Thứ 5 Tuần I Mùa Vọng B
(1Cr 9, 16-19.22-23; Mc 16, 15-20)
Cùng toàn thể Giáo hội mừng lễ thánh Phanxicô Xaviê, vị thánh được phong tặng danh hiệu bổn mạng các xứ truyền giáo bởi một đời truyền giáo. Việc mừng lễ ngài và Lời Chúa hôm nay có đánh thức, thúc bách chúng ta lên đường truyền giáo không? Muốn truyền giáo chúng ta phải làm gì?
Loan báo Tin mừng là loan báo tình thương, ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho con người trong Đức Kitô, loan báo Đức Kitô đã chịu chết và sống lại. Như thế, rao giảng Tin mừng là loan báo Đức Kitô và Tin mừng cứu độ của Ngài. Muốn loan báo Tin mừng chúng ta phải được sai đi.
Được sai đi, động từ được sai đi ở đây không ám chỉ riêng tới những vị sứ giả như các tông đồ, các giám mục, linh mục hay tu sĩ nhưng là tất cả những ai đã được Rửa tội nhân danh Chúa Kitô, tất cả chúng ta. Khi được Rửa tội, chúng ta đã lãnh nhận sứ vụ truyền giáo: “này thầy sai anh em đi ”, thánh công đồng Vatican II xác quyết: truyền giáo là bản chất của giáo hội, bản chất của người kitô hữu. Truyền giáo ở đâu “ anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ”, có nghĩa là loan báo Tin mừng ở khắp mọi nơi không loại trừ vùng đất nào, nhưng cũng có nghĩa là ngay tại nơi chúng ta đang sống, đang làm việc(trường học, công ty…). Loan báo Tin mừng cho ai? Chúa nói “ Loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Mọi loài thọ tạo có nghĩa không chỉ con người mà muôn loài, tất cả những loài Chúa đã dựng nên. Điểm thứ hai để ra đi loan báo Tin mừng phải có tình yêu
Tình yêu: có nghĩa là chúng ta phải yêu, phải khát các linh hồn. Chúng ta chỉ khát các linh hồn khi ta ý thức được sự cao trọng của linh hồn con người. Linh hồn người ta cao trọng lắm, bởi được dựng nên theo hình ảnh của Chúa. Chính vì vậy, Thiên Chúa đã yêu đến nỗi ban Con Một xuống trần gian chịu chết để cứu linh hồn người ta. Thế nên, thánh Phao lô nói: “khốn thân tôi nếu tôi không loan báo tin mừng, ngài đã làm tất cả, làm mọi cách để cứu được một số người”. Điều này chúng ta thấy nơi thánh Phanxicô Xaviê mà hôm nay chúng ta mừng kính. Thánh Phanxico: được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích chi. Vì thế, ngài đã chịu chịu khổ gấp ngàn lần để cứu được một linh hồn. Vì vậy thánh Phanxicô Xaviê đã bôn ba khắp nơi để loan báo Tin mừng cứu linh hồn. Nhưng để cảm hóa con người của họ không phải là chuyện dễ. Cần có ơn trên.
Có quyền năng: Nó không chỉ gian khổ về lộ trình địa lý, về văn hóa hay ngôn ngữ, cam go hơn đó là việc chinh phục lòng người, làm sao để những người đó bỏ đi lối sống cũ, bỏ quan niệm sống của họ, bỏ lối sống phù phiếm để tin vào một Thiên Chúa, mà Thiên Chúa muốn họ phải sống cho xứng với phẩm giá làm con Thiên Chúa là sự thánh thiện. Bởi vậy những người truyền giáo phải là những người đầy quyền năng. Quyền năng này không do con người nhưng là chính Chúa Kitô ban. Vì thế, không chỉ sai các môn đệ đi, Chúa Kitô đã ban cho các ông quyền năng: “nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe”. Quyền năng này Chúa sẽ ban cách đặc biệt cho một số người để họ sống pha ngoài cánh đồng truyền giáo, nhưng Chúa cũng ban cho chúng ta ở một dạng khác mà ai cũng có thể thực hiện được và làm bất cứ lúc nào, đó chính là quyền năng của tình yêu, lòng bác ái và sự tha thứ. Tình yêu, lòng bác ái và sự tha thứ là một phép lạ cả thể được diễn ra hằng ngày, xem ra rất bình thường nhưng lại có một năng lực phi thường. Năng lực ấy không chỉ có khả năng biến đổi mọi tâm hồn trai đá mà còn có khả năng chữa lành mọi cõi lòng đang tan nát đoạn trường và ban sự bình an, sự sống cho mọi người.
Thánh phao lô đã nói: khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng. Ngài đã làm mọi sự để cứu thêm được một số người. Và thánh Phanxicô Xaviê: Tôi chịu khổ gấp ngàn lần để cứu được một linh hồn. Các ngài đã bôn ba khắp nơi để truyền giáo, các ngài đã thành công, còn chúng ta thì sao? Sứ mạng truyền giáo chúng ta đã nhận là một sứ mạng không có ngày nghỉ phép, cũng không có ngày hưu, nhưng là sứ mạng thực hiện cả đời, lúc khỏe cũng như lúc đau bệnh và bất cứ lúc nào: Là một học sinh hãy truyền giáo bằng sự trung thực trong học tập; Là một người công nhân hãy truyền giáo bằng lòng bác ái và sự thật; Là một người bệnh hãy truyền giáo bằng lời cầu nguyện, bằng lòng chịu đựng cơn bệnh cách vui vẻ vì Chúa và vì phần rỗi các linh hồn; Là một người chồng, người vợ hãy truyền giáo bằng đặc tính mà Thánh Phao lô khuyên: “ người làm chồng hãy yêu thương vợ như chính mình, người làm vợ hãy yêu chồng như chính mình…”; Là cha là mẹ cũng đừng làm cho con cái phải buồn, làm con hãy thảo kính cha mẹ”.
Vậy qua Lời Chúa và thánh lễ hôm nay xin Chúa cho chúng ta lòng khao khát các linh hồn và sự hăng say truyền giáo bằng đời sống yêu thương phục vụ và tha thứ cho nhau.
FM. Tùy Phúc Hậu