Suy Niệm Thứ 2, XXIV TN Ga 3, 13-17
- Đôi nét lịch sử: Ngày 13-9-335 cung hiến đại Thánh Đường Anastasis do Hoàng Đế Constantin truyền xây trên mồ Đức Giêsu, đồng thời ngày 13 tháng 9 cũng là ngày lễ kỷ niệm việc tìm thấy Thánh Giá thật. Và hôm nay ngày 14-9 Thánh Giá thật lại được trưng bày trong Thánh Đường vừa mới cung hiến, để dân chúng lần đầu tiên đến kính viếng tôn thờ. Về sau lại được kết hợp Thánh lễ này với việc Hoàng đế Heraclius chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ và thâu hồi lại Thánh Giá thật vào năm 626. Thứ đến, thiết tưởng chúng ta cũng nên nhắc lại ý nghĩa của ngày lễ hôm nay như sau:
- Ý nghĩa ngày lễ: Lễ suy tôn Thánh Giá Đức Giêsu vào ngày 14 tháng hằng năm cũng liên hệ đến việc cung hiến trọng thể đền thờ phục sinh tại Gia Liêm đã được xây cất trên mồ Chúa Kitô (n. 335) với ý nghĩa như thư gửi giáo đoàn Do Thái : Giải thích lễ Hy-Tế của Chúa Kitô theo nghi lễ tế tự của ngày “Xá tội” hay Lễ lều (x. Lv 23, 27-34; Dt 9, 6-12; Ga 7, 37). Chúa Kitô đã dâng mình làm hiến lễ trên bàn thờ Thánh giá để xá tội cho muôn dân. Thánh giá đối với dân Kitô-Giáo là dấu chỉ hy vọng được vào Nước Trời, mà dân Do Thái lại mừng hy lễ ấy vào ngày Lễ lều. Điều đó ngụ ý: Thánh giá Chúa thật vinh quang! Vì thế, chúng ta phải hãnh diện về Thánh Giá Chúa Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Ngài mà chúng ta được cứu độ và giải thoát (xGa 6, 14). Nếu cây biết lành biết dữ đã trổ sinh trái gây sự chết cho Ađam và con cháu, thì cây Thánh Giá lại đem đến cho chúng ta hoa quả ban sự sống là Chúa Kitô. Nơi Ngài ta được cứu độ và được phục sinh. Quả thế, với bài Tin Mừng hôm nay, trong cuộc đàm đạo với ông Nêcôđimô, Đức Giêsu nhắc lại câu chuyện con rắn đồng nơi hoang địa thời xuất hành như trong bài đọc (Ds 21, 4-9). Từ đó Ngài mặc khải về tình thương của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi ban con một mình để những ai tin vào con của người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Đồng thời, khi nói đến tội lỗi của loài người, Đức Giêsu còn khẳng định: “Quả thật, Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ con của Người mà được cứu độ” (Ga 6, 17). Nghĩa là Thiên Chúa chỉ biết thương, chỉ muốn cứu độ, chứ không bao giờ muốn lên án hay trừng phạt ai cả. Chỉ có con người tự lên án và tự trừng phạt mình do thái độ ngoan cố của mình như trong hoang địa xưa, chỉ có những ai quá ngoan cố không chịu nhìn lên con rắn đồng thì mới phải chết mà thôi, Vậy Thiên Chúa luôn chờ đợi, chỉ cần loài người sám hối và ngước nhìn lên Ngài, nhìn lên Thánh Giá Đức Kitô là được an bình và giải thoát”.
- Tình thương của Thiên Chúa.
Thường tình, nếu ta thực sự yêu thương ai, thì dẫu người ấy làm điều gì sai quấy thì ta giận nhưng ta vẫn thương như một bài hát “giận thì giận mà thương thì thương. Điều đó càng đúng với Thiên Chúa. Thực vậy, lược qua Kinh Thánh, chúng ta nghiệm thấy:
- Chuyện Nguyên Tổ phạm tội đã khiến cho Thiên Chúa rất giận (nói theo kiểu loài người), Chúa đã tuyên án phạt ông bà. Dầu vậy, ngay sau đó, Ngài đã hứa ban Đấng Cứu Thế sinh bởi một người nữ (St 3, 15). Và như sách Sáng Thế miêu tả, Khi Thiên Chúa thấy hai ông bà xấu hổ lấy lá che thân, thì Ngài thương, lấy da thú làm áo cho họ mặc (St 3, 21).
- Rồi đến câu chuyện Cain đã giết chết em ruột mình, Thiên Chúa cũng rất giận, nên trừng phạt ông phải lang thang vất vưởng. Nhưng vì thương ông, Thiên Chúa đã ghi dấu trên trán ông, để bất cứ ai gặp ông thì không giết ông (St 4, 15).
- Khi nhân loại đã bao lần chứng kiến tình thương của Thiên Chúa mà vẫn phạm tội ngày càng nhiều hơn, đến nỗi Thiên Chúa phải cho cơn hồng thuỷ tiêu diệt họ. Dù vậy, Thiên Chúa đã cứu sống gia đình ông Nôê. Ngài dạy ông đóng tàu và khi gia đình đã vào tàu hết thì chính Thiên Chúa tự tay đóng cửa tàu lại (St 7, 16). Thiên Chúa vẫn luôn luôn yêu thương cứu độ, dù giận nhưng vẫn thương. Như bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Quả vậy Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian không phải để lên án … Ai tin vào con của Người thì không bị lên án… mà được cứu độ” (Ga 3, 16-18).
Xưa nay, chúng ta vẫn bị ám ảnh canh cánh trong lòng bởi nỗi lo sợ bị Chúa phạt, thì dựa vào Lời Chúa hôm nay, chúng ta cảm thấy an lòng, không còn lo sợ như thế nữa. Và để vững lòng trông cậy hơn, chúng ta nghiệm thấy những cách đối xử của Đức Giêsu trong các sách Tin Mừng: có nhiều người rất đáng bị lên án và quả thực họ đã bị người Do Thái lên án, nhưng phần Chúa Giêsu thì không bao giờ lên án họ, như người phụ nữ tội lỗi trong bữa tiệc tại nhà ông biệt phái Simon: “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7, 36-50); ông Giakêu (Lc 19, 1-10). Người phụ nữ ngoại tình (Ga 8, 1-11), và tên gian phi bị đóng đinh bên phải Chúa (Lc 23- 43). Quả thực, Chúa Giêsu đến thế gian là để cứu độ nhân loại chúng ta, ngài ban cho chúng ta rất nhiều cơ hội để được cứu, Ngài không phạt ai cả, chỉ những ai không chịu cho Ngài cứu, là tự phạt mình mà thôi. Chính Đức Giêsu đã quả quyết với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa đã sai con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ con người mà được cứu độ”. Nếu ngày xưa dân Do Thái đã tin tưởng nhìn lên con rắn đồng được chữa lành, thì ngày nay tất cả những ai tin tưởng nhìn lên Đức Giêsu trên Thánh Giá cũng đều được cứu độ. Thập giá là tột đỉnh của đau đớn nhục nhã, nhưng Thánh giá cũng là dấu ấn và minh chứng tuyệt vời của một tình yêu cao cả: Tình yêu của Chúa Cha đã trao ban Con Một yêu dấu! Tình yêu của Chúa Con đã hiến dâng trót cả mạng sống nên giá chuộc nhân trần.
Chúng con thờ lạy và suy tôn Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô vì chính Chúa đã dùng cây Thánh Giá mà cứu chuộc trần gian. Amen
LM Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc