LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI

Suy Niệm Thứ 3 Tuần XXIV Ga 19, 25-27

Lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi cũng gọi là lễ Kính Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ Maria.

  1. Nội dung: Bảy sự thương khó của Đức Mẹ Maria được liệt kê theo bản văn Thánh Kinh và Phụng Vụ như sau:
  • Lời tiên báo của ông Simêon (Lc 2, 34-35).
  • Di cư sang Ai cập (Mt 2, 13-15).
  • Chúa lưu tại Đền Thánh lúc 12 tuổi (Lc 2, 41-52).
  • Chúa Giêsu vác Thánh Giá (Lc 23, 26-28).
  • Chúa Giêsu chịu đóng đinh (Lc 23, 33-34) và cao đỉnh: Chúa hấp hối (Lc 23, 44-46).
  • Tháo xác Chúa xuống khỏi Thập Giá (Lc 23, 50-53).
  • Táng xác Chúa trong mộ (23, 53-56).
  1. Phụng Vụ: Qua phụng vụ Lời Chúa, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng nhau suy niệm: Với bài đọc thứ nhất trích thư Do Thái (5, 7-9), Thánh Phao lô trình bày: Chúa Giêsu đã nhận lấy thân phận con người và chấp nhận mọi đau khổ của kiếp người bằng cách tự hiến để trở thành lễ vật cứu độ muôn người. Qua giáo huấn của thánh Phao lô trong thư Do thái này, chúng ta nghiệm thấy:
  • Chúa Giêsu đã mặc lấy thân phận con người để chúng được trở nên đồng phận với Ngài trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
  • Chúa Giêsu đã dùng cái chết trên thập giá để bày tỏ vâng phục thánh ý Chúa Cha. Vì vậy, chúng ta cũng có thể dùng những hy sinh, hãm mình khổ chế trong cuộc sống để chứng tỏ lòng trung thành của chúng ta với Chúa.

Tiếp đến với bài Tin mừng theo thánh Gioan (19, 25-27) ghi lại cảnh Đức Giêsu chịu chết trên Thánh giá, có các chứng nhân đứng gần: “Thân mẫu Ngài, chị của thân mẫu, bà Maria Macdala và người môn đệ Chúa thương”.

Qua bài Tin mừng, Phụng vụ muốn chúng ta chiêm ngắm Đức mẹ đứng dưới chân Thánh giá Chúa để cảm nhận được ý nghĩa và giá trị những đau khổ của Đức mẹ.

Dưới chân Thánh giá, chúng ta thấy Đức mẹ là người gắn bó với Chúa, Đức mẹ cùng chia sẻ những đau khổ của con mình. Sự hiện diện của Đức mẹ Maria dưới chân Thánh giá đối với Chúa Giêsu vừa thông hiệp đau khổ vừa an ủi Chúa.

Dưới chân Thánh giá, Đức Maria đầy đau khổ đã trở nên Đấng đồng lao cộng khổ trong công trình cứu chuộc, là mẹ của Hội Thánh và là mẹ chúng ta.

  1. Trong tông huấn “Marialis cultus số 7” Đức Phao lô VI đã nói: “Lễ Đức Mẹ Sầu Bi là dịp rất tốt để sống lại thời kỳ quyết định của lịch sử cứu độ và để tôn sùng Đức mẹ đồng lao cộng khổ đứng bên cạnh con mình chịu treo trên thập giá.

Quả thế, từ khi nhận lưỡi gươm thiêng của cụ già Simêon trong đền thờ cho đến khi đứng bên thập giá của con, Mẹ Maria đã trở thành “Đấng tử vì đạo”, chứng nhân đức tin không đổ máu. Cuộc tử đạo kéo dài suốt cuộc đời Mẹ qua bảy chặng đường đau khổ cao siêu và chóp đỉnh đau khổ là thông phần cái chết của con trên thập giá.

Khi mẹ đón nhận lời thiên sứ truyền tin với lời thân thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”(Lc 1, 38) thì Mẹ cũng nhận lấy sự thông phần đau khổ của con để cứu chuộc nhân loại. Đau khổ của Mẹ thật mênh mông bao la khốc liệt, vượt quá sức chịu đựng của con người! Vì thế Mẹ càng yêu Chúa bao nhiêu thì sự thống khổ của Mẹ càng lớn lao bấy nhiêu.

Đứng bên Thập giá, Mẹ đứng vững vàng giữa khổ đau nổi sóng phũ phàng, như Chúa Giêsu dang tay trên thập giá giữa trời đất ngập máu thương đau sỉ nhục. Đức Giêsu đã tự ý nộp mình vào tay quân dữ thì Mẹ cũng tự nguyện dâng con mình làm hy tế cứu chuộc trần gian. Đức Giêsu trông thấy Mẹ và người môn đệ ngài ưu ái đứng bên cạnh. Ngài đã thân thưa với Mẹ rằng: “Thưa bà, đây là con bà, và bảo với người môn đệ: “Đây là Mẹ con” (Ga 19, 26). Lời trối ấy cũng là lời tuyên xưng đức Maria là Mẹ loài người, đã lôi kéo loài người đến bên Thập Giá mà Mẹ đã cưu mang và sinh ra trong đau khổ nơi cái chết của Chúa Giêsu, như công đồng Vaticanô II đã tuyên xưng: “Đức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với con một của mình và dự phần hy lễ của con với tấm lòng một người mẹ hết lòng ưng thuận hiến tế lễ vật do lòng mình sinh ra. Và cuối cùng, chính Chúa Kitô khi hấp hối trên thập giá đã trối Người làm mẹ môn đệ qua lời này: “Thưa Bà, này là con Bà”. Mẹ Maria đã cộng tác việc sinh nở và giáo dục với tình thương của một người mẹ đối với những người em của Đức Giêsu là trưởng tử do Mẹ sinh ra (LG 63). Vậy mọi Kitô hữu hãy tha thiết nguyện cầu Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người (LG 6).

 

Con thấy Mẹ trên đỉnh núi Can Vê
Đứng sát cây Thập Giá con hiến tế,
“Như linh mục trên bàn thờ dâng lễ
Dâng thánh tử Giêsu rất tốt xinh.
Xin Chúa Cha nguôi cơn thịnh nộ công bình
Con lạy Mẹ sầu bi chan chứa lệ,
Đau khổ nào sánh bằng đau khổ Mẹ
Mẹ dốc cạn cả dòng máu con tim
Cho chúng con khi còn chốn bình minh
Lạy nữ vương các anh hùng tử đạo.”

(trích cuốn các lễ Đức Mẹ Maria trang 108).

Lm Phê rô Khoa Lê Trọng Ngọc

You May Also Like

Trả lời

X