ƠN CỨU ĐỘ CHO NHỮNG AI NGƯỚC NHÌN LÊN THÁNH GIÁ CHÚA KITÔ

Lễ Suy Tôn Thánh Giá 14-9

( Ds 21, 4b-9; Pl 2, 6-11; Ga 3, 13-17)

Thánh Giá Chúa Ki tô là nguồn ơn cứu độ tràn tuôn, là bằng chứng tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Thánh giá đã được dựng lên, nhưng Thánh Giá ấy đang đợi chờ một điều gì đó, đang tìm một chỗ nào đó nơi con người. Vậy điều gì đó mà Thánh Giá đang đợi, đang tìm nơi mỗi người là gì?

Chúng ta phải khẳng định nơi Thánh Giá Chúa Ki tô là sự sung mãn của tình yêu và quyền năng, không hề thiếu một ân sủng nào. Tuy nhiên, Chúa Ki tô trên thánh giá đang tìm kiếm một chỗ để được dựng lên, chỗ ấy chính là lòng dạ của con người, của mỗi chúng ta. Nơi ấy, Thập Giá Chúa Ki tô không chỉ được dựng cao, còn cắm sâu vào lòng dạ, trong tâm trí mỗi người để thông ban tình yêu, ơn cứu độ cho họ.

Dù Thánh Giá đã có chỗ để được dựng lên, nhưng Chúa Ki tô vẫn đang chờ: chờ một cái ngước nhìn lên, một lòng tin, cuối cùng là lời tuyên xưng.  

Thứ nhất: ngước nhìn lên: bài đọc I, sách dân số cho thấy một bối cảnh đen tối dân đang phải gánh chịu- bị  rắn độc cắn- vì tội càm ràm, kêu trách Thiên Chúa, kêu trách người đại diện của Chúa và muốn tìm một lối đi khác. Nhưng tình thương của Thiên Chúa lớn hơn tội của con người, bởi vậy Ngài đã cho con người một con đường để sống đó là ngước nhìn lên, Thiên Chúa nói với ông Mô sê: “ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống”. Hành động nhìn lên không chỉ diễn tả lòng sám hối mà nói lên khát vọng được cứu. Nhưng khát vọng cần một hành động cụ thể đó là tin.

Thứ hai tin: Nhìn lên thập giá để cảm thông với một người có tội đã khó, phương chi là tin tử tội Giê su là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ duy nhất, thì khó biết bao. Điều xem ra nghịch lý với lôgic của con người, điều mà dân Do thái cho là nỗi ô nhục, điều mà người Hi lạp cho là điên rồ lại là phương thế Thiên Chúa dùng: “như ông Mô sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”. Như thế, thập Giá Đức Ki tô mãi mãi là nguồn ơn cứu độ cho tất cả tạo thành.

Cuối cùng Đức Giê su chờ đợi đó là lời tuyên xưng của chúng ta, bài đọc II, thánh Phao lô gửi tín hữu Philipphe viết: Để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giê su Ki tô là Chúa”. Nhìn lên và tin Đức Ki tô trên thập giá là điều kiện thiết, nhưng chưa đủ bởi đức tin không phải của hồi môn để chôn nhưng để sống. Thế nên, điều kiện đủ đó là phải tuyên xưng ra ngoài miệng, thánh Phao lô nói: “có tin thật trong lòng mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng mới được cứu độ”(Rm 10, 10).

Thập Giá Đức Ki tô, nguồn ơn cứu độ, là bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, Thập Giá ấy đã được dựng lên hơn hai ngàn năm, thử hỏi được mấy phần trăm dân số nhân loại ngước nhìn lên, tin kính và tôn thờ Ngài. Bởi thế, suy tôn Thánh Giá Chúa Ki tô không phải là xây một tháp thật cao để cắm thập giá trên đó, nhưng là cắm sâu thập giá vào tâm hồn mình và trồng được cây Thập Giá Đức Ki tô trong lòng anh chị em mình, đặc biệt nơi những người chưa hề biết Đức Ki tô là ai.

Là những người gắn đời mình với Thập Giá, chúng ta thử xem, Thập Giá Đức Ki tô còn đứng vững trong lòng ta không, có cái gì hay ai đó đã thế chỗ của Ngài, đã xô Ngài ra khỏi lòng ta. Vậy trong ngày suy tôn Thánh Giá, chúng ta cần thêm một chút xi măng của lòng mến để gắn chặt đời mình vào Thập Giá Đức Ki tô; cần thêm chút niềm kiêu hãnh như Phao lô: tôi không hãnh diện về bất cứ điều gì ngoài Thập Giá Đức Ki tô”. Có như thế, việc cử hành suy tôn Thánh Giá Chúa Ki tô hôm nay, không chỉ để lại cho Ngài một chỗ trong lòng ta và lòng dân mà là tất cả tâm trí, sức lực và lòng mến của ta. Và sẵn sàng làm mọi việc với mục đích duy nhất là tôn vinh Thập Giá Đức Kitô.

FM. Tùy Phúc Hậu

You May Also Like

Trả lời

X