MANG VÀ HỌC NƠI CHÚA

Thứ 4 Tuần II Mùa Vọng

(Is 40,24-31; Mt 11,28-30)

Như dòng suối tuôn trào, thì “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16). Do đó, chúng ta hãy chạy đến nép mình bên Chúa, tựa vào lòng Ngài để được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Thế nhưng làm sao có được sự nghỉ ngơi bồi dưỡng ấy nếu không “mang và học nơi Chúa”. Quả thế, mọi sự tốt lành chúng ta nhận được đều do Chúa ban. Vậy chúng ta mang gì và học chi nơi Chúa? 

Chính nơi Thiên Chúa có cất giấu mọi kho tàng ân sủng và ơn thiêng. Thế nên, tất cả mọi người đều được mời gọi đến để kín múc và tận hưởng kho tàng ân thánh của Chúa. Vì chưng, như thánh Phao-lô xác quyết: “Bạn có là gì mà bạn đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7). Đồng thời, “nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu” (1Cr 15,10). Như thế, không ai có quyền ngăn cản hay áp bức người khác đến với Chúa để tận hưởng ơn Ngài tuôn đổ. Mà làm sao có thể kín múc và tận hưởng kho tàng ân sủng Chúa nếu không mang và học nơi Ngài. Chúa Giê-su mời gọi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ngài để Ngài cho nghỉ ngơi và bồi dưỡng. Thế nên, “anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Nhờ đó, “tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29).

Mang lấy ách của Chúa là một kiểu nói bóng. Ách của Chúa Giê-su chính là đạo lý Tin Mừng. Tin vào Thiên Chúa, vì “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”. Tin vào Đức Giê-su là suy phục Ngài, làm môn đệ của Ngài và được Ngài giáo huấn.  Mang ách của Chúa, “vì ách của Chúa êm ái, và gánh của Chúa thì nhẹ nhàng”. Êm ái và nhẹ nhàng vì đó chính là tình yêu. Quả thế, tình yêu thì luôn mang lại cho con người hạnh phúc và bình an. Tình yêu luôn sinh hoa trái và tràn đầy sức sống cũng như niềm vui. Hơn nữa, tình yêu luôn triển nở, lớn lên và đạt tới sự thành toàn viên mãn. Còn học nơi Chúa là sự hiền lành và khiêm nhường. Hiền lành là đem đến cho người khác niềm vui thánh thiện và bình an. Có ở hiền thì mới gặp lành. Có khiêm nhường thì mới lớn lên và đạt đích. Thực vậy, khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức. Nếu không khiêm nhường thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa. 

Như lời Ngôn sứ I-sai-a mời gọi: “Hãy đưa mắt lên cao mà nhìn: Ai đã sáng tạo những vật đó? Đấng trung ra toàn bộ đạo binh các tinh tú, Người gọi đích danh từng ngôi một, khiến không thiếu vắng một ngôi nào” (Is 40,26). Thế nên, “Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. Những người cậy trông Đức Chúa thì được thêm sức mạnh.” (Is 40,29). Quả vậy, “bạn có thức khuya hay dậy sớm, khó nhọc làm ăn cũng hoài công. Còn kẻ được Chúa thương dầu có ngủ, Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng” (Tv 127,2). Thế nên, khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thỏa thuê. Còn “ai tin tưởng vào Chúa, khác nào núi Xi-on chẳng bao giờ lay chuyển, muôn thuở vẫn trường tồn” (Tv 125,1). Bởi chưng, nếu không có Chúa thì chẳng có chi thánh thiện, chẳng có chi vững bền. Bởi chưng, một cơn gió thoảng là xong chốn xưa mình ở cũng không biết mình. Đồng thời, chúng ta phải luôn khiêm nhường đi với Thiên Chúa và hoàn toàn phó thác cho Ngài như em bé trong bàn tay mẹ. Như nhà Vịnh gia: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi. Đường cao vọng chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức chẳng cầu; hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình” (Tv 130,1-2). Duy chỉ mình Ngài mới là con đường đích thực và mẫu mực tuyệt hảo để mọi người dõi bước theo Ngài.

Qua đó, lời mời gọi như khuôn vàn thước ngọc mà Đức Ki-tô gửi trao mỗi người, nhất là những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ngài nghỉ ngơi bồi dưỡng bằng việc mang lấy tình yêu của Ngài và học nơi Ngài sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng. 

FM. Gregorio Đỗ Thường Toàn

You May Also Like

Trả lời

X