KHÔN NGOAN THẬT- Lễ Cha Thánh Biển Đức (11.07)

KHÔN NGOAN THẬT

(Cn 2, 1-9; 1Cr 1, 26-31; Mt 19, 27-29)

Duy Khiêm

Hôm nay toàn thể con cái thánh tổ Biển Đức hân hoan mừng ngày vinh thắng của Đấng Tổ Phụ trên trời. Sinh thời Ngài đã bỏ tất cả vinh hoa phú quý trần gian, rời xa chốn phồn hoa phố thị để tìm nơi thanh vắng cô tịch để sống một mình với Chúa.

Điều gì đã khiến chàng trai Biển Đức, lúc đó mới 14 tuổi, rời trung âm văn hóa của đế quốc là Rôma, nơi cậu đang theo học và đi tới Affile, sau đó đến ở hang động Subiaco trong 3 năm, và cuối cùng đến Montecassino để rồi hiến thân cho đời sống cầu nguyện trong nơi cô tịch, chọn lựa từ bỏ thế gian cách triệt để hầu tìm duy mình Chúa. Trong quyển “Đối Thoại” thánh Grêgôriô Cả cho chúng ta biết: “Vừa đến Roma, Biển Đức đã quay lui trở lại, vì trong khi tìm kiếm cho mình một chút khôn ngoan của người đời, lại có nguy cơ để mình rơi vào một hố sâu không đáy của việc ăn chơi trụy lạc. Vì chỉ muốn làm đẹp lòng một mình Thiên Chúa, Biển Đức đã đi vào nơi thanh vắng sống một mình với Thiên Chúa, đành chịu dốt nát một cách thông minh và thất học một cách sáng suốt.” Ở đây không nhằm đề cao sự ngu dốt nhưng muốn nói rằng tiêu chuẩn truyền cảm hứng cho thánh phụ Biển Đức không phải là tiêu chuẩn của xã hội thời đó, điều được coi là ngu dốt trước mặt người đời thì đã trở thành sự khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa. Chính trong bài đọc 2 thánh Phaolo đã nói điều này: “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1Cr. 1, 27-29). Cái khôn ngoan của thánh Biển Đức là khôn ngoan của một người bé mọn, người nghèo của Thiên Chúa, cái khôn ngoan không dựa vào lý trí lập luận của người đời mà là dựa vào khôn ngoan của Thiên Chúa, hoàn toàn để cho quyền năng của Chúa tác động lên cuộc đời mình. Ngài hiểu rõ rằng: “Chính Đức Chúa ban tặng khôn ngoan; tri thức và hiểu biết là nhờ Người mà có” (Cn 2,6). Cái lẽ khôn ngoan của Chúa mấy ai hiểu thấu: từ bỏ tất cả để nhận được gấp bội. Chính Chúa Giêsu quả quyết với thánh Phêrô: “phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (c. 29).

Thánh Biển Đức đã khôn ngoan khi xây dựng cuộc đời mình trên nền tảng của lòng yêu mến Chúa Kitô, ngài luôn tâm niệm “tuyệt đối không lấy gì làm hơn Chúa Kitô” (Tl ch 72,11). Ngài chấp nhận thất bại theo cái nhìn của người đời để có được sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì một sự thành công dù có hiển nhiên và rực rỡ cở nào đi nữa nếu không bám rễ sâu vào lòng yêu mến Chúa Kitô thì cũng cũng sẽ mai một hết. Thánh Biển Đức đã để lại di sản tâm linh to lớn và đã đóng góp cho sự phát triển của Giáo Hội, đặt biệt là Giáo Hội Châu Âu. Thánh Grêgôriô Cả đã xác quyết rằng: “nhờ cây Thập Giá, quyển sách và cái cày, thánh Biển Đức đã khôi phục lại nền văn mình Âu Châu”, đem lại những lợi ích thiết thực cho xã hội thời bấy giờ. ĐTC Phaolo Đệ Lục giải thích thêm: “Nhờ Thập Giá”, nghĩa là nhờ luật Chúa Kitô, ngài đã củng cố và làm phát triển đời sống cộng đoàn cũng như cá nhân… Thứ đến “nhờ cuốn sách”, nghĩa là nhờ văn hóa đầy óc sáng tạo, thánh Tổ Biển Đức cũng như các đan viện mang danh ngài đã dày công sao chép vô số tài liệu trong kho tàng văn học và nghệ thuật cổ thời để rồi bảo trì và truyền lại cho các thế hệ tương lai, cũng như đã đào sâu đạo lý phong phú tàng ẩn trong đó. Sau hết “nhờ cái cày”, nghĩa là qua nông nghiệp, các đan sĩ Biển Đức đã biến những vùng đất bạt ngàn hiểm trở thành những cánh đồng màu mỡ và những mảnh vườn xinh tươi.”

Khi đã thành lập đời sống đan tu, thánh Biển Đức dùng chính môi trường đan viện để cảm hóa những người man di. Và suốt dòng lịch sử thời trung cổ, các đan sĩ đã cộng tác với Giáo Hội để Tin Mừng hóa những người man di mọi rợ và xây dựng cả khối Châu Âu trên nền tảng Tin Mừng. Người đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên văn hóa và đời sống tôn giáo tại Tây Phương đến nỗi người ta gọi người là “cha của Châu Âu”. Có lẽ đây là một trong những lý do mà năm 1964 Đức Phaolo Đệ Lục đã tôn phong Ngài làm Quan thầy của Châu Âu. Ngài cũng được coi là Tổ Phụ của giới Đan Sinh Phương Tây nữa.

Việc mừng kính thánh Tổ Biển Đức hôm nay cũng là dịp mời gọi các đan sĩ chúng ta là con cái của ngài ý thức và làm sống động di sản tâm linh trong thời đại mình. Lời ĐTC Biển Đức XVI nhắc nhở chúng ta đâu là mấu chốt đời sống của người đan sĩ, ngài bảo: “Từ người Cha của giới Đan sinh Tây Phương, chúng ta biết được lời khuyên đã để lại cho các đan sĩ trong Tu Luật của ngài như sau: “Các đan sĩ tuyệt đối không lấy gì làm hơn Chúa Kitô” (Tl 72, 11; x. 4, 21)… Tôi khẩn xin thánh Benedictô giúp chúng ta giữ vững tính cách trung tâm của Chúa Kitô trong cuộc đời chúng ta. Ước chi Chúa Kitô luôn chiếm chỗ nhất trong những tư tưởng chúng ta cũng như trong mọi hoạt động của chúng ta.” Điều này quả là thách đố lớn cho con người thời đại chúng ta, khi mà nấc thang giá trị đang bị đảo lộn: tiền tài, danh vọng và những giá trị vật chất đang chiếm chỗ nhất.

Nhờ lời chuyển cầu của thánh Biển Đức, chúng ta cùng nguyện xin Chúa dạy chúng ta biết sống khôn ngoan, biết buông bỏ những gì là vô thường chóng qua và theo đuổi những giá trị thường hằng bất biến; biết dựa vào Thiên Chúa và không bao giờ cậy vào sức riêng. Biết phụng sự Chúa trên hết và không quý chuộng gì hơn tình yêu Chúa Kitô. Biết rằng những gì chúng ta từ bỏ vì danh Đức Kitô chẳng là gì so với muôn phúc lành Chúa ban cho. Xin thánh Biển Đức cầu bầu cùng Chúa cho thế giới vượt qua cơn đại dịch Covid-19 này.

 

You May Also Like

Trả lời

X