Thomas Merton đã nói: “Không ai là một hòn đảo”, vì con người luôn mang nơi mình xã hội tính. Không ai có thể học biết cách yêu thương nếu tách rời mọi người, và không ai có thể lớn lên, trưởng thành như một con người thực sự nếu chưa bao giờ yêu thương; nhưng cũng nên chân nhận rằng, thật không dễ dàng gì để luôn có một tình huynh đệ lý tưởng. Người ta thường nói: “Bá nhân bá tánh”, mỗi người là một cá thể độc nhất vô nhị nên cần và phụ thuộc lẫn nhau. Chính sự khác biệt này làm nên tính độc đáo của một nhân loại đa dạng nhưng liên kết với nhau. Bởi thế có câu thành ngữ: “Tứ hải giai huynh đệ”. Thế nhưng, tình nghĩa huynh đệ đó cũng bị bủa vây bởi những ‘bóng tối’ làm mờ nhạt, thậm chí có thể đánh mất mối dây liên kết. Thay vì mở ra để đến với người khác, nhiều người lại thu mình, có khuynh hướng co cụm vào trong chính mình và xây lên những bức tường ngăn cách.
1. Bức tường của việc không chia sẻ
a. Truyền thông trong thế giới hiện đại
Ngày nay chúng ta nghe nhiều về thuật ngữ “thế giới phẳng”, nó diễn tả sự phát triển toàn cầu hóa, thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết khi sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn trước[1]. Nhưng theo Đức thánh cha Phanxicô: “Khi xã hội trở nên toàn cầu hóa hơn, nó làm cho chúng ta trở thành những người hàng xóm, nhưng không làm cho chúng ta trở thành anh em. Chúng ta trở nên cô đơn hơn bao giờ hết trong một thế giới ngày càng đồng nhất đại trà cổ võ những ích lợi cá nhân và làm suy yếu chiều kích đời sống cộng đồng”[2]. Hệ quả là “tạo ra những hình thức ích kỷ mới và sự đánh mất cảm thức xã hội được ngụy trang bởi việc bảo vệ các quyền lợi quốc gia”[3]. Đức thánh cha diễn tả nó như là những bóng tối của một thế giới khép kín qua những ngăn cách của bức tường được xây lên trong lòng ích kỷ của con người qua việc không thể chia sẻ.
Để xây dựng tình huynh đệ, việc hiểu nhau là rất quan trọng, biết rõ điều này nên trong Văn kiện “Đời sống huynh đệ trong Cộng đoàn”, Bộ tu sĩ nhấn mạnh: “Để trở nên anh em, chị em với nhau, cần phải hiểu biết nhau. Để hiểu biết nhau thì điều rất quan trọng là phải truyền thông nhiều hơn và sâu sắc hơn”[4]. Ngày nay công nghệ thông tin phát triển vượt bậc giúp con người có nhiều cách để liên lạc với nhau. Nhưng thay vì giúp con người thời đại gắn kết với nhau, hiểu nhau hơn, nó đang tạo ra một kiểu sống ảo, kiểu sống hời hợt và thiếu tình huynh đệ sâu sắc.
Thời đại ngày nay giúp con người xích lại gần nhau về mặt không gian và thời gian, nhưng tương quan liên vị có nguy cơ bị giãn cách. Người ta ngồi gần nhau, tương tác với nhau nhưng thiếu tương giao huynh đệ. Trong “thế giới ảo” người ta kết bạn với hàng nghìn người, nhưng ít tìm thấy tấm chân tình bằng hữu huynh đệ.
Bởi thế, người ta tự tạo nên những bức tường để che đậy và phòng thủ. Đức thánh cha Phanxicô gọi đó là “nền văn hóa xây tường”, ngài nói: “Một lần nữa, chúng ta gặp ‘cơn cám dỗ xây dựng một nền văn hóa của những bức tường, xây tường lên khắp nơi, những bức tường trong trái tim, những bức tường trên mặt đất, để tránh gặp gỡ những nền văn hóa khác, những người khác. Và những người xây tường sẽ rốt cục trở thành nô lệ bên trong chính những bức tường mà họ đã xây lên. Họ trở thành những người không có chân trời, vì họ thiếu giao tiếp với người khác”[5].
Đức thánh cha Phanxicô gọi cách truyền thông ngày nay thật kỳ quặc[6]: Một đàng người ta khép kín những tương giao với người bên cạnh, đàng khác người ta kết nối với nhiều người trên mạng ảo. Ngài bảo: “Truyền thông kỹ thuật số cũng có thể đặt người ta trước nguy cơ nghiện ngập, cô lập và dần dần đánh mất sự tiếp xúc với thực tế cụ thể, chặn đứng sự phát triển các mối tương quan liên vị đích thực”[7]. Người ta liên kết với nhau qua mạng ảo nhưng lại rời xa thực tại và như thế dần dần sẽ mất đi “hương vị” của cuộc sống, không còn nhạy bén trong tương giao liên vị. Từ đó tạo ra một thế giới có liên kết nhưng thiếu tương giao, vắng cảm xúc, có chăng là chỉ những biểu tượng vô hồn được thay thế. Cách tương quan của con người trong thời đại số cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình huynh đệ trong các cộng đoàn tu trì, tạo nên mối tương quan nhưng không thúc đẩy, vun xới tình thân hữu. Thay vào đó là khuynh hướng che đậy và bành trướng chủ nghĩa cá nhân[8].
b. Bức tường ngăn cách tình huynh đệ cộng đoàn
Những người sống trong cộng đoàn cũng có thể mang những tiêu chuẩn của người thời đại để đo lường tình huynh đệ: kết thân với những người mình thích và tránh xa những người mà mình không ưa[9]. Điều đó tạo ra những bức tường vô hình làm tổn thương tới sự hiệp thông giữa các thành viên, đưa đến một cuộc sống khép kín, không thể chia sẻ cùng nhau. Đó là những bức tường “Berlin” được xây trong tâm hồn, làm ngưng đọng mọi giao tiếp. Theo cha Amedeo Cencini, một chuyên viên tâm lý và là nhà đào tạo tài ba đã viết: “Đối lập với cái tôi tương quan là cái tôi khép kín, sợ phải mở lòng mình ra và càng sợ hơn nữa khi phải trao phó bản thân cho người khác… Ngày nay trong bầu khí chung của sự bất ổn cảm xúc, không hiếm những người trẻ có thái độ phòng thủ vững chắc. Hình như họ muốn bảo vệ chính mình, và họ cảm thấy hết sức mệt mỏi khi để cho mình được đồng hành và khi phải lấy lòng tin mà cởi mở với người khác. Không hẳn là vì họ hay hờn dỗi và khó tiếp xúc. Đôi khi họ giao tiếp có vẻ thân thiện với người khác, nhưng thực chất thì họ không tin vào ai cả”[10].
Dường như cuộc sống chung ngày nay, nhiều người ít quan tâm tới sự vun đắp tình huynh đệ, lưu tâm tới nhu cầu chia sẻ đức tin của mình cho người khác và làm giàu nó bởi kinh nghiệm của anh chị em mình. Nhiều lúc sống cùng nhau, cùng cầu nguyện, cùng làm việc nhưng mỗi người sống theo ý mình, vun vén cho sở thích riêng tư, kể cả trong việc đạo đức. Điều này đồng nghĩa với việc đánh mất đời sống huynh đệ cộng đoàn: sống như “người ngoài cộng đoàn”. Nhiều người đang thiếu kinh nghiệm về đời sống cộng đoàn. Sống trong cộng đoàn có ích gì, nếu những kinh nghiệm tâm linh vẫn riêng tư mà không được thông truyền.
Cũng có những anh chị em không thể thông truyền kinh nghiệm tâm linh cho người khác bởi họ từng bị tổn thương nặng nề trong giao tiếp: họ đã không nhận được sự hiểu biết, cảm thông và tình thương, nên những lúc cần chia sẻ kinh nghiệm và tâm tư của mình thì họ tỏ vẻ ngập ngừng và che đậy. Mặc dầu, thực tế họ vẫn muốn, nhưng họ lại cảm thấy sợ hãi khước từ. Những trường hợp này cần sự khích để họ thấy được quan tâm, được lắng nghe những gì họ nói với cả tình yêu chứ không phải sự phán xét hay chỉ trích. Do những kinh nghiệm quá khứ, nên có thể họ cảm thấy rất khó để tin tưởng và yêu thương chính bản thân họ. Nếu không được quan tâm hướng dẫn, những người này có thể tự cô lập và tránh giao tiếp. Đây là điều tai hại trong đời sống huynh đệ cộng đoàn.
Sở dĩ có những bức tường được dựng nên, cánh cửa hiệp thông huynh đệ bị đóng lại là bởi chủ nghĩa cá nhân đang ngự trị. Trong Huấn Thị Đời sống huynh đệ trong Cộng đoàn, có đoạn viết: “Sự thiếu sót hay giảm sút truyền thông thường dẫn đến sự suy giảm tình huynh đệ; nếu chúng ta biết ít hay không biết gì về đời sống của anh em hay chị em mình, thì họ sẽ là người xa lạ với chúng ta, mối liên hệ sẽ trở thành vô danh, đồng thời tạo nên những vấn đề thực tế của cảnh cô lập và cô đơn. Một số cộng đoàn phàn nàn về phẩm chất nghèo nàn trong việc chia sẻ cơ bản những tài sản tinh thần: truyền thông chỉ diễn ra chung quanh những vấn đề và những khó khăn thứ yếu mà hiếm khi chia sẻ về những gì sống động và cốt lõi của hành trình thánh hiến. Những hậu quả này có thể tệ hại, vì lúc có kinh nghiệm thiêng liêng một cách vô tình sẽ mang mầu sắc cá nhân. Tâm trạng tự mãn trở nên quan trọng hơn; thái độ thiếu nhạy cảm với những phát triển của người khác và rồi dần dần người ta đi tìm kiếm những mối quan hệ có ý nghĩa ở bên ngoài cộng đoàn”[11]. Có thể nói phẩm chất của đời sống cộng đoàn được đo lường bằng mức độ tương giao giữa các thành viên. Thực trạng trong nhiều cộng đoàn tu trì ngày nay là: trong cộng đoàn vẫn thường thông tin cho nhau về những điều bên lề (giao tiếp mang tính xã giao hay là một chuỗi những chuyện phiếm), nhưng họ lại không chia sẻ những gì quan trọng trong cuộc sống thánh hiến. Thậm chí những tương quan cộng đoàn chỉ dừng lại ở mức độ vừa phải để tránh những chống đối trong tương quan liên cá vị, tránh đụng chạm đến những điều tế nhị của nhau. Do đó, cộng đoàn trở thành một điều thứ yếu và dường như không còn ảnh hưởng gì tới đời sống thánh hiến. Như thế sống trong đời sống cộng đoàn, nhưng mỗi người lại sống theo tính chủ nghĩa cá nhân. Lúc đó người thánh hiến có thể không sẵn lòng bày tỏ nhu cầu yêu và được yêu cho người khác, ngay cả có thể không dám chấp nhận nhu cầu sâu xa này của chính bản thân mình.
Với tình trạng này, lời khuyên của tác giả thư Do Thái thật cần thiết biết bao: “Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt. Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp, như vài người quen làm; trái lại, phải khuyến khích nhau” (Hr 10,24-25). Nếu lơ là trong việc quan tâm để ý đến nhau, giảm sút việc ‘truyền thông’ cho nhau thì lúc đó cộng đoàn tu trì chỉ còn là những con người sống bên cạnh nhau mà thiếu mối dây liên kết huynh đệ, dần dà sẽ nhiễm căn bệnh thời đại: bệnh vô cảm.
2. Căn bệnh vô cảm
Mặt trái đáng buồn của xã hội chúng ta ngày nay là con người đang dần mất đi tình yêu thương huynh đệ và thay vào đó là lòng ích kỉ, với trái tim lạnh giá, chỉ nghĩ cho bản thân, thờ ơ với những người xung quanh. Đó chính là biểu hiện của thái độ sống vô cảm, thiếu nhạy bén trước nỗi đau của người khác. Vô cảm không phải là bệnh lý của y học nhưng nó lại được nhiều người gọi là một căn bệnh. Đó là bệnh của cách hành xử, căn bệnh của lối sống, bệnh của tâm hồn có trái tim lạnh giá. Trước đây vô cảm chỉ là hiện tượng đơn lẻ nhưng ngày nay nó có dấu hiệu lây lan, trở thành căn bệnh mang tính xã hội. Con người thờ ơ với những vấn đề đang xảy ra trong xã hội, dù lớn dù nhỏ, coi như đó không phải là chuyện của mình, “sống chết mặc bay”.
Đức thánh cha Phanxicô đã hiện tại hóa dụ ngôn người Samaritanô nhận hậu bằng những câu chuyện thường ngày: “Một người nào đó bị tấn công trên đường phố của chúng ta, và nhiều người vội vã đi qua như thể họ không nhìn thấy. Có người lái ô tô đụng phải một người nào đó, rồi chạy luôn khỏi hiện trường. Mong muốn duy nhất của họ là tránh các vấn đề; họ không quan tâm sự việc rằng chính do lỗi của mình mà một người khác có thể chết. Tất cả những điều này là những dấu hiệu của một lối sống đang lan rộng ra bằng những cách tế nhị và đa dạng. Hơn nữa, do bận bịu với những nhu cầu của mình, việc nhìn thấy một người đang khốn khổ sẽ làm chúng ta cảm thấy bị quấy rầy. Nó làm ta thấy không dễ chịu, vì chúng ta không có thời giờ để phung phí cho những vấn đề của người khác. Đây là những triệu chứng của một xã hội bệnh hoạn. Một xã hội tìm kiếm sự phồn vinh nhưng quay lưng lại với đau khổ”.[12] Sự vô tâm thờ ơ với những điều diễn ra xung quanh cũng là những câu chuyện xảy ra hằng ngày trong xã hội Việt Nam: người ta có thể thản nhiên đứng nhìn kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu; người ta coi như không nhìn thấy kẻ gian móc túi trên xe buýt mặc dù việc đó xảy ra sờ sờ trước mắt; gặp nạn thay vì ra tay cứu giúp chia sẻ hoạn nạn với người ta lại nhân cơ hội đó để hôi của; học sinh bị đánh hội đồng, thay vì vào can thì lại lấy điện thoại quay rồi tung lên mạng; bệnh nhân cấp cứu được đưa tới bệnh viện thay vì cứu chữa ngay thì lại chờ người nhà làm thủ tục… “đầu tiên-tiền đâu”. Những câu chuyện đại loại như thế tràn ngập trên các phương tiện truyền thông.
Đức thánh cha Phanxicô đã đưa ra câu trả lời cho hầu hết các trường hợp vô cảm qua chuyện Cain giết em mình: “Cain giết em mình là Abel và rồi nghe Thiên Chúa nói: ‘Abel em ngươi đâu?” (St 4,9). Câu trả lời của anh ta là một câu trả lời mà chính chúng ta rất thường đưa ra: “Tôi là người giữ em tôi sao?”[13] Đó là dấu hiệu của căn bệnh vô cảm. Trước hết vô cảm là tập trung vào mình, là quá quan tâm đến bản thân, làm ta tìm cách đề phòng, gây nên những mối ngờ vực và cả một loạt những lý lẽ biện minh như một chiếc áo giáp mong manh để bảo vệ tính dễ bị tổn thương của mình. Đó là phạm vi cá nhân chủ nghĩa mù quáng, nại tới một thứ tự do cũng mù quáng để đẩy bản thân tới chỗ “tự vẫn” và khiến cho tình yêu thành trống không chẳng được đón nhận cũng chẳng được trao tặng.
Vấn đề vô cảm như một căn bệnh của thời đại. Vô cảm là kết quả của một lối sống thực dụng và người ta chỉ nhằm lợi ích cho mình. Khi lòng đạo đức suy giảm thì lòng quảng đại bao dung và sự giúp đỡ lại nhường chỗ cho vật chất và lợi ích cá nhân. Chính thái độ đó làm cho con người trở nên vô cảm và lạnh lùng với tất cả những gì xảy đến xung quanh mình. Đức thánh cha Phanxicô cảnh báo: chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng cùng với những tiến bộ ấn tượng của khoa học, công nghệ, y tế, công nghiệp và phúc lợi, thật là to lớn và có giá trị, vẫn có tồn tại một sự suy thoái đạo đức ảnh hưởng đến tương tác quốc tế, và một tình trạng suy yếu các giá trị tâm linh và trách nhiệm[14].
Thật nghịch lý khi xã hội càng văn minh, con người ngày càng có trình độ học vấn cao, biết nhiều thứ trên đời nhưng lại khó thông cảm và không hiểu cho nhau. Đức thánh cha Phanxicô viết: “Chúng ta cần nhận ra rằng chúng ta thường xuyên bị cám dỗ thờ ơ với người khác, nhất là những người yếu nhược. Chúng ta hãy nhìn nhận rằng dù với tất cả những tiến bộ mà mình đạt được, chúng ta vẫn “dốt đặc” trong việc đồng hành, săn sóc và nâng đỡ những thành viên yếu ớt và mong manh nhất trong các xã hội phát triển của chúng ta. Chúng ta đã trở nên quen với việc tìm con đường khác, bỏ đi qua, phớt lờ những hoàn cảnh cho đến khi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến mình”[15]. Người ta vô cảm với những người xung quanh vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân.
Sự vô cảm như một căn bệnh đang len lỏi khắp nơi, nó không chỉ diễn ra ngoài xã hội mà ít nhiều xâm nhập vào cả đời sống tu trì. Chúng ta cũng có thể bắt gặp sự bàng quan, những trường hợp sống thờ ơ không quan tâm đến những điều xảy ra trong cộng đoàn, trong Giáo hội hay trong xã hội: không quan tâm đến những anh chị em mình cùng đang sống; những người trẻ hơn không quan tâm tới những người lớn tuổi, hoặc những người lớn tuổi không còn quan tâm đến những người trẻ. Có thể nói, mọi tương quan khép kín loại trừ một người anh chị em, đều có thể nhốt con người vào cảnh cô độc không lối thoát, một hình thức của sự vô cảm.
Kết luận
Maxim Gorky, đại văn hào Nga đã nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Mặt tối của tình huynh đệ chính là những vùng bị che khuất làm lạnh giá con tim, là nơi “thiếu vắng tình thương”. Chúng ta không thể trao ban tình yêu huynh đệ nếu tách rời mọi người, cô lập mình với người khác bằng những bức tường vô hình: thiếu truyền thông, sự vô cảm…
Việc truyền thông có thể bị chống đối hay hiểu lầm, thậm chí bị xúc phạm. Nhưng khi có tình yêu đi kèm thì chính sự chân tình sẽ như linh dược chữa lành vết thương cho người khác. Khi một nỗi đau được bộc bạch và được đáp lại bằng tình yêu cùng sự cảm thông của người khác thì vết thương đó sẽ được chữa lành.
Người Kitô hữu, nhất là những người thánh hiến được mời gọi làm chứng cho một đời sống huynh đệ đích thực trong thế giới đầy những chia rẽ và hận thù, bằng sự tin tưởng lẫn nhau. Kinh nghiệm cho thấy rằng, khi chúng ta được tin tưởng và được yêu thương, chúng ta trở nên phong phú hơn. Có thể nói, sống tình huynh đệ chính là huyết mạch của chúng ta.
Trước bóng tối của tình huynh đệ trong thế giới ngày nay, người Samaritanô nhân hậu là tấm gương sáng ngời đem lại niềm hy vọng. “Đừng ấn định xem người ta gần mình mức nào mới được gọi là thân cận, nhưng đúng hơn chính chúng ta phải trở thành thân cận với tất cả mọi người”[16]. Mỗi chúng ta đều được kêu gọi xây dựng một cộng đoàn biết lắng nghe, đón nhận, nâng đỡ và quan tâm đến người bên cạnh bằng mối dây bác ái yêu thương và tin tưởng lẫn nhau.
Fr. Gioan Kim Khẩu
[1]x.https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%BF_gi%E1%BB%9Bi_ph%E1%BA%B3ng
[2] ĐGH Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti, 03.10.2020, số 12
[3] ĐGH Phanxicô, sđd, số 11
[4] Bộ Tu Sĩ, Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn – Vita fraterna in comunità, 2.2.1994, số 29
[5] ĐGH Phanxicô, sđd, số 27
[6] x. ĐGH Phanxicô, sđd, số 42
[7] ĐGH Phanxicô, sđd, số 43
[8] x. ĐGH Phanxicô, sđd, số 43
[9] x. ĐGH Phanxicô, sđd, số 47
[10] Amedeo Cencini, Tâm tình Chúa Con, hành trình huấn luyện đời sống thánh hiến”, Nguyễn Ngọc Kính và Nguyễn Văn Khoan (chuyển ngữ), NXB Tôn Giáo, 2012, tr. 241
[11] Bộ Tu Sĩ, sđd, số 32
[12] ĐGH Phanxicô, sđd, số 65
[13] Sđd, số 57
[14] x. ĐGH Phanxicô, sđd, số 29
[15] Sđd, số 64
[16] Đức thánh cha Phanxicô, sđd, số 80