LỜI KHẤN CANH TÂN DƯỚI ÁNH SÁNG TU LUẬT ,
HIẾN PHÁP VÀ DI NGÔN
DẪN NHẬP
Trích Sắc lệnh Dòng Tu “Perfertae Caritatis”
Việc canh tân cá nhân. Phần A: Những yếu tố chung
Số 5. Yếu tố chung cho mọi hình thức đời sống dòng tu.
Tu sĩ của bất cứ hội dòng nào cũng phải ghi tâm điều này: chính nhờ khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm nên mình đã đáp ứng ơn thiên triệu, vì thế, chẳng những phải chết đi cho tội lỗi (x. Rm 6,11), nhưng còn phải từ bỏ thế gian để sống cho một mình Thiên Chúa. Thực vậy, họ đã cung hiến toàn thể cuộc đời để làm tôi tớ Thiên Chúa và sự cung hiến ấy đã thực sự tạo nên một sự thánh hiến đặc biệt 5*, ăn rễ sâu trong sự thánh hiến của ngày chịu phép rửa tội, đồng thời biểu lộ sự thánh hiến này cách trọn hảo hơn.
Vì sự tự hiến ấy đã được Giáo Hội chuẩn nhận, nên họ phải biết rằng mình đã được ràng buộc vào bổn phận phục vụ Giáo Hội.
Việc phụng sự Thiên Chúa như thế phải hối thúc và nung đúc họ thực hành các nhân đức, nhất là đức khiêm nhượng và vâng lời, can đảm và khiết tịnh, nhờ những nhân đức ấy, họ tham dự vào sự tự hủy của Chúa Kitô (x. Ph 2,7-8) và đồng thời vào sự sống của Người trong tinh thần (x. Rm 8,1-13).
Vậy, các tu sĩ phải trung thành với lời khấn của mình và vì Chúa Kitô, từ bỏ mọi sự (x. Mc 10, 28). Ðể theo Người (x. Mt 19, 21) như một điều cần thiết duy nhất (x. Lc 10,42) nghe lời Người (x. Lc 10,39) và lo lắng đến những gì thuộc về Người (x. 1Cor 7,32).
Vì thế, tu sĩ của bất cứ hội dòng nào, trong lúc chỉ đi tìm một mình Thiên Chúa trên hết mọi sự, đều phải liên kết việc chiêm niệm với nhiệt tâm truyền giáo: vì nhờ chiêm niệm, họ kết hợp lòng trí với Thiên Chúa, và nhờ nhiệt tâm truyền giáo, họ tham gia công cuộc Cứu Thế và mở rộng Nước Chúa.
Bản văn được trích dẫn trên cho thấy Sắc Lệnh Dòng Tu nhắc lại cho các tu sĩ sự trung thành tuân giữ các Lời khuyên Phúc âm, đó là những yếu tố chính cho đời sống dòng tu.
Chúng ta là những người đi theo Chúa Ki tô, đón nhận Chúa Ki tô làm trung tâm cuộc đời. Cách riêng đối với những người đã khấn, việc theo Chúa thể hiện cụ thể qua các lời khấn Khiết tịnh, Khó nghèo, Vâng phục. Riêng dòng chúng ta có thêm hai lời khấn Canh tân và Bền đỗ.
Bài chia sẻ trong buổi tĩnh tâm hôm nay, trong sự giới hạn thời gian, xin chỉ chia sẻ xoay quanh Lời khấn canh tân, một lời khấn tác động sâu sắc đến các lời khấn khác. Đối với các anh em đã khấn, sẽ là một dịp ôn nhớ và canh tân đời sống. Với các anh em chưa khấn, cũng là dịp học hỏi những điều quan trọng cho đời sống dâng hiến mà anh em khao khát vươn tới.
Trong bài chia sẻ này, không là trình bày một thiên khảo luận to lớn, nhưng triển khai về Lời Khấn Canh Tân theo ánh sáng của Tu Luật, Hiến Pháp và Di Ngôn cha Tổ Phụ Biển Đức.
II.NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA LỜI KHẤN CANH TÂN – Tu luật chương 58,17: “Vậy khi gia nhập cộng đoàn phải hứa bền đỗ, canh tân và vâng phục”. Cha thánh Biển Đức đề cập đến lời khấn canh tân, nghĩa là lời khấn “tu sửa nếp sống”, “sửa đổi, tiến lên”.
Theo cha thánh Biển Đức, khi một ứng sinh vào dòng là người ấy làm một cuộc “trở lại”: “Con ơi, lắng nghe lời thầy dạy, nghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời cha hiền khuyên nhủ và thực hiện cho bằng được, để nhờ gắng công vâng phục, con trở về với Đấng con đã xa lìa vì ươn lười bất tuân.” (Tl Lời mở, 1-2).
Thánh Biển Đức coi cuộc đời người đan sĩ như một mùa chay (Tl 49,1), cho nên suốt đời người đan sĩ là một cuộc trở về hay trở lại. Do đó thi hành sám hối là đặc nét phải có nơi người đan sĩ. Hay nói cách khác, cuộc đời người đan sĩ là một cuộc trở lại, trở lại liên tục cho tới khi đạt tới mục đích cuối cùng là hoàn tất ơn gọi với cái chết.
Dựa theo tu luật thánh Biển Đức, cha Augustino Roberts đã cô đọng nội dung của lời khấn canh tân như sau: “Lời khấn canh tân bao hàm một tác động dâng hiến trọn vẹn bản thân, và kiên cường chiến đấu khắc phục những tiêu cực, để phát triển nhân cách theo tinh thần Phúc Âm.”
Có thể nói cách khác: khấn canh tân là tự buộc mình vươn lên không ngừng đến mức hoàn hảo ngày càng cao thượng và hoàn thiện hơn trong nếp sống đan tu, hầu xây dựng trọn vẹn Nước Thiên Chúa nơi thân xác cũng như nơi tâm hồn.
- Người đan sĩ cam kết sống đời tu trì theo những nguyên tắc và truyền thống đan tu, như được trình bày trong tu luật :
Có ý hướng tìm Chúa trên hết mọi sự.
Có tinh thần siêu thoát của Tám mối phúc thật.
Có thái độ dứt khoát đoạn tuyệt tất cả những gì trần tục, phù phiếm.
Muốn sống như thế, phải làm chủ nếp sống con người tự nhiên ( 1Cr 2,14: “Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ…),
khắc phục xu hướng buông thả, vươn lên đời sống siêu nhiên, thánh thiện. (Ta phải làm chủ con người tự nhiên, không bỏ nó được, vì phải ăn, ngủ, thư dãn… Nhưng không hủy diệt nó, không chiều theo đam mê nhục dục).
- “Đời tu” là đời “sửa chữa”, nghĩa là khắc phục những gì tiêu cực, để vươn lên nếp sống ngày càng hoàn hảo hơn, theo gương mẫu đời sống của Chúa Ki tô.
III. LÝ DO CỦA VIỆC LẬP LỜI KHẤN CANH TÂN
- Cần “đổi đời” không ngừng
Lý tưởng cao siêu của đời sống chiêm niệm đòi phải chiến đấu không ngừng. Buổi ban đầu mới vào dòng thường có “ơn sốt sắng ban đầu”. Qua thời gian nảy sinh nhiều khó khăn. Biết bao thử thách, cám dỗ trên đường. Sự chán chường do cuộc sống đơn điệu, người ta đặt tên cho nó là “con quỷ ban trưa”.
Để chữa trị căn bệnh này, cha thánh Biển Đức muốn linh động hóa cuộc sống đan sĩ bằng cách lập ra lời khấn canh tân; lời khấn này nhắc nhở các đan sĩ ý thức đời sống tu là một cuộc đổi đời không ngừng, một cuộc phục sinh từ cõi chết với Chúa Kitô.
Nếu ý thức điều này thì việc dâng mình cho Chúa sẽ hân hoan luôn, vì đời sống nội tâm lớn lên, sự sống thiêng liêng sung mãn.
- Đáp ứng nhu cầu của đời sống cộng đoàn
Cha thánh Biển Đức muốn đào tạo đan sĩ trong đời sống cộng đoàn. Ngài nhấn mạnh yếu tố cộng đoàn trong nhiều chương :
– Chương 3: Việc hội ý anh em.
– Chương 7: Đan sĩ không làm gì ngoài luật chung và gương lành của các bậc trưởng thượng.
– Chương 63: Thứ vị trong đan viện.
– Chương 71: Anh em hãy vâng phục nhau.
– Chương 72: Nhiệt thành sống tốt lành trong cộng đoàn.
Cha thánh Biển Đức khẳng định: đan sĩ cộng tu phải là con người rất mực kiên cường. Đan viện được trang bị đầy đủ về mọi mặt: vật chất, văn hóa, đạo đức… giúp đan sĩ nhiệt thành thăng tiến mau lẹ trên đường nhân đức. Nhưng cũng có thể có những đan sĩ ươn lười, thụ động, muốn yên thân, ích kỷ… hoặc giữ luật như cái máy, thiếu xác tín về đời sống thiêng liêng. Họ là những đan sĩ tầm thường, vô ích cho dòng, cho Hội Thánh.
- Chương 48: việc lao động, đọc sách. Nhắc nhở các đan sĩ tránh tính ươn lười, nhác lao động, lười biếng đọc sách, suy gẫm, lo những chuyện không đâu, tán gẫu, …
IV.NỘI DUNG LỜI KHẤN CANH TÂN
- Khía cạnh tích cực
HP Hội Dòng 105: “Khấn canh tân buộc các đan sĩ cố gắng mỗi ngày tiến tới và dùng mọi phương thế tu luật và hiến pháp đề ra để đạt tới đức ái hoàn hảo”.
– Tinh thần canh tân là thế nào?
Đan sĩ phải có ý hướng thật lòng tìm Chúa. Nói cách khác, là phải xác định cho mình một lý tưởng cao đẹp đúng đắn, gặp Chúa Ki tô, noi gương Chúa Ki tô, nên thánh thiện như Cha trên trời (Mt. 5,48 ).
Cha tổ phụ Henri Benoit là con người đầy tinh thần canh tân.
Di Ngôn 146, nói về việc xét mình:
Mùa Áp (mùa vọng), là đầu năm Hội Thánh. Chúng ta hãy bắt đầu lại. Bắt đầu một cách vui mừng, mạnh mẽ : ”Ecce nunc coepi, này đây tôi bắt đầu”. Chừa bỏ tội lỗi và tính hư thói xấu mình đi, hầu được lòng vui mừng mà rước Chúa Giêsu trong ngày lễ Sinh Nhật.
Vậy, phải xét mình lại, xem bấy lâu nay chúng ta ăn ở có giống Chúa Giêsu không ? Trí khôn chúng tôi suy xét, có phải vì Chúa không ? Mọi việc chúng ta làm, có phải làm cho Chúa Chăng ? Vậy, chúng ta hãy bắt đầu dọn mình lại cách vui mừng : trước không phải thì sau phải. (“Hằng ngày trong giờ cầu nguyện hãy khóc lóc than van, xưng thú cùng Chúa mọi lỗi lầm quá khứ ” (TL. 4,57).)
Năm ngoái trễ nải lôi thôi, rày hãy lo ăn năn chừa cải, và đừng xét đến nữa, vì là việc đã qua; bây giờ, hãy bắt đầu lại năm nay cho thật sự mà thôi.( . Ph 3, 13: “Tôi không nghĩ là mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước”.)
Thật, Chúa rất rộng rãi với chúng ta, không nói sao xiết.( “Chúc tụng Thiên Chúa, Đấng quyền năng thực hiện cho chúng con muôn vàn lần, qúa điều chúng con xin và nghĩ tưởng” (Ep 3, 20).)
Chúng ta dâng Chúa một chút, Chúa ban lại bằng mười bằng trăm. Chúng ta rán bước tới Chúa một chút, Chúa liền vội vã chạy lại bồng ẵm chúng ta vào lòng Người”.
BÍ QUYẾT NIỀM VUI theo DN 146:
Chúng ta hãy hỏi mình xem thử, ngày hôm nay chúng ta có làm gì cho được tấn tới chăng ?
Chúng ta hãy cố gắng. Ngày nào cũng phải làm ít việc chi dâng lên Chúa, cho linh hồn mình được tấn tới : khi thì chừa tính xấu, lúc lại tập nhân đức, lúc khác lại vui lòng chịu lấy sự khốn khó.
Nếu mỗi ngày chúng ta có làm được một việc chi, thì thấy trong mình thêm vui. Mà ngày nào cũng có việc mà làm, cho nên vui luôn. Còn như ở nhưng ở nể, không làm chi, thì chỉ thêm buồn.
Nhà Dòng là “TRƯỜNG HỌC TẬP LÀM TÔI CHÚA”, cho nên chúng ta ngày nào cũng phải tấn tới, thì ở nhà dòng mới vui.
Lý tưởng đời sống chiêm niệm là sống mối tình nồng thắm, sâu sắc với Chúa Kitô. Không ngừng trở về với nội tâm. Cần vận dụng các phương thế hữu hiệu để đạt đến lý tưởng, đồng thời phải hạn chế tối đa những chướng ngại, tiêu cực làm cản bước tiến chúng ta.
- Khía cạnh tiêu cực: khi nào lỗi lời khấn canh tân?
a-Trong ý định. Quyết định không tiến lên trong bậc trọn lành, với ý thức, tự do. Hiếm khi xảy ra.
b-Trong hành động. Hay xảy ra:
-Sao nhãng, không dùng các phương thế để tiến lên trên đường trọn lành.
-Không giữ luật dòng, hiến pháp, thói lệ, việc bổn phận.
-Coi thường lời khấn, luật thinh lặng, nội vi, việc đọc sách thiêng liêng, nguyện ngắm…
-Phạm tội mà không xưng, không chừa, không tránh dịp tội.
-Thói quen lỗi luật gây gương xấu.
-Lạm dụng nhiệm vụ, sống buông thả, giao du không cần thiết, đam mê phim ảnh, nhạc xấu, nghiện thuốc, rượu…
-Tình trạng trên xuất phát từ việc xao lãng bổn phận, thiếu cố gắng, thích an nhàn dễ dãi. Lười lao động, thích sống trưởng giả, xa hoa, thiếu hy sinh hãm mình, sống ích kỷ. Sống theo ý riêng, lỗi vâng lời dễ dàng. Nuôi lòng thù ghét, không tha thứ. Phạm tội nhẹ cách dễ dàng.
-Căn cứ vào đâu để biết là chưa phạm tội thành thói quen? –Là khi sai lỗi, ta liền hối hận, áy náy, tìm cách sửa mình, xưng thú.
V.PHƯƠNG THẾ SỐNG LỜI KHẤN CANH TÂN
- Sống sám hối, hoán cải nội tâm. Sám hối không chỉ là hối hận mà thôi, mà quay lại, “trở về”, canh tân, mặc lấy con người mới theo gương mẫu Chúa Kitô.
Cuộc đời của người đan sĩ phải là một cuộc trở về triệt để: “Con ơi, lắng nghe lời thầy dạy, ghé tai lòng con mà thuận tình đón nhận lời cha hiền khuyên nhủ và thực hành cho bằng được, để nhờ cố gắng vâng phục, con trở về với Đấng, con đã xa lìa vì ươn lười bất tuân” (Tl, Lời mở,1-2).
Cha thánh Biển Đức khuyên người nhập tu phải can đảm chỗi dậy và đáp lại lời kêu gọi của Chúa: “Hôm nay nếu các con nghe tiếng Người, các con đừng cứng lòng nữa” (Tl, Lời mở, 10). Cha thánh Biển Đức nói tiếp: “Nếu chúng ta muốn cư ngụ trong Vương Quốc của Người, mà không chạy mau trên đường hành thiện, thì không tài nào tới được” (Tl, Lời mở, 22). Người muốn vào Vương Quốc của Người “là kẻ bước vào mà lòng trong sạch” (Tl, Lời mở, 25).
Cha thánh Biển Đức khuyến cáo những người chậm trễ trong việc ăn năn trở lại. Người nói: “Nếu Chúa còn gia hạn cho chúng ta sống thêm ngày nào, chính là Chúa còn thương gia hạn cho chúng ta, là để chúng ta sửa chữa lỗi lầm, như lời thánh Phaolô nói: “Bạn không biết rằng lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa thúc giục bạn hối cải đó sao?’ (Rm 2,4)” (Tl, Lời mở, 36-37).
-Di Ngôn 43: “Chúng ta ai nấy lo xét mình, và có điều chi không phù hợp Phúc Âm, thì lo ra sức xa lánh”.
-Di Ngôn 146: “Trước không phải thì sau phải”.
“Năm ngoái trễ nải lôi thôi thì rày lo ăn năn chừa cải. Hãy bắt đầu lại năm nay… Chúng ta hãy hỏi mình thử xem, ngày hôm nay chúng ta có làm gì cho được tiến tới chăng? Chúng ta hãy cố gắng, ngày nào cũng làm ít việc chi dâng lên Chúa, cho linh hồn mình được tấn tới: khi thì chừa tính xấu,lúc lại tập nhân đức, lúc khác lại vui lòng chịu lấy sự khốn khó”.
2.Cầu nguyện. Nguyện gẫm.
Cầu nguyện có sức biến đổi con người trở nên tốt hơn. Không cầu nguyện thì cũng không canh tân.
DN 118: “Nhà này mà không cầu nguyện thì hóa ra là một nhà nông phu. Cầu nguyện là chính việc chúng ta. Thầy dòng phải là con người cầu nguyện. Cầu nguyện là thực sự gặp được Chúa cách thân tình như cha và con”.
Nguyện gẫm là phương thế phát triển đời sống nội tâm, sống thân mật với Chúa.
3.Xét mình. Tĩnh tâm
Xét mình để biết mình sai sót. Biết mình xấu thì mới sửa.
HP 125: “Tĩnh tâm giúp canh tân và bồi dưỡng tâm hồn mạnh tiến trên đường trọn lành. Vì thế, mỗi tháng tu sĩ tĩnh tâm một ngày, mỗi năm mười ngày”.
4.Đọc sách thiêng liêng
Đọc sách thiêng liêng, học hỏi Lời Chúa để tiến tới trên đường nhân đức. HP 126: “Lời Chúa là của nuôi tâm hồn chiêm niệm. Hàng ngày tu sĩ đọc sách thiêng liêng ít là 30 phút, ngoài ra tu sĩ còn tìm thời giờ riêng để học hỏi Lời Chúa”.
5.Các bí tích, đặc biệt bí tích Thánh Thể và bí tích hòa giải .
Siêng năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể và bí tích hòa giải.
HP 119: “Thánh lễ là trung tâm quy tụ mọi hoạt động của đời đan tu. Vì thế khi tham dự thánh lễ và hiệp lễ, đan sĩ liên kết việc tận hiến bản thân với hy lễ nhiệm mầu của Chúa Kitô, để dưới tác động của Chúa Thánh Thần, tôn vinh Thiên Chúa Cha, đồng thời thể hiện sự hiệp nhất huynh đệ”.
HP 123: “Nhiệm tích giải tội không những thanh luyện tâm hồn, nhưng còn ban thêm sức mạnh tiến bước trên đường trọn lành. Tu sĩ cần năng lãnh nhận nhiệm tích này”.
6.Giữ luật dòng
DN 84: “Lời khấn canh tân đòi hỏi ta cố gắng diệt trừ nết xấu, thủ đắc các nhân đức, không phải bằng bất cứ cách nào, nhưng bằng cách giữ tu luật và hiến pháp”.(Trích dẫn HP II do cha tổ phụ soạn thảo).
DN 137: Cha năng nói, muốn nên thánh phải giữ Luật Dòng, mà cha không nói sự giữ Luật trọn là một điều dễ làm, song thật một điều rất khó.
DN 150 LỜI TRỐI: Cha khuyên chúng con hãy nhớ : Đàng nhân đức là tuân theo Thánh ý Chúa, mà theo Thánh ý Chúa là giữ Luật dòng cho trọn. Cha còn nói một lần nữa : chúng con muốn nên thánh thì giữ luật dòng; muốn nên thánh, thì hãy giữ Luật Dòng
VI.KẾT
Lời cầu trong Kinh Chiều I Chúa nhật mùa chay: “Đời đan tu là một cuộc đổi mới triền miên trong cầu nguyện và hy sinh. Xin giúp các đan sĩ trong suốt mùa chay thánh này sống trọn vẹn ý nghĩa của lời khấn canh tân”.
Cuộc đời tu của chúng ta luôn ước muốn được đổi mới liên tục trong cầu nguyện và hy sinh. Khi không muốn đổi mới nữa cũng có nghĩa là dừng lại và đi thụt lùi. Dầu là người đã khấn hay chưa khấn canh tân, chúng ta cũng xin Chúa giúp “sống trọn vẹn ý nghĩa của lời khấn canh tân”. Chúa giúp nhưng chúng ta cũng cần nỗ lực học hỏi và thực hành canh tân.
Cha thánh Biển Đức đã triệt để sống lời khấn canh tân.Khi soạn thảo tu luật, ngài muốn đưa môn sinh đạt tới tột đỉnh đức ái, như ngài bộc lộ ở cuối chương 4 và chương 7.
(Ch 4,75-77): “Đó là những dụng cụ trong nghệ thuật thiêng liêng. Nếu ngày đêm chúng ta không ngừng đem ra sử dụng, và đến ngày chung thẩm, chúng ta tường trình lại cho Chúa thì Chúa sẽ ban cho chúng ta phần thưởng chính Ngài đã hứa: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người”.
(Ch 7, 67 ): “Khi đã lên hết các bậc khiêm nhường ấy, chẳng mấy chốc đan sĩ sẽ đạt tới lòng mến Chúa”.
Cha thánh Biển Đức đã đảm bảo cho chúng ta với sự xác tín, dựa trên kinh nghiệm cá nhân của Ngài.
Để kết thúc bài chia sẻ này, chúng ta cùng đọc lại Di Ngôn số 138: “Nhà dòng là trường học tập làm tôi Chúa”:
Trong các nhà trường, kẻ vào đó chính ý là học hành, cũng có đi đàng nhân đức song cốt ý cho được học hành. Vào đây không phải có ý ấy. Mà cũng không phải vào đây cho đặng làm vườn, làm ruộng. Một có ý vào đây cho được nên thánh mà thôi.
Trước hết, phải bỏ mọi sự đi đã, bỏ sự dữ là bỏ tính hư nết xấu. Chớ có ai nói rằng : tôi không có tính hư nết xấu. Phải biết mình là kẻ xấu. Phải nhận lấy và tin các lời Bề trên nói. Chớ nghĩ rằng các lời ấy là Bề trên nói cho ai, chớ còn tôi có đâu các sự ấy. Bề trên in trí rồi nói thế, chớ tôi có đâu. Không. Chúng ta có tính xấu, chúng ta kiêu ngạo, chúng ta chớ nói không có. Bề trên cũng phải lo sự ấy, anh em cũng phải giúp nhau trong sự ấy, là làm gương tốt cho nhau, giúp nhau.
Khi thấy anh em lỗi Luật rõ ràng, thì phải giúp nhau, hoặc thưa với Bề trên. Vì mình không thấy, anh em thấy, nên anh em chỉ cho, chúng ta phải giúp đỡ nhau. Nhà Dòng không có ý chi khác, chỉ có một ý giúp nhau tấn tới trong đàng kính mến Chúa, cùng làm cho nhiều người kính mến Chúa nữa. Đó là mục đích chúng ta, ai nấy phải lo cho được. Xin Chúa giúp chúng ta.
Câu hỏi gợi ý:
- Bạn đã sống canh tân như thế nào?
- Cha Tổ Phụ đã chỉ cho môn sinh “bí quyết niềm vui” (DN 146). Bạn thực hiện như thế nào?
Lm. Mai Thiện Trần Văn Dưng