KITÔ GIÁO LÀ ĐẠI TÌNH YÊU

Kitô Giáo Là Đạo Tình Yêu 
(Gr 20,7-9; Rm 12,1-2; Mt 16,21-27)

Trong cuộc sống, chúng ta có thể gặp những người, tự nhận mình là người vô thần hoặc không phải là Kitô hữu, đã chất vấn chúng ta rằng: Tại sao các anh chị lại có thể kiên trì đi đến nhà thờ mỗi ngày để chỉ được nghe linh mục cứ lặp đi lặp lại một số công thức trong các thánh lễ vậy? Thánh Lễ có gì vui hay có gì hấp dẫn khi nội dung các lời đọc thường giông giống nhau, chỉ trừ có bài giảng của các linh mục là hơi khác nhau? Trước những câu hỏi như thế, một vị linh mục đã trả lời rằng: Vì bạn ở bên ngoài nên bạn chỉ nhìn thấy được những cái hữu hình, còn chúng tôi là những người ở bên trong nên chúng tôi nhìn thấy được những điều vô hình và chính những điều vô hình ấy lôi cuốn chúng tôi đến với nhà thờ, đến với Thánh Lễ.

Việc nhìn thấy được những cái vô hình chính là khả năng của một tình yêu, bởi mọi người hoặc mọi điều chỉ nên đẹp trong con mắt của những người yêu mình hoặc yêu chúng. Theo đặc tính này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Kitô giáo là một Đấng yêu thương tôi vô hạn, Người kêu gọi tình yêu của tôi. Kitô giáo là Đức Kitô” (Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô hằng sống, số 156).

Nội dung các bài đọc trong thánh lễ Chúa Nhật 22 thường niên, Năm A, giới thiệu cho chúng ta biết sự liên hệ giữa con người với Thiên Chúa cũng là một sự liên hệ trong một ‘mối tình’.

Bài đọc I sử dụng động từ “quyến rũ” là động từ có nội dung đúng với bản chất và sắc diện của một mối tình. Thiên Chúa đã ‘quyến rũ’ tiên tri Giêrêmia và tiên tri đã không cưỡng lại được. Có những lúc tiên tri Giêrêmia muốn quên Chúa mà không quên nổi … Đây đích thực là một trong những đặc tính của tình yêu. Khi ở bên nhau, đôi tình nhân luôn có những cảm giác hay ý tưởng đối nghịch nhau. Họ vừa cảm thấy có nhau, thuộc về nhau nhưng cũng có cảm giác sợ mất nhau, sự người yêu phản bội mình nên họ luôn muốn hỏi người yêu rằng: “Anh/ Em có thương Em/ Anh không?”

Theo Bài đọc I, tiên tri Giêrêmia là người vừa cảm nghiệm được sự hiện diện thiêng liêng và tròn đầy của Thiên Chúa trong cuộc đời mình nhưng đồng thời cũng khám phá ra một thực tại khác có đôi chút phũ phàng về sự thiếu vắng của Thiên Chúa nơi những con người và những thực tại ở chung quanh ông. Cảm nghiệm này không đến từ sự thiếu vắng thực sự của Thiên Chúa nhưng đến từ những cám dỗ muốn con người từ chối hay quên lãng sự hiện diện của Chúa trong lịch sử đời mình. Do đó, nếu chỉ đóng khung tầm nhìn của mình trong những giới hạn của những thực tại hữu hình hoặc trần gian thì con người không thể tiếp nhận được ơn gọi và sứ mạng ngôn sứ của mình. May mắn thay, Thiên Chúa đã đặt trong con người một khả năng luôn muốn hướng tới vô biên, hướng tới tương lai sẽ được hoàn thiện trong Thiên Chúa. Nhờ khả năng này, con người, đặc biệt là các ngôn sứ hay các môn đệ của Đức Giêsu, sẽ nhận ra ơn gọi và sứ mạng của mình có giá trị vượt trên mọi tính toán của trần gian.

Như thế, khởi điểm của ơn gọi ngôn sứ là niềm tin vào Thiên Chúa. Niềm tin này lại được diễn tả trong sự khao khát tìm kiếm Tôn Nhan Thiên Chúa và trung thành phụng sự Ngài với một con tim trong sáng và một lương tâm ngay thẳng. Rồi một khi đã khao khát, đã tìm kiếm và cảm nghiệm được niềm hạnh phúc trong sự hiện diện của Thiên Chúa, các ngài lại bị thúc bách để chỉ cho người khác thấy Thiên Chúa ‘đang thiếu vắng’ trong họ hay trong những thực tại chung quanh họ. Hành động này là phản ánh lại một trong những đặc tính của tình yêu.

Theo Bài đọc II, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rôma “hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1-2). Sự hiến dâng này cũng đúng theo phong cách của sự hiến dâng trong tình yêu. Nhưng nhớ rằng nếu chúng ta không tự nguyện hiến dâng thì Thiên Chúa cũng sẽ lấy đi. Vì thế, ai khôn ngoan thì hãy vui vẻ dâng hiến để được Thiên Chúa chúc phúc.

Thiên Chúa lấy của những ai không tự nguyện dâng hiến không phải để làm nhục, làm đau, làm khổ họ nhưng là vì muốn họ chiếm được Ngài làm gia nghiệp. Ai trong chúng ta cũng sẽ nhận ra điều đó khi chúng ta chết. Bởi đó, một tình yêu chân thật luôn có khả năng giúp chủ thể của nó tìm kiếm những giá trị cao quý hơn bản thân trong những hành vi hiến thân của mình.

Cao hơn, Bài Tin Mừng ghi nhận những cặp động từ, những cặp tình huống và những cặp kết quả đối nghịch nhau để mời gọi chúng ta hãy chọn cho mình cách hành động sao cho “chung vui lối về” với Thiên Chúa. Một số ghi nhận: “Con Thiên Chúa hằng sống – Con người phải đi Giêrusalem … bị giết chết”; “kéo riêng ra – lui lại sau Thầy”; “tư tưởng của Thiên Chúa – tư tưởng của loài người”; “từ bỏ mình – vác thập giá”; “muốn cứu – sẽ mất”; “ai mất – thì được” …

“Cùng chung lối về’ với Thiên Chúa chính là nguyên tắc: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống mình, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26).

Nên nhớ rằng, chúng ta và mọi người đều có khả năng hy sinh nhưng nhiều người không dám hy sinh vì người ta không biết mình phải hy sinh cho ai và hy sinh vì mục đích gì? Người ta tìm được ý nghĩa cho cuộc sống và cho sự dấn thân của mình nơi ý nghĩa và mục đích của sự hy sinh.

Với tư cách là Đấng đã yêu thương chúng ta đến vô hạn, Đức Giêsu đã dạy chúng ta cách sống mối liên hệ tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa và với chính Ngài qua lời mời gọi chúng ta hãy “vác thập giá hằng ngày”.

Hình khổ “vác thập giá” là hình khổ biểu tượng của sự từ bỏ triệt để và thậm chí là để mang nỗi nhục tận cùng của con người.

Cứ hình dung một tử tội phải vác thập giá mình để đi thụ án thì sẽ rõ. Người ta sẽ hành hạ, sỉ nhục tội nhân như thế nào.

Lời mời gọi vác thập giá là lời mời gọi người môn đệ “trút bỏ” mọi sự nơi mình để được nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu trong đời sống và cái chết của Ngài. Đi theo Đức Giêsu là chọn điều tốt nhất nên phải từ bỏ những điều ít tốt hơn chứ không phải là phủ nhận tất cả. Thế giới này tự thân nó không xấu nhưng khi đã chọn theo Đức Giêsu thì biết rằng mình phải từ bỏ những lời mời gọi của thế giới. Điều chúng ta phải luôn nhắc mình là: Tôi đi theo ai nên tôi phải chống lại cái gì?

Từ bỏ mình không có nghĩa là hủy diệt mình hoặc chống lại mình, vì mạng sống của chúng ta ở đời này và ở đời sau đều rất quý giá, nhưng là bắt mình phục vụ Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài, vì “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống mình, thì nào có lợi gì?” (Mt 16,26).

Từ bỏ mình là từ bỏ những thèm muốn hoặc những xu hướng hưởng thụ tự nhiên để tìm kiếm những phúc lợi thiêng liêng cho mình và cho mọi người.

Nhiều người đi theo đời và phục vụ đời nên được đời chiều chuộng và trả công nên họ lầm tưởng mình tài giỏi mà thành công. Nhưng đời chỉ ưu đãi họ khi nào họ còn chịu làm nô lệ cho nó, chứ đời và tiền bạc vốn là “rất bạc”.

Suy niệm: “Kitô giáo không phải là một bộ sưu tập các chân lý để tin, các qui tắc để tuân theo, hay các cấm đoán. Nhìn theo cách ấy, nó làm ta nản lòng. Nhưng Kitô giáo là một Đấng yêu thương tôi vô hạn, Người kêu gọi tình yêu của tôi. Kitô giáo là Đức Kitô” (Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô hằng sống, số 156).

Fm. Gioan Maria Vianey

You May Also Like

Trả lời

X