HÔM NAY ANH SẼ ĐƯỢC TRÊN THIÊN ĐÀNG VỚI TÔI
(Suy niệm Lc 23, 33. 39-42)
Chết, một từ dập tắt tất cả niềm vui, tương quan và hy vọng của con người. Thật đáng sợ! Thế nhưng cũng chỉ có một chữ đã kéo lại tất cả niềm hy vọng, niềm vui sống và sự hiệp thông đời đời cho con người, đó là Tin. Niềm tin ấy được cắm neo vào Đức Giê su, Đấng đã tuyên bố: “Hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với tôi”. Đây là Lời không chỉ con người mà toàn thể tạo thành đang quặn quại để được nghe. Nhưng làm sao để được nghe, làm gì để chung hưởng vinh quang với Chúa Kitô?
Bài đọc thư Roma nói rõ, nhờ Thần Khí, nhưng là Thần Khí của Đức Kitô. Chỉ có Thần Khí Nghĩa Tử của Đức Kitô, Thiên Chúa mới cho ta hưởng trọn quyền làm con, mà kẻ làm con thì được đồng thừa kế với Đức Kitô. Nhưng để cảm nhận được Thần Khí đang hiện diện trong chúng ta thì không dễ. Cần phải có hành động, các thánh tông đồ dậy: đức tin phải có việc làm, hay đức tin được sinh động bằng đức ái. Điều duy nhất minh chứng Thần Khí Đức Kitô đang ở trong chúng ta đó là chịu đau khổ với Đức Kitô. Và Phao lô quả quyết: một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người. Điều này chúng ta tìm thấy trong chính bài Tin mừng hôm nay. Một trong hai anh trộm, có thể gọi là anh trộm lành. Một đời chỉ sống bằng nghề ăn trộm. Nhưng anh đã gặp Đức Kitô cùng một cảnh ngộ như anh, hay nói đúng hơn là anh cùng cảnh ngộ bị treo trên thập giá như Đức Kitô. Đức giáo hoàng Phanxico nói: bất cứ ai để cho Đức Ki tô gặp gỡ đều được tái sinh. Anh đã nhận được ơn tái sinh đó là Thần Khí của Đức Kitô, nên anh đã tuyên xưng: “ ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông xin nhớ đến tôi”. Thế nên, anh là người đầu tiên đã được nghe câu: “hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với tôi”. Quả thực, dù một đời trộm cắp, nhưng giây phút cuối đời, anh đã được ân phúc trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng cứu độ cách trọn vẹn, trong mầu nhiệm tử nạn và phục sinh.
Hôm nay giáo hội cho chúng ta dâng ba thánh lễ để cầu nguyện cho những người đã qua đời. Những người mà theo niềm tin của chúng ta: họ đều chết trong Đức Kitô. Thực tế, không ai chết ngoài Đức Kitô. Chết trong Đức Kitô thì vẫn chưa đủ. Điều kiện đòi buộc là phải chết như Đức Kitô. Để chết như Đức Ki tô thì phải sống như Đức Kitô: đó là sống yêu thương, tha thứ và bác ái với mọi người. Bởi có sống như Đức Kitô mới có thể chết như Đức Kitô, đó là chết trong sự tuân phục Chúa Cha, chết để cho anh chị em được sống. Vì thế, chúng ta phải cầu nguyện cho chính chúng ta hãy cố gắng để mỗi ngày nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Và chúng ta phải tích cực cầu nguyện, dâng lễ, dâng những hi sinh của chúng ta mỗi ngày và biến những ân phúc ấy thành quà tặng cho các linh hồn nơi luyện ngục, để Đức Kitô chiếm lấy những người thân yêu của chúng ta đã qua đời, và làm cho các ngài được nên giống Đức Kitô trọn vẹn, và được nghe sớm nhất câu: “hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với tôi”; và được đồng hưởng vinh quang với Đức Kitô. Có nghĩa là được cùng với Đức Ki tô đồng bàn trong bàn tiệc mà Thiên Chúa thiết đãi muôn dân, như bài đọc I đã khẳng định: “Ngày ấy… Đức Chúa sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc”. và trong bàn tiệc ấy mọi người sẽ nhận biết: “ Đây chính là Thiên Chúa chúng ta… chính Người là Đức Chúa chúng ta từng trông đợi. nào chúng ta cùng vui mừng hoan hỉ vui mừng bởi được Người cứu độ”.
Cử hành thánh lễ cầu nguyện cầu hồn, không chỉ là cầu nguyện cho các linh hồn nhưng còn là một tiếng chuông thức tỉnh và làm trỗi dậy khát vọng thiên đàng nơi chúng ta. Đồng thời cho biết, chúng ta vẫn còn thời gian, còn cơ hội thanh luyện mình trong bổn phận hằng để được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô ngay từ hôm nay, và trong cuộc sống thực tại trần thế này. Như thế, cầu nguyện cho các đẳng linh hồn sớm hưởng phúc bên Chúa, cũng chính là sự chuẩn bị tốt nhất cho phần rỗi của chính ta; đó vừa là ân phúc cho người quá cố, vừa là ân huệ cho người còn sống.
Vậy chúng ta hãy tích cực dâng những hi sinh, việc lành và nhất là xin lễ cầu cho những người thân yêu đã qua đời mau về hưởng phúc vinh bên Chúa, và khi ở bên Chúa, các ngài chuyển cầu và chúc lành cho ta.
FM. Tùy Phúc Hậu