SUY NIỆM THỨ 4 TUẦN XXVII
LC 1, 26-38
- Bối cảnh: Năm 1573, Đức Grêgôriô XIII muốn đặc biệt kính nhớ chiến thắng Lépante 1571, đã truyền mừng lễ Mân Côi trọng thể vào Chúa Nhật đầu tháng mười tại các nhà thờ có hội Mân Côi và bàn thờ kính dâng Đức Mẹ Mân Côi. Năm 1888, Đức Lêô XII quyết định nâng lễ Mân Côi lên bậc nhất mừng vào ngày 7 tháng 10 và kính trọng thể vào Chúa Nhật đầu tháng mười.
Sau ngày 2-2-1974, Đức Phaolô VI, trong tông huấn: “Tôn Sùng Đức Maria” (Marialis Cultus) vẫn nhìn nhận lễ Mân Côi mừng ngày 7 tháng 10, vì lý do tính cách phổ quát và lịch sử, nên được coi thực sự là lễ của Giáo Hội (MC.8).
Vào ngày 13-10-1917 lần thứ sáu hiện ra tại Fatima, Đức Trinh Nữ Maria trong tư thế rất uy nghi, hai tay chắp lại và tuyên bố: “Ta Là Đức Bà Mân Côi”.
Như vậy, tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi cũng như việc tôn sùng Kinh Mân Côi đã được Đức Lêô XIII nhiệt liệt cổ võ, bày tỏ cho chúng ta biết Mẹ Maria đã tham dự tích cực mật thiết nhất vào các mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô: Từ các mầu nhiệm đời sống thơ ấu, công khai, khổ nạn và phục sinh cho đến các hiệu quả của ơn cứu chuộc mà Mẹ được thông phần vinh quang “Hồn xác lên Trời và được tôn làm Nữ Vương trời đất” (LG 55.59).
- Nội dung: mầu nhiệm Mân Côi là tóm lược Tin mừng bằng lời Tổng Thiên Sứ Gabriel: Kính chào Đức Trinh Nữ và lời bà Isave ngợi khen Chúa Giêsu trong lòng Mẹ và xưng tụng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, đồng thời suy niệm các mầu nhiệm nhập thể, cứu chuộc và phục sinh.
Tước hiệu Đức Mẹ Mân Côi, làm chúng ta tưởng nhớ đến người con của Mẹ: Chúa Giêsu là nguyên nhân mọi ân phúc và đặc ân Mẹ nhận được. Tất cả phải quy hướng về Chúa Giêsu: Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, trọn đời đồng trinh, hồn xác lên trời, bắt nguồn từ đặc ân “Mẹ Thiên Chúa”. Chính đây là suối nguồn mọi ân phúc và tước hiệu của Mẹ.
- Nhờ Mẹ mà đến cùng Chúa Giêsu: Thánh tiến sĩ mật ong Bênađô đã quả quyết: “Nói về Đức Maria không bao giờ đủ (De Maria nunquam satis)”. Nhưng cùng đích việc ca ngợi tôn kính Đức Mẹ đều quy hướng và đưa người ta đến cùng Chúa Giêsu (Ad Jesum per Mariam)”.
Quả thực, kinh Mân Côi có một sự quy chiếu rõ rệt về Chúa Giêsu Kitô, vì lời kinh nguyện theo Tin mừng được tập trung vào mầu nhiệm nhập thể cứu độ. Hẳn thực yếu tố đặc trưng nhất của kinh này là việc đọc đi đọc lại kinh Kính Mừng trở thành không ngừng ca tụng Chúa Giêsu Kitô, vì Ngài là đối tượng cuối cùng của việc Thiên Thần truyền tin và lời chào mừng của bà Isave “ Con lòng bà gồm phúc lạ” (Lc 1, 42). Chúa Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ, được nêu lên trong mỗi kinh Kính Mừng chính là Con Thiên Chúa và con Đức Trinh Nữ Maria, đã trải qua cuộc sống trần thế cho đến khi về ngự bên hữu Chúa Cha và cử Chúa Thánh Thần đến với Giáo Hội.
- Kinh Mân Côi và Phụng Vụ: Ngoài ra, kinh Mân Côi còn là một việc đạo đức hòa hợp cách dễ dàng với Phụng vụ. Thật vậy, cũng như Phụng vụ, kinh Mân Côi có tính cách cộng đồng, nó được nuôi dưỡng bằng Kinh Thánh và quy hướng về mầu nhiệm Chúa Kitô. Tuy rằng, ở hai bình diện khác nhau về bản chất: việc tưởng niệm của Phụng vụ và việc chiêm niệm hồi tưởng trong kinh Mân Côi đều có một đối tượng chung là những biến cố lịch sử cứu độ như đã thành tựu trong Chúa Kitô.
Phụng vụ làm cho những mầu nhiệm trọng đại nhất của công việc cứu chuộc nên hiện tại, và tác động một cách huyền diệu dưới những dấu chỉ.
Còn kinh Mân Côi thì nhờ chiêm niệm, mà tạo ra lòng yêu mến, giúp người cầu nguyện nhớ lại các mầu nhiệm ấy và khích lệ họ rút tỉa ra những quy luật cho cuộc sống. Như thế, chúng ta hiểu được rằng: kinh Mân Côi là một việc đạo đức múc lấy nguồn sống từ Phụng vụ và quy hướng về Phụng vụ (Marialis cultus 46-48).
- Kinh Mân Côi và Thánh Thể: Đức Lêô XIII, một trong những vị Giáo Hoàng đã viết 12 Tông huấn cổ võ phép lần hạt Mân Côi. Ngài nói: Kinh Mân Côi là dũng khí, là chủ lực của tâm hồn! Sức mạnh và hiệu lực của kinh Mân Côi đã được minh chứng trong lịch sử của Hội Thánh. Chính Đức Thánh Cha khuyến khích lần hạt Mân Côi trước Thánh Thể Chúa Giêsu trong tháng mười.
Tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể là tưởng niệm đến đỉnh cao tuyệt vời của tình yêu Đức Giêsu, Đấng vừa hy sinh mạng sống mình trên Thập giá để cứu chuộc trần thế, vừa hiến mình nên lương thực nhân trần. Thịt máu ấy chính là thịt máu người nhận được nơi cung lòng Đức Maria. Vì thế, thánh tiến sĩ Thomas Aquinô, trong thánh ca Ave verum đã viết: “Kính lạy Thánh Thể đích thực sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria! Đã thực sự chịu khổ nạn hiến tế trên thập giá vì loài người. Cạnh sườn Chúa đã bị đâm thâu để máu và nước chảy ra. Xin Chúa nên của ăn bổ dưỡng chúng con trong giờ lâm tử. Ôi Giêsu dịu ngọt! Ôi Giêsu nhân hiền! Ôi Giêsu con mẹ Maria.
Đọc Kinh Mân Côi trước Thánh Thể là thông hiệp vào sự sống với Chúa Giêsu Thánh Thể, con Đức Mẹ đồng trinh, giúp chúng ta hiểu biết sự hiệp nhất giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria, dẫn đưa chúng ta cử hành bí tích Thánh Thể tạ ơn hằng ngày một cách ý thức sốt mến hơn, như Đức Phaolô VI đã nói: “Việc suy niệm các mầu nhiệm trong khi lần chuỗi Mân Côi sẽ làm cho tinh thần và tâm hồn người tín hữu quen thuộc với các mầu nhiệm Chúa Kitô và có thể giúp chuẩn bị cử hành mầu nhiệm này trong Phụng Vụ” (Marialis Cultus 48).
Qua bài Tin Mừng thánh Luca tường thuật mầu nhiệm truyền tin với lời “Xin Vâng” của Mẹ Maria. Ngôi Lời đã xuống thế làm người… chúng ta cùng tha thiết nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu Chúa ban cho chúng ta hết thảy được noi gương Đức Maria luôn tín thác và vâng theo ý Chúa trong suốt cuộc đời. Amen.
LM PHÊRÔ KHOA- LÊ TRỌNG NGỌC