Thứ 2 Tuần I Thường Niên B
(Dt 1,1-6; Mc 1,14-20)
Ngay khi bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Giê-su đã loan báo cho mọi người biết: “Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài” (Dt 2,10). Đồng thời, Ngài còn cho nhân loại nhận ra tình yêu và lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa trong chính bản thân Ngài. Bởi chưng, tác giả thư Do-thái đã xác quyết: “Ngài là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3). Vậy đâu là nội dung lời rao giảng của Đức Ki-tô? Và đâu là giá trị mang lại cho con người trong việc loan báo Tin Mừng của Ngài?
Sứ vụ loan báo Tin Mừng của Đức Giê-su trọng tâm là kêu mời mọi người đi vào mầu nhiệm tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Hơn thế, sứ điệp Tin Mừng của Ngài còn mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hồng ân cứu độ nhưng không mà Thiên Chúa ban tặng cho con người qua chính Con Một yêu dấu là Đức Ki-tô. Cốt tủy lời rao giảng của Đức Ki-tô là loan báo cho mọi người thấy rõ kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tình yêu cứu độ ngang qua chính Ngài. Và nội dung mà Ngài rao giảng: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15) .
Thời kỳ đã mãn, vậy đó là thời kỳ nào? Đó là thời gian cũ đã chấm dứt và giờ đây là một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hồng ân cứu độ. Bởi lẽ, cái cũ đã qua và cái mới đã tới đây rồi, do đó, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Chỉ khi Đức Ki-tô đến, Ngài mới giải thoát con người khỏi tội lỗi và phục hồi phẩm giá cho con người qua chính cái chết và sự phục sinh của Ngài. Thời cuối cùng, thời cánh chung đã tới; đó là thời Thiên Chúa ấn định để thực hiện và hoàn thành các lời hứa của Người. Thời Thiên Chúa trực tiếp nói với nhân loại cụ thể nơi Đức Ki-tô. Vì chưng, bài đọc 1 đã cho thấy: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2).
Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần: chính nơi Đức Giê-su, Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Triều Đại Thiên Chúa là chính Đức Ki-tô. Quả vậy, “Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14,17). Kỳ thực, Ngôi Lời đã làm người để cứu độ chúng ta và làm cho chúng ta được “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,14). Bởi lẽ, như thánh Athanasio đã nói: “Chính Ngôi Lời đã làm người, để chúng ta được trở thành những vị thần”. Mạnh hơn nữa, thánh Thomas Aquino xác quyết: “Con Thiên Chúa, bởi muốn cho chúng ta được tham dự vào thần tính của Người, nên đã mang lấy bản tính của chúng ta, để Đấng đã làm người, làm cho chúng ta trở thành những vị thánh” (SGL, số 460). Thế nên, “anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2,5-8). Như thế, sứ điệp Đức Giê-su mời gọi đó là: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Hôm nay, khi ngỏ lời với con người, Đức Giê-su kêu gọi và đào tạo con người mới bằng phương thế: “Sám hối và tin vào Tin Mừng”. Sám hối đó là thay đổi hướng đi, triệt để quay về với Thiên Chúa; thay đổi cái nhìn, thay đổi tâm tình và não trạng. Đồng thời, hối cải là từ bỏ tất cả những gì cản trở ta đến với Chúa, sám hối là quay về với Thiên Chúa, vứt bỏ con người cũ mà mặc lấy con người mới trong Đức Ki-tô Giê-su. Tắt một lời, sám hối là từ bỏ con người cũ để trở thành con người mới; còn tin vào Tin Mừng là sống một đời sống mới trong Đức Ki-tô Giê-su. Quả thực, bốn môn đệ đầu tiên được Chúa Giê-su mời gọi đã sẵn sàng từ bỏ gia đình, nghề nghiệp và mau mắn đáp lại lời mời gọi của Ngài. Đức Giê-su có một sức hút, một sự hấp lực cuốn hút người khác, bởi chưng, ngay vừa được mời gọi theo Người thì bốn môn đệ đầu tiên đã dám từ bỏ tất cả để bước theo Người.
FM. Gregorio Đỗ Thường Toàn