc lành và cầu nguyện chọ họ nữa.

Sở dĩ khó là vì chúng ta coi “người ấy”chỉ là người dưng nước lã…Nhưng nếu chúng ta coi người ấy là anh em với nhau và là con của một Cha trên trời thì có phần dễ dàng.

Hơn nữa tình yêu mà người môn đệ của Chúa đem ra cư xử với kẻ làm hại mình không phải là tình yêu nghèo nàn có sẵn trong tim mình mà là tình yêu bắt nguồn từ con tim của Cha trên trời: Đấng vẫn yêu thương nhân hậu với những phường vô ơn và quân độc ác.

Lại nữa, vì đó là lệnh truyền trong Tin mừng hôm nay và như chúng ta vừa nói trên là lệnh truyền này khó thi hành nhất nhưng không phải là điều bất khả thi, vì chính Ngài đã làm gương cho chúng ta khi Ngài thân thưa với Chúa Cha tha cho những kẻ hành hạ mình: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Chính hành vi cao cả này mà Chúa Giêsu đã thể hiện trọn vẹn tình yêu cao cả của Thiên Chúa và đó cũng là nét cao quý nhất trong dung mạo của Chúa Cứu Thế. Ngài đến để yêu thương và cứu chuộc loài người, ngài đến để tha thứ và đem lại cho con người cơ may để sám hối và canh tân.

  1. Cách cư xử với tha nhân nói chung

Anh em muốn người ta làm gì cho mình thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6, 31). Đây là nguyên tắc cơ bản cho mọi người và hãy tự đặt mình vào địa vị người khác trong tương tác với tha nhân. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý Tin Mừng theo thánh Matthêu thì dùng hai hình ảnh để so sánh: “Những người thu thuế và những người dân ngoại” (Mt 5, 46-47). Còn Tin Mừng theo thánh Luca thì có phần tế nhị hơn, là để khỏi đụng chạm tới độc gia của mình là các người anh em dân ngoại trở lại hay sẽ trở lại. Ông chuyển dịch lời của Chúa Giêsu theo kiểu nói dễ hiểu hơn với họ nên dùng “những người tội lỗi” (Lc 6, 32-34). Thực ra, đó cũng diễn tả lại một tư tưởng nhưng với kiểu nói mới mẻ và tế nhị hơn.

Quả thể, tư tưởng chủ chốt của Chúa Giêsu là Tình Yêu của chúng ta phải mang tính phổ quát bằng cách cố giải gỡ khỏi những tình cách cục bộ tương quan tự nhiên như gia đình, làng xóm, quốc gia, chủng tộc, môi trường sống… Trong trường hợp này, có thể nói tình tương quan liên đới chưa hẳn là điều tốt phổ quát, bởi vì ngày cả những người tội lỗi, người người độc ác, những kẻ chuyên đàn áp, những người ích kỷ cũng có thể sống tình liên đới rất vụ lợi giữa họ nhằm tới tư lợi và chống lại người khác. Vậy, tình yêu không biên giới là một nhu cầu bức thiết nó vượt lên trên mọi định luật tâm lý và xã hội, tuy những định luật ấy rất tự nhiên và thực tế. Tình yêu chúng ta phải nối kết được mọi chiều kích của toàn thể nhân loại kể cả kẻ thù và đối nghịch.

  1. Lý do của tất cả những cách cư xử.

Sau hết, thiết tưởng chúng ta cũng nên nhắc đến lý do tất  cả những hành xử vừa nên trên, đó là vì lệnh Chúa truyền và gương Ngài đã thực hiện trước. Quả thế, một khi chúng ta đối xử bằng tình thương của Chúa thì chúng ta càng là con cái của Người hơn và càng là anh em với tha nhân hơn! Đúng như lời Chúa Giêsu nói: “Anh em sẽ là con Đấng Tối Cao và phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao” (Lc 6, 35). Và một khi chúng ta rộng lượng với anh em mình như thế, thì Cha trên Trời sẽ rộng lượng gấp bội đối với chúng ta: “Người sẽ đong cho anh en đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh em” (Lc 6, 38).

Tóm lại, giáo huấn của Tin Mừng không phải là dành cho những kẻ muốn làm anh hùng hay siêu nhân, mà dành cho những ai muốn làm con cái Thiên Chúa và nên anh em của nhau. Amen

Lm. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc

 

You May Also Like

Trả lời

X