HỒNG ÂN CỨU ĐỘ

SUY NIỆM THỨ TƯ LỄ TRO 2021

MT 6, 1-6; 16-18

Ngày lễ tro hôm nay, cùng với toàn thể Hội Thánh khắp hoàn cầu, chúng ta bước vào mùa Chay Thánh, mùa Hồng ân tha thứ và cứu độ; mùa giao hòa với Thiên Chúa và anh em. Với thân phận là bụi tro yếu hèn tội lỗi, chúng ta cùng sám hối ăn năn, quyết tâm trở về cùng Thiên Chúa từ bi nhân hậu và giàu lòng thương xót! Qua Phụng vụ và Lời Chúa hôm nay thật súc tích và phong phú, hẳn ai ai cũng kín múc được nhiều chất lượng nuôi dưỡng và tăng cường đời sống tâm linh, nhất là trong mùa Chay thánh này. Dù sao đi nữa, thiết tưởng chúng ta cũng nên dừng lại một vài điểm thực tiễn chủ yếu để cùng nhau suy niệm và quyết tâm thực hiện như Lời Chúa dạy và Giáo hội kêu mời, vì vậy, chúng ta cùng nhau suy niệm vắn tắt hai điểm sau đây:

  1. Đâu là trọng tâm của mùa chay thánh?

Thiết tưởng giải đáp câu hỏi này không mấy khó khăn vì chính Lời Chúa hôm nay đã bật mí cho chúng ta, không cần tìm kiếm đâu xa, ngay hai bài đọc đầu: bài đọc một và hai cùng với đáp ca đã diễn tả cho chúng ta khá đầy đủ. Quả thực, với bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Giôen đã lên tiếng kêu mời sám hối. Sám hối là trở về với Thiên Chúa. Sám hối phải xuất phát từ lòng chân thành chứ không phải chỉ có những việc làm bề ngoài: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng”. Vì Thiên Chúa là Đấng rất từ bi nhân hậu sẽ tha thứ cho kẻ thực tâm sám hối. Để minh họa cho xác tín trên, đáp ca cũng đồng tình: một mặt, tội nhân ý thức rõ về các tội lỗi của mình, mặt khác tội nhân cũng quyết tâm trở về với Chúa; và tội nhân tin rằng mình sẽ được Thiên Chúa dủ tình thứ tha! Dưới cái nhìn của thánh Phaolô qua bài đọc thứ hai: sám hối là làm hòa với Thiên Chúa. Tội lỗi đã phá hủy những tương quan hài hòa giữa con người với Thiên Chúa. Sám hối là tái lập những tương quan ấy. thời gian sám hối chính là thời gian Thiên Chúa thi ân, là thời Thiên Chúa cứu độ (x 2Cr 5, 20-6,2).

  1. Phải làm gì và với thái độ nào?

Qua bài Tin Mừng khai mạc mùa chay thánh hôm nay, Đức Giêsu nhắc lại ba hình thức thực hành sám hối truyền thống: trước hết là chia sẻ, có nghĩa là trao tặng, là quan tâm đến anh em, đến tha nhân. Thứ đến là cầu nguyện, có nghĩa là dành nhiều thì giờ hơn nữa để sống với Chúa một cách thân tình gần gũi hơn. Sau hết là ăn chay hãm mình, chấp nhận khổ chế, sống thanh đạm nghèo khó và khổ hạnh hay nói cách khác đúng hơn, Đức Giêsu đã tóm lược toàn bộ đời sống đạo đức vào ba điểm cốt trụ là: làm phúc bố thí, cầu nguyện và chay tịnh nhằm bà chiều kích, đối với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, đối với tha nhân bằng chia sẻ bác ái, yêu thương, đối với chính mình bằng chay tịnh hy sinh hãm mình. Tất cả đều được thi hành với thái độ tín thành khiêm nhu và kín đáo không chút phô trương. Vì thông thường, tính tự nhiên con người thích nổi nang bề ngoài. Trái lại phải kiếm tìm sự sâu thẳm trong trầm lặng, phải kiếm tìm cái nhìn của Thiên Chúa. Vâng lạy Chúa, giây phút này Chúa đang hiện diện và đoái nhìn chúng con, đó là điều thật quan trọng, Chúa mong chờ chúng con chia sẻ cầu nguyện và ăn chay hãm mình trong hân hoan và dành cho một mình Chúa biết mà thôi.

Đối với đời sống chiêm niệm chúng ta cần được thể hiện một cách tích cực và sống động hơn qua gương và giáo huấn của Đức Giêsu:

  • Lời cầu nguyện phải khiêm tốn trước tôn nhan Thiên Chúa (Lc 18, 10-14) và trước mặt người ta (Mt 6, 5-6; Mc 12, 40).
  • Lời cầu nguyện phải chân thành tự đáy lòng chứ không phải ngoài môi miệng (Mt 6, 7).
  • Lời cầu nguyện phải tin tưởng vào lòng Cha nhân từ (Mt 6, 8; 7, 7-11).
  • Lời cầu nguyện phải kiên trì nài van không sợ phiền Chúa (Lc 11, 5-8; 8, 1-8).
  • Lời cầu nguyện sẽ được chấp nhận khi có lòng tin (Mt 21, 22).
  • Cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu (Mt 8, 19-20; Ga 14, 13-14…).
  • Xin những điều tốt lành (Mt 7, 11) như xin Thánh Thần (Lc 11, 13), xin ơn tha thứ (Mc 11, 25) xin ơn cho kẻ ngược đãi mình (Mt 5, 44; Lc 23, 24).
  • Nhất là xin cho triều đại Chúa mau đến và mình được gìn giữ trong cuộc thử thách cuối cùng (Mt 24, 20; 26, 41; Lc 21, 36).

Trên đây là cốt tủy của lời kinh mà chính Đức Giêsu đã dạy (Mt 6, 9-15). Lạy Chúa, xin giúp chúng con chuyên cần đọc và suy niệm Lời Chúa đặc biệt trong mùa chay thánh này.

Lm Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc

You May Also Like

Trả lời

X