SUY NIỆM LỄ CHÚA HIỂN LINH
MT 2, 1-12
Mùa Giáng Sinh nói cách nôm na được khai mở với từ Noel: Chúa tỏ mình ra cho dân Do Thái và được kết thúc bằng Epiphania: Chúa tỏ mình ra cho chư dân. Tất cả hai biến cố mốc thời gian hồng ân Thiên Chúa ở cùng chúng ta- Emmanuel đều bày tỏ Tin Mừng trọng đại cho mọi dân nước, ấy là tình Chúa yêu thương hết thảy mọi người, mọi dân tộc, khắp mọi nơi, mọi thời trên khắp vũ hoàn, đồng thời tỏ cho mọi người thế được nhận biết, kính thờ và cảm nhận được Thiên Chúa chí tôn chí ái, không thiên vị một ai, muốn tất cả đều được cứu độ và hạnh phúc muôn đời. Ngài là ánh sáng, là sự sống và phước thái cho hết thảy mọi người, nhất là những ai thành tâm thiện chí muốn tìm gặp Ngài như các nhà đạo sĩ từ Phương Đông đi tìm gặp Chúa Hài nhi qua cuộc hành trình đức tin đầy thách đố, hy vọng và kiên cường như Tin Mừng Matthêu tường thuật: Một hành trình đầy kịch tính của những người khách lạ phương xa, tuy danh tính các ngài không được ghi rõ, chỉ kể sơ sơ là “có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến”, nhưng truyền thuyết đã ghi danh các vị là: Gaspar, Balthasar, Melchior. Từ ngạc nhiên khám phá ngôi sao lạ, cùng đăng trình không hẹn mà hò, đến cảnh xôn sao giao động tại Giêrusalem, rồi tới Bê lem điểm hẹn, cùng nghiêng mình bái thờ Chúa Hài nhi với báu vật trên tay, để rồi dìu nhau lặng lẽ tìm lối khác trở về quê nhà chan chứa niềm vui đổi đời với sứ vụ mới.
Tuy nhiên, hôm nay, ngày lễ Chúa Hiển Linh, chúng ta cùng nhau suy niệm vắn tắt đôi nét Thần Học và Tu Đức xuyên qua ba lễ vật được các nhà đạo sĩ dâng tiến Chúa Hài nhi là: Vàng, Nhũ Hương, Mộc Dược.
- Chiều kích thần học: khái quát như sau:
- Mộc dược: Biểu hiện nhân tính của Đức Giêsu, có nghĩa là mộc dược có tương quan đến sự chết, tượng trưng cho sự yếu đuối mỏng dòn, dễ bị tổn thương của con người, mà Đức Giêsu là con người thực sự, Ngài đã trải nghiệm mọi cảm xúc của con người như vui buồn, sợ hãi, cô đơn…như loài người chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi.
- Nhũ Hương: Biểu trưng cho Thiên Tính của Đức Giêsu như thánh Phaolô đã nói: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài” (Pl 2, 6-9).
- Vàng: Ngày xưa, người ta coi vàng là vua của mọi thứ kim loại. Vì thế, vàng tượng trưng cho đức vua, mà nhà vua là thủ lãnh ở trên tất cả. Vị vua lý tưởng thì lãnh đạo bằng tình thương và chính nghĩa. Đức Giêsu chính là vị vua lý tưởng ấy.
- Chiều kích tu đức: Ngoài một số khía cạnh chiều kích thần học vừa nói, các nhà tu đức còn giải thích và áp dụng như sau:
- Vàng: Tượng trưng lòng yêu mến, cũng như vàng là kim loại quý giá, sang đẹp bền vững, thì đức mến là nhân đức cao siêu tuyệt vời tồn tại muôn đời (1Cr 13, 1-3).
- Nhũ hương: Tượng trưng đời sống nội tâm cầu nguyện luôn kết hiệp mật thiết với Chúa, là linh hồn mọi hoạt động tông đồ và là nghĩa vụ tối thượng của đời sống Kitô hữu và thánh hiến tựa hương thơm bay tỏa trước tôn nhan Thiên Chúa.
- Mộc dược: Biểu hiện cuộc sống khổ hạnh, hy sinh hãm mình và canh tân “nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” (Rm 8, 29).
Hành trình đức tin là thế đó! Cuộc sống đạo là như lễ hiển linh như chúng ta vẫn hiểu là Chúa tỏ mình cho chư dân, nhắc nhở chúng ta sứ vụ truyền giáo. Các nhà đạo sĩ, nhờ ánh sáng sao lạ đã tìm ra Đấng Cứu Thế. Phần chúng ta cũng phải là những ánh sao thu hút những người đang khao khát tìm gặp Chúa. Nếu thế giới đang chìm đắm trong bóng tối của gian dối, hận thù, buồn phiền hay thất vọng, thì mong rằng chúng ta phải là ánh sao sáng của chân thành, yêu thương, tha thứ, của niềm vui, an hòa và hy vọng, như Chúa Giêsu đã nói: “anh em là ánh sáng trần gian” ( Mt 5, 14). Vậy chúng ta là người Kitô hữu, là tu sĩ hay giáo sĩ đều phải nỗ lực thực thi chức năng ấy, chứ đừng chỉ lo nguyền rủa bóng tối, nhưng hay dấn thân thắp lên những ngọn nến sáng của tin yêu hy vọng, bác ái chan hòa tình Chúa tình người như phương châm hành động của ngôn sứ Michea đề nghị là:
- Hãy hành động cho công bình.
- Yêu thương cho tha thiết.
- Và khiêm nhường cùng tiến bước với Thiên Chúa của bạn (Mk 6,8).
Và giờ đây, chúng ta cùng nhau chuẩn bị gặp gỡ Đức Giêsu không phải nơi máng cỏ Bê lem, mà nơi bàn tiệc Thánh Thể với của lễ hy tế, nguyện cầu và kính mến thiết tha để được đón rước chính quà tặng cao quý độc nhất vô nhị mà Chúa Cha đã trao ban.
LM PHÊRÔ KHOA-LÊ TRỌNG NGỌC