Suy Niệm Tin Mừng – Thứ bảy Tuần XXII Thường Niên A (Lc 6, 1-5)
Kỷ luật là khuôn mẫu và thước đo để rèn luyện con người. Trong bất cứ một cộng đoàn nào hay một xã hội nào, dù lớn hay nhỏ, cũng cần phải có kỷ luật hay quy luật để đảm bảo lợi ích cho cộng đoàn và từng cá nhân. Có câu nói: “Nếu không có cái thước thẳng, sao biết mình đã có chỗ cong. Đã không biết được chỗ nào mình sai thì làm sao biết sửa mình cho ngay ngắn được…” Luật được ban hành là vì con người, nhằm phục vụ công ích (x. GLCG 1951). Thế nhưng có những người sống vị luật đến mức mù quáng, cứng nhắc, làm nô lệ cho luật và đánh mất tinh thần của luật.
Ngay từ những buổi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã bị những người chức trách tôn giáo thời bấy giờ nhân danh lề luật chống đối ra mặt. Họ cho Ngài là phạm thượng, là chống đối, thường vi phạm luật ngày Sabát. Tin Mừng hôm nay Ngài còn bênh vực cho các môn đệ khi họ bứt lúa ăn trong ngày Sabát, là điều mà luật đã cấm. Chúa biện minh cho lỗi luật này là vì nhu cầu cần thiết: vì đói không phải giữ luật. Hẳn là các môn đệ đã đói lắm mới phải “bứt lúa, vò trong tay mà ăn”, tranh thủ ăn chút gì lót dạ. Hành động của các môn đệ cũng giống như vua Đavít xưa đã làm khi đói bụng. Nhu cầu cấp thiết của Đavít đã được đặt lên trên các luật lệ và qui chế (x. 1Sm 21, 1-6). Chúa Giêsu không bác bỏ lề luật nhưng Ngài cho thấy giá trị đích thực của luật là nhằm mục đích thăng tiến, bảo vệ sự sống và ơn cứu độ cho con người. Chúa cho thấy sự nổi trội của luật bác ái yêu thương. Nhu cầu của con người như là cơn đói và việc thực thi thương người là cái thậm chí còn vượt lên trên việc nghỉ lễ ngày Sabát. Trong khi những người Pharisêu thời bấy giờ đã làm lu mờ đi giá trị đích thật của luật, họ đắm chìm trong những luật lệ và qui tắc cứng nhắc của họ. Họ vẫn luôn cố chấp, luôn bắt lỗi và cho rằng Chúa Giêsu đã phá luật ngày Sabát. Họ không biết rằng, khi lề luật chối bỏ hoặc chà đạp những quyền cơ bản của con người, thì luật đó cũng xúc phạm đến chính Thiên Chúa.
Việc các môn đệ bứt lúa trong ngày Sabát chỉ là lỗi nhỏ, không mấy nghiêm trọng. Nhưng có một điều nghiêm trọng không hề nhỏ đó là thái độ của những người Pharisiêu. Họ đã rình mò, chỉ biết tìm cơ hội bắt bẻ người khác (x. Mc 3,2). Có lúc họ còn giăng bẫy Chúa Giêsu và các môn đệ. Những hành động ám muội như thế chỉ dành cho sự dữ, ma quỉ.
Qua tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho thấy phải ưu tiên chăm lo cho nhu cầu cấp bách thiết thực của con người hơn là cứng nhắc với những lễ nghi, qui ước con người bày đặt ra.
Người ta thường hiểu sai rằng Kitô giáo toàn chỉ gồm những luật lệ cấm đoán mà ta phải tuân giữ. Chúa Giêsu hôm nay cho ta thấy đời sống Kitô Hữu có những luật lệ nhưng đó là đôi cánh để đưa con người lên cao. Và Ngài cũng lên án những ai nại vào luật để bắt bẻ và lên án người khác. Trong khi luật nhằm giúp con người thăng tiến, vươn cao chứ không phải để đè bẹp. Luật để phục vụ sự sống và tự do chứ không phải nhằm bóp nghẹt con người. Trong cuộc sống người ta dễ rơi vào thái cực của những người lên án, tìm cách hạ bệ, loại trừ người khác, tẩy chay người khác, … vịn cớ là vì luật. Trong ‘cuốn canh tân đời sống thánh hiến’ có đoạn: “Chúng ta hãy thận trọng và đừng để những khiếm khuyết của tha nhân làm cho chúng ta mù loà, nên không thấy được những điều kỳ diệu mà ơn Chúa đã thực hiện nơi họ” (tr. 347)
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nêu cao tinh thần luật mới, là luật vì con người, ngay cả ngày Sabát cũng được Thiên Chúa lập ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sabát. Sách Giáo Lý số 1972 viết: “Luật mới được gọi là ‘luật yêu thương’ vì dạy ta hành động theo tình yêu mà Thánh Thần thông ban cho, hơn là vì sợ hãi. Luật mới được gọi là ‘luật ân sủng’, vì nhờ đức tin và các bí tích, chúng ta nhận được sức mạnh của ân sủng để hành động. Luật mới là ‘luật tự do’ vì giải thoát chúng ta khỏi những trói buộc về nghi thức và pháp lý cũ, giúp chúng ta hành động theo sự thôi thúc của đức mến…”
Chúng ta cùng cầu xin Chúa dạy chúng ta hiểu và tích cực sống giới luật Yêu Thương. Luôn biết đặt bác ái yêu thương lên hàng đầu cho mọi suy nghĩ và hành động của chúng ta.
Duy Khiêm