Lắng Nghe Cầu Nguyện Bằng Thánh Vịnh

LẮNG NGHE

CẦU NGUYỆN BẰNG THÁNH VỊNH

 

FM. Giuse Phan Văn Phi

Các Thánh vịnh là những bản văn giúp chúng ta cầu nguyện cách tuyệt hảo, vì nó chứa đựng Lời Thiên Chúa nói với con người, đồng thời, cũng là lời của con người khẩn nài lên cùng Thiên Chúa xuyên qua tâm tình của các Vịnh gia. Vì được coi là chứa đựng Lời Thiên Chúa nên Thánh vịnh trở thành Quy điển Kinh Thánh trong kho tàng mặc khải của Giáo Hội. Có lẽ trong toàn bộ Kinh Thánh, không có nơi nào mà cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người đạt tới mức sâu sắc và hòa quyện với nhau cách trọn vẹn như trong các Thánh vịnh[1]. Các Thánh vịnh gồm những lời cầu nguyện, những tâm tình hướng về Chúa, được các tín hữu hát lên. Vì thế, không chỉ đơn giản đọc lên bằng miệng, mà còn bằng cả con người với lòng trìu mến và trí tưởng tượng nữa. Ít ra, các Thánh vịnh cũng được hát lên trong tâm hồn để có thể nghe sứ điệp của nó[2]. Tuy nhiên, riêng tại Giáo hội Việt Nam, giáo dân vẫn chưa có thói quen cầu nguyện bằng Thánh vịnh, ngoại trừ giáo sĩ và tu sĩ. Mặt khác, ngày nay có biết bao thách đố về khoa học và tôn giáo, về văn hóa và xã hội, đạo đức và lối sống, con người muốn tự lập khỏi vòng tay yêu thương che chở của Thiên Chúa; giới tu sĩ linh mục vốn luôn cầu nguyên với Thánh vịnh, hãy tự vấn mình rằng: ngày hôm nay, Lời Chúa nói chung và các Thánh vịnh nói riêng, liệu có còn là Lời Chúa nói với chúng ta, và là lời của chúng ta dâng lên Thiên Chúa nữa chăng? Các Thánh vịnh nói với chúng ta và với thế giới điều gì? Chúng ta lắng nghe cầu nguyện qua các Thánh vịnh ra sao?

1. Tầm quan trọng của việc lắng nghe và cầu nguyện bằng Thánh vịnh

Câu hỏi đặt ra là, tại sao các Thánh vịnh không phát sinh từ thời Tân Ước, nhưng lại được Giáo Hội quý trọng và nhìn nhận là lời kinh của Giáo Hội? Thưa, vì Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa nói với loài người, còn Thánh vịnh là lời của con người đáp lại Thiên Chúa. Nhưng lời đáp này không phải do con người tự nghĩ ra, mà là do chính Thiên Chúa linh hứng, soi sáng cho con người viết ra. Con người cung kính lắng nghe Lời Chúa, suy niệm trong lòng, và mở miệng đáp lại Lời Chúa. Nhưng lời đáp trả của họ sẽ ít có giá trị, sẽ không xứng đáng với Thiên Chúa nếu không được chính Người nhắc bảo cho: “Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26). Những lời của Thiên Chúa nhắc nhở cho chúng ta chính là Thánh vịnh, lời kinh được linh hứng. Chính vì thế, Thánh vịnh có một vị trí đặc biệt và được Giáo Hội quý chuộng cách riêng[3]. Các Thánh vịnh dạy chúng ta rằng, trong việc cầu nguyện, ngay cả trong lúc thất vọng, trong lúc đau khổ nhất, thì sự hiện diện kiên định của Thiên Chúa vẫn là nguồn mạch kỳ diệu và đầy ủi an[4]. Đấng luôn lắng nghe tiếng chúng ta cầu xin, và muốn chúng ta lắng nghe Người, qua việc cầu nguyện bằng Thánh vịnh: “Lạy Chúa Trời, xin lắng nghe lời con cầu nguyện, con khẩn nài, xin đừng nỡ làm ngơ” (Tv 55,2).

Quả thật, các Thánh vịnh dạy chúng ta lắng nghe và cầu nguyện. Trong đó, Lời Thiên Chúa trở thành lời cầu nguyện – là những lời của tác giả Thánh vịnh được linh hứng – cũng trở thành lời của con người cầu nguyện. Đây là vẻ đẹp và sự độc đáo của quyển Sách Thánh này: những lời cầu nguyện chứa đựng trong đó, không giống như những lời cầu nguyện khác mà chúng ta thấy trong Kinh Thánh, chúng không bị lồng vào một trình thuật xác định ý nghĩa và chức năng của chúng. Các Thánh vịnh được ban cho cộng đoàn tín hữu như một cuốn sách cầu nguyện, mà mục đích duy nhất của nó là để trở nên lời cầu nguyện của người lãnh nhận, và với những lời này họ thưa với Thiên Chúa bằng chính lời của Thiên Chúa. Những người cầu nguyện bằng Thánh vịnh nói về Thiên Chúa bằng chính những lời mà Người đã ban cho chúng ta, thưa chuyện với Người cũng bằng những lời mà chính Người đã ban cho ta. Vì thế, khi cầu nguyện bằng Thánh vịnh chúng ta cũng học cách lắng nghe. Các Thánh vịnh là một trường học dạy lắng nghe cầu nguyện.

2. Hiểu Thánh vịnh theo nghĩa Kitô giáo

Thật vậy, bằng một tâm thức sâu sắc, truyền thống đã nhận ra và xác định, chính Đức Kitô, trong mầu nhiệm của Người là “chìa khóa” tuyệt vời để hiểu các Thánh vịnh. Các Giáo phụ đã mạnh mẽ xác tín rằng, các Thánh vịnh đều nói về Đức Kitô. Thật vậy, Chúa Giêsu phục sinh đã áp dụng các Thánh vịnh vào chính bản thân mình, khi Người nói cùng các môn đệ: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24,44). Các Giáo phụ còn nói thêm rằng, Chúa Kitô được nói đến trong Thánh vịnh, hoặc chính Chúa Kitô nói qua các Thánh vịnh[5]. Khi nói điều này, các Giáo phụ đã không chỉ nghĩ về cá nhân Đức Kitô, mà còn về Đức Kitô toàn thể (Christus totus), bao gồm Đức Kitô là Đầu và các chi thể của Người là Giáo Hội nữa. Do đó, các Kitô hữu có thể cầu nguyện với các Thánh vịnh dưới ánh sáng của toàn bộ mầu nhiệm Chúa Kitô. Quan điểm tương tự này cũng mang lại chiều kích Giáo Hội, được đặc biệt nhấn mạnh khi các cộng đoàn cùng nhau hát các Thánh vịnh trong phụng vụ. Do đó, chúng ta có thể hiểu tại sao ngay từ những thế kỷ đầu, các Thánh vịnh đã được dùng như là lời cầu nguyện của toàn Dân Chúa. Sách Thánh vịnh được trình bày như một “công thức” cầu nguyện, một tuyển tập gồm 150 Thánh vịnh mà truyền thống Kinh Thánh trao ban cho cộng đoàn tín hữu để kinh nguyện trở thành của mình, thành kinh nguyện của chúng ta, cách thức chúng ta thân thưa với Thiên Chúa và liên hệ với Người[6].

Ngay trong Tân Ước, chúng ta đã thấy rằng, các Thánh vịnh được áp dụng vào Đức Kitô; việc áp dụng này được nghiên cứu tỉ mỉ và minh chứng thần học trong các tác phẩm của nhiều Giáo phụ. Đặc biệt, trong tập bài giảng của ngài về các Thánh vịnh (Enarrationes in Psalmos), thánh Augustinô đã đặt ra nguyên tắc mà sau này sẽ là một sự hướng dẫn cho Giáo Hội cầu nguyện bằng các Thánh vịnh. Việc Giáo Hội dùng Thánh vịnh dựa trên giáo thuyết tiên trưng (typology): Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử cứu độ khiến cho một số nhân vật, biến cố và sự vật trong Cựu Ước phải được coi như những tiên trưng (types), nghĩa là hình bóng báo trước những nhân vật, biến cố và sự vật tương ứng trong Tân Ước, trong Giáo Hội. Như vậy, trong Thánh vịnh, người nói là Đavít, tiên trưng cho Đức Kitô, chữ “tôi” trong các Thánh vịnh có thể được coi như chính Đức Kitô nói. Chữ “chúng tôi” trong các Thánh vịnh là dân Israel, tiên trưng cho Giáo Hội. Còn chữ “Đức Chúa” trong các Thánh vịnh có thể là Giavê, Thiên Chúa của Israel, hoặc cũng có thể hiểu là Đức Chúa (Kyrios) của các Kitô hữu, một danh hiệu được các Kitô hữu áp dụng cho Đức Giêsu, Chúa chúng ta.

Như vậy, có 3 cách hiểu về một Thánh vịnh theo nghĩa Kitô giáo.

a) Lời của Đức Kitô thưa với Chúa Cha, thánh Augustinô muốn nhấn mạnh rằng, đó là lời của Đức Kitô toàn thể (Christus totus), gồm có đầu và các chi thể. Cộng đoàn Kitô đọc hay hát Thánh vịnh, là chính Đức Kitô đang cầu nguyện[7]. Các chi thể cầu nguyện nhân danh Đức Kitô, họ nói lên tiếng nói và tâm tình của chính Đức Kitô. Cách hiểu này có thể áp dụng cho phần lớn các Thánh vịnh van xin và tạ ơn. Đức Kitô vẫn hiện diện ở trần gian trong các chi thể của Người, xin Thiên Chúa cứu giúp trong cảnh ngặt nghèo, hoặc tạ ơn Thiên Chúa đã cứu giúp. Quan điểm Kitô giáo về tính liên đới này rất quan trọng trong phụng vụ cầu nguyện. Ví dụ, cho dù một Thánh vịnh van xin nói lên cảnh gian truân đau khổ cùng cực mà chính cá nhân người Kitô hữu không phải nếm trải, thì người đó vẫn có thể và vẫn phải hiệp thông với lời cầu nguyện của Thánh vịnh, thay mặt cho những chi thể khác của Đức Kitô đang gặp phải cảnh gian truân ngặt nghèo.

b) Lời của Giáo Hội thưa với Chúa Cha về Đức Kitô, được diễn tả trong các Thánh vịnh vương đế và Mêsia, là những Thánh vịnh tạ ơn Thiên Chúa đã chúc phúc cho vua thuộc dòng tộc Đavít, hoặc cầu xin cho vua ấy. Xem những chỗ áp dụng Thánh vịnh vào Đức Kitô trong sách Công vụ Tông đồ: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị” (Cv 2,34 nói về Tv 110); “Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường” (Cv 4,11 nói về Tv 118); “Sao chư dân lại ồn ào náo động, sao vạn quốc dám bày kế viển vông?Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương” (Cv 4,25-26 ám chỉ về Tv 2).

c) Lời của Giáo Hội thưa với chính Đức Kitô, Giáo Hội lữ hành có thể dâng lời ca tụng và cầu xin lên Đức Kitô, Bạn Trăm Năm của Giáo Hội, Đấng đã đổ máu ra để cứu chuộc và thanh tẩy Giáo Hội. Thói quen trực tiếp dâng lời cầu nguyện lên Đức Kitô, là Đức Chúa và là Đấng Cứu độ, đã có ngay từ thời các Kitô hữu tiên khởi. Trong sách Công vụ Tông đồ, chương 7,59, ta thấy thánh Stêphanô thưa với Chúa Giêsu gần như chính những lời Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha trong Tin Mừng Luca, chương 23,46; lời này dẫn Thánh vịnh 31,6. Việc chuyển đổi đối tượng này dễ dàng hơn, do bản Hy Lạp và bản La Tinh dịch chữ “Giavê – Yahweh”, tên của Thiên Chúa trong Cựu Ước là “Đức Chúa” (Kyrios hay Dominus), và cũng chính là danh hiệu “Đức Chúa” được Tân Ước áp dụng cho Đức Kitô. Ví dụ câu: “Chúa là Mục tử chăn dắt tôi” (Tv 23,1), dễ dàng được đặt liên hệ với câu: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành” (Ga 10,11).

Lưu ý tới 3 nguyên tắc trên trong lời cầu nguyện, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu hơn rằng, vì sao các Thánh vịnh được mến mộ trong Giáo Hội qua bao nhiêu thế kỷ, và các Thánh vịnh ấy có thể giúp chúng ta cách hữu hiệu biết bao để ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa trong khi chúng ta lắng nghe Người[8].

3. Áp dụng vào thực tiễn

Theo thánh Athanasiô, trong Thánh vịnh, mỗi người tìm thấy chính mình “như trong tấm gương soi”, Thánh vịnh có một chỗ đứng đặc biệt trong Kinh Thánh, vì hầu hết các sách trong Kinh Thánh nói với chúng ta, trong khi các Thánh vịnh nói thay cho chúng ta[9]. Tuy nhiên, có lẽ một lý do khiến chúng ta không dễ thực hành lắng nghe và cầu nguyện là vì chúng ta sợ sự thinh lặng trống rỗng, sợ không nghe thấy lời nào cả. Chúng ta sợ lãng phí thời gian, chúng ta không thể tận hưởng được niềm vui đơn giản là khi được ở bên Chúa. Tuy nhiên, chính Chúa lại vui thích để cho chúng ta được ngồi bên chân Chúa và tận hưởng niềm vui khi được ở với Người (x. Lc 10,38). Làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu lắng nghe trong cầu nguyện?

Suy gẫm về Thánh vịnh:Sau khi học hỏi về Thánh vịnh, hãy chọn một câu, một cụm từ hoặc một từ để suy gẫm, và từ từ lặp đi lặp lại câu đó. Hãy cầu xin Chúa những điều Người muốn nói với mình, “phần con vẫn gẫm suy huấn lệnh Ngài” (Tv 119,78). Hãy chọn một câu chẳng hạn như: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 23,1). Hãy suy niệm về câu Thánh vịnh đó và đặt câu hỏi cho thấy những gì chúng ta có thể đang chiêm ngưỡng.

Hát và cầu nguyện bằng các Thánh vịnh:Đòi hỏi đầu tiên cho một buổi cử hành Phụng vụ tốt, phải là tinh thần cầu nguyện, đàm đạo với Thiên Chúa, trước hết là lắng nghe và sau đó đáp lời. Trong Tu Luật của mình, thánh phụ Biển Đức đã dạy các đan sĩ về việc cầu nguyện bằng Thánh vịnh thế nào cho “tâm trí hòa hợp với lời ca – mens concordet voci[10]. Sau khi đọc một Thánh vịnh, hãy bắt đầu hát Thánh vịnh đó theo giai điệu mà mình biết. Tôi thấy rằng hát một bài Thánh vịnh giúp tôi suy gẫm về Thánh vịnh đó bằng cách gia tăng sự liên hệ của tôi với những gì tôi đang đọc, ví dụ: “Hỡi vương quốc trần gian, nào hát khen Thượng Đế, hãy đàn ca mừng Chúa” (Tv 68,33). Các đan sĩ chiêm niệm, mỗi ngày có bảy giờ Kinh Phụng vụ, chìm sâu trong các cung bậc tuyệt vời của các Thánh vịnh, để phụng sự Thiên Chúa, và để cầu nguyện cho tha nhân. “Khi đọc hoặc hát Thánh vịnh trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ thì chúng ta không đọc nhân danh cá nhân, mà nhân danh Nhiệm Thể Chúa Kitô, và có thể nói là đại diện cho chính Chúa Kitô nữa[11].

Viết nhật ký về lời cầu nguyện:Các bậc thầy thiêng liêng thường khuyên chúng ta hãy viết ra những lời cầu nguyện của mình với Chúa và chờ đợi sự đáp trả của Người. Việc viết ra giúp chúng ta tập trung suy nghĩ và tâm hồn chúng ta thêm sâu sắc hơn. Hãy viết một điều gì đó bạn muốn nói với Chúa. Sau đó lắng nghe và cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn khôn ngoan và ơn hiểu biết về những gì bạn đang cầu nguyện bằng Thánh vịnh. Có một phụ nữ thường cất giữ danh sách những lời cầu xin đặc biệt của bà đối với Chúa. Bà đặt tờ danh sách đó vào trong cuốn Kinh Thánh và thỉnh thoảng kiểm tra lại, bà hết sức ngạc nhiên nhận ra rằng, rất nhiều trong số những lời cầu xin được đáp trả ngược với điều bà mong ước. Chẳng hạn một lời cầu xin đã được đáp trả bằng sự thay đổi thái độ đối với người khác. Kinh nghiệm của người phụ nữ mời gọi chúng ta tự hỏi: Thiên Chúa đáp ứng lời cầu xin của tôi hoàn toàn khác với điều tôi mong ước khi nào? Tôi đã kiên trì cầu xin ra sao?

Lắng nghe Thiên Chúa nói qua công trình sáng tạo của Người: Các Thánh vịnh trình bày cho chúng ta thấy sự vĩ đại của Thiên Chúa, được thể hiện qua công trình sáng tạo: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19,1). Sự sáng tạo nói lên quyền năng và sự thánh thiện của Thiên Chúa tình yêu. Nếu đưa mắt nhìn thế giới xung quanh mình, việc đọc Thánh vịnh giúp chúng ta nhìn ra những dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi ngồi trên một bãi biển, Thiên Chúa nhắc nhở tôi rằng, tình yêu của Người dành cho tôi thì không hề đổi thay. Lướt ngón tay trên cát, tôi nhớ những lời Thánh vịnh của thánh vương Đavít rằng: “Lạy Chúa, con thấy tư tưởng Ngài khó hiểu biết bao, tính chung lại, ôi nhiều vô kể! Đếm sao nổi, vì nhiều hơn cát; dù có đếm xong, con vẫn ở với Ngài” (Tv 139,17-18). Chúng ta cám ơn Chúa vì những công trình lạ lùng do tay Chúa thực hiện.

Ứng trực trước nhan Chúa:Trong tư thế tĩnh lặng này, chúng ta có thể lắng nghe Chúa cách sâu sắc hơn. Chúng ta tôn vinh Thiên Chúa bằng cách bày tỏ sự sẵn sàng ở lại trong sự hiện diện của Chúa. Khi chúng ta ở lại với Chúa trong đức tin và trong sự vâng phục, chính Chúa sẽ gia tăng ước muốn của chúng ta để biết lắng nghe Chúa[12], để cảm nhận Chúa thật gần gũi biết bao: “Thật con ở với Chúa luôn, tay con Ngài nắm chẳng buông chẳng rời” (Tv 73,23). Trong một sáng tác mới, nhạc sĩ trẻ Thiên Nhân của dòng Xitô, trong bài hát “Cho con tin Chúa”, đã có một câu hát tuyệt vời như sau: “Cho con tin vào Chúa, tin rằng Chúa vẫn mãi bên con, luôn lắng nghe tiếng con kêu cầu[13]. Lời hát cất lên như là âm vang đâu đó tâm tình của chính các Thánh vịnh vậy, thật tuyệt vời biết bao!

Trong sách Thánh vịnh, toàn thể kinh nghiệm của con người với nhiều khía cạnh của nó, cùng toàn bộ cảm tình đi kèm theo đời sống con người được diễn tả. Trong các Thánh vịnh, những cảm tình ấy đan quyện với nhau và bày tỏ niềm vui và đau khổ, lòng khao khát Thiên Chúa và ý thức về tình trạng bất xứng của mình, hạnh phúc và cảm giác bị bỏ rơi, lòng tín thác vào Thiên Chúa và sự cô đơn tê tái, sự sung túc của cuộc sống cùng nỗi lo sợ trước cái chết. Toàn thể thực tại được tuôn đổ vào lời cầu nguyện mà các tín hữu, trước hết là dân Israel, và sau đó là Giáo Hội, đã dùng để suy niệm về mối liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa, và cách đáp trả thích hợp duy nhất đối với việc tỏ mình ra trong lịch sử: “Tôi cất lời kêu lên cùng Chúa, lời tôi kêu Chúa, xin Người lắng nghe” (Tv 77,2).

Trong cơn đại dịch Covid-19, có lẽ cảm hứng từ những Thánh vịnh kêu xin, một nhạc sĩ trẻ khác của Hội dòng Xitô cũng đã dệt lên những lời ca nguyện tha thiết như: “Con nguyện xin Thiên Chúa, thương lắng nghe chúng con nài xin, mà ra tay chữa lành, cứu chúng con thoát khỏi hiểm họa. Bởi dịch bệnh và nghèo đói đang diễn ra khắp nơi. Nguyện xin Ngài thương xót[14]. Những lời kinh tiếng hát tuyệt vời như thế dễ đưa tâm hồn người cầu nguyện lên cùng Chúa, và xác tín rằng Thiên Chúa sẽ lắng nghe và đáp lời.

Thay lời kết Học lắng nghe và cầu nguyện bằng Thánh vịnh, mặc lấy tâm tình của các vịnh gia để nghe được điều Chúa nói với chúng ta, và mặc khải sự vĩ đại của Người dành cho chúng ta trong mọi loài thụ tạo. Trọn cả cuộc sống phải nối kết trong cuộc đối thoại với Chúa, cuộc đối thoại đến từ lời cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và lắng nghe tha nhân: “Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, lắng nghe con nài van, bởi Ngài thành tín, đáp lại lời con, vì Ngài công minh” (Tv 143,2). Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã nói rằng, chúng ta hãy cầm quyển Sách Thánh vịnh lên, hãy để cho chính Thiên Chúa dạy chúng ta cách thưa chuyện với Người, hãy biến sách Thánh vịnh thành một hướng dẫn viên giúp chúng ta và đồng hành với chúng ta trong đời sống cầu nguyện hằng ngày: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”(Tv 119,105).Và chúng ta cũng khẩn khoản như các môn đệ của Đức Giêsu rằng:“Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1), bằng cách mở tâm hồn mình ra để đón nhận lời cầu nguyện của Thầy Chí Thánh, mà trong Người tất cả mọi lời cầu nguyện đều được thực hiện[15]. “Lạy Chúa, con kêu lên cùng Chúa, xin Ngài mau đến phù trợ con. Xin lắng nghe lời con, khi con kêu lên Ngài” (Tv 141,1). Cuối cùng thì không có lời cầu nguyện nào mà không được nhận lời, miễn là lời cầu nguyện được thực hiện “nhân danh Đức Kitô”, Đấng, trong tất cả mọi sự, luôn tìm kiếm thánh ý tuyệt vời của Chúa Cha (x. Ga 14,13-14). Chúng ta hãy tín thác đời mình cho thánh ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Bởi “giá trị của một lời cầu xin bền bỉ, không phải là Thiên Chúa lắng nghe chúng ta, nhưng là cuối cùng, chúng ta biết lắng nghe Thiên Chúa[16].


[1] x. Lm Bernard Phạm Hữu Quang, PSS & Lm Phaolô Nguyễn Văn Bình, PSS, SÁCH THÁNH VỊNH, tìm hiểu giải thích và cầu nguyện, NXB. Đồng Nai, 2019, tr. 5.

[2] x. Đức Hồng y Carlo Martini, Le désir de Dieu – Prier les Psaumes; Khát khao Thiên Chúa – Cầu nguyện với Thánh vịnh, Cerf, Paris 2004, Lâm Nguyễn dịch, tr. 9.

[3] x. Lm Hoàng Đắc Ánh, OP, Lm Trần Phúc Nhân, Như Hương Trầm, tủ sách Đại kết, 1997, tr. 13.

[4] x. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, Cầu nguyện, chuyển ngữ, Giuse Phan Văn Phi, O.Cist., NXB. Đồng Nai, 2019, tr. 76tt.

[5] x. Pope John Paul II and Pope Benedict XVI, Psalms and Canticles, Mediations and Catechesis on the Psalms and Canticles, Catholic Truth Society, 2006, tr. 23.

[6] x. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, Cầu nguyện, chuyển ngữ, Giuse Phan Văn Phi, O.Cist., NXB. Đồng Nai, 2019, tr. 76-83.

[7] x. Benedict J. Groeschel, C.F.R, Listening at Prayer, Paulist Press, New York/ Mahwah, 1984, tr. 2.

[8] x. R. A. F MacKenzie, S.J., The Book of Psalms (Old Testament reading guide), 1967, tr. 4-5.

[9] x. Bernard W. Anderson, Out of the Depths. The Psalms speak for us today, Philadelphia, The Wesminster Press, 1977, tr. 10.

[10]  x. Tu luật Thánh phụ Biển Đức, chương 19,7.

[11] Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh Phụng Vụ, 1992, số 108.

[12] x. Stacey Patrick, The Listening Side of Prayer, from issue 95 ofDiscipleship Journal. Used by permission of Nav Press, February 11th 2019.

[13] Nhạc sĩ Thiên Nhân, O.Cist., bài hát: “Cho con tin Chúa”, sáng tác 2020.

[14] Nhạc sĩ Phaolô VI Chu Văn Nhung, O.Cist., bài hát: “Lời kinh dâng Chúa, mùa Covid-19”, sáng tác 2020.

[15] x. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, Cầu nguyện, chuyển ngữ, Giuse Phan Văn Phi, O.Cist., Nxb.. Đồng Nai, 2019, tr. 76-83.

[16]The value of persistent prayer is not that God will hear us, but that we will finally hear God” (William McGill) – Trích trong Mark Link, S.J., VISION, Praying Scripture in a Contemorary Way, Year A, RCL Publishing LLC, 8805 Governor’s Hill Drive, Suite 400, Cincinnati, Ohio 45249, 10th Printing. February 2014, tr. 75.

You May Also Like

Trả lời

X